Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 14)

PGS TS Cao Văn Liên

08/11/2021 09:27

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

dinh-tien-hoang-1-1636337227.jpg
Khi tuổi cao sức yếu, Trần Lãm chọn mặt gửi vàng, giao cho Đinh Bộ Lĩnh toàn bộ binh quyền. Đinh Bộ Lĩnh đưa quân từ  Bố Hải Khẩu (Thái Bình) về Hoa Lư (Ninh Bình), không ngừng thu phục nhân tài, chiêu mộ binh lính, xây dựng lực lượng vững mạnh. Tranh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 14.

Đinh Điền hai tay trao thư cho Trần Lãm. Trần Lãm giở thư ra đọc. Thư viết: “Kính thưa Trần Lãm chúa công, tại hạ là Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, thuộc huyện Vô Công, Ái Châu. Nay đất nước gặp thời loạn lạc, nhà Ngô suy yếu, các hào trưởng chuẩn bị mỗi người hùng cứ một phương mưu lợi ích riêng, ít người nghĩ cho sự thống nhất quốc gia và sự thống khổ của muôn dân. Tại hạ ở Hoa Lư nghe đại danh của chúa công là người thương dân yêu nước, uy chấn bốn phương, đức lớn vang xa khiến tại hạ ngưỡng vọng. Tại hạ cũng có chút chí lớn có thể phù hợp với chí lớn của chúa công. Cho nên mạt tướng muốn phục vụ dưới cờ đại nghĩa của chúa công để thỏa mãn lòng vì dân vì nước của chúa công, cũng là mơ ước hoài bão của tại hạ. Nếu được về với chúa công, nguyện một lòng trung thành để báo đáp. Nay kính thư. Chủ động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh.”

Đọc xong thư, Trần Lãm nói:

- Tướng quân đi đường xa, cần phải ăn uống nghĩ ngơi. Sớm mai lão phu sẽ có thư để tướng quân đem về cho chúa công Đinh Bộ Lĩnh.

- Bay đâu.

- Dạ, chúa công.

- Bố trí phòng nơi dịch quán cho Đinh tướng quân nghỉ ngơi. Nấu cơm nước ngon cho tướng quân ăn. Cho ngựa của tướng quân vào chuồng chăm lo chu đáo.

- Dạ, tuân lệnh chúa công.

Đinh Điền đứng dậy:

- Đa tạ chúa công.

Đinh Điền đi rồi, Trần Lãm cho gọi các tướng Bùi Quang Dũng, Ngô Văn Chấn, Ngô Tất An, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Đức Học, Nguyễn Phúc, em trai Trần Lãm là Trần Thăng và Trần Nguyên Thái đến đại sảnh. Sau tuần nước đầu tiên, Trần Lãm nói:

- Đinh Bộ Lĩnh, sứ quân Hoa Lư đã cho tướng Đinh Điền đem thư đến ngỏ ý muốn về dưới trướng của chúng ta. Đây là thư của Đinh Bộ Lĩnh, các tướng quân có ai biết nhiều về Đinh Bộ Lĩnh không? Nói qua để ta và các tướng quân nghe.

Ngô Tất An nói:

- Mạt tướng ở gần đất của Đinh Bộ Lĩnh nên biết được ít nhiều sứ quân này. Cha của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ đã nhiều năm phục vụ hai triều Dương Đình Nghệ và Tiền Ngô Vương, có công trạng nên được phong Thứ sử Hoan Châu. Đinh Bộ Lĩnh đã từng theo cha chống giặc Nam Hán năm 938 ở Lục Châu. Sau năm 938, Đinh Công Trứ vẫn là Thứ sử Hoan Châu. Sau một trận hỏa hoạn thiêu rụi phủ đường, ông lui về quê nhà Hoa Lư và ốm mất, mẹ sau đó cũng mất. Đinh Bộ Lĩnh còn trẻ nhưng tài đức nổi danh nên trở thành hào trưởng ở Vô Công, Hoa Lư, nổi tiếng về tài năng quân sự, hiện đang hùng cứ ở thành Hoa Lư. Hai vua Ngô là Nam Sách Vương và Nam Tấn Vương đã có lần tấn công không được phải quay về Cổ Loa. Nổi tiếng nhất là khi hai vua Ngô treo Đinh Liễn là trưởng nam của Đinh Bộ Lĩnh lên dọa giết để buộc Đinh Bộ Lĩnh đầu hàng nhưng Đinh sứ quân nhất thiết không vì con mà đầu hàng. Nếu được người này về dưới trướng thì sự nghiệp thống nhất đất nước sẽ thành công.

Tướng Bùi Quang Dũng nói:

- Thiên hạ ngày nay nói mãi về việc Đinh Liễn bị hai vua Ngô treo lên sẽ bị giết nếu Đinh Bộ Lĩnh không đầu hàng mà Đinh Bộ Lĩnh vẫn kiên quyết, quả là con người sắt đá và có chí lớn. Nếu Đinh Bộ Lĩnh về với chúa công, lực lượng sẽ lớn mạnh thêm, địa bàn từ Thái Bình, Nam Định sẽ kết hợp với Hoa Lư hiểm trở, quả là địa bàn chiến lược quan trọng không sứ quân nào có.

Trần Lãm nói:

- Như vậy là Đinh Bộ Lĩnh đã nhiều năm theo cha và Tiền Ngô Vương chinh chiến, từng có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh chiến đấu. Ta nghĩ nếu được Đinh Bộ Lĩnh thì có lợi cho sự nghiệp của chúng ta. Thứ nhất được thêm một đội quân thiện chiến và những tướng tài, thứ hai là mở rộng địa bàn của ta từ Bố Hải Khẩu, Nam Định đến Vô Công Ái Châu, tạo nên một thế và lực hùng mạnh để thống nhất đất nước.

Tướng Nguyễn Trung Học nói:

- Nhưng mạt tướng chỉ sợ sau này khách sẽ lấn át chủ nhà chăng? Tấm gương giữa Kiều Công Tiễn và Dương Đình Nghệ vẫn còn là bài học. Thưa chúa công.

Trần Lãm đáp:

- Lòng dạ con người sâu như biển nên khi sử dụng vẫn phải đề phòng và người sử dụng nhân tài phải có phương pháp để tự bảo vệ mình. Như Dương Tiết Độ sứ là người tướng giỏi nhưng không biết tự bảo vệ mình. Nay nếu như chúng ta sợ khách lấn chủ, không chấp nhận một tướng lĩnh nào, một sứ quân nào về với ta thì sao ta đủ lực lượng để đánh bại các thế lực khác nhằm mục tiêu cao nhất là thống nhất đất nước. Nay một sứ quân nào về với ta thì đất đai được mở rộng, lực lượng được tăng cường, đó là thượng sách để chấm dứt chiến tranh. Sứ quân nào không chịu về thì ta mới kiên quyết tiêu diệt. Đó là phương lược của ta. Ý ta đã quyết cho Đinh Bộ Lĩnh về dưới cờ. Các tướng quân hãy ủng hộ.

Các tướng đồng thanh đáp:

- Chúng mạt tướng ủng hộ chúa công.

Chiều hôm đó, Trần Minh Công mở tiệc chiêu đãi Đinh Điền, có đầy đủ các tướng Bố Hải Khẩu cùng dự. Hôm sau, Trần Minh Công gọi người nhà đem thức ăn sáng cùng ăn với Đinh Điền. Sau khi trà nước xong, Trần Lãm nói:

- Ta đã nghe tiếng tăm và mến tài đức của Đinh Sứ quân từ lâu, nay nếu như Đinh Sứ quân tình nguyện về hội ngộ thì là một vinh hạnh lớn cho lão phu. Tướng quân hãy đưa thư này cho Đinh Sứ quân, bảo ngài ấy thu xếp về Bố Hải Khẩu càng sớm càng tốt, chớ phụ lòng mong mỏi của lão phu.

Đinh Điền đứng dậy cáo biệt:

- Đa tạ chúa công, Chúa công mạt tướng sẽ sớm về hội ngộ để đáp lại tấm lòng của chúa công.

Trần Lãm thi lễ:

- Cáo từ, hẹn sớm gặp lại tướng quân.

Rồi Đinh Điền lên ngựa qua cầu phao sông Bo, qua đường thiên lý rồi người ngựa đi về hướng Nam về Hoa Lư.

Đinh Điền trao thư của Trần Lãm cho Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh mở thư đọc. Thư viết: “Danh tiếng của Đinh sứ quân đã lừng lẫy khắp nơi, ta đã nghe từ lâu và rất ái mộ, nay nếu tướng quân không chê cửa doanh trại của ta nhỏ hẹp thì xin mời tướng quân về cùng dưới cờ để lo việc lớn, thống nhất đất nước, cứu nước, cứu dân thì lão phu vô cùng vinh hạnh.

Hẹn chờ hội ngộ. Sứ quân Bố Hải Khẩu Trần Minh Công kính thư”.

Đọc xong, Đinh Bộ Lĩnh hỏi Đinh Điền:

- Tướng quân quan sát thấy Trần Minh Công là người thế nào?

Đinh Điền đáp:

- Tiếng tăm đồn đại không sai, đó là một người trọng nghĩa, trọng hiền tài, có chí lớn vì dân, vì nước.

Lại hỏi:

- Tướng quân quan sát thấy thực lực của Trần Minh Công thế nào?

- Bao nhiêu là ruộng đất thẳng cánh cò bay, mùa màng trù phú, trâu bò đầy đồng, ngựa hàng vạn, hàng nghìn gia nhân, quân đội vài vạn, dân cư no ấm.

Lại hỏi tiếp:

- Các tùy tướng của Trần Minh Công thế nào?

- Toàn các tay anh hùng trọng nghĩa và tài giỏi về quân sự.

Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Vậy thì ta về tụ nghĩa dưới cờ của Trần Minh Công thôi.

Nói rồi sai tướng Nguyễn Đức Long cầm thư báo ngày về Bố Hải Khẩu cho Trần Lãm biết. Cắt cử hai tướng Trịnh Tú và Đinh Liễn lĩnh 1 vạn quân bảo về Vô Công và căn cứ Hoa Lư. Đinh Bộ Lĩnh dặn hai tướng:

- Trách nhiệm của hai tướng quân thật nặng nề, phải bảo vệ bằng được đất bản địa và là căn cứ của ta là Vô Công và Hoa Lư. Mất nó là chúng ta chết không có đất mà chôn. Vả lại đó là vốn liếng của ta để ta về với Trần Minh Công. Hai tướng rõ chưa?

Hai tướng hành lễ:

- Dạ, chúa công, hai mạt tướng dù xương tan thịt nát cũng không thể để mất Hoa Lư và Vô Công. Chúa công yên tâm. Chúc chuyến đi của chúa công vạn sự như ý.

Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Ta tin tưởng ở tướng quân và con trai.

Rồi lên ngựa mang gươm, đem theo 2 vạn quân và các tùy tướng hành quân theo con đường thiên lý lên hướng Bắc, được 100 dặm thì rẽ về hướng Đông đi về Bố Hải Khẩu. Đinh Bộ Lĩnh cùng quân Hoa Lư vượt cầu phao qua sông Bo sang bờ bên kia vào đất Bố Hải Khẩu. Đinh Bộ Lĩnh từ xa đã trông thấy quân Bố Hải Khẩu dàn ra hai bên đường, cờ bay phấp phới, trống chiêng vang lừng nghênh đón Đinh Bộ Lĩnh, các tùy tướng và quân Hoa Lư. Đến gần, Đinh Bộ Lĩnh và các tướng xuống ngựa tiến về phía Trần Lãm. Trần Lãm cùng các tùy tướng tiến ra nghênh đón Đinh Bộ Lĩnh và các tướng Hoa Lư. Đinh Bộ Lĩnh thấy đi giữa các tùy tướng là một người cao lớn, khoảng 50 tuổi, mặt vuông tai lớn, uy nghi lẫm liệt, biết đó là Trần Minh Công. Đinh Bộ Lĩnh và các tùy tướng qùy xuống hành lễ, chắp tay và nói:

- Xin kính chào chúa công.

Trần Minh Công thấy Đinh Bộ Lĩnh khôi ngô tuấn tú lạ thường, oai phong lẫm liệt, còn các tùy tướng ai cũng tỏ ra phi thường và dũng mãnh. Trần Minh Công ân cần đỡ Đinh Bộ Lĩnh đứng dậy và nói:

- Không dám, Không dám, đứng dậy hết đi. Nghe đại danh của sứ quân lâu rồi nay mới được gặp.

Đinh Bộ Lĩnh đáp:

- Không dám, không dám, tại hạ cũng nghe đại danh của chúa công trọng nghĩa, trọng dụng nhân tài như sấm bên tai, nay được đứng dưới cờ quả là vinh hạnh.

Đinh Bộ Lĩnh và các tướng Hoa Lư cũng chào các tướng quân Bố Hải khẩu:

- Chào các tướng quân.

- Không dám, chào các tướng quân.

Mọi người cười nói vui vẻ và cùng đi vào đại bản doanh của Trần Minh Công. Khi vào đến sảnh đường, chia nhau ghế chủ khách. Trần Minh Công ngồi ghế chủ nhân quay về phía mọi người ngồi hai hàng ở hai dãy ghế đặt dọc, giữa là bàn, Bàn ghế toàn bằng gỗ lim, màu gụ đen, chạm khắc hoa lá và khảm ngọc trai sáng bóng. Sau một tuần nước trà, Trần Minh Công nói:

- Hôm nay, quân doanh Bố Hải Khẩu chúng ta được đón tiếp sứ quân Đinh Bộ Lĩnh và nhiều tướng quân khác cùng quân đội Hoa Lư về hội nhập với chúng ta. Ta cũng như toàn thể các tướng lĩnh, quân đội của Bố Hải Khẩu rất lấy làm vinh hạnh. Trong sự vui mừng này, lão phu xin giới thiệu để các tướng lĩnh làm quen với nhau:

- Đây là tướng quân Ngô Văn Chấn, tướng quân Ngô Tất An, Tướng quân Bùi Quang Dũng, tướng quân Nguyễn Đức Long, tướng quân Nguyễn Đức Học, tướng quân Nguyễn Phúc. Tất cả đều quê ở Bố Hải Khâu, chỉ có tướng quân Bùi Quang Dũng quê ở Phong Châu.

Sau lời của Trần Minh Công, tất cả các tướng quân Bố Hải Khẩu đều đứng dậy chắp tay hành lễ:

- Xin kính chào sứ quân Đinh Bộ Lĩnh, kính chào các tướng quân Hoa Lư.

Đinh Bộ Lĩnh và các tùy tướng đứng dậy chắp tay đáp lễ:

- Xin kính chào chúa công Trần Minh Công, kính chào các tướng quân Bố Hải Khẩu.                   Trần Minh Công chỉ ba người ngồi cuối bàn nói tiếp:

- Đây là tướng quân Trần Thăng, tướng quân Trần Nguyên Thái là em trai của lão phu, còn đây là con gái của ta, tiểu thư Trần Nương.

Trần Thăng, Trần Nguyên Thái, tiểu thư Trần Nương cùng đứng dậy chắp tay hành lễ:

- Xin kính chào sứ quân Đinh Bộ Lĩnh, chào các tướng quân.

Đại tiểu thư Trần Nương của Trần Minh Công quả là trang tuyệt sắc giai nhân.

Đinh Bộ Lĩnh cùng các tùy tướng đứng dậy cung kính:

- Kính chào hai tướng quân Trần Thăng, Trần Nguyên Thái. Chào đại tiểu thư Trần Nương.

Khi các tướng Hoa Lư ngồi xuống, Trần Minh Công nói:

- Xin mời sứ quân Đinh Bộ Lĩnh giới thiệu các tướng quân Hoa Lư để lão phu và các tướng quân đây làm quen với nhau.

Đinh Bộ Lĩnh đứng dậy:

- Xin giới thiệu với chúa công và với các tướng quân, tại hạ là Đinh Bộ Lĩnh, quê quán động Hoa Lư, huyện Vô Công thuộc Ái Châu. Tại hạ có một trưởng nam là Đinh Liễn, hiện đang ở lại giữ Hoa Lư. Ở Hoa Lư còn một tướng quân là Trịnh Tú. Còn đây là quân sư Lưu Cơ, tướng quân Đinh Võ Trung, tướng quân Nguyễn Bộ, tướng quân Nguyễn Bặc, tướng quân Lê Hoàn, tướng quân Lý Công Uẩn. Tướng quân Lê Hoàn quê ở Thọ Xuân, Ái Châu, tướng quân Lý Công Uẩn quê ở Từ Sơn, Vũ Ninh, còn tất cả đều quê ở Hoa Lư.

Sau lời Đinh Bộ Lĩnh, các tuỳ tướng Hoa Lư đều đứng dậy chắp tay thi lễ:

- Xin kính chào chúa công, chào các tướng quân, chào đại tiểu thư Trần Nương.

Trần Minh Công, các tướng Bố Hải Khẩu và đại tiểu thư Trần Nương đứng dạy đáp lễ. Trần Minh Công vui vẻ nói:

- Vậy là các tướng quân đã làm quen với nhau. Bây giờ chúng ta đã là ngưới một nhà. Mời Đinh sứ quân và các tướng quân xuống nhà  ăn, nâng chén rượu chúc mừng Đinh Sứ quân và các tướng quân.

Tất cả đều đứng dậy:

- Đa tạ chúa công.

(Còn nữa)

CVL

                                                                   

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 14)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn