Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 6

PGS TS Cao Văn Liên

10/08/2023 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 6

Năm viên quan quỳ xuống hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, đứng dậy cả đi.

Đa tạ Hoàng thượng.

Lê Lợi hỏi:

-Các ái khanh vào đây có chuyện gì không?

Đinh Bang Bảng nói:

-Dạ bẩm Hoàng thượng thánh minh, chúng thần ngay đem lo lắng cho Hoàng thượng, cho an nguy của xã tắc. Hôm nay có việc hệ trọng khẩn cấp liên quan đến an nguy của triều đình nên…                                                                                 

Lê Lợi sốt ruột:

-Có gì nói ngay, quanh co vòng vèo mãi.

Lê Quốc Khí cướp lời Đinh Bang Bảng:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, Trần Nguyên Hãn về quê Lập Thạch, Phúc Yên (nay là Vĩnh Phúc) cho xây biệt điện nguy nga tráng lệ, ốp toàn đá quý và gạch hoa, lộng lẫy xa hoa như cung điện. Trần Nguyên Hãn cũng nuôi voi chiến, ngựa chiến hàng trăm con, đóng thuyền chiến, lập xưởng rèn vũ khí, mở thao trường thường cùng binh sĩ luyện võ, luyện bắn cung tên, tích trữ lương thực, Thường cưỡi voi ngựa đi quanh vùng và lên Tam Đảo chuẩn bị xây dựng căn cứ chống lại triều đình.

Trình Hoàng Bá cướp lời Lê Quốc Khí:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, Trần Nguyễn Hãn đã dùng ngựa, voi và thuyền đi khắp nơi để kêu gọi bách tính nổi dậy chống triều đình ạ.

Lê Tông Chí tiếp:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, những lò rèn của Trần Nguyên Hãn ngày đêm ra sức rèn binh khí, lửa đỏ rực suốt ngày đêm, tiếng đập búa vang xa mấy dặm.

  Lê Thái Tổ nói:

-Triều đình mới đã chia ruộng đất cho nông dân, khai hoang, mở mang thủy lợi đẩy mạnh nông nghiêp. Hai năm nay được mùa lớn, không có đói khát, luật pháp nghiêm ngặt, trộm cướp không còn, đời sống bách tính no ấm bình an. Con cái bình dân cũng được vào các trượng học học tập và được thi Trạng Nguyên Tiến sĩ như con em quý tộc, sao họ lại theo Trần Nguyên Hãn làm phản được. Còn Trần Nguyên Hãn làm như vậy chắc là có lý do của ngài ấy. Ta sẽ cho thám mã đi xem xét, nếu đúng là phản nghịch triều đình sẽ xử tội.

-Đa tạ Hoàng thượng, chúng thần xin cáo lui.

Bọn gian thần đi ra, Lê Lợi gọi:

Người đâu.

Quan nội thị bước vào:

-Dạ bẩm Hoàng thượng.

-Cho gọi Bốn thám mã vào đây.

-Dạ, thần tuân lệnh.

Bốn thám mã bước vào:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn, vạn tuế.

-Bình thân đứng dậy đi.

-Đa tạ Hoàng thượng

Bốn người đứng dậy. Lê Thái Tổ nói:

Các ngươi hãy về Sơn Đông Phủ Vĩnh Phúc dò xét xem Trần Nguyên Hãn là đại thần của Triều đình về trí sĩ, hiện đang làm những gì, có phải gây dựng lực lượng mưu phản không? Dò xét bí mật, không được để Trần Nguyễn Hãn biết. Rõ chưa?

 -Dạ rõ, tuân lệnh Hoàng thượng.

Vài ngày sau cũng tại cung này, bốn tên thám mã vào gặp Lê Thái Tổ:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, đứng dậy nói đi.

-Đa tạ Hoàng thượng.

Sau khi đứng dậy tên cầm đầu nhóm thám mã nói:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, chúng hạ quan đã về Sơn Đông, Lập Thạch do thám dò hỏi thì biết được là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn xây nhà rất lộng lẫy, ngựa trâu bò nuôi hàng đàn hàng nghìn con, đặc biệt là nuôi 10 con voi, có thuyền to nhưng không phải là thuyền chiến, có rèn nhưng để rèn công cụ nông nghiệp mà không đúc vũ khí, có thao trường luyện võ nghệ bắn cung nhưng không phải là để luyện quân mà để chơi bời. Trần Nguyên Hãn hay cưỡi ngựa, voi thuyền đi rong chơi mà không thấy kêu gọi bách tính làm phản.

-Thôi được, lui ra đi.

-Đa tạ Hoàng thượng. Thám mã ra rồi. Lê Thái Tổ ngồi suy nghĩ: “Như vậy những hiện tượng mà bọn Đinh Bang Bảng báo là có sự thật nhưng vẫn chưa rõ đó là ý tạo phản hay là chơi ngông thôi. Tốt nhất cứ gọi Trần Nguyên Hãn vào kinh hỏi cho rõ rồi hãy xử lý sau cũng chưa muộn”. Rồi gọi:

-Quan nội thị đâu.

-Dạ, Hoàng Thượng.

-Khanh cầm chiếu chỉ này và đem theo một lực sĩ về Sơn Đông Vĩnh Phúc triệu tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn vào kinh hỏi xem đã làm những gì ở quê nhà mà một số gian thần tố cáo là chuẩn bị mưu phản. Nếu đúng thì sẽ trị tội không tha.

-Thần tuân chỉ.

Quan nội thị và 1 lực sĩ dùng thuyền đi về Sơn Đông, Vĩnh Phúc, tìm đến dinh thự của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Sớm hôm đó dù trời rét nhưng Trần Nguyên Hãn vẫn dùng voi đi dạo. Ngồi trên mình voi có quản tượng điều khiển, ông tha hồ ngắm phong cảnh thiên nhiên sông nước của quê hương tươi đẹp. Khí trời bao la trong mát làm Trần Nguyên Hãn cảm thấy vô cùng hứng khởi, sức lực dồi dào. Đi dạo thành thói quen, nếp sống hàng ngày của ông. Có lúc ông cưỡi voi, có lúc ông đi ngựa, có lúc đi xe ngựa kéo, có lúc đi bằng thuyền trên sông, mỗi phương tiện có một điều thú vị riêng.

Mãi trưa ông mới về nhà, ăn cơm xong đang ngồi uống trà thì có người Tổng quản và báo:

-Dạ bẩm chủ nhân, có sứ giả và quân của triều đình tới.

-Cho vào ngay.

-Dạ, chủ nhân.

Trần Nguyên Hãn vừa mặc triều phục vội và bước ra thì thì quan nội thị tay cầm chiếu chỉ cùng một lực sĩ bước vào. Quan nội thị nói:

-Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn tiếp chỉ.

Trần Nguyên Hãn và những người có mặt trong nhà quỳ xuống. Quan nội thị giở chiếu ra và đọc: “Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết, Trần Nguyên Hãn tham gia 10 năm kháng chiến chống giặc Minh có nhiều công lao, được phong tước hầu, được phong đến chức Tả tướng quốc, quyền ngang thừa tướng, đáng lẽ phải ở lại triều đình cùng trẫm lo xây dựng đất nước trong thời bình nhưng lại xin về để thỏa chí tự do tự tại. Trẫm chiếu cố cho về nhưng từ khi về quê tự ý xây cung điện lộng lẫy, nuôi nhiều ngựa voi trâu bò, tích lũy lương thực, mở thao trường luyện võ nghệ, mở lò rèn đúc nhiều vũ khí. Một số quan lại tố cáo Trần Nguyên Hãn chuẩn bị lực lượng làm phản, chống lại triều đình. Nay triệu về kinh để xét hỏi cho rõ, nếu đúng như vậy sẽ trừng trị theo phép nước. Nhận chiếu này phải về kinh ngay, không được chậm Trễ. Khâm thử. Thuận Thiên năm thứ 2 -1429.”

Trần Nguyên Hãn nghe chiếu xong ngạc nhiên:

-Sao Hoàng thượng chỉ nghe lời bọn gian thần mà kết tội tôi mưu phản.

Quan nội thị nói:

-Tả tướng quốc bình tâm, về kinh sư rồi Hoàng thượng mới hỏi có tội hay không?

Nếu như vậy thì chỉ một mình quan nội thị đi là được, sao lại điều lực sĩ. Rõ ràng là Hoàng thượng đến để bắt tội nhân còn gì.

-Nhà ta đề đạt với Hoàng thượng cho họ đi cùng để ta có bầu bạn dọc đường, Tả tướng quốc đừng bận tâm, mời Tả tướng quốc lên đường cho sớm.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 6" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn