Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Kỳ 8)

Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Kỳ 8)

Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Điện Biên – Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2022.

Kỳ 8.

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận:

-Bác tán thành ý kiến của các chú. Trước hết Bác thay mặt Bộ chính trị và Chính phủ cho phép Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công Tạp đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Từ trước cho đến nay, quân ta chỉ quen đánh những cứ điểm. Nay tại Điện Biên Phủ Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm thì ta phỉa đánh tan hình thức phòng ngự mới này của Pháp để đẩy cuộc kháng chiến sang một giai đoạn mới để đẩy Pháp vào thế thất bại không thể cứu vãn được. Các cuộc kháng chiến của cha ông ta xưa đều kết thúc bằng một trận quyết chiến lược thắng lợi vang dội, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài. Còn những khó khăn như vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược, kéo pháo hạng nặng lên Điện Biên Phủ phải dựa vào nhân dân. Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân. Khó trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn làn dân liệu cũng xong. Vần đề này chúng ta sẽ bàn trong cuộc họp của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến sắp tới. Nay thay mặt Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng, tôi thành lập bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ:

1. Tư lệnh kiêm bí thư Đảng ủy Đại tướng Võ Nguyễn Giáp.

2. Tham mưu trương Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.

3. Chủ nhiệm chính trị đồng chí Lê Liêm.

4. Chủ nhiệm hậu cần Thiếu tướng Đặng Kim Giang.

-Về các đơn vị tham gia chiến dịch:

1. Đại đoàn bộ binh 308, danh hiệu quân Tiên Phong, mật danh Việt Bắc, Tư lệnh trưởng Đại tá Vương Thừa Vũ. Chính ủy Đại tá Song Hào, Tham mưu trưởng Đại tá Nguyễn Hải.

2. Đại đoàn bộ binh 304, danh hiệu Vinh Quang, mật danh Nam Định, Tư lệnh trưởng Đại tá Hoàng Minh Thảo, chính ủy đồng chí Lê Chưởng, Tham mưu trưởng đồng chí Nam Long.

3. Đại đoàn 312, danh hiệu Chiến Thắng, mật danh Bến Tre, Tư lệnh trưởng Đại tá Lê Trọng Tấn, chính ủy đồng chí Trần Độ, Tham mưu trưởng đồng chí Hoàng Kiên.

4. Đại đoàn bộ binh 316, danh hiệu Bồng Lân, mật danh Biên Hòa, Tư lệnh trưởng Đại tá Lê Quảng Ba, Chính ủy đồng chí Chu Huy Mân, Tham mưu trưởng đồng chí Vũ Lập.

5. Đại đoàn công binh, pháo binh 351, mật danh Long Châu, tư lệnh trưởng Đại tá Đào Văn Trường, quyền Chính ủy đồng chí Phạm Ngọc Mậu.

-Giao cho bộ chuy huy chiến dịch vạch kế hoạch và phương án tác chiến cụ thể để thực hiện chiến dịch. Đảng và Chính phủ phát động phong trào toàn dân thi đua yêu nước, huy động hàng vạn dân công, hàng vạn thanh niên xung phong mở đường, hàng vạn phương tiện thô sơ, xe đạp thồ, quang gánh, thuyền bè để vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực lên Điện Biên Phủ phục vụ chiến dịch thắng lợi.

-Bác ra lệnh hành quân tấn công Điện Biên Phủ.

  Tất cả đứng dậy nghiêm trang. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận 6 lá cờ đỏ sao vàng lớn có viết chữ : “QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG” của Bác trao và nói:

-Chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Bác, Bộ chính trị, Đảng và Chính phủ giao phó.

*      *

 *

  Tháng 3 năm 1954, nắng rải chan hòa xuống Điện Biên Phủ và Mương Phăng, khu rừng giáp với cánh đồng Mường Thanh nhưng cao hơn. Trong khu rừng rậm rạp nhưng bằng phẳng, nhiều chiến hào, hầm ngầm kiên cố, nhà cửa đã được công binh xây dựng xong. Đây là Tổng hành dinh của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ Mương Phăng, do địa thế cao hơn nên có thể quan sát rõ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và các trận đánh vào từng phân khu. Trong một căn nhà lợp lá cọ vách nứa, gian giữa đặt những chiếc bàn gỗ đơn sơ, trên bàn đặt những chiếc ấm và chén uống nước màu nâu. Vách giữa của gian nhà trên cao treo quốc kỳ đỏ sao vàng và lá cờ có chữ “Quyết chiến quyết thắng”, dưới cờ là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong căn nhà này, hôm nay có cuộc họp của Bộ chỉ huy chiến dịch. Ngồi ở ghế có chiếc bàn kê ngang gần vách là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngồi dưới là hai dãy ghế, giữa có bàn kê dọc vuông góc với bàn chủ tọa là các đồng chí trong Bộ chỉ huy gồm Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang. Đại tướng nói:

-Sau hai tuần hành quân khó nhọc, 11 Trung đoàn bộ binh thuộc các Đại đoàn  304, 308, 312, 316, Trung đoàn 367, Trung đoàn 151 pháo cao xạ và Trung đoàn 237 công binh pháo binh thuộc Đại đoàn 351 đã tập kết đến Điện Biên Phủ, hoàn thành nhiệm vụ hành quân thần tốc và bí mật gian nan vất vả lên chiến trường. Chúng ta có 1 Trung đoàn công binh, 1 Trung đoàn pháo binh với 24 khẩu trọng pháo 105 ly, một Trung đoàn pháo với 24 khẩu sơn pháo 75 ly và 16 khẩu cối. Một Trung đoàn pháo cao xạ gồm 24 pháo cao xạ 61K-37 ly. Sau này chúng ta sẽ được tăng cường thêm một Tiểu đoàn với 12 khẩu 61K.

-Để đưa được số pháo hạng nặng này qua 300 km đường nhỏ hẹp, dốc là một kỳ tích của chúng ta, bộ đội ta không chỉ kéo pháo lên đèo lên dốc mà còn sáng kiến tháo rời pháo ra từng bộ phận có thể để vận chuyển cho dễ. Có những chiến sĩ anh dũng như Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo để cứu pháo khi pháo lăn xuống vực và đã hy sinh. Pháo vào được trận địa còn là nhờ sức lực của hàng vạn thanh niên xung phong mở đường không quản ngày đêm mưa nắng dưới làn bom của máy bay địch.

  Đại tướng ngừng lại bê chén nước uống và nói tiếp:

-Đồng chí Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm hậu cần báo cáo xem lương thực do hàng vạn dân công vận chuyển hai tháng nay đã đủ chưa?

  Thiếu tướng Đặng Kim Giang đáp:

-Thưa Đại tướng, trừ số tiêu hao dọc đường cho dân công vận chuyển ăn, hiện nay số lương thực thực phẩm giành cho bộ đội tới được chiến trường là 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô. Số lương thực thực phẩm này bảo đảm cho 87.000 người ăn để tham gia chiến dịch, trong đó có 53.830 lính của bộ đội chủ lực, còn đủ cho 35.000 người phục vụ chiến dịch như thanh niên xung phong, dân công phục vụ.

  Thiếu tướng Hoàng Văn Thái hỏi:

-Thế còn đạn dược?

-Chúng ta đã đưa được tới mặt trận 1.200 tấn đạn, trong đó có 1 vạn viên đại bác, 1.733 tấn xăng dầu và 177 tấn vật chất khác.

Thiếu tướng Đặng Kim Giang dừng lại uống chén nước và nói tiếp:

-Có thành tựu kỳ diệu như vậy vì Bác và Chính phủ đã phát động phong trào thi đua yêu nước và huy động nhân dân đi dân công phục vụ chiến dịch bằng mọi phương tiện vận chuyển. Đã huy động 20.991 xe đạp thồ, 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa. Một xe đạp năng suất gấp 10 lần gánh bộ bằng quang gánh. Ngoài ra còn huy động hàng chục vạn dân công gồng gánh, gấp 5 lần so với số lượng quân đội chủ lực và được tổ chức biên chế như quân đội. Vận tải ra chiến trường còn có lực lượng cơ giới gồm 16 đại đội ô tô vận tải gồm 446 xe của Tổng Cục cung cấp đã được sử dụng.

-Thưa Đại tướng và các đồng chí, vận tải lập kỳ công còn do dân công và bộ đội công binh mở đường, đã huy động 14.000 người chuyên mở đường, đường mở rộng 3 tới 4 m như đường số 13 từ Yên Bái lên Tạ Khoa, đường từ Mộc Châu lên Lai Châu. Bộ Giao thông công chính phụ trách sửa đường 13 lên tới Cò Nòi, đường 14 từ Mộc Châu lên Sơn La. Bộ đội phụ trách mở đường từ Sơn La đi Tuần Giáo, đường số 42 từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ, đã sửa 100 cầu hư hỏng, đã sửa và nâng cấp 308 km đường ô tô, làm mới 63 km đường, mở đường kéo pháo, phá 102 thác để tổ chức vận tải đường thủy. Tổng khối lượng đất đào làm sửa đường lên lên 35.000 m3 đất, 15.000 m3 đá, phá hàng nghìn quả bom nổ chậm do máy may bay Pháp thả xuống. Đường từ hậu phương ra mặt trận luôn bảo đảm thông suốt, dù Pháp có đánh phá cũng chỉ ách tắc 1, 2 giờ là được sửa chữa.

(Còn nữa)

CVL