Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 6)

PGS TS Cao Văn Liên

02/02/2024 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 6

3. Ai Cập trong đế quốc phong kiến Ottoman (1517-1851).

Sau khi đế quốc Hồi giáo Ảrập sụp đổ thì Ai Cập lại rơi vào ách thống trị của đế quốc Ottoman, một đế quốc lớn trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập và Bắc Phi[1]. Năm 1517 Ottoman hoàn thành việc xâm lược Ai Cập. Đất nước Bắc Phi rộng lớn này một lần nữa trở thành một tỉnh của đế quốc Ottoman cho đến khi bị chủ nghĩa tư bản phương Tây xâm lược cuối thế kỷ XIX.

Nhân dân Ai Cập không ngừng đấu tranh chống lại sự thống trị của Ottoman. Năm 1523 bùng nổ một cuộc khởi nghĩa lớn do quan Tổng trấn Ahmed Pasha lãnh đạo. Ông tự xưng là vua Ai Cập. Vương triều của ông chỉ tồn tại đến năm 1524 thì sụp đổ do ông bị đối thủ người Ai Cập sát hại. Ibrahim Pasha của Ottoman đã tổ chức lại việc cai trị Ai Cập. Vào những năm 50 của thế kỷ XVI đế quốc Ottoman đã khôi phục lại con đường mậu dịch quốc tế qua Ai Cập, làm bàn đạp cho đế quốc Ottoman xâm chiếm những vùng đất kế cận ở Bắc Phi.

Những năm 50, 60 của thế kỷ XVI binh lính yêu nước người Ai Cập trong quân đội Ottoman liên tục nổi dậy khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa năm 1586 do chính quan Tổng trấn Ai Cập lãnh đạo. Tất cả những cuộc khởi nghĩa đều bị đế quốc Ottoman đàn áp trong biển máu nhưng đã nói lên tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Ai Cập chống thế lực xâm lược nước ngoài. Trong những thế kỷ về sau, những yếu tố tư bản chủ nghĩa Tây Âu đang xâm nhập vào Ai Cập, trong đó có tư tưởng dân chủ tư sản. Những người cấp tiến trong giai cấp phong kiến đã tiếp thu những yếu tố tư sản, đưa Ai Cập vào xu hướng đấu tranh mới: Xu hướng tư sản. Bắt đầu từ năm 1805 trở đi Ai Cập ngày càng phát triển theo tiến trình độc lập khỏi ách thống trị của Ottoman khi chính đế quốc phong kiến này ngày càng suy yếu do sự can thiệp ào ạt của các cường quốc phương Tây, do chính sự lạc hậu thối nát của chế độ phong kiến gìa cỗi phản động lạc hậu nhất trong khu vực.

Người tiêu biểu cho phong trào đấu tranh đòi chủ quyền độc lập cho Ai Cập, thoát khỏi ảnh hưởng của Ottoman là Muhammed Ali. Ông là sĩ quan gốc Albania, sinh năm 1770 ở cảng Kavalla. Tháng 3 năm 1801, Ali đến Ai Cập với cương vị chỉ huy thứ hai của trung đoàn Albania của quân đội Ottoman, có nhiệm vụ chống lại quân Pháp đang bành trướng mạnh vào Ai Cập. Năm 1803 Ali trở thành tư lệnh của trung đoàn. Tháng 7 năm 1805 triều đình Ottoman chỉ định Ali làm Tổng trấn Ai Cập. Ali đã thiết lập vương triều ở Ai Cập. Vương triều này đang đấu tranh thoát khỏỉ ách thống trị của đế quốc Ottoman thì Ai Cập đã đứng trước nguy cơ xâm lược của đế quốc Anh và Pháp.

Anh và Pháp đều chỉ muốn một mình chiếm Ai Cập. Năm 1798 Napoleon Bonapar khi đó là tướng của Chính phủ đốc chính Pháp đổ bộ lên Ai Cập nhưng không thành công. Tháng 3 và tháng 9 năm 1807 quân Anh đổ bộ chiếm thành phố Alechxandria, chặn đứng bước tiến của quân Pháp. Ali đã đình chiến với quân Mamluk để chống Anh và Pháp nhưng sau đó Ali đã giết hại các nhà lãnh đạo, các sĩ quan Mamluk bằng cuộc thảm sát 24 đại biểu và 40 tuỳ tùng của họ trong một buổi hành lễ ở Cairo mà họ được mời tới dự. Căn cứ quan trọng của Mamluk là thượng Ai Cập cũng bị xoá bỏ. Với sự kiện này Ali thành người cai trị tuyệt đối ở Ai Cập.

Năm 1810 Ali mở chiến dịch Ảrập theo yêu cầu của triều đình Ottoman. Trong chiến dịch này Ai Cập đã tiêu diệt nhà nước Wahhabi Saudi, Ai Cập kiểm soát Hijaz đến năm 1840, kiểm soát biển Đỏ và nền thương mại bán đảo Ảrập.

Để tạo nguồn tài chính cho chính phủ, năm 1811 nhà nước tiến hành thu mua sản phẩm nông nghiệp với giá cố định thấp hơn giá thị trường và đem bán với giá qui định của nhà nước. Hệ thống này giúp chính phủ Ali chiếm được thặng dư của nông nghiệp. Tiếp đó, năm 1812 nhà nước qui định chính sách thu thuế đối với các nông trại.

Để có nguồn nhân lực giúp Ai Cập tiếp thu nhưng kiến thức của châu Âu, năm 1813 nhà nước cử những thanh niên tới học tập ở các trường châu Âu. Con số này lên tới 900 người vào năm 1819. Sau này họ là những giáo viên và những nhà quản lý thúc đẩy các chính sách, các định chế hiện đại trong nước. Chính quyền Ai Cập cũng bắt đầu chú ý áp dụng máy móc hiện đại trong sản xuất. Năm 1816 Ai Cập thành lập nhà máy dệt đầu tiên ở Cairo, máy móc và công nhân lành nghề được du nhập từ châu Âu. Tiếp theo nhà máy dệt, Ai Cập thành lập các nhà máy chế tạo trang thiết bị quân sự, chế biến nông sản. Các nhà máy cả nước đã sử dụng  30.000 công nhân. Đó là một phần trong chính sách của Ali sản xuất hàng hóa trong nước thay cho nhập khẩu. Tuy nhiên vào những năm 1830 nhiều nhà máy phải đóng cửa do khó khăn về tài chính, do cạnh tranh của Anh và Pháp. Ai Cập ngày càng lệ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa của Pháp.

Năm 1818 Chính phủ Ai Cập nâng cấp cảng Alechxandria. Nay cảng của thành phố nổi tiếng này là cảng tốt nhất Địa Trung Hải. Ai Cập đã cho đào con sông Mamudiyya nối Alechxandria với sông Nile đã cải thiện được giao thông của cảng này với nội địa. Thành thị cũng phát triển. Alechxandria trước là thị trấn nhỏ khoảng 15.000 dân. Trong những năm 80 của thế kỷ XIX đó thành một thành phố lớn thứ hai Ai cập, khoảng 200.000 dân.

(Còn nữa)

CVL

----------------------------

 3.  Xem TC nghien cứu châu Phi và Trung Đông số tháng 1-2009.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 6)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn