Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 4)

PGS TS Cao Văn Liên

21/04/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A) “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 4.

  Lý Cao Tông sai Trần Hinh đi đón Phạm Du về. Phạm Du quỳ tâu:

-Dạ, thần đã phụ sự ủy thác của hoàng thượng. Mong hoàng thượng trị tội. Nhưng quả thật thần bị người ta vu oan. Mong hoàng thượng thánh minh tra xét.

  Lời nói của Phạm Du dẻo ngọt làm Lý Cao Tông mềm lòng:

-Được rồi, đứng dậy đi, trẫm biết khanh vẫn một lòng trung thành với trẫm, trẫm không trách tội khanh nữa.

-Đa tạ hoàng thượng, thần sẽ một lòng khuyển mã với hoàng thượng.

chkinhthanh1-1650468314.jpg

Kinh thành Thăng Long thời Lý. Nguồn: hoangthanhthanglong.vn

 

  Phạm Bĩnh Di về triều muộn hơn vì đường xa, phe cánh gian thần Phạm Du đều nhất mực đòi Lý Cao Tông trị tội ông. Phạm Bĩnh Di đang ở quân doanh thì sứ giả của Lý Cao Tông đến báo:

-Hoàng thượng có khẩu dụ đòi đại tướng Phạm Bĩnh Di vào triều yết kiến.

-Thần tuân chỉ.

  Quan nội thị nói:

-Hoàng thượng muốn cả công tử Phạm Phụ cùng vào.

  Bộ tướng của Phạm Bĩnh Di là Quách Bốc nói:

-Chỉ một mình chúa công vào là được, sao lại phải cả công tử.

  Quan nội thị đáp:

-Ta chỉ biết truyền khẩu dụ của hoàng thượng, còn không biết lý do. Tướng quân định kháng chỉ chăng?

  Khi hai cha con Phạm Bĩnh Di sắp đi thì con ngựa lồng lên, ngọn cờ “Soái” bị cơn giông thổi mạnh rơi xuống đất. Quách Bốc nói:

-Ngựa của chúa công lồng lên, cờ soái rơi xuống đất, đó là báo trước điều chẳng lành, chúa công không nên đi.

  Phạm Bĩnh Di nói:

-Thân là bề tôi, vua triệu không vào là kháng chỉ, là phản nghịch. Ta đi, tướng quân ở nhà chuẩn bị có gì thì ứng cứu.

  Hai cha con Phạm Bĩnh Di vào đến điện Càn Nguyên, chưa kịp quỳ xuống hành lễ thì Lý Cao Tông đã thét:

-Võ sĩ đâu, bắt tên phản nghịch tống giam chờ xét xử.

 Bọn võ sĩ lao ra bắt Phạm Bĩnh Di và Phạm Phụ lôi đi. Phạm Bĩnh Di kêu:

-Thần bị vu oan, mong hoàng thượng minh xét.

  Lý Cao Tông nói:

-Đem giam hai cha con kẻ phản đồ vào Thủy Viên, xét tội sau.

  Sau khi hai cha con Phạm Bĩnh Di đi rồi, Quách Bốc ngồi uống trà với tướng Đinh Khả và Hà Quang nhưng rất lo lắng. Chợt có thám mã về báo:

-Nguy rồi, bẩm tướng quân, hai cha con chúa công đã bị Lý Cao Tông nghe lời bọn gian thần Phạm Du bắt giam vào ngục Thủy Viên rồi.

  Quách Bốc nói:

-Chúa công là một trung thần hết lòng vì dân vì nước, vả lại chúa công đối với chúng ta và quân sĩ thật tốt, ta phải khởi binh đi cứu chúa công thôi.

  Đinh Khả đáp:

-Xin tuân lệnh tướng quân.

  Quách Bốc cùng Hà Quang và Đinh Khả cưỡi ngựa đi đầu dẫn hai vạn quân tiến vào Hoàng thành, phá cửa Đại Thanh kéo vào Đại nội. Tại đây quân ngự lâm bắt đầu xung đột đánh nhau với quân Quách Bốc. Tiếng reo hò chém giết kinh thiên động địa vang khắp kinh thành. Quân Quách bốc phá được cửa Đại Thanh tràn vào nội điện. Lý Cao Tông vội ra lệnh:

-Không để quân Quách Bốc giải thoát Phạm Bĩnh Di và Phạm Phụ, giải hai cha con chúng về điện Kim Tinh, nhanh lên.

-Dạ, tuân lệnh hoàng thượng.

  Trong khi lính đang giải Phạm Bĩnh Di và còn là Phạm Phụ chạy đến điện Kim Tinh thì gặp Phạm Du và em là Phạm Kinh. Phạm Du thét:

-Ngươi là kẻ thù không đội trời chung với ta, ngươi phải chết.

  Rồi Phạm Du và Phạm Kinh giật gươm của lính. Phạm Du nói với Phạm Kinh;

-Đâm chết con nó đi, nhanh.

  Phạm Du và Phạm Kinh gạt lính ra lao vào đâm vào ngực Phạm Bĩnh Di và Phạm Phụ, máu phun đỏ đất. Hai cha con Phạm Bĩnh Di gục xuống chết. Vừa khi đó Lý Cao Tông chạy đến kêu lên:

-Sao khanh lại giết ông ta? Quách Bốc đến lấy gì mà thương lượng?

  Phạm Du điềm nhiên đáp:

-Không cần thương lượng, hoàng thượng chạy theo thần nhanh lên.

  Phạm Du, Phạm Kinh, Lý Cao Tông cùng vài tên ngự lâm chạy ra cửa Bắc, phi ngựa qua cầu phao sông Hồng chạy một mạch lên miền Quy Hóa (Yên Bái, Phú Thọ), nương nhờ hào trưởng thiểu số Hà Cao.

  Trong sự hỗn loạn của Tử cấm thành, máu đổ, quân reo, lửa chạy người chết, quân sĩ hai bên vẫn giao chiến, Tô Trung Từ, tả thị lang bộ binh đem vài trăm kỵ binh chạy đến cung Ngự Thiện của Hoàng thái tử Lý Huệ Sảm. Cung này đang bị tướng của Quách Bốc là Đinh Khả tấn công. Hoàng Thái tử cùng An Toàn hoàng hậu (Đàm hoàng hậu), hai công chúa, em của thái tử đang vô cùng nguy ngập hoảng loạn. Hoàng hậu và hai công chúa đang kêu khóc. Tô Trung Từ cùng binh lính mở đường máu đưa bốn mẹ con hoàng hậu thoát ra khỏi hoàng thành. Khi đã an toàn, Tô Trung Từ nói với Thái tử Sảm:

-Hoàng hậu, điện hạ và hai công chúa tạm lánh về thái ấp của thần và anh vợ thần ở Hải Ấp, Hưng Hà, Bố Hải Khẩu rồi tính sau.

  Thái tử Sảm nói:

-Xin nghe theo Tô thị lang, về đâu cũng được, miễn là qua cơn nguy biến này.

  Hoàng thái tử, Đàm hoàng hậu lên một con ngựa, hai công chúa lên hai con ngựa của hai người lính, cùng Tô Trung Từ và 200 người lính chạy ra cửa Nam và theo Tô Trung Từ chạy về hướng đông-nam, phi qua cầu Bo, tiến về Hải Ấp vào lúc gần chiều.

  Quách Bốc đến điện Kim Tinh, thấy xác chủ tướng là Phạm Bĩnh Di và con trai là Phạm Phụ nằm chết bên đường, ngực hai người còn bị cắm hai thanh kiếm, máu đã đông đặc ngã màu đen. Quách Bốc, Hà Quang và Đinh Khả quỳ xuống rút kiếm ra, vuốt mắt cho chủ tướng và công tử rồi khóc:

-Cả đời trung thành với nhà Lý, với Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, xông pha mũi tên hòn đạn vì dân vì nước, lại bị bọn gian thần và hôn quân vu oan, giết hại thê thảm. Hoàng thiên và trời đất có thấu cho việc này. Hu!hu!hu!!!

  Canh giờ sau Quách Bốc ra lệnh:

-Lính đâu.

-Dạ, tướng quân.

  Đem thi hài chúa công và công tử tắm rửa sạch sẽ, khâm liệm vào áo quan để đưa vào điện Kính Thiên hương khói ba ngày rồi mai táng.

-Xin tuân lệnh tướng quân.

  Đủ ba ngày hương khói, Quách Bốc cho lấy xe ngự chở thi hài Phạm Bĩnh Di và Phạm Phụ đi ra cửa Việt Thành và an táng ở bến Triều Đông. 2 vạn quân của Quách Bốc mặc áo tang và đi đưa. Dọc đường, bách tính kinh thành khi biết Phạm Bĩnh Di và con là Phạm Phụ bị gian thần và Lý Cao Tông vu oan rồi giết chết, bách tính hết thảy đều thương tiếc mà rơi nước mắt.

  Quách Bốc làm chủ kinh thành liền nói với Đinh Khả và Hà Quang:

-Nước một ngày không thể không có vua. Ta phải tìm một con cháu nhà Lý đưa lên ngôi, thay cho tên hôn quân vô đạo Lý Cao Tông.

  Đinh Khả nói:

-Tướng quân nói phải lắm. Lý Cao Tông vô đạo đã bỏ chạy rồi, phải thay người khác. Vả lại ta cũng phải có một hoàng thượng để phò tá và ban mệnh lệnh mà khống chế thiên hạ.

  Quách Bốc gọi:

-Bay đâu.

-Dạ, tướng quân.

-Đi tìm các cung xem còn có ai là hoàng tử nhà Lý hoặc anh em họ hàng với nhà Lý đem về đây. Nhớ là không được giết họ, rõ chưa?

-Dạ, rõ tướng quân.

  Trưa hôm sau, Quách Bốc đang ngồi uống rượu với Đinh Khả, Hà Quang và các tướng thì lính dẫn về một thiếu niên khoảng 10 tuổi. Quách Bốc hỏi người lính:

-Là ai vậy?

  Người lính thưa:

-Dạ, bẩm tướng quân, đây là hoàng tử, con thứ của Lý Cao Tông.

-Sao ngươi biết là hoàng tử?

-Dạ, ngọc bội hoàng tử đeo bên ngực nhìn thì biết.

  Quách Bốc giỡ áo thiếu niên lôi ra miếng ngọc bội màu xanh, ngọc bội ghi: Tước vị hoàng tử, con thứ của Lý Cao Tông, tên là Lý Thẩm.

  Quách Bốc cả mừng:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Lấy ghế cho hoàng thượng ngồi.

-Dạ.

  Thiếu niên nói:

-Ta không phải hoàng thượng, phụ hoàng của ta mới là hoàng thượng, đã bị các ông đánh chạy đi đâu rồi?

  Quách Bốc nói:

-Vì phụ hoàng của ngài nghe theo bọn gian thần, giết hại trung thần và bỏ chạy theo bọn gian thần, người phải ngồi lên ngai vàng để yên lòng bá tính, để thiên hạ yên bình không đại loạn nữa. Ngài không vì thiên hạ, không vì bách tính của Đại Việt sao? Ngày mai chọn giờ tốt ngài sẽ đăng quang.

  Hoàng tử im lặng.

  Thế là Lý Thẩm, con thứ của Lý Cao Tông được Quách Bốc đưa lên ngôi hoàng đế. Đó là cuối năm 1209.

III.

  Quá trưa sang chiều, Hoàng Thái tử Lý Hạo Sảm cùng mẹ là Đàm hoàng hậu và hai em gái được Thị lang bộ binh Tô Trung Từ giải thoát khỏi vòng vây của Đinh Khả, chạy về đến điền trang thái ấp của Trần Lý, hào trưởng Hải Ấp, anh rể của Tô Trung Từ.

  Trần Lý là con trai của Trần Tự Hấp, cháu nội của Trần Tự Kinh, xuất thân làm nghề đánh cá. Ban đầu gia đình Trần Tự Hấp định cư ở Tức Mặc[1], đến đời Trần Tự Kinh thì chuyển về định cư ở Hải Ấp[2], phủ Long Hưng. Trần Tự Kinh chuyển sang nghề nông và ngày càng giàu có, đến đời Trần Lý thì trở thành một hào trưởng có thế lực. Thái ấp của Trần Tự Kinh gần với trang ấp của quan đại thần nhà Lý Tô Hiến Thành, hai nhà biết nhau, vì vậy Tô Hiến Thành gả trưởng nữ là Tô Lan Phương, chị của Tô Trung Từ cho Trần Lý, con trai của Trần Tự Kinh. Từ đó dòng họ Trần Lý càng có thế lực và tiếng tăm.

(Còn nữa)

CVL

----------------------

[1] .Nay là phường Lộc Vượng, T.P. Nam Định.

[2] . Nay là xã Tân Canh, Hưng Hà, Thái Bình.

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 4)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn