Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)

PGS TS Cao Văn Liên

05/11/2021 07:21

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.  

co-loa-1636071318.jpg
Nhà Nô tồn tại 26 năm (939 - 965) với kinh đô Cổ Loa (Đống Anh - Hà Nội). Nguồn: Internet.

 

Kỳ 11.

Nam Tấn Vương nói:

- Đạo làm vua phải lấy uy đức văn võ mà trị nước, nay ta không đi dẹp loạn Nguyễn Khoan sao có thể răn đe được các hào trưởng, buộc họ phải quy thuận triều đình. Ta đã quyết rồi. Ai còn tấu chương gì không?

- Không có, vậy bãi triều.

Hôm sau, Nam Tấn Vương đem 2 vạn quân, 1000 võ sĩ cùng đại thần Lã Tử Bình, Đại tướng Phạm Man hành quân về Tam Đái, Phong Châu. Đúng lúc xuất phát, con ngựa màu nâu của vua chồm hai vó trước lên và kêu thảm thiết, cùng lúc một cơn gió thổi mạnh rồi trời tối sầm lại, ngọn cờ vàng chữ Soái gục đổ. Tham chính Đô đốc Phạm Man nói:

- Ngựa kêu thảm thiết, trời đất tối sầm, cờ Soái gục đổ là điềm rất xấu trong chiến trận. Mong Hoàng thượng dừng xuất quân hoặc là thay chủ soái bằng một đại tướng, Hoàng thượng nên ở lại.

Nam Tấn Vương cười ha hả:

- Ha!Ha! ngựa đi chiến trận được tung hoành nên mừng rỡ hí vang, gió to cờ buộc không chắc gục đổ có gì là lạ. Nay ta đã lên ngựa rồi mà còn thay chủ soái thì thiên hạ coi ta là đồ nhát gan, ta còn mặt mũi nào đứng trên trần thế.

Nói rồi Nam Tấn Vương cứ hạ lệnh xuất phát.

Khi đến địa phận Yên Lạc, Phong Châu, một bên là núi Một Tai, một bên là núi Biện, lại có đồi đất nổi lên trông như hình con voi đang quỳ, cây cối rậm rạp, địa thế rất hiểm trở và đầy sát khí. Phạm Man nói với Nam Tấn Vương:

- Bẩm Hoàng thượng, địa thế ở đây rất hiểm trở, đề phòng có mai phục.

Nam Tấn Vương nói:

Cho 500 võ sĩ và 5000 quân đi trước, nếu có mai phục thì ta không gặp nguy hiểm, lại từ phía sau xông lên tiếp ứng sẽ đánh tan được quân địch.

Rồi 500 võ sĩ và 5000 quân mở cờ dong trống đi qua hiểm địa trót lọt. Thám mã về báo:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, phía trước không có mai phục, đội quân tiên phong đã đi qua.

Nam Tấn Vương nói:

- Vậy tiếp tục hành quân.

Nói rồi Nam Tấn Vương thúc quân tiến về vùng núi Một Tai và Biện Sơn. Bỗng nhiên hai bên sườn núi chiêng trống nổi lên và hàng nghìn mũi tên như mưa bắn vào quân Ngô. Ngay loạt tên đầu tiên, một mũi tên đã xuyên qua giáp đâm vào ngực Nam Tấn Vương và nhà vua gục xuống, các tướng phải xúm lại đỡ lên. Phạm Man nhảy lên ngựa của Nam Tấn Vương, nhà vua vẫn đang gục xuống lưng ngựa. Phạm Man một tay cầm kiếm gạt tên, tay kia giật cương ngựa chạy về hướng Cổ Loa, cúi rạp người mà phá vây chạy. Phía sau, Nguyễn Khoan quân không đông nên không dám tràn ra đánh giết, do đó 1,5 vạn quân và 1000 võ sĩ đã chạy thoát. Thì ra Nguyễn Khoan là một tay mưu lược, khi mai phục nhìn thấy quân tiên phong của quân Ngô đi qua nhưng không có cờ chữ Soái, biết là không có Nam Tấn Vương trong đó nên không bắn. Dụ cho Nam Tấn Vương lọt vào trận địa mới tấn công. Và sứ quân ở vùng Tam Đái đã thành công.

Quân Ngô chạy cách chiến trường 5 dặm không thấy quân Nguyễn Khoan truy kích thì dừng lại chữa thương cho Nam Tấn Vương. Phạm Man đặt Nam Tấn Vương xuống, cỡi áo giáp đồng vàng, cỡi chiến bào và rút mũi tên ra. Mũi tên bị áo giáp cản lại không vào sâu nhưng là mũi tên có độc cực mạnh. Thái y của triều đình đi theo bó tay. Nam Tấn Vương tỉnh lại, sai cho gọi đại thần Lã Tử Bình, sai lấy binh phù chủ soái, tổng chỉ huy quân đội của triều Ngô trao cho Bình. Nhà vua nói trong hơi thở gấp:

- Đại tướng Phạm Man và Đại thần Lã Tử Bình hãy cùng các đại thần Phạm Bạch Hổ, Kiều Công Hãn, Dương Cát Lợi, Dương Nhị Kha hãy đưa Ngô Xương Xí lên ngai vàng. Hãy vì triều Ngô, vì bách tính, vì giang sơn xã tắc, hãy trung thành phò tá vua mới, không được hai lòng. Nếu các khanh hai lòng, nhà Ngô sụp đổ, thiên hạ sẽ đại loạn.

Phạm Man, Lã Tử Bình và các tùy tướng quỳ xuống khóc và nói:

- Chúng thần xin theo di chiếu của Hoàng thượng.

Họ nói xong thì trái tim của Nam Tấn Vương đã ngừng đập. Đó là ngày mùa hè năm 965, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn thọ 40 tuổi, ở ngôi 15 năm. Triều đình và bách tính, hào kiệt vô cùng xót thương một vị vua nhân hậu, hết lòng vì dân, vì nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền thống nhất non sông, kẻ thù không đội trời chung với kẻ bán nước và chia rẽ đất nước. Thi hài của Nam Tấn Vương được đưa về an táng ở Đường Lâm, cùng yên nghỉ với phụ thân là Tiền Ngô Vương và hoàng huynh là Nam Sách Vương. Cái chết của Nam Tấn Vương mở đầu cho cục diện đại loạn của Nước Việt: Loạn 12 sứ quân.

(Còn nữa)

CVL

IV

10 ngày sau lễ tang của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, trong một ngày có phiên thiết triều của Ngô Xương Xí, trưởng nam của Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập với hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Dung. Dự thiết triều gồm các đại thần đã trải qua ba triều như Giám quốc Kiều Công Hãn, Thái sư Đỗ Cảnh Thạc, Tham chính Đô đốc Phạm Man, tể tướng Lã Tử Bình. Thế lực lớn nhất trong triều đình là Lã Tử Bình. Lã Tử Bình cùng Nam Tấn Vương đi đánh Nguyễn Khoan ở Tam Đái, không may bị mai phục, Nam Tấn Vương trúng tên độc mà tử trận. Trước khi lâm chung, Ngô Xương Văn không trao binh phù Tổng chỉ huy quân đội nhà Ngô cho Phạm Man là ông chú của Ngô Xương Xí, (Phạm Man là em Phạm Bạch Hổ). Nhà vua lại trao cho Lã Tử Bình. Lã Tử Bình có binh phù, nắm quân đội nhà Ngô trong tay, có sức mạnh nên có mưu đồ bá vương mà trước hết phải đấu tranh với Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn, Dương Huy để tranh giành ngôi nhiếp chính, tiếp theo mới là lấy ngai vàng. Ngô Xương Xí mới 17 tuổi, khôi ngô tuấn tú, đăng quang khi còn quá trẻ. Nhà vua nhìn triều thần và nói:

- Ta nay đăng cơ, thừa kế cơ nghiệp của tổ tông họ Ngô, tuyên cáo đại xá thiên hạ:

-Lấy Đế hiệu là Ngô Xương Vương. Miễn sưu thuế cho bách tính một năm, Phong mẫu thân Phạm Thị Ngọc Dung làm Hoàng thái hậu, phong đệ là Ngô Xương Tý là Ngô Chân Vương.

- Các đại thần và các triều thần giữ nguyên chức vụ: Thứ sử phong Châu Kiều Công Hãn là Giám quốc, đại tướng Đỗ Cảnh Thạc là Thái sư, Đại tướng Phạm Man là Tham chính Đô đốc. Dương Cát Lợi đại thần phụ trách ngoại giao, Đại tướng Lã Tử Bình tổng chỉ huy quân đội triều đình, Phạm Phòng Át là Quốc cửu. Những đại thần có tên trên được dự vào hàng Quân Quốc trọng sự. Các triều thần khác cứ chức vụ như thời Nam Tấn Vương mà thực hiện. Mỗi chức vụ đại thần được cấp ruộng đất thực ấp 1000 hộ, những triều thần khác ruộng thực ấp 500 hộ.                                                                                                       Nhà vua dứt lời, các triều thần quỳ xuống chắp tay:

- Chúng thần tạ ơn Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn, vạn tuế.

- Miễn lễ, các ái khanh bình thân. Ai có tấu chương cứ tấu.

Lã Tử Bình đứng dậy:

- Thần có tấu.

- Ái khanh cứ nói:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, để cho triều chính thêm kỷ cương, thần xin Hoàng thượng nên lập ra chức tể tướng.

Ngô Xương Vương hỏi:

- Theo ái khanh, ai xứng đáng chức vụ đó?

- Bẩm Hoàng thượng, thần tài hèn sức mọn nhưng vì Hoàng thượng, vì triều đình, vì đất nước, thần sẽ xin giữ chức vụ nhiều trọng trách khó khăn đó.

Cả triều đình im lặng. Kiều Công Hãn đứng dậy tâu:

- Bẩm Hoàng thượng, các chức vụ hàm cấp trong triều đình như vậy là đầy đủ, Trên có Hoàng thượng, dưới đã có các đại thần phụ trách các công việc cụ thể. Có việc gì trọng đại, các đại thần họp lại thành Hội đồng quân quốc trọng sự để quyết định, cần gì phải tể tướng. Nếu có tể tướng thì chức Giám quốc của thần đã là tể tướng rồi.

Đỗ Cảnh Thạc đứng dậy tâu:

- Dạ bẩm hoang thượng, chức Thái sư của thần đã là tể tướng. Nếu có đặt ra chức tể tướng, ngoài thần kiêm nhiệm ra không còn ai khác.

Lã Tử Bình nói:

- Nếu Giám quốc và Thái sư là tể tướng do Kiều đại nhân và Đỗ đại nhân đã nắm rồi thì thần xin làm nhiếp chính.

Cả triều đình ngạc nhiên và sửng sốt với lời tâu của Lã Tử Bình. Đỗ Cảnh Thạc nổi giận nói:

- Hoàng thượng có còn là trẻ con đâu mà phải có quan nhiếp chính. Lã đại nhân đã thất lễ với Hoàng thượng. Định phản nghịch chăng?

Kiều Công Hãn đứng dậy hầm hầm:

- Lã đại nhân ức hiếp triều đình, ức hiếp Hoàng thượng quá đáng. Nhà ngươi dựa vào cái gì mà càn rỡ như vậy?

Lã Tử Bình mặt không đổi sắc, điềm nhien nói:

- Ta dựa vào thứ nhất, ta đã phò tá ba đời vua Ngô, đã tham gia trận Bạch Đằng năm 938, đã cùng Nam Tấn Vương lật đổ Dương Tam Kha, đem lại ngai vàng cho họ Ngô…

Đỗ Cảnh Thạc ngắt lời:

- Nếu chỉ có vậy thì ta và Kiều đại nhân đã phò tá nhà Ngô từ thời Dương Tiết độ sứ cơ. Ngài còn là kẻ đến sau.

Lã Tử Bình thấy đã đến lúc đánh bài ngửa:

- Nhưng ta đã có thứ mà hai ngài không có.

Cả triều đình nhìn tay của Lã Tử Bình giơ cao lên, thì ra trong tay của Lã Tử Bình là binh phù chủ soái, thống lĩnh toàn bộ quân đội nhà Ngô do Ngô Xương Văn trao cho trước khi từ trần.

CVL

                                                                                                   

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn