Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 25

PGS TS Caqo Văn Liên

29/08/2023 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.      

KỲ 25

Lê Sát tức giận:

-Quân dân bỏ sức làm việc đóng thuế khóa, còn hạng không vợ góa chồng kia cho nước được gì? Vả lại,  khi còn Tiên đế chưa từng giảm nhẹ cho ai thì ông im lặng không nói gì, nay đã định thành lệ rồi lại nói mãi không thôi là làm sao?

Phan Thiên Tước cãi lại:

-Khi còn Tiên đế, Tước này chưa được giữ chức trách nói năng, nay chức trách phải nói, cũng muốn làm điều hay cho nước nhà, có phải mưu lợi riêng cho mình đâu.

Lê Thái Tông quyết:

-Nay trẫm miễn thuế cho cả những người cô quả, họ cũng là bách tính của trẫm.

Quyết định của Lê Thái Tông càng làm cho Lê Sát tức giận. Lê Sát không quan sát thấy rằng Lê Thái Tông dù mới 17 tuổi nhưng đã bắt đầu anh minh và có quyết đoán riêng và ngày càng ghét bỏ sự chuyên quyền của Lê Sát. Không những  thế, Hoàng thượng còn quyết tâm làm tan rã bè cánh của Lê Sát. Trong một buổi thiết triều năm 1437, Lê Thái Tông nói:

-Quan nội thị đọc chiếu chỉ đi.

Bá quan văn võ vội quỳ xuống. Quan nội thị đọc:

-“ Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết, nay cho Điện tiền đô kiểm điểm Lê Ê, Hữu quân tổng quản Lê Hữu ra ngoài, triệu Trịnh Khả về triều làm hành quân Tổng quản, nắm quân thiết đột (Cấm binh). Khâm thử. Niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 5, 1438.”

Lê Sát tái mặt quát to giận giữ:

-Không được, thần là đại thần cố mệnh, thần chưa được Hoàng thượng trao đổi sự điều hành này.

Vua Lê Thái Tông nổi giận:

-Ai cho phép đại thần phụ chính hỗn láo với trẫm. Bay đâu.

Mười võ sĩ bước vào quỳ xuống:

-Dạ, bẩm Hoàng thượng.

-Bắt giam Lê Sát, giao cho bộ hình xét xử.

Võ sĩ áp sát Lê Sát, lột mũ và triều phục, còng hai tay lại. Lê Thái Tông quát:

-Tống vào đại lao chờ ngày xét xử.

Lê Văn Linh bước ra tâu:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, tội của quan phụ chính là bất kính với Hoàng thượng nhưng chưa đến mức tước bỏ  chức vụ nhốt vào đại lao.

Lê Ngân bước ra tiếp:

-Nghĩ công lao quan Đại tư mã, mấy năm nay có công phò tá Hoàng Thượng, cúi mong Hoàng thượng xử nhẹ.

Lê Thái Tông chưa nguôi giận:

-Các khanh chưa rõ tội trạng của Đại tư mã thì nghe đây: Chuyên quyền, nắm giữ việc nước, không coi trẫm ra gì, ghen ghét bậc hiền tài, giết Lưu Nhân Chú để ra oai, không nghĩ tình đồng chí, đồng lưu, truất đuổi Trịnh Khả hòng bắt người ta khuất phục, bãi chức tước của Bùi Ư Đào khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Bùi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng, im hơi. Nguyên chỉ một tội giết đại công thần Lưu Nhân Chú đã đáng trảm chưa?

Bá quan văn võ không ai dám biện hộ cho Lê Sát một lời nào nữa, dù là người cùng vây cánh. Lê Thái Tông nói tiếp:

-Nay chiếu cố là khai quốc công thần, cố mệnh phụ chính đại thần, cách hết chức vụ cho về nhà tự xử.

-Bãi triều.

Phiên thiết triều sau, các quan quỳ xuống tung hô:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

Lê Thái Tông nói:
-Miễn lễ, các khanh bình thân.

-Tạ Hoàng thượng.

-Quan nội thị tuyên chỉ:

Bá quan văn võ vội quỳ xuống lắng nghe. Quan nội thị đọc:”Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Tội đồ Lê Sát cậy có công lớn, quyền lớn, giết hại đại thần, truy bức hãm hại trung thần, nay ban cho chết toàn thây ở tư gia. Tài sản tịch thu sung công cho nhà nước, vợ con bị bắt làm nô tỳ. Giáng con gái Lê Sát là Lê Thị Ngọc Giao là nguyên phi xuống làm thường dân, Khâm thử. Niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 5, 1438”.

Bá quan văn võ hô vang:

-Hoàng thượng anh minh.

Lê Thái Tông nói tiếp:

-Các ái khanh nghe tiếp chỉ.

Bá quan văn võ quỳ nghe. Quan nội thị đọc: “Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Nay dời kẻ bày mưu cho Lê Sát là tây đạo tham tri quân dân ba tỉnh Đăng Đắc ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, bắt giam vào ngục, lột bỏ chức tước và hai chữ công thần của Lê Văn Linh vì đã nghe theo Lê Sát. Nay phục chức cho Bùi Ư Đài làm Đổng tri môn hạ, Tả ngự sử, Bùi Cầm Hổ làm nghinh sử Trung thừa. Lấy y nhập nội Tư khấu bên đạo hành quân đô Tổng quản Lê Ngân chấp chính việc nước thay Lê Sát. Phong con gái Đô đốc Lê Ngân từ Chiêu nghi lên làm Huệ phi. Khâm thử, Niện hiệu Thiệu Bình năm thứ 5, 1438”.

-Hoàng thượng vạn vạn tuế, Hoàng thượng anh minh.

III.

Cả nước Đại Việt và Đông Kinh đang tiến vào mùa đông năm 1437, gió rét căm căm thổi thốc tháo, lá cây vàng úa rụng đầy đường đi. Trên bầu trời chỉ một màu xám lạnh lẽo, không một bóng chim, ánh dương nhạt nhòa tỏa ánh sáng đục mờ.

Trong cung riêng ở gần điện Kính Thiên vua Lê Thái Tông đang ngồi uống trà, vua khoác áo bông màu tía thay cho cho áo long bào, Hai lò than nóng rực làm cho căn phòng ấm áp hơn. Hai thị nữ bên ngoài mặc áo bông bên trong là áo dài xanh đang đứng hầu. Ngoài cửa, hai võ sĩ lực lưỡng mặc giáp, tay cầm giáo đứng canh. Quan nội thị đứng bên chờ sai bảo.

 Lê Thái Tông vừa đặt chén xuống, thị nữ vội rót chén khác, chợt có nội thị vào báo:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, có thám mã kinh thành vào bẩm báo.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Thám mã vào và quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Đứng dậy có gì nói đi.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, thần do thám nhà của quan nhiếp chính Lê Ngân thờ tượng vàng ma quỷ, bói toán đồng cốt, có hại cho triều đình.

Lê Thái Tông ngạc nhiên:

-Thật vậy sao? Hay là ngài ấy thờ Phật? Thờ Phật, thờ Nho thì nhà nước không cấm.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, nhà quan Nhiếp chính thường lên đồng cốt múa may tà đạo trong nhà.

-Rồi, nhà ngươi lui, có gì ở kinh thành phải về báo ngay.

-Dạ, mạt tướng tuân chỉ.

Lê Thái Tông bảo quan nội thị:

-Gọi thái giám Đỗ Khuyển vào đây.

-Dạ, thần tuân chỉ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 25" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn