Nỗi nhớ lòng hồ

Dì Pig

25/02/2022 06:11

Theo dõi trên

Khi "dậu hoa" trên vai/ Em vẫy chào quê hương ở lại/Yên Bình ơi, nửa huyện ta/ Núi non sẽ trở thành sóng vỗ...

"Thuỷ điện Thác Bà phát điện rồi" là câu tôi nói nhiều nhất sau này trên đường Trường Sơn hành quân. Câu hỏi của các anh chị đi trước khi gặp gỡ đoàn Tân binh chúng tôi luôn là sự đổi thay của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tự hào lắm quê tôi.

nho-long-ho-1645744184.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

 

Nhà tôi ở dưới lòng hồ. Bố mẹ tôi không chọn di cư đến xã Văn yên bên kia sông cùng người làng mà đi sâu vào nơi đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Hoang vu và không được ô tô đưa đi, hầu hết đồ để lại.

Tôi buồn phải xa Long, thằng bạn chí cốt. Tôi nhớ làng tôi, làng những gia đình người Kinh từ xuôi lên lập nghiệp. Năm đến tôi ra đời và khi chuyển đi nhường cho Thuỷ điện tôi tròn 10 tuổi. Tôi nhớ cái Nhà Thờ bé xíu mà mỗi khi có Cha xứ về làm lễ tôi lại được ưu ái theo Cha. Kí ức của tôi là bố mẹ luôn "bất đồng" ý kiến, vì nếu mẹ nghe bố thì tôi đã thành Cha xứ rồi. Thật vậy, khi tôi lấy đũa làm "súng phốc" bố đánh mẹ bênh, vặt hết quả đay bắn súng thì mẹ mắng bố bênh. Nhưng có lần không ai bênh cả là khi tôi bắn vào... mông cô giáo, cái quần "phíp" mỏng chắc cô đau lắm, nhảy cả người lên, còn tôi cười toe toét. Ôi nhắc lại ghét thằng tôi quá.

Cái làng tuổi thơ ấy trong tôi đẹp lắm. Vườn nhà đầy hoa quả, những cánh đồng mênh mông, núi Chàng Rể xanh ngắt, con sông Chảy uốn quanh mà có lần tôi được một bác "phạm nhân" vớt lên vác chạy mấy vòng mới còn được sống đến bây giờ.

Nhà cạnh đường ô tô, bố tôi là người thợ đa năng khéo léo; bố biết chữa đồng hồ và là cơ duyên cho tôi một lần được ngồi lên cái xe máy của anh Tuyên ở phố Đồng Lạng, khi anh đến chữa đồng hồ, vẫn nhớ cảm giác vênh mặt nhìn thằng Long chạy theo... hít khói. Còn thường thì chạy theo xe anh là niềm vui khôn tả. Vui mấy thì đến đỉnh dốc "Trại phạm" hai thằng cũng phải thở hổn hển mà quay về. Đó là ranh giới không dám vượt qua vì sẽ bị trẻ xóm dưới bắt nạt.

Sau làng là núi Trà Mật, nhắc tôi nhớ cái "dó" mẹ quý như bảo bối, mang lên từ Nam Định quê hương, chỉ dùng để đựng thóc lúa ngô khoai khi hợp tác xã chia cho, đã không cánh mà bay khi hai thằng tôi có sáng kiến hái đầy "dó" quả Trà mật, chằng  buộc cẩn thận, lăn từ đỉnh núi xuống, hớn hở nghĩ mình khôn... và chịu không tìm thấy được nữa.

Còn chợ Ngọc cuối xã nữa, tên chợ đẹp vậy nghe nói là thời Pháp đã phát hiện nơi đây là mỏ đá hồng ngọc.

Rồi tất cả sẽ chìm trong biển nước. Rồi một công trình tiên phong của đất nước mọc lên, rồi ánh điện chói loà...Khổ mấy dân cũng đồng lòng.

Ngôi nhà năm gian cạnh đường lớn để lại nguyên vẹn, mẹ lặng lẽ quét dọn lần cuối. Gồng gánh lủng củng, nét mặt mẹ đầy nuối tiếc. Vừa đi vừa quay lại tôi vấp bật móng chân, khóc mếu máo mà chẳng ai dỗ. Hơn năm sau khi cuộc sống nơi mới đỡ bộn bề gian khó tôi rủ các bạn quay về nhà cũ. Nhà vẫn còn đó, trong vườn cây quả rụng đầy, thương nhớ lắm.

"Khỉ ho cò gáy nước giã gạo" là nơi gia đình tôi đến, cả bản có chín hộ người Tày. Bố tôi chọn mảnh đất đầy cỏ dại rồi tự làm nhà, bố là thợ mộc chứ các gia đình khác phải dỡ nhà đem theo.

Ở nhờ một gia đình người Tày, ngay hôm đầu tôi đã gây chuyện. Đó là sau khi ngắm cái cối nước tự động giã gạo một hồi tôi hiểu ra nguyên lí là dòng nước chảy vào cái máng ở đầu cần giã, kiếm cây gỗ nhỏ tôi chống cần cối lên và đúng là cối không giã nữa. Lũ gà chén sạch cối gạo và nếu bác chủ nhà không can bố thì hẳn là tôi đã được một trận đòn nhớ đời.

Nghỉ học một năm, khi dân di chuyển từ lòng hồ đến đông mới có trường để đi học, nhớ thằng Long, nhớ nhà cũ vô cùng nhưng tôi có bạn mới bằng tuổi, con bác chủ nhà và là người bạn tôi chẳng hề nghĩ là khác giới. Thân từ cái dắt bước chân run run của tôi leo chín bậc nhà sàn, rồi cái lần bị lợn rừng đuổi hai đứa ngồi trên cây Ngoã khỉ cả buổi chiều về mỗi đứa ăn mấy roi. Ở nhờ nhà nó tối rét quá nó còn rủ ngủ chung nữa... "bầy trẻ trâu tắm mát nơi thượng nguồn" là tôi và bạn ấy đấy.

Tôi bắt đầu quen với cách hú gọi nhau buổi sáng đi học. Kiểu gì cũng phải chờ nó, đi trước nó cầm cái gậy và thằng tôi cun cút đi sau vì phải qua nhà có bầy ngỗng rất đáng sợ. Thế mà tôi còn chẳng biết điều, trêu cái dáng váy ngắn đến đầu gối lắc lư trông đến buồn cười của nó.

Tôi còn hay trêu đến khóc một người bạn gái cùng lớp nữa mà giờ muốn quên cũng không được, vì bạn là... bà Thông gia, và vẫn hay nhắc lại.

Bom Mỹ dành toàn lực phá hồ Thuỷ điện, mặc nó phá ta kiên cường xây dựng, máy bay quần đảo trên bầu trời quê tôi. Trường cấp hai sơ tán về gần nhà, lần đầu tôi thấy sự lựa chọn của bố mẹ là đúng. Bốn xã chung một trường nên các bạn xã khác phải đốt đuốc đi học từ khi trời chưa sáng. Lên cấp hai là niềm vinh dự lớn hồi ấy. Với cái sự học chậm trễ như vậy, tôi vào cấp hai ở tuổi 15.

Không còn được nghịch ngợm như một đứa trẻ nữa, tôi đỡ mẹ việc Hợp tác xã. Đội sản xuất chỉ có ba thằng "thanh niên hoi" gánh vác việc nặng, còn toàn phụ nữ người già.

Tối coi kho để lấy thêm công điểm, tôi mừng lắm khi cùng ngủ với anh thương binh mới về. Nghe kể anh là lính Đặc công với những trận đánh "nở hoa trong lòng địch" mà tôi mê mẩn. Bao buổi tối tôi cố đến sớm trải rơm sẵn ra sân kho nịnh anh dạy võ mà anh nhất định không dạy, "để mày đi đánh người ta à?". Sau này tôi mới biết anh là lính vận tải, sao anh giấu chứ gian khổ có kém ai đâu.

Tôi còn là dân quân. Những xã trọng điểm có đường ô tô qua, có cầu đều thành lập khẩu đội dân quân trực chiến bắn máy bay tầm thấp. Lũ thanh niên mới lớn như tôi bốn đứa, tôi và Huy là pháo thủ số 1, hai bạn nữ pháo thủ số 2 là Huế và Thu. Anh Quyết cán sự Huyện Đội huấn luyện và trực tiếp chỉ huy chúng tôi. Trận địa trên đỉnh núi cao nhất xã, có hai khẩu 12 ly7. Ăn ngủ tại chỗ, thay nhau thức gác suốt đêm vì sợ có biệt kích. Mười ngày lại có tổ trực khác lên thay.

Chiều hôm ấy, khi đang tập với chiếc máy bay mô hình mà anh Quyết cắm trên ngọn nứa thì từ hướng Thác Bà hai chấm đen xuất hiện, hai chiếc máy bay lao thẳng vào trận địa của chúng tôi, tiếng động cơ to dần. Chúng hạ độ cao để tránh lưới phòng không, và hiện ra đen xì trong vòng ngắm. "Bắn... bắn đi chúng mày". Trời, khẩu lệnh quên hết, tôi lắp bắp, kéo mạnh cần khoá nòng rồi thả nhanh, tiếng "rốp" đanh gọn. Nheo mắt, bóp cò mà thấy hai vai mình rung bần bật, không biết súng rung hay gì nữa. Bắn hết thùng đạn cũng là lúc chiếc máy bay đến đỉnh đầu, ngoài tầm ngắm. Tiếng gầm rú đinh tai nhức óc. Nó bay qua rồi, nhìn xuống pháo thủ số hai thấy Thu bịt tai nhắm mắt nép vào thành ụ súng. Bên kia Huy vẫn còn bắn, hai chiếc máy bay xa dần. Hai thùng đạn lên trời vô ích, chúng tôi buồn tiu nghỉu. Khoảng 21 giờ, thật bất ngờ trận địa có khách, Huyện đội trưởng lên thăm: "Hôm nay các đồng chí bắn chưa trúng, nhưng tôi biểu dương các đồng chí đã dũng cảm dám bắn, chúc các đồng lần sau sẽ bắn cháy máy bay Mỹ ngay trên bầu trời quê hương". Ôi khó nói hết cung bậc cảm xúc... Sau đó 5 ngày, cả bốn chúng tôi được đứng trong hàng ngũ Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam (tên cũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), mỗi đứa được tặng 1 Bằng khen. Tự hào là những pháo thủ trận địa 12 ly7 duy nhất của Tỉnh nổ súng bắn máy bay Mĩ.

Khó tả lại được không khí sục sôi đánh Mĩ những ngày tháng ấy, nài nỉ mẹ, tôi nhập ngũ khi chưa tròn 16 tuổi. Tụi con gái "lớn" hơn mình sao ấy, tôi cầm chiếc khăn tay thấm nước mắt cô bạn bằng tuổi tặng ngày lên đường mà chẳng hiểu gì cả. Mang nặng trong lòng tôi chỉ có mẹ. Ba lần di cư, làm lại từ tay trắng, mẹ kiên cường. Tôi trở về sống cùng mẹ, nơi mảnh đất bố mẹ khai hoang bây giờ là Thị trấn, gần lắm lòng Hồ ắp đầy kỉ niệm tuổi thơ. Chỉ mấy cây số thôi là được ngắm mặt Hồ mêng mang mà lòng dâng lên nỗi niềm khôn tả.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi nhớ lòng hồ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn