Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 7)

PGS TS Cao Văn Liên

12/12/2021 09:33

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chuyltk1-1639276132.jpg
Tranh minh họa: Lý Thường Kiệt và bài thơ thần “ Nam Quốc Sơn Hà ” trong cuộc kháng chiến chống Tống, năm 1077. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Kỳ 7.

Sau thất bại, Quách Quỳ biết chỉ đưa vài nghìn quân sang thì như muối bỏ biển, có qua được phòng tuyến mà lạc đường cũng bị dân binh Việt tiêu diệt hết. Cần một lúc đưa ít nhất 4 vạn quân mới có thể tiến về Thăng Long được. Nghĩ vậy, Quách Quỳ bèn sai đóng bè lớn, mỗi bè chở 500 quân. Khi đóng xong 100 bè, quân Tống ào ạt sang sông, đến giữa sông thì bị máy bắn đá của quân Việt nã xuống. Hàng chục bè trúng đá, vỡ tan, lính Tống bị đá dập đầu dập mặt lăn xuống sông mà chết. Những số lính vào được gần bờ thì bị cung nỏ bắn gục, số lên mặt thành bên ngoài bám vào lũy tre thì bị gươm giáo quân Việt đâm từ trong ra rơi xuống sông. Phía bờ Bắc, bè quân Tống sang tiếp sức không kịp, thành ra số quân Tống sang được bờ Nam bị giết gần hết. Tiếng trống thúc dục liên hồi, tiếng reo hò kinh thiên động địa. Dòng sông Cầu máu đỏ lừ, cuộn sóng và xác chết. Quân Tống chưa gặp trận đánh thành nào mà khủng khiếp như vậy. Cuộc tập kích lần thứ 2 coi như hoàn toàn thất bại. Quân Tống chết hơn 1 vạn tên. Quách Quỳ biết rằng không thể vượt sông mà phá chiến lũy được, lui quân về trại và ra lệnh:

-Ai còn bàn đến đánh sẽ chém!

Chiến tranh kéo dài 2 tháng đẩy quân Tống đến chỗ khó khăn, suy yếu. Quân Tống đau ốm do khí hậu không thích hợp, thương binh không thuốc men, đặc biệt là nạn thiếu và nguy cơ hết lương thực cho quân chiến đấu và cho cả phu phen khuân vác. Một người lính chiến đấu thì hai phu khuân vác và ba người cùng ăn, thiếu lương thực thức ăn của 10 vạn quân chiến đấu, 20 vạn dân phu, cho 1 vạn con ngựa. Sau lưng quân Tống bị chiến tranh du kích của các dân binh của các tù trưởng và Thân Cảnh Phúc tiêu hao. Lý Thường Kiệt nắm rõ tình hình và biết đã đến thời cơ dáng cho quân Tống những đòn chí mạng buộc phải rút quân về. Lý Thường Kiệt ra lệnh cho hai hoàng tử Chiêu Văn và Hoằng Chân đem 2 vạn thủy binh và thuyền chiến từ căn cứ Vạn Xuân tiến lên Như Nguyệt tấn công vào doanh trại của Quách Quỳ để thu hút sự chú ý của doanh trại Tiệu Tiết. Trong khi đó, Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào doanh trại Tiệu Tiết. Quân của Hoằng Chân và Chiêu Văn đổ bộ lên bờ Bắc vào ban đêm đánh vào doanh trại Quách Quỳ. 2 vạn quân bất ngờ lao vào chém giết quân Tống. Tiếng reo hò kinh thiên động địa, tiếng dao kiếm va chạm nhau phát ra tiếng kêu lạnh lùng, tóe lửa. Quân Việt ban đầu chiếm ưu thế nhưng sau Hoằng Chân bị trọng thương. Các tùy tướng vừa đánh vừa mở đường máu đưa Hoằng Chân xuống thuyền. Quân Việt do đó cũng lùi dần xuống thuyền và rút lui. Chưa kịp rút thì thuyền của hai hoàng tử bị thuyền địch đâm chìm. Hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn hy sinh vì nước.

Trong thời gian đó, Lý Thường Kiệt dùng 4 vạn quân đổ bộ lên bờ Bắc bất ngờ tấn công doanh trại của Triệu Tiết. Triệu Tiết đang tập trung theo dõi chiến sự phía Đông thì bất ngờ bị bao vây tấn công bốn phía, quân Tống hoảng loạn bị chém giết mà chống cự thì yếu ớt. Tiếng reo hò vàng động, tiếng la hét của quân Tống thảm thiết, tiếng trống, tiếng tù và vang động rung trời chuyển đất. Quân Tống đại bại, bị chết mất 7/10 quân số, xác chết thành gò đống để hàng trăm năm sau vẫn được gọi là cánh đồng xác.

Đêm đó, khi quân Việt đã rút về phòng tuyến Nam sông Cầu thì quân Tống ở hai doanh trại còn đang kinh hoàng trong máu và xác chết, bỗng nhiên trên không trung vang rền tiếng đọc của thần thánh rành rọt những vần thơ vang động trong không gian, vang động bầu trời.

“Nam Quốc Sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. 

Nghĩa là:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Khi nghe đọc, ở hai doanh trại của Quách Quỳ và Triệu Tiết, cả quan và quân hốt hoảng chạy ra ngó lên trời. Lời đọc oai nghiêm sang sảng vang vọng không trung, lại như vọng ra từ đền thờ Trương Hống, Trương Hát là hai anh em cũng là hai tướng tài, là những trung thần của triều đại Triệu Việt Vương thời nước Vạn Xuân. Toàn bộ quân Tống đều kinh hoàng và hoảng loạn, không còn tâm trí nào muốn ở lại nữa.

Sớm hôm sau, Quách Quỳ cho mời Triệu Tiết sang bản doanh. Khi hai người đã xong một lượt trà, Quách Quỳ nói:

-Không có thủy binh vượt sông, chiến lược tốc chiến tốc thắng không thực hiện được, chiến tranh kéo dài khiến chúng ta lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Phó chủ soái có kế sách gì hay không?

Triệu Tiết đáp:

-Mạt tướng đã điểm lại, chúng ta đem sang đây 10 vạn quân, giờ chỉ còn khoảng 3 vạn, 20 vạn phu nay chỉ còn 10 vạn, 1 vạn ngựa chiến nay chỉ còn hơn 3000 con, lương thực chỉ còn đủ dùng trong 5 ngày. Như vậy, chúng ta không thể đủ sức phòng ngự chứ đừng nói đến tấn công. Nếu Lý Thường Kiệt tấn công chúng ta sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, mạt tướng và chủ soái sẽ bỏ thân ở đây là điều chắc chắn. Cho nên, mạt tướng mạnh dạn đề đạt chủ soái rút quân về nước càng sớm càng hay.

Quách Quỳ nói:

-Phó soái nói chính hợp ý ta nhưng rút lui là thừa nhận thua trận, quân đội, chúng ta và triều đình Tống sẽ mất danh dự.

Cả Quách Quỳ và Triệu Tiết không biết trả lời bài toán khó khăn đó như thế nào? Không rút thì bị tiêu diệt, rút thì mất danh dự. Làm thế nào bây giờ? Đang lúc Quách Quỳ và Triệu Tiết đau đầu nhức óc thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm chủ soái, có sứ giả của Lý Thường Kiệt muốn vào gặp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Một tùy tướng mang quân phục Đại Việt bước vào thi lễ:

-Xin chào nhị vị tướng quân

-Xin chào tướng quân

-Tôi vâng lệnh Phụ quốc Thái úy chuyển cho nhị vị tướng quân bức thư.

Tùy tướng Tống nhận thư, chuyển cho Quách Quỳ. Quách Quỳ mở thư đọc. Thư viết: “Chiến tranh liên miên làm hao người tốn của, gây đau khổ cho bách tính hai nước. Người anh hùng trước hết phải lo cho thiên hạ nỡ đâu nhìn cảnh như vậy mà không có hành động gì. Nếu như tướng quân đồng ý thì Đại Việt và Tống giảng hòa với nhau, không ai thắng thua trong cuộc chiến này. Nếu đồng ý thì thứ nhất, tướng quân phải rút hết quân khỏi biên giới Đại Việt, thứ hai trả lại toàn bộ đất đai đã chiếm đóng của Đại Việt mà không được thiếu một ly. Phía Đại Việt sẽ bảo đảm an toàn cho quân Tống rút khỏi biên giới mà không tập kích, không truy kích. Chờ hồi âm của tướng quân. Phụ quốc Thái úy  Đại Việt-Lý Thường Kiệt”.

Quách Quỳ đọc xong thư có vẻ mừng rỡ, nói với Triệu Tiết:

-Lý Thường Kiệt muốn giảng hòa, tướng quân đọc thư đi.

Sau khi Triệu Tiết đọc xong thư, Quách Quỳ hỏi:

-Ý tướng quân thế nào?

-Tốt quá rồi còn gì, Thừa tướng Đại Việt đúng là người biết hành động đúng lúc.

-Vậy bản soái sẽ viết thư phúc đáp Lý thừa tướng ngay.

Sứ giả đem thư về trình Lý Thường Kiệt. Thư viết: “Đúng như Thừa tướng viết, can qua mãi làm cho bách tính hai nước khổ cực. Hai nước Đại Việt và Tống không có lý do gì mà không chấm dứt tai họa này đi. Thể theo nguyện vọng của trời và của bách tính hai nước, mạt tướng đồng ý giảng hòa và đồng ý hai điều kiện mà thừa tướng đã nêu lên. Kính mong thừa tướng giữ lời hứa, không tập kích, không truy kích trong khi quân Tống rút lui khỏi Đại Việt. Nay kính thư. Chủ soái quân Tống-Quách Quỳ”.

Sau bữa cơm trưa hôm đó, tại hai doanh trại, Quách Quỳ và Triệu Tiết nói với binh sĩ:

-Nay Lý Thường Kiệt đã giảng hòa, chúng ta không còn lý do gì mà ở lại đây. Nay ra lệnh toàn quân rút về nước.

Quân Tống hai doanh trại hò reo vui mừng và nhổ doanh trại rút quân. Sợ quân Đại Việt không giữ lời hứa truy kích, tập kích nên quân Tống dày đạp lên nhau mà đi. Cuộc lui binh của kẻ chiến bại bao giờ cũng biến thành một cuộc tháo chạy. Quân Đại Việt cứ im lặng theo sau, không truy kích quân Tống mà để giám sát rút quân và thu hồi lại đất đai mà quân Tống đã chiếm đóng.

Chiến tranh chỉ mấy tháng thì kết thúc nhưng cuộc đấu tranh đòi lại đất đai quân Tống chiếm của Đại Việt ở châu Quảng Nguyên kéo dài mãi tới năm 1084. Khi Thái sư Lê Văn Thịnh đi sứ đòi lại mấy động giáp ở châu Quảng Nguyên mà nhà Tống không chịu trả lại. Vua Tống nói:

-Đất đó những tù trưởng châu động đó đã bán cho ta nên không thể trả.

Thái sư Lê Văn Thịnh dùng pháp lý đòi lại:

-Thưa hoàng thượng, chủ sở hữu đất đó là vua Đại Việt, các tù trưởng chỉ được trao quyền trông coi đất. Đem của được cử trông coi đi bán là ăn cắp để đem bán. Sổ sách của Thiên triều sao lại chứa đồ ăn cắp dơ bẩn sao?

Vua Tống tức giận nhưng đuối lý, đành phải trả lại hai miếng đất ấy. Khi Lê Văn Thịnh đã về, vua Tống nói với bá quan văn võ triều Tống:

-Sứ giả Đại Việt rất giỏi pháp lý, các khanh phải học tập.

Quách Quỳ về nước, bị kết tội trì hoãn không tiến quân làm cuộc Nam chinh thất bại, bị giáng làm Tả vệ tướng quân, bị quản thúc tại gia. Triệu Tiết bị kết tội không lập tức dẹp giặc, bị giáng làm Trúc long đồ giắc, tri Quế Châu thuộc Quảng Nam Tây Đạo.

Năm 1078, Tống và Đại Việt nối lại bang giao. Sứ giả Đại Việt Đào Tông Nguyên đem cho vua Tống 5 con voi, đòi lại những châu huyện ở Quảng Nguyên mà nhà Tống còn chiếm giữ. Vua Tống đồng ý nhưng đòi Đại Việt phải trả lại tù binh. Nhà Lý trả lại 221 tù binh bị bắt trong chiến tranh. Số đất trên mãi 1084 Thái sư Lê Văn Thịnh mới đòi lại được.

Sau chiến thắng nhà Tống, năm 1082, Lý Thường Kiệt được cử về trấn thủ lộ Thanh Hóa. Năm 1101, Lý Nhân Tông lại mời ông ra Thăng Long. Lúc này ông đã 82 tuổi. Năm 1103, Lý Thường Kiệt  đi dẹp loạn Lý Giác ở Diễn Châu, năm 1104, lại đi đánh Chiêm Thành. Những năm cuối đời ông vẫn lo tu sửa đê điều, đường sá, đình chùa, tổ chức lại quân đội hùng mạnh. Năm Ất Dậu 1105 Lý Thường Kiệt qua đời, thọ 86 tuổi. Vua Lý Nhân Tông truy phong Lý Thường Kiệt là Nhập Nội Điện Đô Tri kiêm Thái Úy Bình Chương Quân Quốc Trọng sự, tước Việt Quốc Công, thực ấp hưởng 1 vạn hộ, em là Lý Thường Hiến thừa kế.

(Còn nữa)

CVL

                                           

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 7)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn