Tình yêu chưa phải là cổ tích

Đặng Sỹ Ngọc

21/08/2022 08:15

Theo dõi trên

Anh là Nguyễn Công Khang, sinh năm 1938. Chị là Hoàng Thị Liệu hơn anh 1 tuổi. Cả hai sinh ra trên mảnh đất làng Hạ của xã Hưng Dũng, nay gọi là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (Nghệ An). Nơi đây từng có phong trào yêu nước của giai cấp công nông tại nhà máy Trường Thi và phong trào vùng lên giành độc lập tự chủ của Nhân dân mà Bác Hồ đã từng ví như một “làng Đỏ" thời kỳ 30-31.

dsn1a-1661044401.jpg
Tác giả bài viết.

 

Thừa hưởng truyền thống yêu nước của cha ông, anh Nguyễn Công Khang với sức khỏe cân đối, lý lịch rõ ràng. Anh được tuyển vào quân đội chính quy trong thời bình ở miền Bắc Việt Nam (1958). Trong ba năm xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam, anh đã có phần đóng góp nhỏ mọn cho quân đội. Năm 1961 mãn hạn nghĩa vụ, mang quân hàm Trung sỹ, phục viên về quê sản xuất. Anh đưa giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn từ quân đội với chấp hành Đoàn xã, mang quân phục chinh tề, người cao ráo, đẹp trai, gặp ngay có Phó bí thư Đoàn đồng thời là cô xã đội phó Hoàng Thị Liệu - người bạn gái thân yêu đã tiễn anh lên đường năm xưa. Cả hai người bối rối, hút hồn nhau từ đấy.

dsn2b-1661044482.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Với tâm đức “bộ đội cụ Hồ", Khang tiếp tục được tập thể đoàn viên và bà con làng xóm tin yêu, bầu anh làm Bí thư chi đoàn, trung đội trưởng dân quân và Ban quản trị Hợp tác xã nông nghiệp. Nhận việc gì, anh cũng phát huy truyền thống quân đội Trung với Đảng, hiếu với dân..., việc gì cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thủ nào cũng đánh thắng". Và cũng chính thời gian này, anh vô cùng vinh dự, tự hào được kết nạp Đảng cùng người yêu là chị Liệu một lần hôm 30/12/1965.

Tình yêu của anh chị đầy màu hồng, càng nồng thắm. Mọi việc có thể hoàn thành nhanh chóng, chính xác. Đầu năm 1966, UBND thành phố Vinh điều anh lên làm ở Phòng nông nghiệp. Cơ hội chín muồi, anh chị tổ chức đám cưới. Đất nước lúc này đã có chiến tranh với giặc Mỹ ác liệt, nhưng đám cưới vẫn được bạn bè, nội ngoại và làng xóm đến chúc mừng đầy đủ.

Tháng 6/1968, chị Liệu có thai cháu đầu đúng lúc anh được lệnh tái ngũ. Được biên chế vào Trung đoàn 271 của Quân khu 4, đơn vị đóng ngay trong tỉnh, gần nhà, thỉnh thoảng khi anh lập được thành tích trong huấn luyện ví như bắn đạn thật đạt điểm cao, đơn vị khen thưởng cho anh tranh thủ về nhà vài ngày. Bởi vậy, đầu năm 1971, chị Liệu có thai cháu thứ hai. Tháng 11 năm đó, anh cùng đồng đội bí mật hành quân “xẻ dọc Trường Sơn" bổ sung cho Sư đoàn 9 tận miền Đông Nam Bộ. Chặng đường hành quân xa, phải đi bộ, thời gian gần 5 tháng mới vào được địa bàn hoạt động và anh phải tham gia chiến đấu ngay. Trận 7/2/1972 tại Thiện Ngôn, Sa Mát, Tây Ninh, anh bị thương gãy tay trái, đang điều trị thì phải chiến đấu trận tiếp theo vào ngày 11/9/1972. Lần này, anh bị gãy chân phải, đau quá, anh mê man. Đồng đội cáng anh đến K81, giao được cho đội điều trị thì vết thương anh đã nhiễm trùng, phải cắt chân đến gần khớp háng.

Việc vận tải từ miền Đông Nam Bộ ra miền Bắc lúc này vô cùng khó khăn. Anh phải chuyển qua miền rừng núi biên giới của nước bạn Cam pu chia và nước bạn Lào. Có đồng đội luôn bên cạnh chăm sóc, nhân dân các dân tộc miền núi và đồng bào hai nước ban giúp đỡ nhưng gian khổ, thiếu thốn khó khăn nhất, mãi đến tháng 9/1975 anh ra đến miền Bắc. Người anh xơ xác, héo mòn. Trọng lượng cơ thể lúc bắt đầu hành quân vào Nam là 64kg, về đến trạm chuyển thương ở Nghệ An, anh chỉ còn chưa đủ 20 Kg.

Về chị Liệu, 4 năm biền biệt xa chồng, không một nguồn tin anh. Chị vừa chăm sóc hai con, vừa công tác xã hội; sản xuất hợp tác xã, chị mong ngóng tin anh hàng ngày. Làng trên xóm dưới luôn có tin báo tử liệt sỹ, chị buồn phiền lo lắng, thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Cái hy vọng anh Khang trở về với vợ con là rất nhỏ, nhiều đêm chị không ngủ, âm thầm khóc.

Một buổi chiều cuối năm 1975, từ trạm chuyển thương (CT12) của tuyến giao liên cách nhà vài km, anh chống cặp nạng bởi chỉ còn một chân, sau lưng đeo ba lô con cóc, anh sừng sững bước vào thềm nhà. Chó sủa, các con nhìn sợ hãi. Chị Liệu giây lát bàng hoàng nhìn anh rồi chạy nhào ra ôm chầm lấy anh mà khóc. “Ôi, anh Khang ơi, anh đã về. Bố đã về các con ơi!”

Nỗi vui mừng của cả đại gia đình trào dâng. Bà con xóm làng đến chia sẻ. Sau đó anh được tiếp tục an dưỡng tại các trạm, trại thương binh. Năm 1993 anh được Hội đồng giám định y khoa TW xác định mất sức 81%, hạng 1/4, phải có người phục vụ. Cùng năm ấy, anh tự nguyện viết đơn xin đoàn an dưỡng 200, QK4 về an dưỡng tại gia đình cho gần vợ, gần con. Được chính quyền Hưng Dũng đón nhận như lúc tiễn anh lên đường. Bà còn khối xóm, nội ngoại yêu quý, anh chị luôn động viên nhau sống vui, sống khoẻ. Hàng ngày anh chăm sóc đàn gà để lấy trúng cùng mấy con gà nòi làm cảnh cho vui, chị chăm cây khế, giàn mướp lấy quả.... Anh chị luôn nhắc nhau sống vì mọi người, không hề so đo tính toán. Khi biết thành phố mở rộng con đường đi qua trước ngõ, anh chị đã thống nhất hiến dâng 500m2 đất cho quê hương, đã được báo chí tỉnh hết lời ca ngợi.

Năm 2003, anh chị được UBND phường và thành phố tặng ngôi nhà tình nghĩa khang trang. Năm 2006 chị Liệu mắc bệnh ung thư hiểm nghèo qua đời.

Nay anh đã ở tuổi gần 80, có 3 con gái, 1 con trai, đủ cháu nội, cháu ngoại quây quần quanh ngôi nhà tình nghĩa ấy. Gia đình luôn rộn ràng, đâu phải là chuyện cổ tích.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Tình yêu chưa phải là cổ tích" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn