Nuôi con thời bao cấp

Đặng Sỹ Ngọc

12/09/2021 16:29

Theo dõi trên

Chúng tôi lên đường đi bảo vệ Tổ quốc lúc còn rất trẻ, trình độ văn hóa chưa học hết phổ thông. Mới chỉ có sự nhiệt tình, sôi nổi của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương mà chiến đấu. Chưa có nhiều kiến thức sư phạm để duy trì, nuôi dạy con cháu trong gia đình về sau.

nuoi-con-thoi-bao-cap-1631438592.jpg
Đặng Thị Thương (bên trái) - con gái tác giả . Được bí thư Đỗ Mười đến thăm động viên nỗ lực vượt khó trong học tập tại trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội - 2001

Cuộc chiến chống xâm lược lâu dài gian khổ. Cả dân tộc có nhiều mất mát, hy sinh. Nhiều đồng đội phải bỏ lại tuổi trẻ ở khắp các chiến trường. Để lại trong mỗi người chúng tôi những giây phút bồi hồi, thương tiếc. Rồi cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của chúng ta thắng lợi. Chúng tôi được trở về với quê hương, có độc lập tự do, có tình cảm thiêng liêng đầy ấm áp. Song ở nơi nào trên tổ quốc Việt Nam cũng đều bị chiến tranh tàn phá. Nhiều người thân cũng bị bom đạn quân thù giết hại. Nhà cửa nhiều nơi không còn nguyên, sự đói nghèo thôi thúc chúng tôi lại tiếp tục ra tay cố gắng khắc phục xây dựng lại quê hương.

Có nhiều đồng đội trở về được làm quan chức theo sự phân công xã hội. Còn tôi đã trở thành thương binh. Về quê có mẹ, có người thân giúp sức củng cố mọi mặt. Trong đó họ vun vén cho tôi có hạnh phúc gia đình, dù đã là thương binh nặng. Sau ngày tổ quốc thống nhất, mẹ tôi vẫn làm cán bộ phụ nữ địa phương. Mẹ tự tin nói với tôi như ra lệnh trong một đợt tôi từ đơn vị điều dưỡng về thăm mẹ: Con phải lấy vợ, tùy con chọn, nhưng theo mẹ con nên lấy vợ cùng quê, cùng bộ đội và có nghề y để chăm sóc thương binh với cả mẹ già.

Thì ra mẹ đã (thực hiện hậu phương chiến dịch) cho tôi. Dù rằng các đơn vị nơi tôi đóng quân an điều dưỡng nhiều người cũng thương, cũng gán ghép nhưng tôi lại tự ti, mặc cảm, không muốn để một người phụ nữ nào phải khổ sở vì thương tật của bản thân.

Sau đó tôi thực hiện theo ý nguyện của mẹ. Mẹ đã cùng những người thân hai họ và các tổ chức xã hội của quê hương làm lễ thành hôn cho vợ chồng tôi. Vợ tôi là Nguyễn Thị Hồng Vân, kém tôi 5 tuổi, con ông bà Giáo cùng làng. Học hết phổ thông, cô xung phong gia nhập quân đội năm 1972, thuộc đơn vị bộ đội Trường Sơn với chuyên ngành quân y. Sau khi cưới cô phục viên rồi chuyển về bệnh viện tỉnh Nghệ Tĩnh.

Thứ tự các con tôi ra đời có 7 lần sinh thì 4 lần sảy. Nhiều người nói do tôi bị sơ nhiễm chất độc da cam ở chiến trường. Họ dục tôi khai báo để được hưởng bảo hiểm nhưng tôi nghĩ: Phải hi sinh đời bố để củng cố đời con. Nếu khai báo việc lấy chồng, lấy vợ của các con sau này chắc khó khăn.

Điều làm vợ chồng sợ nhất là tình trạng bao cấp sau chiến tranh. Sự nghèo đói và thiếu kiến thức sư phạm đã làm con tôi đến khổ cực. Vợ chồng cựu chiến binh chúng tôi biết có tội, lúng túng mà không biết sửa sai. Lương y tá của vợ cộng trợ cấp thương tật của tôi được 85 đồng (lúc đó ngân hàng còn dùng tiền hào). Cả nhà có sáu khẩu gồm: ba con, vợ chồng và mẹ tôi. Không đủ! muốn chi tiêu dè sẻn lắm hàng tháng phải có trên 300 đồng. Phần tích lũy không có, của hồi môn nội ngoại cũng chẳng có món gì, ở nơi núi rừng heo hút. Muốn mua thứ gì cũng phải tem phiếu từ gạo, thịt cá, đến chất đốt… Nguồn cung đã ít, nhà nước duy trì tiêu chuẩn hạn chế trong tem phiếu. Có khi có phiếu mà chẳng có hàng. Hết gạo họ bán khoai, sắn thay lương thực. Tình trạng đói nghèo đến xót xa. Tôi xin đơn vị an dưỡng về sống với gia đình để điều hòa kinh tế, đồng thời sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà sức của mình có thể làm được. Bắt đầu tôi nuôi gà, nuôi lợn trong khu tập thể của cơ quan. Việc giữ vệ sinh môi trường đã bị khống chế. Vốn ít nuôi ít, những ngày đông rét buốt tôi phải lội xuống ao hồ đầy nước nhức buốt vết thương để vớt rong bèo về nuôi lợn. Tinh bột cho người đã khó, lấy gì có cho lợn lớn nhanh. Vợ phải (đảm việc nước, giỏi việc nhà, đi sớm về muộn tất cả vì bệnh nhân) dinh dưỡng ít, có gì ngon dành cho con. Người gầy yếu, nguồn sữa trong cơ thể mẹ cũng hạn hẹp. Tôi xin hợp đồng với cơ quan nông sản xuất khẩu nhận lạc về bóc, lấy vỏ xay bột cho lợn.

Thời kỳ đó ngành giao thông công cộng miễn tiền tàu xe cho tất cả thương binh đi lại. Một số không ít đã lợi dụng chuyên buôn bán nông sản như đậu, lạc mà nhà nước khoanh vùng. Lúc đầu ít, sau thấy làm ăn được họ tăng dần số lượng. Các cơ quan chuyên trách thấy thương binh tàn phế và liều lĩnh cũng nể nang cho thông thương. Vậy là số người, số vụ, số hàng càng được gia tăng. Thậm chí buôn cả những loại hàng quốc cấm. Nguy hại hơn, một số cho những nhà giàu góp vốn tranh nhau mua bán vận tải từ xe lăn, xe đạp, xe ba gác, ô tô đến cả những toa tàu.

Vì sự thiếu thốn và thấy mọi người cũng làm được. Tôi đã bàn với vợ bán hai con lợn cho nhà nước. Góp vốn cùng thương binh Văn Hùng (anh bị cụt hai chân đến bẹn) dùng xe lăn của anh chở mỗi lần 100kg nông sản lên tàu (khoát nước theo mưa) đưa ra Hà Nội, Hải Phòng có người quen tiêu thụ, giá cả tử tế. Tôi thầm nghĩ: vì thương con mà phải tham gia chứ thực ra cả gia đình nội ngoại chưa ai buôn bán bao giờ. Nay tôi đang bị thoái hóa, biến chất bởi cuộc sống nhưng tôi luôn tự nhủ: phải an toàn, không buôn hàng quốc cấm, không bao che con buôn, không gây gổ và công thần. Chỉ mang hai ba lô nông sản gặp đâu xử lý đó. Vậy thôi nhưng đã có thêm quà lót dạ cho các con khi chúng đói.

Có lần tôi và Hùng mua đầy một xe xích lô hương vàng từ chợ Đồng Xuân qua đồn 10 công an Cửa Nam - Hà Nội. Cảnh sát bắt đưa vào đồn, họ giải thích đây là hàng phục vụ mê tín cấm lưu thông. Công an đọc lệnh tiêu hủy, tôi và Hùng xin mãi đến phát khóc vì chừng ấy thôi cũng là tài sản, vốn liếng cả hai gia đình. Hùng vừa khóc vừa lấy hai tay bước, đầu xuống dưới, hai chân cụt đưa lên trời chới với chạy theo xe như diễn viên xiếc. Nhiều người dân thương hại nhìn theo. Rồi cuối cùng công an cũng tha cho, nhưng chúng tôi phải ký vào biên bản hứa không được buôn bán loại hàng này nữa.

Việc buôn bán trên tàu xe cũng được vài năm. Khi các cơ quan chức trách thấy không ổn. Bị gây rối thị trường, mất an ninh trật tự nhất là ở những bến xe, bến tàu… Nhà nước đã thành lập đội liên ngành kiểm tra, hạn chế. Tôi trở về tìm công việc khác cho độc lập tự chủ để kiếm thêm. Thay vào đó tôi sử dụng chiếc xe đạp vĩnh cửu của Trung Quốc được quân đội cung cấp cho các sĩ quan là thương binh sau chiến tranh làm xe đạp lai. Rồi đổi xe Ba – Bê - Ta làm xe ôm và gặp việc gì tôi cũng làm. Làm cả việc bốc dỡ hàng hóa ở các bến xe.

Nhưng các con nhỏ của tôi vẫn đói, vẫn rét, nó vẫn khóc. Bà nội ru chúng bằng những câu kiểu, họ vè xứ Nghệ, mẹ nó ru chúng bằng những bài dân ca như bèo dạt mây trôi hoặc người ở đừng về; nghe êm ái chúng nó ngủ. Còn tôi khi vắng mẹ, vắng vợ tôi phải chăm, ru chúng bằng hát các ca khúc như Vì nhân dân quên mình hoặc "Anh vẫn hành quân". Nhiều lúc chúng nó ngoan, hiểu ý ngủ dễ bố yên lòng. Song cũng nhiều lúc chúng nó đói rét, hát mãi nó vẫn khóc tôi cục cằn, cáu tiết quát nạt thậm chí cho nó mấy roi vào da thịt non trẻ. Sau đó thấy máu thịt con mình thâm tím rôi ôm con cùng khóc. Mẹ và vợ tôi thấy vậy cũng khóc…

Đến nay hai bà nội ngoại của chúng không còn. Các con tôi vẫn vượt qua thời bao cấp gian khổ. Chịu khó nghe lời bố mẹ, chăm chỉ học tập ở lớp, ở trường rồi vào đại học, đã tốt nghiệp và có việc làm tin cậy, có gia đình, có đầy đủ gái trai nội ngoại cho vợ chồng tôi.

Nghĩ lại việc lo cho các con vươn lên biết sống thẳng đứng như những búp măng của các khóm tre bị bom đạn quân thù tàn phá, tôi cứ băn khoăn về kiến thức sư phạm của mình ít ỏi, các con bị xúc phạm và đói rách. Nay muốn được xin lỗi các con và thế hệ trẻ. Mong rằng muôn năm đừng có chiến tranh và bao cấp đến với đất nước của chúng ta nữa.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nuôi con thời bao cấp" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn