“Ứng nghiệm thành đạt” - Tập Truyện ký đậm chất sử học gắn với đương đại

Mã Giang

06/09/2023 09:37

Theo dõi trên

“Quân Yên” (hay còn gọi là Quan Yên) tên trái núi  quê hương Bà Triệu - xứ Thanh là bút danh của Vũ Xuân Bân tác giả Tập Truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt” vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2023.

Tác giả Vũ Xuân Bân từng được bạn đọc và công chúng biết đến, mến mộ bởi Tiểu thuyết TƠ VÒ với bút danh Xuân Vũ cũng được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2018. Đây là tiểu thuyết đầu tay của tác giả phản ánh khá đậm nét về tham nhũng quền lực ở địa phương cấp tỉnh mà Nhà thơ Bùi Văn Dung nhận xét : “Tơ Vò” đến tay bạn đọc trở thành rầm rộ trong dư luận xã hội rộng rãi suốt năm 2019, 2020 và cho đến nay trở thành “hội chứng Tơ Vò”.

img-20230906-091427-1693967441.jpg

Tập truyện ký "Ứng nghiệp thành đạt" của Quân Yên (Vũ Xuân Bân) do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2023.

 

Tác phẩm xuất bản lần này của Quân Yên gồm 15 truyện ký phảng phất yếu tố văn hóa tâm linh, mang đậm chất sử học và triết lý nhân quả. Các truyện ký của Quân Yên đã thể hiện sự cảm nhận với tình cảm rõ nét về lịch sử thể hiện ngay trong truyện ký đầu tiên “Ứng nghiệm Sấm Trạng Trình” . Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân tài của nước ta thời phong kiến. Tài năng của ông khiến bốn thế lực phong kiến đương quyền khi đó phải nể phục tuân theo lời khuyên của ông (nhà Mạc, nhà Lê – Trịnh, nhà Nguyễn). Lời khuyên của Trạng Trình đối với nhà Nguyễn có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành địa đồ quốc gia Việt Nam hiện nay. Việc nhà Nguyễn di chuyển vào vùng Thuận Hoá tạo điều kiện mở rộng xuống phía Nam không chỉ cho Nguyễn Hoàng, cho Đàng Trong mà cho cả nước Việt, để có  bờ cõi cương vực đất nước ta hình chữ S như ngày hôm nay thể hiện tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

img-20230822-141713-1693967735.jpg
 

Chính vì vậy, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được sử sách lưu danh là nhà dự báo, mà như ngôn từ hiện nay là “hoạch định chiến lược” kỳ tài, coi ông là nhà tiên tri số một của nước Việt. Đáng chú ý nhất là trong Bạch Vân am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ “Cự ngao đới sơn” sáng tác cách nay hơn 500 năm theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt về chủ quyền của đất nước trên Biển Đông.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp thời gian gần đây, giới nghiên cứu ở Việt Nam đã nhiều lần nhắc đến hai câu thơ trong bài thơ “Cự ngao đới sơn” mang tính dự báo thiên tài của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

Bài thơ tuy đã 5 thế kỷ mà bây giờ càng đọc càng thấy vẫn rất thời sự, tưởng như Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay.

Không những vậy, bằng những tư liệu lịch sử được sâu chuỗi, tác giả Quân Yên đã rút ra bài học lịch sử về hai vị vua trong lịch sử Việt Nam trong truyện ký “Chết thảm vì con rể”. Đó là  An Dương Vương vào năm 179 trước Công nguyên và Triệu Việt Vương ngày 5 tháng Giêng năm Tân Mão ( 571 sau Công nguyên).

Cả hai vị vua này đều bị giặc truy đuổi tuẫn tiết ở cửa biển. Theo truyền thuyết , vua An Dương Vương tuẫn tiết ở cửa biển Mộ Dạ (Diễn Châu - Nghệ An). Còn Triệu Việt Vương  tuẫn tiết ở cửa biển Đại Nha, còn gọi Đại An, thuộc Nam Điền, huyện Câu Lậu,  hiện thuộc tỉnh Nam Định .

Câu chuyện về cái chết của hai vị vua tiền bối này đan xen giữ hai bi kịch mất nước và tình yêu. Chính bi kịch mất nước đã tạo nên bi kịch tình yêu và bi kịch tình yêu đã mở đường cho bi kịch mất nước. Cả hai tấn bi kịch của An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều từ mất cảnh giác, không nghe lời khuyên giải, can dán của các bậc trung thần để tình riêng lấn át tầm nhìn của một đấng minh quân, đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích quốc gia, dẫn đến kết cục bi thảm, “Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (Tố Hữu).

Không những vây, Tập truyện ký của Quân Yên còn giúp bạn đọc hiểu thêm những phát hiện mới về hậu kỳ Nhà Mạc cách nay gần 400 năm trong “Khám phá bí ẩn đồi Diệm Xuân” ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); gợi nhớ về “Báu vật của làng” Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ đang bị mai một, đó là những cây gạo cổ thụ; những điều rút ra từ “Hương cổ làng Mỹ Lộc”. Tác giả còn nhắc nhớ tri ân bậc tiền nhân “Thái sư Á vương Đào Cam Mộc”; “Không được lãng quên” những người có công với nước như Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Nhạc; ngợi ca nét tài hoa của cố Nhiếp ảnh gia Nguyễn Chính và Thi sĩ Bùi Văn Dung là cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là tác giả hai bài thơ nổi tiếng được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc “Gửi nắng cho em” (tháng 12 - 1975) và “Con kênh ta đào” (sáng tác tháng 6 - 1976, phổ nhạc mùa hè năm 1977) đã trở thành ca khúc đi cùng năm tháng rất đỗi thân quen với công chúng.

Qua Tập Truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt” chứng tỏ tác giả Quân Yên là người đi nhiều khắp ngoài Bắc trong Nam, viết nhiều thể loại báo chí, văn học. Ông từng là phóng viên  chiến trường khóa GP 10 của Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) với những gắn bó sâu đậm về “miền Đông Nam Bộ gian lao mà anh dũng” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước với những ký ức “Nhớ Mã Đà sơn cước - Chiến khu D” mà năm 1974 khi đó ông 24 tuổi từng hai lần hành quân qua nơi đây đều bị sốt rét, chứng kiến sự hy của nhiều cán bộ, chiến sĩ ở vùng đất đỏ miền Đông trước ngày giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975. Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, tuổi đã U80, tác giả có dịp trở lại “địa chỉ đỏ” này thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mã Đà (Đồng Nai); mới có dịp trở lại Đồng bằng Sông Cửu Long để viết về “Đặc sắc Chợ nổi Cái Răng” thành phố Cần Thơ. Rồi tác giả  có dịp về đất Mũi Cà Mau, mảnh đất tận cùng của đất nước với hiểu biết sâu sắc về lịch sử được thể hiện trong truyện ký “Nghĩ về một thuở cha ông đi mở cõi”. Truyện ký này đã khái quát công lao của cha ông thuở trước: “Từ năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng rời  kinh đô kháng chiến Vạn Lại - An Trường (Thanh Hoá) đi mở cõi vào Đàng Trong (mùa hạ 1558) đến nay (tháng 9 - 2023) là 465 năm. Biết bao mồ hôi, xương máu trải dài theo dãy ‘Hoành Sơn nhất đái’ và Trường Sơn hùng vĩ đã  đổ xuống  mảnh đất này. Đó là một bản trường ca hùng tráng về tâm hồn và khí phách của không biết bao nhiêu thế hệ người Việt đã biến mảnh đất hoang vu này với phẩm chất, tinh thần cao quý được kết tinh lại ở con người nơi đây. Nó bổ sung, làm rạng rỡ thêm nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt, không chỉ được tiếp nối mà còn luôn luôn được nâng cao và đổi mới, phát triển. Điều đó cũng thể hiện tâm hồn rộng lớn, đầu óc thông minh và tài năng sáng tạo của con người Việt Nam qua bao năm xây dựng và bảo vệ, phát huy khí phách anh hùng, tinh hoa truyền thống đoàn kết toàn dân tộc để có sức mạnh tổng hợp chống chọi với thiên tai và giặc ngoại xâm, khai thác, bảo vệ  mảnh đất phương Nam đầy khó khăn, thử thách, trở thành trù phú như ngày nay”.

Tác phẩm mới xuất bản của Quân Yên còn hấp dẫn bởi các truyện  ký như “Thành đạt”, “Quan mượn”, “Khó thoát” khắc họa đôi nét “lạm dụng quyền lực” của một số cán bộ thoái hóa, biết chất ở địa phương chỉ nhăm nhe vun vén làm giàu bất chính, gây bức xúc dư luận xã hội. Nhân vật “Lý Tân” trong “Thành đạt” chính là “Lý Thông” thời a còng (@). Từ gần gũi, sống chan hoà với mọi người xung quanh nhưng từ khi có quyền lực trong tay thì hắn vênh váo, khệnh khạng, trở thành kẻ có lối sống “trọng phú khinh bần”, quan liêu, xa dân, chỉ thân thiết với những “đại gia” đều có vấn đề như “Quỳ Ráy”, “Pháo Nổ”… Trong đó, “Quỳ Ráy” đã trở thành “củi vào lò”, vào “nhà đá” bóc lịch, chờ ngày đưa ra xét xử. Đối với “Quan mượn” là diện cán bộ luân chuyển bị “lụt” không có đường về, buộc địa phương phải gánh chịu một suất quan thừa, vô dụng từ trên dội xuống, vẫn quyết bám lấy địa phương để kiếm chác, nhởn nhơ làm giàu, gây bức xúc dư luận xã hội. Còn trong  “Khó thoát”, những kẻ lộng hành từng “buộc án gán tội”, “đâm lao phải theo lao” trong vụ án “Trang trại Đồng Cạn”, dù “hạ cánh” rồi vẫn chưa chắc được an toàn mà sẽ có lúc pháp luật rờ tới làm sáng tỏ công lý, thượng tôn pháp luật, góp phần lập lại trật tự kỷ cương xã hội, mà tác giả dự cảm: “Lưới trời lồng lộng! Thưa nhưng khó lọt lắm. Luật pháp còn có thể nhầm nhưng ‘luật quả báo’ thì không nhầm bao giờ, ‘có nhân có quả’. Những kẻ thất nhân tâm khi đương nhiệm ‘gây thù chuốc oán’ khó thoát lắm, nhất định phải bị trả giá”. Trên thực tế “quả báo” đã đến nhanh hơn sự suy nghĩ của nhiều người. Đây là là một trong những chủ đề “hot” sẽ được bạn đọc và công chúng quan tâm đón đọc Tập Truyện ký của Quân Yên (Vũ Xuân Bân) vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

 + Địa chỉ phát hành: 11 Phan Huy Chú - Phường Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. ĐT liên hệ: 0984451930

+ 105 đường Nguyễn Văn Linh - TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Bạn đang đọc bài viết "“Ứng nghiệm thành đạt” - Tập Truyện ký đậm chất sử học gắn với đương đại" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn