Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 7

PGS TS Cao Văn Liên

11/08/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 7                                                                                                                                      Trước khi đi, quan nội thị cho phép gặp các gia nhân và thê thiếp, con cái trong gia đình tại hạ.

Ông bảo người Tổng quản:

-Đi gọi các phu nhân, các thiếu gia đến phòng khách ta gặp.

-Tuân lệnh chủ nhân.

  Một lát sau, các phu nhân và các thiếu gia đã tề tựu đông đủ. Trần Nguyên Hãn có hai phu nhân. Người vợ đầu người làng Cao Phong, xã Văn Quán, bà sinh được một trai là Trần Doãn Hữu, tự là Trung Khang, phu nhân thứ hai là bà Lê Thị Tuyển sinh hai con trai là Trần Trung Khoản, sau đổi sang họ Quách và Trần Đăng Huy, sau đổi sang họ Đào. Trần Nguyên Hãn nhìn vợ con và nói:

-Ta nay về nghỉ hưu sống tự do tự tại, làm cái nhà để ở, nuôi vài con voi ngựa, để kéo lúa và đi dạo, đóng hai chiếc thuyền để đi câu cá, mở xưởng rèn để rèn dụng cụ sản xuất, không ngờ trong triều đình bọn gian thần lấy đó vu cáo cho ta âm mưu làm phản. Nay Hoàng thượng có chiếu triệu ta vào kinh để làm rõ vấn đề, nếu có tội sẽ bị trị tội. Chuyến đi này lành ít dữ nhiều. Cho nên khi ta đã đi rồi thì hai nàng hãy nghe ngóng tin tức. Nếu ta đã chết thì hai nàng cho gia nhân mỗi người một ít tiền, hai nàng đem theo một ít đem con về quê mà sinh sống. Các nàng nhớ đổi họ cho các con, chớ để chúng mang họ Trần mà bị truy sát liên lụy.

  Hai phu nhân nghe nói xong thì òa lên và gào khóc, các thiếu gia cũng khóc, gia nhân, người làm trong nhà cũng khóc theo. Phu nhân vừa khóc vừa nói:

-Ngài không làm phản, tướng công không có tội. Xin tướng công đừng bỏ mẹ con thiếp hu!hu!hu!...

-Tướng công chỉ làm lụng để lấy tiền gạo giúp đỡ bá tính trong vùng mỗi khi nghèo đói, như vậy mà làm phản sao, trời ơi, sao lại bất công như vậy. Hu!Hu!Hu!...

  Cả một nhà khóc vang trời đất thảm thiết. Láng giềng chung quanh, các chức sắc và cụ lão hương thôn đều kéo đến nhà Trần Nguyên Hãn ngày càng đông. Các hương thôn nói với quan nội thị:

Tả tướng quốc đây làm lụng gạo thóc dư dật đã giúp đỡ cho bách tính nghèo đói quanh đây, một vùng rộng lớn đã bao lần chịu ơn của Tả tướng quốc. Mong đại quan về nói lại với Hoàng thượng nếu quy tội làm phản thì Tả tướng quốc bị oan.

Quan nội thị nói:

-Ta sẽ trình bày lời nói của các cụ.

-Đa tạ đại nhân.

-Không giám. Bây giờ thời gian cũng đã muộn, xin mời quan Tả tướng quốc về kinh.

Trần Nguyên Hãn nói với hai phu nhân:

-Chăm sóc hài nhi cẩn thận. Nhớ lời ta dặn, cả nhà bảo trọng, bái biệt,

  Trần Nguyên Hãn nói xong vội đi nhanh ra cửa, quan nội thị và  lực sĩ đi theo. Tiếng khóc tiếng kêu vẫn vang lên khắp trang viên và lan ra ngoài thôn xóm. Tiếng hai phu nhân rõ ràng thảm thiết:

-Tướng công, tướng công!!!

Trần Nguyên Hãn, quan nội thị và 4 lực sĩ xuống thuyền. Tiếng kêu khóc trong trang viên vẫn còn vang vọng. Khi thuyền tới giữa dòng sông Thao, Trần Nguyên Hãn có lẽ vì bức xúc quá, ngửa mặt lên trời kêu:

-Tôi ngày xưa đồng lòng nếm mật nằm gai cùng vua đánh giặc cứu nước, nay sự nghiệp đã thành, vua lại nghe lời vu cáo mà nghi ngờ tôi trung. Nếu tôi bị oan, hoàng thiên có thấu thì hãy nổi giông bão rửa sạch nỗi oan khuất này. Mong hoàng thiên chứng giám.

  Trời đang bình lặng, khi Trần Nguyên Hãn nói xong, bỗng nhiên mây đen kéo tới, mưa như trút nước, giông gió nổi lên như bão táp, chớp giật sáng lòe, con thuyền bỗng nhiên bị nâng lên khỏi mặt nước và úp sấp lại. Trần Nguyên Hãn, lực sĩ và nội quan chìm xuống nước. Hai canh giờ sau mưa tạnh, sóng yên gió lặng. Thốt nhiên quan nội thị mở mắt ra thì ông đang nằm cạnh bờ sông. Trời đang chuyển sang hoàng hôn màu tím. Trong khi mơ màng quan nội thị thấy bóng giáng một vị thần đến bảo rằng: “Ta là Trần Hưng Đạo Đại Vương đây, nhà ngươi về bảo với Lê Thái Tổ rằng Tả tướng quốc bị oan. Nhưng vận mệnh của đứa cháu ta đã hết, ta đã đón lên đài phong thần rồi”.

Tỉnh lại quan nội thị thấy mình nằm trên một chiếc thuyền lênh đênh của một ông gìa đánh cá trên sông Thao. Khi thấy ông mở mắt, ông lão đánh cả mừng rỡ nói:

-Đại nhân tỉnh rồi, đại nhân tỉnh rồi, tốt quá.

Quan nội thị hỏi:

-Các hạ đã cứu ta à? Những người trên thuyền của ta còn ai sống sót nữa không?

-Dạ bẩm đại nhân chết hết rồi, không thấy thi hài họ ở đâu. Tôi chỉ thấy mỗi ngài nằm ngất xỉu bên bờ sông nên đưa xuống thuyền.

-Đa tạ, đa tạ đã cứu mạng.

-Không dám, không dám. Bây giờ ngài về đâu?

-Tìm cho ta một chiếc xe ngựa đưa ta về kinh thành.

- Thế những người vừa chết lúc chiều là những ai vậy?

-Đó là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn và võ sĩ của triều đình.

Ông lão đánh cá ngậm ngùi. Đáng tiếc, tôi có nghe danh của Tả Tướng quốc, bách tính khắp vùng Lập Thạch và Sơn Đông Vĩnh Phúc đều đội ơn quan Tả tướng quốc thương dân giúp đỡ họ những khi đói khát rất nhiều.

 Sau khi có xe ngựa quan nội thị cáo biệt ông lão đánh cá và đi vào kinh thành. Sớm hôm sau vào gặp Lê Lợi, vừa trông thấy ông, Lê Thái Tổ đã hỏi:

-Trần Nguyên Hãn đâu?

  Quan nội thị tâu:

-Bẩm Hoàng thượng, quan Tả tướng quốc có xây nhà đẹp nhưng mà để ở, có nuôi ngựa, voi và trâu bò, gà vịt là để phát triển nông nghiệp, chuyên chở thóc lúa ngày mùa thu hoạch, mở xưởng rèn để rèn đúc công cụ sản xuất, không phải rèn vũ khí, hai chiếc thuyền là để ngài đi dạo trên sông Thao, sông Lô, sông Đà và câu cá giải trí, người ở trang viên là nông dân quanh vùng thuê để làm đồng, chăn nuôi, không phải là binh lính, có một bãi tập là để ngày nhàn rỗi Tả tướng quốc cùng gia nhân đấu vật, bắn cung tên, đấu võ để rèn thể lực và vui chơi mà không phải là thao trường luyện quân. Hương thôn cụ lão và bách tính đến nói với thần rằng hàng nghìn hộ ở vùng Sơn Đông đã được Tả tướng quốc giúp đỡ chu cấp khi đói ăn, thiếu thốn. Họ nói rằng dân cư bách tính ở vùng đó đội ơn quan Tả tướng quốc rất nhiều.

  Lê Thái Tổ vẻ đăm chiêu và hỏi:

-Thế còn Tả tướng quốc đâu, có về kinh đô không?

-Dạ bẩm Hoàng thượng, chúng thần rời trang viên của Tả tướng quốc, đi thuyên từ sông Lô để về kinh thành. Đến đoạn sông Thao, Trần Nguyên Hãn có lẽ quá bức xúc đã cầu xin trời đất nếu ông bị oan thì hãy đón ông đi, ông dùng cái chết để tỏ lòng trung với triều đình, với Hoàng Thượng. Quả nhiên trời đang yên lặng bỗng nhiên nổi giông gió, mưa to và sấm chớp, sóng cuộn lên nâng thuyền và lật úp. Trần Nguyên Hãn  lực sĩ đã chìm xuống sông mất tích. Thần bị trôi dạt vào bờ, may được ông lão đánh cá vớt lên thuyền. Trong khi chết giấc mơ màng thần được một vị thần xưng là Hưng Đạo Đại Vương đến bảo với thần về bẩm tấu với Hoàng thượng rằng Trần Nguyên Hãn bị oan, rằng Hoàng thượng không nên nghe lời của bọn gian thần mà giết hại trung thần, nhân tài và trung thần là vốn quý của triều đình. Vả lại Trần Nguyên Hãn cũng đã hết số ở trần gian, ta đã đón lên Đài phong thần bất tử rồi.

 Vua Lê Thái Tổ buồn rầu nói:

-Quả nhiên là Đinh Bang Bảng là bọn người đáng ghét, quả nhiên là Tả tướng quốc bị oan. Ta cũng chỉ định triệu ngài ta vào kinh để hỏi cho ra lẽ, không ngờ lại quyết lấy cái chết để tỏ lòng trung, thật đáng thương thay.

  Lê Thái Tổ ngồi lặng, quan nội thị cũng đứng bên. Cả hai lặng lẽ nghe tiếng mưa rơi buồn bả ngoài cung điện.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 7" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn