Về kết hợp xảy cháy trên phương tiện truyền thông hiện nay

Phạm Hùng Việt

03/06/2022 16:04

Theo dõi trên

Qua các ví dụ nêu trên, có thể thấy cách viết xảy cháy  đã được sử dụng khá nhiều trên một số phương tiện truyền thông hiện nay. Cách sử dụng này thực chất là sự lược bỏ phó từ ra trong kết hợp xảy ra cháy.

tu-dien-tieng-viet-1659603822.jfif
Chú thích ảnh

Trong tiếng Việt, xảy là một động từ dùng để chỉ việc phát sinh ra một sự việc gì đó một cách tự nhiên: Chuyện xảy ra đã lâu. Nơi đây đã từng xảy ra  trận chiến vô cùng ác liệt. Quãng đường xảy ra nhiều vụ tai nạn.

Điều đáng chú ý là động từ xảy thường không kết hợp trực tiếp với các từ ngữ chỉ sự việc phát sinh (không nói: Chuyện xảy đã lâu; xảy trận chiến; xảy vụ tai nạn, …) mà thường kết hợp với động từ ra, sau đó mới đến các từ ngữ chỉ sự việc phát sinh.

Trong một số trường hợp, sự việc phát sinh có thể đứng trước kết hợp xảy ra:

Chuyện không may xảy ra. Đáng tiếc trước sự việc không hay xảy ra.

Ngoài kết hợp với động từ ra, trong một số trường hợp, động từ xảy có thể kết hợp với động từ đến/tới

Bi kịch đã xảy đến với ông. Không muốn né tránh một thực tế đang xảy đến

Có thể khái quát mô hình sử dụng cấu trúc có dùng từ xảy như sau:

(xảy + ra) + x

 

x + (xảy + ra)

 

x + (xảy + đến/tới)


 (Trong đó x là sự việc phát sinh ra)

Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông hiện nay, xuất hiện cách dùng từ xảy không theo cấu trúc thông thường này. Đó là trường hợp dùng từ xảy kết hợp trực tiếp với từ cháy.

Có thể bắt gặp cách dùng này trong báo chí, trên các trang mạng.

Dưới đây là một số ví dụ

-“Thực khách tá hỏa vì đang ăn xảy cháy lớn”. (Bài viết của Ánh Nguyệt, báo ANTĐ, ngày 25-1-2016.

- “Vào thời điểm xảy cháy,  chủ nhà đi vắng nên lực lượng chức năng phải phá cửa xông vào. (… ). Nguyên nhân xảy cháy đang được điều tra, xác minh”. (Bài viết của Phú Khánh, báo ANTĐ 6/05/ 2016).

- Bài viết: Xảy cháy, cả xưởng gỗ bị thiêu rụi hoàn toàn: Theo thông tin từ người dân, do thời điểm xảy cháy trời vẫn mưa lạnh nên không ai phát hiện ra (Vì Công Lý, 26-01-2016, theo ANTĐ)

- Bài viết: “Kho hàng nghìn m2 cháy lớn, nhiều người chạy tán loạn: Nơi xảy cháy được xác định là khu vực trụ sở của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà”. vnexpress.net, 17- 6-2016, Ngọc Thành

- Bài viết: Căn phòng trên tầng 5 xảy cháy. Được biết, nơi xảy cháy là phòng thờ của ngôi nhà 5 tầng. Trên tầng này được chia làm đôi, 1 phần sử dụng làm phòng thờ, phần còn lại dùng làm bếp và phòng ăn. (https://pccc247.vn/can-phong-tren-tang-5-xay-chay.html) ngày 9-1--2018

- Bài viết: Khi có cháy xảy ra bạn cần phải làm gì? 4 bước tiêu lệnh PCCC

1. Khi xảy cháy báo động gấp

2. Cúp cầu dao điện nơi xảy cháy.

https://binhchuachay.org/tin-tuc/khi-co-chay-xay-ra-ban-can-phai-lam-gi-4-buoc-tieu-lenh-pccc-120.htmlƯ. Ngày 6-11-2020

- Tiêu đề bài viết: Diễn tập đối phó khi xảy cháy tại showroom ô tô ở TP Hà Tĩnh. (https://baohatinh.vn/phap-luat/dien-tap-doi-pho-khi-xay-chay-tai-showroom-o-to-o-tp-ha-tinh/170190.htm) Ngày 23-3-2019.

- Bài viêt: Chủ quan là nguyên nhân xảy cháy lan, cháy lớn.ngày 17-12, nhà xưởng sắt thép tại huyện Thạch Thất đã xảy cháy, đám cháy nhanh chóng lan trên diện rộng khiến lực lượng cứu hỏa phải mất nhiều thời gian mới khống chế và dập tắt được đám cháy (https://www.anninhthudo.vn/chu-quan-la-nguyen-nhan-xay-chay-lan-chay-lon-post490271.antd ), ngày 19-12-2021

- Bảng chỉ dẫn cầu thang thoát hiểm khi xảy cháy với hai nội dung bên trái và bên phải nhằm hướng dẫn cho người thoát hiểm nhìn thấy khu vực có cầu thang thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

(https://www.lozenza.com/bang-chi-dan-cau-thang-thoat-hiem-khi-xay-chay - 2022).

 Qua các ví dụ nêu trên, có thể thấy cách viết xảy cháy  đã được sử dụng khá nhiều trên một số phương tiện truyền thông hiện nay. Cách sử dụng này thực chất là sự lược bỏ phó từ ra trong kết hợp xảy ra cháy.

Cách sử dụng như vậy, theo chúng tôi, là không phù hợp với cách viết tiếng Việt hiện nay.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Diệp Quang Ban (2008), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Đinh Văn Đức (2010), Các bài giảng về từ pháp học tiếng Việt (từ loại nhìn từ bình diện chức năng), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội
  3. Nguyễn kim Thản (1977), Động từ trong tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Từ điển tiếng Việt, (2010), Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết "Về kết hợp xảy cháy trên phương tiện truyền thông hiện nay" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn