Cao Bằng: Tiếng chuông chùa nơi biên ải

Thành Nam/Đông Bắc

05/02/2022 21:04

Theo dõi trên

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc - được coi là ngôi chùa trấn ải vùng biên giới Đông Bắc, nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, Chùa còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, biên cương Tổ quốc.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa lạc trên diện tích gần 3ha tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Được khánh thành vào cuối năm 2014, ngôi Chùa tựa lưng vào núi Phia Nhằm, phía trước là ruộng đồng bát ngát... Xa hơn là núi non, rừng cây xanh thấp thoáng trong sương mờ thật nên thơ và thanh bình.

Dù nằm trên lưng chừng núi, khuôn viên chùa vẫn đầy đủ các hạng mục như Tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá, lầu tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, nhà Tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, Tăng xá... và đặc biệt là nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc, là nếp sống bao đời của tổ tông. Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc được xây dựng theo kiến trúc thời Lý - Trần. Phật tích là tên một ngôi chùa ở Bắc Ninh, Trúc lâm là thiền phái Trúc lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và Bản Giốc là tên địa danh ở đây”, Sư thầy Thích Đức Nghiêm, Quản lý chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc nói.

Đứng từ sân chùa, phóng tầm mắt để ôm trọn khung cảnh hùng vĩ của thác bản Giốc tung bọt trắng xóa, dòng Quây Sơn trong xanh cùng những ngọn núi trùng điệp như nối dài bất tận. Không chỉ có vậy, thiên nhiên còn ưu đãi cho vùng đất Trùng Khánh nhiều danh thắng với động Ngườm Ngao, làng đá Khuổi Ky và những ngọn núi vấn vít mây mù... Tất cả đều góp phần tạo nên sức hút kỳ lạ đối với du khách.

“Hàng năm vào những ngày Tết, em cùng gia đình lên chùa để cầu bình an cho một năm mới. Em nghĩ rằng ở sát biên giới mà có 1 ngôi chùa thế này rất là đặc biệt, mang đậm nét văn hoá tâm linh của người Việt mình. Đặc biệt khi ở đây, nghe tiếng chuông chùa khiến em cảm thấy rất nhẹ nhàng và bình yên”, chị Bế Thị Ngọc Nương, một du khách vãn cảnh Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc chia sẻ.

Điểm nhấn ngôi chùa là lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo được đúc bằng đồng nặng 1,5 tấn. Trên thân của chuông được khắc những câu thơ hào hùng của cố Giáo sư Vũ Khiêu:

“Tiếng chuông vang trên đất Việt Nam

Từ ngọn thác dạt dào Bản Giốc

.........

Qua muôn thuở vững vàng độc lập

Tiếng chuông trên mảnh đất anh hùng”

Đại hồng chung Thiên Bảo ngân lên giữa núi non hùng vĩ. Tiếng chuông vang vọng nơi biên cương mỗi sáng, mỗi chiều và thời khắc thiêng liêng khi đất trời giao hòa. Tiếng chuông Chùa cũng là lời khẳng định chủ quyền đất nước...

“Tiếng chuông vang lên vào thời khắc giao thừa, thời khắc giao hòa giữa đất trời và bước sang 1 năm mới, khi thỉnh chuông nghĩa là thức tỉnh nhân tâm của con người, phải biết làm lành lánh dữ. Cũng nhắc nhở bà con đặc biệt là bà con vùng biên giới siêng làm những điều lành. Khi mà tiếng chuông vang lên cũng đồng nghĩa rằng chúng ta còn chủ quyền, chúng ta đã giữ gìn bình yên bờ cõi”, Sư thầy Thích Đức Nghiêm, cảm khái.

Ông Trần Văn Phú, chủ tịch UBND xã Đàm Thủy cho biết, từ khi chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc được khánh thành, cuộc sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây càng thêm phong phú: “Chùa nằm trong khuôn viên của khu du lịch Thác Bản Giốc và từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh của xã Đàm Thủy thu hút rất nhiều du khách thập phương đến thăm quan, thưởng ngoạn. Đặc biệt là vào những ngày lễ tết, ngày mùng 1 hay 15 hàng tháng thì bà con nhân dân trên địa bàn xã cũng thường xuyên lên thăm chùa”.

Nằm ở vị trí có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mang những nét đẹp đặc trưng của chùa Việt Nam, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc là không gian vừa mang đến cho du khách cảm giác yên bình, vừa nhuốm màu từ bi hỉ xả trên con đường tu hành của Đức Phật. Nơi đây đã trở thành địa chỉ tâm linh mà ai đến Trùng Khánh cũng muốn vãn cảnh, thành kính thắp nén tâm nhang để cầu mong đất nước an bình trong không gian thiêng liêng nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc.

Bạn đang đọc bài viết "Cao Bằng: Tiếng chuông chùa nơi biên ải" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn