Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 10)

PGS TS Caqo Văn Liên

15/12/2021 08:55

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chien-chong-nguyen-mong-1639532582.jpg
Tranh minh họa:  Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất cuối tháng 1 năm 1258 đã kết thúc với chiến thắng của nước Đại Việt, ghi dấu công lao của vua Trần Thái Tông trong việc lãnh đạo quân dân chiến đấu chống quân xâm lược. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 10.

Nhưng ở Đại Việt, quân Mông Cổ chiếm được kinh thành không có nghĩa là chiến tranh đã kết thúc thắng lợi như ở các quốc gia khác và trong kinh thành càng không có lương thực. Quân Mông Cổ đói khát ra ngoại thành cướp bóc dân cư nhưng phần lớn có đi mà không có về, hoặc có về cũng không cướp được lương thực. Nhân dân Đại Việt được vũ trang đã chống lại quân Mông Cổ nếu đi nhỏ lẻ từng tốp. Nghe nói có một vương hầu nhà Trần là Trần Khánh Dư có quân bản bộ riêng, hoạt động quanh Thăng Long, thường tiêu diệt những nhóm quân Mông Cổ đi kiếm ăn. Đội quân này thành nỗi khiếp sợ cho quân Mông Cổ mỗi khi ra ngoài thành. Lần đầu tiên, quân Mông Cổ biết sợ hãi. Trong thành Thăng Long lại còn lính bị thương không thuốc men chữa trị. Đạo quân hùng mạnh của Ngột Lương Hợp Thai bắt đầu đói khát, kiệt quệ về thể xác, tinh thần.

chdv1-1639533207.png
Sơ đồ minh họa. Nguồn: Internet.

 

Việc mất kinh thành Thăng Long cũng là một đòn choáng váng đối với một bộ phận nhỏ quý tộc nhà Trần. Vua Trần Thái Tông, triều đình và quân chủ lực đã rút về vùng Khoái Châu, Long Hưng, Thiên Trường. Trong giờ phút khó khăn nhất, vua Trần Thái Tông hỏi vị quý tộc cao tuổi của nhà Trần là Trần Nhật Hiệu:

-Ái khanh cho biết tình hình hiện nay nên làm thế nào?

Trần Nhật Hiệu nhắm mắt không đáp, chỉ lấy ngón tay nhúng nước viết lên bàn hai chữ “nhập Tống”.

Trần Thái Tông hiểu ông già này muốn nói về với nhà Tống hay cầu cứu nhà Tống. Vua hiểu rằng ông già này quá hoảng sợ không còn tỉnh táo được nữa. Nhà Tống đang bị quân Mông Cổ tấn công, còn không bảo vệ được mình nữa, sức đâu mà lo cho Đại Việt. Trần Thái Tông hỏi Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ đáp:

-Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.

-Đa tạ thái sư, vậy là trẫm yên tâm rồi.

Trần Thái Tông hiểu rằng vua chỉ là một cá nhân nhưng đôi khi vua có thể quyết định số phận của hàng chục triệu con người, số phận của một quốc gia, của đất nước, nhất là trong những giờ phút nghiêm trọng của dân tộc. Vua phải sáng suốt, quyết tâm, phải hiểu ra rằng còn dân tộc mới còn triều đình, còn quý tộc, mất dân tộc thì mất cả triều đình, mất cả quý tộc. Không thể bán dân tộc để bảo vệ quyền lợi cho một tầng lớp. Đó là tội đồ của lịch sử. Nhà vua bảo Lê Tần và thái tử Hoảng:

-Ra lệnh cho các thân hầu tập trung quân bản bộ về Thiên Mạc.

-Dạ, thần tuân chỉ.

-Ra lệnh củng cố lại kỵ binh, củng cố lại chiến thuyền và thủy binh.

-Dạ, thần tuân chỉ.

Có thám mã từ Thăng Long về báo:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, quân Thát Đát ở Thăng Long đang lâm vào đói khát. Những tốp lính ra ngoài thành cướp bóc bị dân ta tiêu diệt.

Lại có quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có tùy tướng của tướng Trần Khánh Dư xin vào gặp.

-Cho vào.

Một tùy tướng bước vào quỳ làm lễ và tâu:

-Da, bẩm hoàng thượng, thần là tùy tướng của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Chủ của thần cho thần về báo cho hoàng thượng biết quân Mông Cổ ở Thăng Long hiện đang rất đói khát nguy khốn. Xin hoàng thượng phản công giải phóng kinh thành.

-Tốt, tướng quân về báo với Nhân Huệ Vương chuẩn bị chiến đấu phối hợp với quân triều đình.

-Dạ, mạt tướng tuân chỉ.

Vua cho gọi Trần Thủ Độ, Lê Tần, thái tử Trần Hoảng đến và nói:

-Nay quân Mông Cổ đang lâm vào tình trạng nguy khốn, thời cơ phản công giải phóng Thăng Long đã tới. Nhưng không thể một trận Thăng Long mà tiêu diệt hết được chúng. Chúng ta vây đánh nhưng để Đông Bộ Đầu và cầu phao cho chúng thoát. Có đường thoát chúng không liều chết chống cự, ta đỡ thiệt hại.

Trần Thủ Độ nói:

-Bẩm hoàng thượng, thần nghĩ là cứ tiêu diệt hết chúng đi, không để một tên nào sống sót để chúng khiếp sợ, lần sau không dám xâm phạm ta nữa.

Trần Thái Tông nói:

-Thái sư nói chí phải, ta chỉ đuổi chúng khỏi Thăng Long, trên đường chúng tháo chạy ta sẽ truy kích, tập kích để tiêu diệt hết chúng.

Lê Tần nói:

-Hoàng thượng nói chí phải nhưng trên đường tháo chạy của chúng lực lượng của ta mỏng, đến tận trại Quy Hóa mới có lực lượng dân binh của Hà Bổng đánh chúng.

-Ta đã trù liệu rồi, khi chúng tháo chạy khỏi Thăng Long, kỵ binh phải lập tức đuổi theo. Mặt khác ta sẽ điều Trần Hưng Đạo từ Vũ Ninh về Yên Bái mai phục tiêu diệt địch.

-Người đâu.

-Dạ, bẩm hoàng thượng.

-Quan nội thị đưa thư này cho Ngô Tùng tướng quân bảo phi ngựa đến Vũ Ninh đưa cho Trần Hưng Đạo hành quân đến Tam Giang mai phục, truy kích địch tháo chạy.

-Dạ, thần tuân chỉ.

-Thám mã đâu.

-Dạ, bẩm hoàng thượng, có mạt tướng.

-Ngươi chạy ngựa lên trại Quy Hóa, truyền khẩu dụ của trẫm cho Hà Bổng chuẩn bị mai phục đánh Ngột Lương Hợp Thai tháo chạy.

-Dạ, mạt tướng tuân chỉ.

-Thái tử Hoảng đâu.

-Da, bẩm hoàng thượng, có thần.

-Thái tử đem 2 vạn thủy binh tập kết Đông Bộ Đầu, đánh vào mặt Đông Thăng Long, nhớ chừa cửa Bắc và không được phá cầu phao để cho giặc rút qua sông Hồng và kỵ binh ta truy kích.

-Dạ, thần tuân chỉ.

-Lê Tần đâu.

-Dạ, bẩm hoành thượng, có thần.

-Khanh dẫn 2 vạn bộ binh và kỵ binh bao vây mặt Nam Thăng Long.

-Dạ, thần tuân chỉ.

-Thái sư Trần Thủ Độ.

-Dạ, có thần.

-Khanh cùng với Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung thu xếp cho triều đình và bách tính trở lại Thăng Long.

-Dạ, thần tuân chỉ.

Theo lệnh của Trần Thái Tông, các cánh quân thủy bộ của nhà Trần đang bí mật hành quân về Thăng Long. Trần Hưng Đạo cũng đã đem quân từ Vũ Ninh về Yên Bái.

*    *

*

Ngày 28-1-1258 quân Mông Cổ ở Thăng Long đã hết lương thực, Ngột Lương Hợp Thai phải ra lệnh giết ngựa cho quân ăn. Dù vậy, chỉ ăn thịt không cũng không thể giải quyết được nạn đói. Cái đói có thể đánh tan hàng chục vạn quân đội hùng mạnh nhất. Trong đêm, Ngột Lương Hợp Thai không ngủ được. Trống trên hoàng thành đã điểm canh ba. Chợt tiếng chiêng trống, tù và nổi lên vang động khắp ba mặt thành. Khi quân Mông Cổ chạy ra thì những trận mưa tên và mưa đá do máy bắn đá dồn dập nã vào. Hàng nghìn lính Mông Cổ gục xuống, những kẻ còn sống thì không biết đối thủ ở đâu để mà đối phó. Lính Mông Cổ mặc giáp lên ngựa nhưng cứ chạy loanh quanh trong thành chen chúc nhau và trúng tên hoặc đá từ ngoài thành dội vào mà chết. Chỉ chưa đầy canh giờ, xác quân Mông Cổ và xác ngựa chồng chất. Những con ngựa chồm vó lên kêu thảm thiết. Tiếng hò reo của quân Đại Việt vang động chen lẫn tiếng trống trận dồn dập. Ngột Lương Hợp Thai biết rằng quân Mông Cổ đã bị bao vây bốn phía. Bổng A Truật nói:

-Bẩm phụ thân, cửa Bắc thành không có quân Việt bao vây.

-Cầu phao qua sông còn không?

-Dạ, bẩm phụ thân cầu phao còn.

Ngột Lương Hợp Thai ra lệnh:

-Cho đại quân rút ra cửa Bắc qua cầu phao, nhanh lên, quân Việt mà phá cầu phao thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt.

-Dạ, rõ.

Ra lệnh xong, Ngột Lương Hợp Thai phi ngựa qua Đông Bộ Đầu, phi qua cầu phao, thấy chủ tướng tháo chạy, lính Mông Cổ cũng ùn ùn chạy theo, tranh nhau vượt qua cầu phao, tên nào cũng muốn chạy nhanh qua khỏi nơi tử thần đáng sợ. Khi quân Mông Cổ còn chưa qua cầu hết, còn dồn ứ ở Đông Bộ Đầu thì thủy binh Việt xông tới bắn tên và bắn đá. Tên và đá không chỉ bắn vào Đông Bộ Đầu mà bắn cả dọc cầu phao, nơi quân Mông Cổ đang chạy qua. 2 vạn tên đã chết ở Đông bộ Đầu và chết khi vượt cầu phao, nước sông Hồng ngẹn ứ như không chảy. Khi quân Mông Cổ không còn tên nào trên cầu phao, cung tên và máy bắn đá thủy quân Việt ngừng bắn cho kỵ binh Việt vượt cầu phao truy kích. Kỵ binh Mông Cổ mạnh tên nào tên đó chạy nên hỗn loạn, không chờ nhau mà đứt đoạn thành từng tốp, lại kiệt sức vì đói khát nên bị kỵ binh Việt đuổi theo giết vô kể, thây người và ngựa rải dọc đường suốt từ Thăng Long đến Nam sông Cà Lồ. Đến Bình Lệ Nguyên, cầu Phủ Lỗ qua sông Cà Lồ bị phá, phía sau bị kỵ binh Việt đuổi gấp nên kỵ binh Mông Cổ cứ lao bừa qua sông. Khoảng 2000 tên lao vào nơi nước sâu, cả người và ngựa lao xuống và không bao giờ lên nữa. Vì không có cầu nên kỵ binh Việt ngừng truy kích quay về. Họ biết Hưng Đạo Vương đang chờ chúng ở Tam Giang và Hà Bổng đang chờ chúng trại Quy Hóa.

Chạy đến Yên Bái thấy không còn bóng kỵ binh Việt đuổi phía sau, quân Mông Cổ tưởng đã yên thân ngờ đâu ngựa bị sa xuống hố được ngụy trang đất lên trên, hoặc ngựa bị vòng dây quấn vào chân và bị giật ngã và những trận mưa tên hai bên đường phóng ra. Quân Mông Cổ chết ngổn ngang. Thì ra đây là đạo quân của Trần Hưng Đạo đã mai phục sẵn chờ giặc. Hết những đợt mưa tên thì quân Việt xông ra chém giết. Khoảng 1 vạn kỵ binh Mông Cổ bị giết trong trận mai phục này. Trần Hưng Đạo thu quân về và nói:

-Còn lại để cho Hà Bổng lập công với triều đình.

Quân Mông Cổ chạy đến trại Quy Hóa. Ở đây hai bên đường là đồi núi cây cối rậm rạp, bị dân binh của Hà Bổng mai phục hai bên đường bắn tên như mưa, khoảng 3000 kỵ binh Mông Cổ lại rải xác dọc đường. Quân Hà Bổng truy kích chém giết cho đến khi Ngột Lương Hợp Thai chạy về bên kia nước Đại Lý mới thôi.

Ngột Lương Hợp Thai điểm lại quân mã, khi đi 4 vạn kỵ binh, khi về chỉ còn khoảng 5000. Đây là thất bại đầu tiên cũng là thất bại lớn nhất của đế quốc Mông Cổ từ thời Thành Cát Tư Hãn đến bây giờ. Ngột Lương Hợp Thai rất hổ thẹn. Tùy tướng là Triệt Triệt Đô đã uống thuốc độc tự sát. Toàn đế quốc Mông Cổ choáng váng rung động. Năm 1258, Đại Việt đã chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng, đế quốc Mông Cổ vẫn có thể bị đánh bại, nó không phải là bách chiến bách thắng như người ta nhầm tưởng.

Cuộc chiến tranh Đại Việt-Mông Cổ chỉ diễn ra từ 17-1 đến 30- 1-1258, đó là năm Nguyên Phong Thứ 8. Phía quân Việt khoảng 1 vạn quân đã hy sinh và nhiều lướng lĩnh, chưa kể bách tính bị giặc giết hại. Kinh thành Thăng Long bị giặc đốt phá chỉ còn là đống gạch vụn tro tàn. Chiến thắng đã bảo vệ được độc lập dân tộc, thoát khỏi họa diệt chủng nếu bị một đế quốc tàn bạo nhất khi đó nô dịch và thống trị. Một ngày mùa xuân năm 1258, Trần Thái Tông thiết triều và ra chỉ dụ:

-Nếu trong lúc nguy nan không có lời nói phải của Lê Tần khuyên ta rút lui, cứ say mê chiến trận vì anh hùng cá nhân, trẫm và toàn bộ quân đội đã bị quân Mông Cổ tiêu diệt trong cuộc bao vây ở Bình Lệ Nguyên. Lê Tần đã có công lớn trong việc phò vua giúp nước trong cuộc kháng chiến, nay phong chức Nhập nội phán thủ, tước Bảo Văn Hầu, được mang danh lớn Lê Phụ Trần. Trần Khánh Dư được ban tước Thiên Tử nghĩa Nam. Hà Bổng chủ trại Quy Hóa được phong tước hầu. Lê Phụ Trần sau còn được vua Trần Thái Tông mai mối cho kết duyên cùng Chiêu Hoàng Công chúa, tức Lý chiêu hoàng, vợ xưa của Trần Thái Tông, năm đó Lý Chiêu Hoàng đã 41 tuổi.

Trần Thái Tông là nhà quân sự xuất sắc, anh hùng dân tộc, nhà chính trị tài năng. Trong thời kỳ cai trị ông đã tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Đại Việt hoạt động có hiệu quả vì dân vì nước, ông còn là nhà ngoại giao bất khuất, không run sợ trước áp lực đe dọa của đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh. Ông còn là nhà thơ, nhà Phật học xuất chúng, đặt nền tảng cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà sau này cháu ông, Hoàng đế Trần Nhân Tông là người hoàn thiện.

Ngày 14-2-1258 năm Nguyên Phong thứ 8, Trần Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông, lui về cung Thánh Tứ làm Thái thượng hoàng, giúp vua trẻ trị nước.

Ngày 1-4 âm lịch 1277, Trần Thái Tông băng hà tại điện Vạn Thọ, Thăng Long, thọ 60 tuổi (1017-1277), mai táng tại Chiêu Lăng, phủ Long Hưng Thái Bình, miếu hiệu là Trần Thái Tông, thụy hiệu là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mâu Đức Hiền Hòa Hựu Thuần Văn Thánh Vũ Nguyên Hiếu Hoàng Đế.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 10)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn