Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 1)

PGS TS Cao Văn Liên

24/03/2024 06:01

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 1

CHƯƠNG I

                       CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN ( 4-3-1975 đến 3-4-1975)

Bấy giờ là một đêm đầu tháng 3 năm 1975, toàn bộ không gian bóng tối mịt mùng. Núi rừng Lộc Ninh, Bình Phước cũng chìm trong giấc ngủ. Thời tiết đã chuyển dần sang cuối mùa khô nên không khí về đêm hơi se lạnh. Nhưng rừng cây không ngủ bởi gió đưa lá rung xào xạc. Trong bóng đêm những cây dầu, cây vên vên, cây cao su, cây quéo cổ, cây sao, cây đa cổ thụ vươn cao tầm 20 đến 30m, đường kính từ 1,5 đến 2m, có thể bằng vành bánh xe bò, tán lá vươn cao hùng dũng như những người khổng lồ trong bóng tối, tán lá rộng, đu theo bóng đêm xào xạc. Những cánh rừng ban đêm nom càng hoang vu huyền bí. Nhìn thấu lên trên những tán lá cây thấy những mảng trời đen với những vì sao lấp lánh. Xa xa chân trời phía Bình Dương, Sài Gòn và bốn phương đôi khi lóe lên những chớp lửa của pháo và bom đạn.

   Trong một căn nhà tại rừng Tà Nốt, thôn Tráng A Lãn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên bị bao phủ bởi những cây cổ thụ đủ loại và rừng khộp bị bao phủ bởi màn đêm. Đây chính là Thủ phủ của  Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là thủ đô của quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai là Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nơi đặt Bộ chỉ huy Miền, chỉ huy Quân giải phóng.

  Trong căn nhà rộng ba gian lợp lá dừa nước, vách trát đất le lói ánh đèn. Trong nhà, những chiếc bàn ghế kê ngang dọc. Chiếc bàn lớn nhất đặt đầy giấy tờ tài liệu. Hôm nay, tại đây có cuộc họp quan trọng của Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Ngồi bên bàn lớn là một quân nhân người tầm thước, khoảng gần 50 tuổi, trên cầu vai của bộ quân phục màu xanh quân giải phóng có mang quân hàm Trung tướng. Đó là Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, bên cạnh là một quân nhân mang quân hàm Thiếu tướng, đó là thiếu tướng Khuất Duy Tiến, Phó Tư lệnh chiến dịch kiêm Trưởng phòng tác chiến mặt trận B3 Tây Nguyên, có nhiệm vụ nghiên cứu phương án đánh địch. Các Phó Tư lệnh gồm Thiếu tướng Vũ Lăng, Đại tá Nguyễn Năng, Đại tá Nguyễn Lang  tiếp theo là Đại tá Phan Hàm, Đại tá Đặng Vũ Hiệp- Chính ủy, Đại tá Phí Triệu Hàm, Phó chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên. Đại tá Hồ Đê, Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) kiêm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, sau là Phó tư lệnh Quân đoàn 3. Thư ký của Trung tướng Hoàng Minh Thảo trong chiến dịch Tây Nguyên Nguyễn Văn Yêm. Căn phòng chỉ có một ngọn đèn lờ mờ bị che gần hết đề phòng máy bay địch nhìn thấy ánh sáng. Ánh sáng chỉ soi xuống mặt bàn cho Bộ chỉ huy làm việc. Trung tướng Hoàng Minh Thảo nói:

-Mời các đồng chí dùng nước đi.

Tất cả đều nói:

-Xin kính mời đồng chí Trung tướng.

 Sau khi mọi người đặt ly xuống bàn, Trung tướng Hoàng Minh Thảo nói:

-Thưa các đồng chí, do thời cơ chiến lược đã tới cho nên Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kiên quyết mở cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975 để giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu tạo thời cơ lớn sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975, trong đó Kế hoạch Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng, đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh phê chuẩn, dự kiến Tây Nguyên là hướng đột phá chủ yếu mở đầu cho toàn bộ cuộc tổng tấn công 1975. Các đồng chí đã biết trong lịch sử chiến tranh Đông Dương thời kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ ngày nay, Tây Nguyên là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng, từ Tây Nguyên có thể khống chế được toàn bộ vùng Nam Đông Dương. Giải phóng được Tây Nguyên chúng ta có thể uy hiếp Quân khu I và Quân khu II ở phía đông là Trung Trung Bộ, uy hiếp Sài Gòn, uy hiếp Quân khu IV (đồng bằng Nam Bộ). Do đó ngày 5 tháng 2 năm 1975, Bộ Tư lệnh giải phóng Tây Nguyên được thành lập, mang mật danh 275. Xin mời đồng chí Trung tá Trưởng phòng tác chiến Quân đoàn Khuất Duy Tiến trình bày lực lượng quân ta ở Tây Nguyên.

Trung tá Khuất Duy Tiến uống một ngụm nước, liếc mắt vào sổ tay và nói:

-Kính thưa đồng chí Trung tướng Tư lệnh trưởng, thưa các đồng chí, binh lực của ta ở Tây Nguyên chủ yếu là Quân đoàn III bộ binh gồm các Sư đoàn 2 (Quảng Đà), Sư đoàn 10 (Đắc Tô), Sư đoàn 316 (Bông Lau), Sư đoàn 320A (Đồng Bằng), Sư đoàn 968 (Trường Sơn). Còn có các Trung đoàn Độc lập 25, 271, 95A, 95B. Lực lượng đặc công bao gồm Trung đoàn 198 và hai tiểu đoàn độc lập 14 và 27. Lực lượng xe tăng-thiết giáp gồm Trung đoàn 40 và  pháo binh 675. Các Trung đoàn pháo phòng không 232, 234, 593. Trung đoàn công binh số 7 và 575. Trung đoàn ô tô vận tải. Tổng số quân Giải phóng thuộc Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên có 65.141 người, khối chủ lực có 43.020 người, trang bị 47 xe tăng T54, Type 59, 16 xe thiết giáp Tupe 63, 88 pháo lớn từ 105mm đến 130mm, hàng trăm khẩu pháo 85mm và cối 120mm, 160mm, sáu bộ khí tài tên lửa chống tăng B-72, 151 súng chống tăng B40, B41, hàng vạn súng trường bộ binh RPD, RPK, AK 47, K63, CKC, 343 súng phòng không các cỡ, 679 ô tô các loại. Các kho dự trữ hậu cần Tây Nguyên bảo đảm cung cấp cho các đơn vị từ 2 đến 3 tháng trong điều kiện chiến đấu liên tục.

 Nghe xong, Trung tướng Hoàng Minh Thảo nói:

-Xin mời đồng chí Đại tá Hồ Đệ, Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 kiêm Sư đoàn trưởng sư 10 cho biết bố trí lực lượng ta ở Tây Nguyên.

Hồ Đệ liếc vào sổ tay và nói:

-Kính thưa đồng chí Trung tướng Tư lệnh trưởng, thưa các đồng chí, toàn bộ lực lượng như trên của ta ở Tây Nguyên đến nay được bố trí thành các cụm như sau: Cụm Buôn Mê Thuột gồm Sư đoàn bộ binh 316, Trung đoàn bộ binh 95B, Tiểu đoàn bộ binh 34 (Trung đoàn 24), Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn xe tăng 273, hai Trung đoàn pháo binh 40 và 675, hai Trung đoàn công binh 7 và 575, Trung đoàn thông tin 29.

-Cụm Đức Lập có Sư đoàn 10 bộ binh, Trung đoàn bộ binh 271, Tiểu đoàn đặc công 14, Tiểu đoàn pháo binh thuộc Trung đoàn pháo binh 40, 2 Tiểu đoàn phòng không thuộc Trung đoàn phòng không 234.

-Khu vực đường 19 từ Bình Khê đi Pleiku có Sư đoàn 2, Trung đoàn 95A.

-Cụm Thuần Mẫn-đường 14 có Sư đoàn bộ binh 320A được bổ sung một Trung đoàn của Sư đoàn 968.

-Cụm Pleiku- Komtum có Sư đoàn 968 và lực lượng vũ trang địa phương 2 tỉnh.

-Khu vực đường 21 có Trung đoàn bộ binh 25.

Đại tá Hồ Đệ nói tiếp:

-Như vậy, trong chiến dịch Tây Nguyên này chúng ta tập trung một lực lớn binh chủng hợp thành gồm 5 Sư đoàn và 4 Trung đoàn bộ binh, một Trung đoàn và hai Tiểu đoàn đặc công cùng các lực lượng vũ trang trên địa bàn. Chiến dịch này còn huy động 47 xe tăng, 16 xe thiết giáp K63, thiết giáp 273, 478 khẩu pháo và 1 cối của 5 Trung đoàn và 2 Tiểu đoàn pháo binh độc lập, 35 khẩu pháo vác vai cỡ trên 100mm, 349 khẩu pháo và 1 cối biên chế trong các đơn vị bộ binh. Ngoài ra chúng ta còn huy động được bộ đội Trường Sơn giúp mở những con đường bí mật ở Tây Nguyên để chúng ta đưa binh chủng xe tăng vào. Các đồng chí đã biết Tây Nguyên cả đông, nam, bắc có đường cho xe tăng vào nhưng những con đường đó do địch khống chế, không thể vào được. Phía tây Tây Nguyên thì vướng con sông Serepok và tiếp đó là những cánh rừng khiến xe tăng không thể vào được. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã cho Bộ tư lệnh Trường Sơn điều đồng chí Võ Sở, Phó chủ nhiệm Chính trị, Đảng ủy viên Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 471, dùng Trung đoàn 754, 755 bí mật mở con đường từ Trường Sơn đi qua một số xã của huyện Cư Mga, đó là đường 50, 50B, 50C từ bắc Tây Nguyên đi vào, dài 60km. Ba nhánh đường này chỉ còn cách Thị xã Buôn Mê Thuột 20 km. 20 km này là rừng cây đã được cưa sẵn khi xe tăng đi vào sẽ húc đổ cây mà vào thị xã. Cho nên hiện nay quân ngụy ở Tây Nguyên vẫn tin rằng ta không thể đưa xe tăng vào tham gia các trận đánh. Nhờ vậy, trong Chiến dịch Tây Nguyên chúng ta sẽ có thêm sức mạnh hiện đại là Binh chủng xe tăng.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 1)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn