Đi trủ ruốc, một nghề truyền thống quê tôi bị thất truyền

Trần Ngọc Huân

03/11/2023 10:07

Theo dõi trên

Quê tôi ở vùng đất ven biển Quỳnh Lưu - Nghệ An có bờ biển bị khuyết vào thành vịnh nên rất lặng sóng.

Vùng biển này cạn nên không thuận lợi cho tàu thuyền vào neo đậu, hay đánh bắt xa bờ. Nhưng vùng biển này lại rất thích hợp cho nuôi trồng thủy hải sản và đánh bắt nhỏ lẻ ven bờ. Tuy là dân cư ven biến, mà dân quê tôi không làm nghề biển. Nghề chính quê tôi là làm muối và làm ruộng khô. Mùa màng thường thất bát nên đời sống khi xưa thật khó khăn. Ngoài làm muối và làm ruộng ra, thì quê tôi có thêm một nghề phụ nữa, đó là nghề đi trú ruốc.

anh-tac-gia-1698981424.jpg
Ảnh tác giả lựa chọn

Nghề trủ ruốc thường giành cho những người đàn ông mạnh khỏe đi đánh bắt vào những ngày nông nhàn. Nghề này là nghề truyền thống của cha ông từ ngày xưa. Tiếc rằng bây giờ không còn ai làm nữa. Một nghề truyền thống đã bị thất truyền. Nay tôi kể lại chỉ là một phần ký ức mà thôi.

Đi trủ ruốc, tức là đi đánh bắt con tép biển ở ven bờ. Con này đánh bắt được nhiều, người ta chế biến thành món mắm tôm mà ta ăn hàng ngày đó các bạn. Dụng cụ đánh bắt ruốc là một dải lưới mắt dày hình tam giác. Phía ngoài miệng rộng, và thon dài về phía sau. Phía sau có cái đuôi dài để khi tép vào đó không quay trở ra được. Khi đẩy được nhiều, thì người ta dồn nó vào cái túi ở đuôi rồi thắt dây lại. Đó là phần lưới. Còn phần càng người ta phải làm cái khung bằng tre cũng hình tam giác. Hai cây tre dài phía trước chĩa ra hai bên thành hình chữ V. Một cây tre to hơn buộc phía sau làm cần đẩy. Ở giữa có một thanh gỗ để liên kết ba cây tre lại, thế là thành cái khung rồi. Cái này tiếng địa phương gọi là "gọng trủ". Ta chỉ việc mắc lưới vào gọng trủ là làm việc được thôi. Nhưng khi mắc lưới vào gọng trủ thì phải phải có một bộ phận rất quan trọng nữa đó là guốc trủ. Guốc trủ người ta đẽo nó bằng gốc tre ở phía mũi cong lên, giống y như một đôi hài của vua quan ngày xưa vậy. Công dụng của đôi guốc này là lắp vào dầu hai thanh tre hình chữ V, để cho gọng trủ không bị cắm xuống cát, mà nó trượt trên mặt cát được nhẹ nhàng hơn.

Đi đánh bắt ruốc có hai cách khác nhau, là đánh bắt gần và đánh bắt xa. Đánh gần là cho người mới vào nghề chưa có kinh nghiệm, hay họ sợ ra xa. Còn đánh bắt xa bờ là giành cho người có nhiều kinh nghiệm, giàu bản lĩnh mới làm được. Đánh gần thì nước chỉ ngang bụng đến ngực là được. Còn đánh xa người ta phải đứng trên đôi chân giả làm bằng tre cao từ 1m đến gần 2m. Cái này ta thường gọi là "Đi kheo". Đánh bắt xa bờ thường được nhiều hơn, và con tép cũng to và sạch hơn. Khi đi trủ về, người ta chỉ lấy phần lưới và ruốc về thôi. Còn gọng trủ người ta bỏ lại trên bãi biển, hay dọc đường đi. Khi nào cần lại xuống lấy đi mà không ai lấy của ai. Nghề trủ ruốc là nghề phụ, nên chỉ là làm để ăn, hay nhiều hơn thì bán bớt trợ bữa mà thôi. Cũng có khi được nhiều ăn tươi không hết thì người ta chế biến thành món mắm tôm để ăn dần quanh năm. Nghề này phải đi đánh bắt theo con nước lên xuống nên rất cực. Có thì phải đi vào ban đêm. Ruốc này đánh bắt gần như quanh năm, nhưng cũng có mùa ít, mùa nhiều. Cái mùa cuối thu này là mùa ruốc vô nhiều nhất, nên người ta tranh thủ đi đánh bắt. Họ dầm mình cả đêm dưới nước lạnh nên rất cực. Ngày xưa thời còn chiến tranh. Nghe các cụ kể lại là, các cụ đi trủ đêm gặp phải cá heo mắc cạn nó quậy tung nước lên. Các cụ cứ tưởng là biệt kích đột nhập vào. Thế là các cụ chạy về làng báo động làm náo loạn cả xóm. Lần sau các cụ lại gặp như vậy nữa mới biết là cá heo. Dù sao thì tinh thần cảnh giác của các cụ ngày xưa rất cao...

Bây giờ nghề này không còn nữa, nhưng nó đã lưu vào ký ức của tôi không thể nào quê được. Một phần tiếc nuối vẫn còn trong tôi. Nay nhìn lại đĩa ruốc phui khế tôi lại nhớ đến cảnh đi trủ ruốc ngày xưa. Nhớ đến những đêm chờ ông hay bố đi trủ ruốc về, để được bới tìm những con cua, ghẹ, cum cúm nhỏ lột. Hay là những con tôm lột, cá nhỏ lẫn vào để luộc ăn ngay trong đêm thật là thích. Nhưng có biết mình được thưởng thức đó là công sức của ông, của bố, và của người thân đã dầm mình chịu lạnh trong đêm không? Một kỳ ức lại ùa về trong tôi, khi vào tiết cuối thu trời se se lạnh!..

RUỐC TƯƠI PHUI KHẾ

Ruốc tươi phui với khế

Rồi quấn xà lách non

Chấm nước mắm cá biển

Đơn giản mà tuyệt ngon

Bây giờ đồ làm sẵn

Trông bắt mắt cao sang

Nhưng chứa đầy hóa chất

Thực tình ta chả ham

Ta cứ ăn thanh đạm

Những thứ của nhà làm

Khế vườn ruốc trủ được

Chả tốn bao nhiêu ngàn

Món quê thành đặc sản

Với bao người đi xa

Nay ta về gặp lại

Niềm vui sướng vỡ òa.

MÓN NHẬU DÂN DÃ

Ruốc tươi vịnh Bắc Bộ

Mới vớt lên trong ngày

Khi chúng đang còn nhảy

Ta rang nóng ăn ngay

Bạn muốn nấu cách này

Tôi bày cho bạn nhé

Kiếm đâu vài trái khế

Gọt cạnh xắt lát ra

Và thêm ít hành hoa (hành lá)

Xắt nhỏ ta rộn vào

Tất cả cho lên chảo

Rang chín cho hơi khô

Lá chanh xắt rắc vô

Thành món đồ ngon lạ

Muốn cho thêm rôm rả

Làm thêm nhả lạc rang

Dưa chuột hay dưa gang

Rau thơm và rau sống

Đặc biệt phải nước chấm

Pha chế cho thật ngon

Bánh khô nướng cho giòn

Bẻ ra kêu rôm rốp

Rượu gạo nấu ta rót

Nghe róc rách êm tai

Nào nưng ly các ngài

Hôm nay ta cùng uống

Món này không bị ngán

Mà tốn nhiều rượu bia

Vậy cứ về quê ta

Ăn đồ ngọn lại rẻ

Đảm bảo cho sức khỏe

Thanh tịnh đế sống lâu.

Chuyện Quê

Bạn đang đọc bài viết "Đi trủ ruốc, một nghề truyền thống quê tôi bị thất truyền" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn