Trần Nhương thơ và “Thi hứng”

Trần Nhương không chỉ viết văn, làm thơ mà ông còn vẽ - rất đa tài, ở ông có sự hội tụ nhiều phẩm tính nghệ sỹ. Với hội họa, gần như ông được “Trời cho”, hoàn toàn “thi hứng”, “tay ngang”. Ông sở hữu triển lãm tranh cá nhân mang tên “Thi hứng”: Từ “Thi hứng 1” năm 2003 đến “Thi hứng 5” vừa khai mạc hôm 6/5 là cả một chặng đường đam mê với “đời cọ”. “Thi hứng 5” của Trần Nhương sẽ kéo dài đến hết ngày 15/5/2024.

 

 

 

tran-nhuong-1715444624.jpg
 

Xin nói thêm, cả 5 “Thi hứng” đều tổ chức tại Nhà Triển lãm mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội mang đến sự thán phục cho giới “cầm cọ”. Không hề là chuyện nhỏ.

Tại sao, Trần Nhương đặt sery triển lãm tranh của ông là “Thi hứng”? “Hứng” ở đây có thể hiểu theo Hán – Việt là “hứng khởi”, chứ không phải là “hứng chí”, một trạng thái nhất thời của cảm xúc - tất nhiên đều có điểm chung đó là sáng tạo trong tình trạng vụt hiện. “Thi” là “thơ”. Vậy thì xin phép sau đây gọi ông là nhà thơ Trần Nhương và cảm nhận “chất thơ” trong tranh của ông.

 “Thi hứng 5” trưng bày 42 tác phẩm. “Anh mang ra 44 tác phẩm nhưng chỉ treo được 42, vì “căng” rồi, nhà thơ – họa sỹ Trần Nhương nói luôn khi tôi đếm số tranh đang treo. Về chủ đề, theo cảm nhận của tôi, tạm thời chia ra như “Quê hương”, “Tình yêu”, “Phụ nữ”- trong chủ đề này có dòng tranh nude, “Sinh thái”, “Ý niệm”, “Tượng trưng” và tĩnh vật về hoa, cỏ...42 tác phẩm đều thể hiện trên chất liệu acrylic, các mảng màu khoáng đạt, mạnh mẽ, giàu suy tưởng.

Trong tranh Trần Nhương có màu sắc tôn giáo, linh nghiệm. Đức Phật từng nói rằng: “Giáo pháp của Ta là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Đức Phật thuyết pháp không phải để tranh luận với đời, mà là con đường đi đến diệt khổ, điều này đi ngược lại hoàn toàn các giáo chủ các nền tôn giáo đương thời, chỉ lo biện luận, mà không chú trọng thực hành diệt khổ đau.

Chính vì thế, tôi ấn tượng trước những tác phẩm như bước ra từ huyền sử như “Đẻ đất đẻ nước”; hoặc triết lý tôn giáo như “Lối vào bất tử”, “Nẻo thiền”, “Thiền quang”, “Vương miện của quá khứ”, “Bất diệt”, “Bản thể”...Trần Nhương từng ngộ: “Giữa pha lê và cát / Triết học như ông già”, (Triết học, thơ Trần Nhương). Xem dòng tranh này, đòi hỏi sự tưởng tượng.

Ở mảng này, tác phẩm “Lối cũ ta về” mang tính chính luận, ám ảnh thời cuộc. Trong tác phẩm có hai hình ảnh mờ ảo là một cô gái trong tư thế nude, tay cầm ly rượu, bênh cạnh ngổn ngang vỏ chai...; trung tâm của bức tranh là hình ảnh người mặc áo cà sa vừa thoát khỏi vô minh, lầm lũi trở lại với giáo pháp.

Xã hội thị trường, những biến thái từ đời sống đã và đang tác động sâu sắc đến sinh hoạt Phật giáo, nhiều vị chân tu hư hỏng, gây phẫn nộ trong giới Phật tử và công chúng. “Lối cũ ta về” là thông điệp về tỉnh thức, sự tham gia chủ động của hội họa vào đời sống.

Là nhà văn, nhà thơ có điều kiện đi lại nhiều nên quê hương, đất nước không thể thiếu trong tranh Trần Nhương. “Thi hứng 5” có nhiều tác phẩm ấn tượng về chủ đề này như “Chiều Xẻo Quýt”, “Nhịp ngày Tam Cốc”, “Về nhà”, “Duyên xưa”, “Làng ơi, ở lại quê nhà”, “Nẻo thu”...Đặc biệt, mảng hội họa sinh thái – tôi muốn gọi như thế, những tác phẩm như “Miền thương nhớ”, “Phố núi”, “Tình rừng”, “Nhịp rừng”, “Rừng chiều” mang đến cho người xem nhiều cảm xúc và trách nhiệm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Đình Bin phát biểu trước giờ khai mạc

 

Nhà thơ Trần Nhương từng có bài thơ ngắn “Núi và sông” chỉ có 4 câu: “Anh yêu em như núi yêu sông / Núi một chỗ mà sông khao khát chảy / Ngàn năm nữa núi vẫn còn ở vậy / Mưa về nguồn bất chợt phải không em?”. Dù là tranh về thiên nhiên, sinh thái, nhưng tác phẩm của Trần Nhương đều trữ tình, phồn sinh và khao khát.

Mới khai mạc được vài ngày nhưng “Thi hứng 5” của Trần Nhương đã lan tỏa tích cực. Nhiều họa sỹ tên tuổi như Thành Chương, Thế Hùng, Vũ Dũng, Tô Ngọc Thành...đã tìm đến thưởng lãm và cổ cũ. Nhà văn, họa sĩ Phạm Khắc Mã từ Thái Nguyên, không về được nhưng cử cháu vượt mưa chiều từ Hà Đông ra mang tặng chân dung Trần Nhương kèm hai câu đối này do chính ông vẽ và đề tặng.

Hỏi họa sỹ Trần Nhương, đã bán được nhiều chưa; ông vui vẻ trả lời: “Bán lấy tiền thì chưa, nhưng đã có người đặt cọc. Mới sang ngày thứ hai anh em đến đông vui là thành công rồi”. Tôi ngắm không gian phòng tranh, tràn ngập các lẵng hoa đẹp, để ý dưới gầm bàn, chỗ ông ngồi, cơ man nào quà, rượu quý bạn bè mang đến tặng.

Trần Nhương là một người được yêu mến. Buổi chiều khai mạc, ngày 6/5, qua trang cá nhân (cả website và facebook) tôi thấy có sự hiện diện của nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà ngoại giao Nguyễn Đình Bin – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và đông đảo các nhà văn, nhà thơ, họa sỹ và công chúng yêu hội họa. Trong số đó có nhiều bạn văn chương của ông xa từ Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, Hải Dương...không quản đường xa đã về dự. Hoa tràn ngập, nụ cười tươi rói ấm áp bên nhau.

Ngoài tình cảm các cá nhân, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Văn học nghệ thuật Hòa Bình và nhiều đơn vị góp công “chăm chút” làm cho buổi Khai mạc tưng bừng, ấm áp, “chắp cánh” cho “Thi hứng 5

Sáng mồng 7/5, khi tôi đến, được gặp nhà thơ Vũ Từ Sơn từ Bắc Ninh đi xe máy xuống, họa sỹ Vũ Dũng, vợ chồng NSUT Nghiêm Nhan, nhà thơ Trần Quang Đạo, nhà văn – họa sỹ Đặng Lưu San...và nhiều bạn bè văn chương khác nữa, vì nhiều lý do, khai mạc không có mặt.

Chiều 8/5, họa sỹ Trần Nhương, không dấu được cảm xúc khi loan báo trên trang cá nhân: “Ni cô Paris yêu thương hai em nó và sẽ đi về nhà mới tận Paris. Tranh chưa đến nhà mà tài khoản đã tinh tinh. Mùng Một vui quá”. Hỏi ông với biết hai bức tranh đã được khách Pháp mua. Đó là “Tình rừng” khổ 60x80cm và một bức tranh về hoa cúc ấn tượng (một số tranh treo trong Triển lãm, họa sỹ Trần Nhương chưa kịp dán tên tác phẩm, trong đó có tác phẩm tĩnh vật này).

Nhà văn Phạm Việt Long (bên phải) tham dự khai mạc. Ảnh: Tạp chí VHPT

 

Không biết gọi Trần Nhương là nhà văn hay nhà thơ thì chính xác hơn? Bởi ông viết cả văn xuôi và làm thơ, Về văn xuôi, ông viết cả truyện ngắn và tiểu thuyết, “gia tài văn” đã có 3 tiểu thuyết, 5 tập truyện và tản văn. Trong “gia tài văn” phải nhắc đến tiểu thuyết “Kim nổ kỳ kuặc ký”, - ngay tên sách đã hài hước, tác phẩm này đã tái bản lần thứ ba. Có bán được mới tái bản.

Về gia tài thơ, Trần Nhương đã có 8 tập thơ và 1 trường ca (đã tái bản).

Tác phẩm được du khách Pháp mê hội họa mua

Lại nói về “chất hài”, Trần Nhương được “trời ban” cho năng khiếu hài hước. Nhà văn Ma Văn Kháng từng viết về ông: “Hài hước, hóm hỉnh, đôi khi pha chút suồng sã của chất châm biếm là những phẩm tính hiếm hoi, độc đáo, gần như bẩm sinh của nghệ sỹ, mừng thay lại thấy đậm đà ở thơ văn của nhà văn Trần Nhương”. Có lẽ vì điều này, nhà văn Trần Nhương “tự hóm” đặt cho mình thêm một cái tên, cũng đã “định danh” là Trần Ham Vui?

Nhờ phẩm tính hài hước, hóm hỉnh này mà nhà thơ Trần Nhương trẻ mãi, bất chấp tuổi tác. Ông rất “phong độ”, phong độ từ bước đi, dáng đứng...cứ phăm phắp như thanh niên. Không ai nghĩ nhà văn Trần Nhương đã bát thập, nếu không được xem thẻ “căn cước”.

Sáng tác từ những năm còn là người lính Trường Sơn đến nay là cả một quãng dài của đời cầm bút. Thường người ta lớn tuổi, quá lớn tuổi thì viết sẽ bị “” đi. Trần Nhương ngược lại, càng già viết càng mới.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng nhận xét: “...kể từ khi sang thế kỷ 21, Trần Nhương bỗng bừng ngộ, không chỉ trang website hút hồn hàng triệu người đọc mà những sáng tác của anh bỗng lấp lánh một vẻ đẹp lạ thường”. Theo như nhà văn Nguyễn Quang Lập thì “những trang thơ của anh đã làm tôi sửng sốt. Hình như lúc này, Trần Nhương không viết văn, anh đang vắt mồ hôi và máu để vẽ nên chân dung thực của đời mình”.

Hóm hỉnh trong văn chương, khoáng đạt trong đời sống, Trần Ham Vui hay là Trần Nhương luôn được văn nhân yêu quý. “Toàn chuyện vui như ăn cỗ / Lời khoai lời lúa đồng nhà / Rượu say bá vai bá cổ / Thơ phú ùn ùn tuôn ra”, (Tự trào, thơ Trần Nhương).

Chúc nhà văn, nhà thơ, họa sỹ Trần Nhương luôn ăm ắp thi hứng, không chỉ nối dài sery “Thi hứng” mà còn có nhiều tác phẩm văn chương, dấn thân vì cái đẹp. Riêng với hội họa, chúc ông tiếp tục bền bỉ góp phần lan tỏa cảm xúc, giúp người đời trút xả tinh thần, thôi thúc hành động, sáng tạo trong cuộc đời mỗi cá nhân./.

Hà Nội, chiều 8/5/2024

NĐH