Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 33

PGS TS Cao Văn Liên

06/09/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 33

Nguyễn Thị Lộ cùng Ngô Thị Ngọc Xuân đỡ Ngô Thị Ngọc Giao lên xe, Khi còn ba người, Nguyễn Thị Lộ nói với Nguyễn Trãi:

-Ta bí mật đem Tiệp dư đến chùa Huy Văn, cách hoàng thành 4 dặm.

Nguyễn Trãi nói:

-Phu nhân cứ thế mà làm đi. Phải cho người canh phòng. Khi Tiệp dư sinh mẹ tròn con vuông thì bí mật đem ra An Bang kẻo bọn muốn giết Tiệp dư dò la được tin tức.

-Đa tạ tướng công, đa tạ.

Tiệp dư Ngô thị Ngọc Giao đến sống ở chùa Huy Văn và ngày 20 tháng 7 năm 1442 bà sinh hoàng tử. Đó là Hoàng tử Lê Tư Thành. Sau này để bảo đảm an toàn cho Tiệp dư và hoàng tử, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bí mật đem hai mẹ con ra miền An Bang. Lê Tư Thành lớn lên. Năm 1442 Lê Thái Tông chết đột ngột và Lê bang Cơ lên ngôi lúc 1 tuổi, là Lê Nhân Tông, mẹ là thái hậu Thần Phi Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Năm 1459, Lê Nhân Tông và Thái hậu Nguyễn Thị Anh bị Lê Nghi Dân là con cùng cha khác mẹ với Lê Nhân Tông giết chết. Lê Nghi Dân (con của Dương Thị Bí) lên ngôi xưng là Thiên Hưng đế, được một năm thì năm 1460 bị các đại thần lật đổ giết chết và đưa Lê Tư Thành lên ngôi là Lê Thánh Tông (1460-1497). Đây là vị hoàng đế anh minh tài giỏi bậc nhất trong các hoàng đế Đại Việt của nền quân chủ phong kiến.

   Lại nói trong hậu cung Trường Lạc, Thần phi Nguyễn Thị Anh đang uống trà sâm buổi sáng thì thị nữ vào báo:

-Dạ bẩm Thần phi, Hoàng thượng đã đem Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao cho voi dày nhưng lại đổi thành tội giam, không giết nữa ạ.

  Thần phi tức giận:

-Sao Hoàng thượng lại đổi ý như vậy?

-Dạ bẩm, có quan Hành kiển Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vào tận pháp trường can ngăn ạ.

  Thần phi tức giận mắt long lên sòng sọc:

-Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, các ngươi phá hỏng việc lớn của ta, ta không nuốt trôi mối hận này.

  Im lặng một lát Nguyễn Thị Anh hỏi:

-Thế hoàng thượng đưa Ngô Thị Ngọc Giao đi giam ở đâu?

-Dạ Hoàng thượng giao cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ tùy ý xử lý, không rõ rõ đưa Tiệp dư đi đâu.

Thần phi đập bàn:

-Đi bảo Đinh Thắng và Đinh Phúc truy lùng cho ra nơi Nguyễn Trãi dấu Ngô Thị Ngọc Giao ở đâu.

-Dạ, tuân lệnh Thần phi.

 Nguyễn Trãi biết rằng cứu được mẹ con Ngô Thị Ngọc Giao nhưng như vậy ông đã mua thù chuốc oán sâu sắc với thế lực nào đó muốn giết Ngô Thị Ngọc Giao. Thế lực nào? Nguyễn Trãi suy nghĩ lao lung và ông nghĩ kẻ giết Tiệp dư và Hoàng tử phải được cái lợi rất lớn. Phải rồi hoàng tử có thể trở thành thái tử khi thái tử kia bị phế. Phải rồi, kẻ bày kế giết hoàng tử phải đang là thái tử, sợ thời cuộc biến đổi sẽ bị phế vị trí như là Lê Tư Tề, như là Lê Nghi Dân. Hai vụ phế truất Thái tử của nhà Lê đã khiến kẻ đang ở vị trí thái tử run sợ, phải tìm cách trừ bỏ đối thủ cạnh tranh với mình. Thái tử Lê Bang Cơ mới có 6 tháng tuổi, kẻ chủ mưu là thân mẫu của nó là Thần phi Nguyễn Thị Anh với bọn tay chân gian thần.

  Vậy qua sự kiện vì nhân nghĩa, vì lẽ phải này, Nguyễn Trãi đang đối mặt với một thế lực cực kỳ tàn ác, ích kỷ, xảo quyệt, Thần phi Nguyễn Thị Anh và bọn gian thần, kể cả những kẻ không bị gọi là gian thần nhưng cũng im hơi lặng tiếng trước thế lực hung bạo để được thăng quan tiến chức, giữ vững quyền lợi và địa vị của mình. Gương những người bạn chiến đấu của ông như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Ngân bị vu cáo và giết hại đã để cho Nguyễn Trãi bao nhiêu dày vò đau xót. Có lúc ông đã chán ghét cung đình, nơi diễn ra cuộc đấu tranh bè phái tranh giành, đôi khi không còn tình đồng chí, đồng lưu. Năm 1437 ông đã đệ đơn xin về hưu trí. Lê Thái Tông đã đồng ý nhưng rồi năm 1439 lại mời ông ra. Không phải là ông tham quan tham chức vụ quyền lực mà chí của ông là muốn đem chút tài năng lúc sức lực đã gần kiệt tàn để làm cái gì đó vì dân vì nước, làm cho dân được sống ở thời kỳ thịnh trị, để lôi kéo Hoàng thượng còn trẻ khỏi sa vào những trò bất lương mà bọn gian thần bày ra và cuối cùng thành hôn quân, đưa triều đại vào con đường tha hóa và diệt vong. Nhưng như vậy để cứu mẹ con Ngô Thị Ngọc Giao, ông đã bị lôi cuốn vào vòng xoáy đấu tranh bè phái mà ông không muốn. Ông còn nghe nói Lê Bang Cơ không phải là con của Lê Thái Tông vì Nguyễn Thị Anh vào hậu cung được 7 tháng thì đã sinh ra thái tử. Nguyễn Trãi tự hỏi nếu như vậy có thể dùng sự kiện này để phản công lại phe của Nguyễn Thị Anh hay không. Một là để tiêu diệt phe đối thủ, hai là bảo vệ ngôi chính thống của nhà Lê, không sa vào vết xe đổ của nhà Trần khi Dương Nhật Lễ lên nối ngôi. Nhưng vấn đề là Lê Thái Tông có nghe hay không, vì lúc này là lúc Hoàng thượng đang mê đắm Nguyễn Thị Anh hơn lúc nào hết, khó có thể thuyết phục được nhà vua. Còn căn cứ vào sổ ghi ngày tháng Lê Thái Tông gặp Nguyễn Thị Anh khi về cung thì hai hoạn quan Đinh Thắng và Đinh Phúc có chịu đem ra đối chất làm chứng không. Có lẽ là không, vì hai người này đã bị Nguyễn Thị Anh khống chế, mua chuộc, thậm chí còn làm chứng cho Thần phi chứng minh Ngô Thị Ngọc Giao đã có thai 10 tháng mà không sinh với Lê Thái Tông, vậy thì hai hoạn quan này sao lại chịu ra làm chứng cho Nguyễn Trãi. Vả lại khi Bang Cơ được phong làm thái tử thì phe cánh của Thần phi Nguyễn Thị Anh rất mạnh, các quan văn võ đã hoặc đang tìm cách ngã về phe Thần phi, một thế lực sẽ là Hoàng Thái hậu trong tương lai. Sau đó Nguyễn Trãi lại nghĩ rằng có lẽ Lê Thái Tông đã biết điều đó nhưng cho qua, không truy cứu, vả lại vua nào chả mang họ Lê, miễn là sau này Lê Bang Cơ là một vị vua tài giỏi anh minh thì bách tính và nước Đại Việt được nhờ cậy. Việc ông cứu Ngô Thị Ngọc Giao là một việc bất đắc dĩ, không thể không làm, một là cứu hai sinh mạng con người bị vô cớ mà chết, hai là lôi vua ra khỏi vòng u mê. Và như vậy ông biết rằng ông đã tuyên chiến với phe Nguyễn Thị Anh, phe mạnh nhất của triều đình hiện nay. Tai họa đang đến gần nhưng đến như thế nào, đến vào lúc nào? Một thiên tài và một mưu sĩ bậc nhất của khởi nghĩa Lam Sơn, của triều đình, của Đại Việt thời đó mà cũng bó tay không thể dự báo được, không thể giải mã được.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 33" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn