Chiếc cầu tàu trên sông BUG

Truyện ngắn của Nguyễn Đức Thảo

04/04/2024 08:14

Theo dõi trên

Tôi đi công cán ở thành phố biển. Ngày đầu Xuân năm nay thời tiết xấu quá. Trời mưa liên tục và khá lạnh. Sau khi giải quyết xong công việc, tôi đi ra biển, qua cánh rừng thông, nơi ba năm trước tôi đã đến. Gió thổi rì rào, những hạt mưa nhỏ tí tách lên tán lá cây màu xanh nhợt nhạt bởi mùa đông. Cánh rừng chừng như đã bình tâm trở lại sau cái chết của người đàn ông mà tôi vô tình quen ba năm trước.

Vẫn cái quán nhỏ bên đường, chỉ có phần như xuống cấp, trông tàn tệ hơn so với lần cuối cùng tôi đến đây. Cái mái bằng gỗ oằn mình bởi mưa tuyết, nắng gió và thời gian. Tấm bê tông trước cửa ra vào bị vỡ, khấp khểnh, lung lay như răng ông lão chẳng có người thay.

dt2clq-1712193209.jpg

Ảnh: Internet do tác giả cung cấp.

 

Một sự thay đổi nữa, đó là bà chủ mới, tôi không quen biết. Nhìn thấy người đàn bà lạ, tôi đã định không vào, nhưng trời mưa lạnh như thế này, một cốc trà chanh nóng thực sự có sức lôi cuốn lớn. Vậy là tôi bước vào, đến quầy đặt cốc trà, trả tiền rồi yên vị ngồi trong góc quán chờ đợi. Tôi rút điện thoại ra lướt Facebook. Một bí thư tỉnh ủy vừa vào lò cụ Tổng, Việt Nam thua Indonesia… Vừa lướt Facebook tôi vừa quan sát bà chủ mới. Đó là một người đàn bà gầy gò, tóc nhuộm nâu với ánh mắt vẫn trẻ trung tuy đã cao tuổi. Bà cũng vừa đun nước pha trà, vừa liếc mắt nhìn tôi với vẻ tò mò ra mặt.

Khi mang đến cho tôi cốc trà bốc khói nghi ngút với lát chanh mỏng, bà tần ngần một chút rồi hỏi:

⁃ Xin lỗi, ông là người nước nào ạ?

Tính tôi thích đùa. Tôi định đề nghị bà thử đoán xem, đoán có thưởng. Nhưng nhìn nét mặt là lạ của bà, tôi trả lời thành thật:

⁃ Tôi là người Việt Nam, bà ạ.

Chợt ánh mắt bà bỗng long lanh, như nhảy nhót. Bà nói nhẹ:

⁃ Xưa kia tôi có một bạn là người Việt…

⁃ Ôi, vậy ư? Tuyệt vời quá!- tôi kêu lên.

⁃ Vừa tuyệt vời và cũng vừa không tuyệt vời- bà chợt thở dài.

Trí tò mò của tôi bỗng chốc bị đánh thức. Tôi linh cảm như có cái gì đó đặc biệt trong chuyện này. Suy tính rất nhanh, tôi quyết định gợi chuyện:

⁃ Chắc bà quen với đồng hương của tôi trong trường đại học nhỉ? - tôi hỏi vì biết ngày xưa hầu hết người Việt được cử sang đây học đại học.

Bà gật đầu:

⁃ Vâng, ở trường Đại học tổng hợp Lublin.

Tôi nhấp ngụm nước trà và chờ đợi. Trong quán chỉ có tôi là khách duy nhất. Bà vừa lau mặt bàn vừa nói vui vẻ, tuy tôi nhận thấy trong từng âm thanh có chứa đựng cái gì đó ươn ướt như là nước mắt:

⁃ Người ấy là mối tình đầu của tôi đấy. Lâu lắm rồi ông ạ.

Tôi mừng quá. Đúng là số mình gặp may. Cũng ở quán này, ba năm trước tôi được nghe một câu chuyện bi thảm gắn liền với tiếng khóc của rừng cây. Với một kẻ a-ma-tơ viết lách như tôi thì những chuyện như thế này là cả một kho báu, đơn giản là cuộc sống của tôi khá tẻ nhạt, chẳng lấy đâu ra những đề tài đáng để viết.

Tôi quan sát bà chủ quán, hy vọng nắm bắt được tín hiệu chỉ ra rằng bà muốn thổ lộ chuyện riêng tư của mình cho một người không quen biết. Để níu giữ câu chuyện, tôi hỏi:

-Bà học ngành gì ở đó ạ?

Bà mỉm cười:

-Tôi học khoa sư phạm. Còn người tôi yêu học vật lý.

Tuyệt vời! Tôi như người sắp chết đuối vớ được cọc:

-Ôi, tôi cũng học vật lý, chỉ có là ở Tổng hợp Vác-sa-va.

Có lẽ điều này đã gây thiện cảm cho bà. Thế rồi, sau một hồi chuyện trò, bà kể cho tôi nghe câu chuyện của hai người trong quá khứ xa xôi.

*****

Đầu những năm 70 thế kỷ trước, Zofia đỗ vào khoa sư phạm trường Đại học mang tên nhà Nữ khoa học nổi tiếng thế giới Maria Skłodowska- Curie ở Lublin. Là một cô gái quê, được ra thành phố lớn học đại học, Zofia như lọt vào một thế giới xa lạ. Với cô cái gì cũng mới mẻ, khác hoàn toàn với cuộc sống trước đây. Lần đầu tiên trong đời, cô nhìn thấy những người da màu từ nước ngoài đến đây học đại học. Ở khoa luật có một số sinh viên người Châu Phi, người Ả-rập học y khoa. Cô cảm thấy hơi sợ hãi khi tiếp xúc với họ. Đơn giản là cho đến tận bây giờ cô chỉ nhìn thấy người da màu trong cái ti-vi Neptun đen trắng mà bố cô phải đút lót cho giám đốc nhà máy, nơi mình làm việc, mới mua được.

Ký túc xá ở phố Zana là toà nhà bốn tầng dành cho sinh viên, nối liền với một toà nhà thấp hơn dành cho các học sinh nội trú trường trung cấp kỹ thuật. Khu nhà không nằm trong khuôn viên trường đại học, mà cách xa giảng đường khoảng ba kilomet. Ở đây có nhà ăn sinh viên và một câu lạc bộ với những buổi tối thứ bảy vũ hội hoặc chiếu phim cho sinh viên và học sinh. Những bộ phim tư bản được chiếu ở đây (thường khó tìm nổi trong các rạp chiếu bóng thành phố) và vũ trường thứ bảy đã đưa tiếng vang của câu lạc bộ đi xa vào khu dân cư gần đó. Đám thanh niên địa phương thường tụ tập tối thứ bẩy trước cửa ký túc xá với hy vọng lọt được vào câu lạc bộ. Tuy nhiên ban tự quản của sinh viên kiểm tra rất ngặt. Nhiều vụ ẩu đả đã xảy ra.

Zofia ít khi tham dự các buổi vũ hội vì cô không biết nhảy, vả lại với thân hình đậm đà nên cô ngại. Các buổi chiếu phim thì không khi nào cô vắng mặt.

Bà chủ ngừng lời, mắt nhìn ra xa, mơ màng nhớ lại thời sinh viên thật vô tư.

⁃ Tuy tôi không biết nhảy nhưng tôi cũng thích xem người khác nhảy. Chỉ có điều chẳng ai muốn mời cô gái béo ục ịch nhảy- bà cười, ánh mắt lấp lánh, vui vẻ.

Tôi phản đối:

⁃ Nhìn bà bây giờ, tôi không tin là ngày xưa bà lại béo như lời bà kể.

Bà nháy mắt tinh nghịch:

⁃ Mấy chục năm rồi, ông ạ.

Ở nhà ăn, Zofia để ý đến một người Châu Á mảnh khảnh, mái tóc đen và cứng mọc tua tủa. Anh ít nói, cô cũng chưa bao giờ bắt chuyện với anh nên không biết trình độ ngôn ngữ Balan của anh thế nào. Thi thoảng hai người nhìn nhau rồi cúi mặt vào đĩa của mình. Đôi lần hai người gặp nhau trong hành lang ký túc xá. Họ nhìn vào mắt nhau một thoáng rồi đường ai nấy đi.

Một lần vào bữa tối, nhà ăn chuẩn bị cho sinh viên xúc xích rán. Anh không quen lắm với dao dĩa, lóng ngóng để miếng xúc xích rơi xuống sàn. Anh ngồi thừ, lúng túng một hồi, nhặt miếng thịt lên ném vào sọt rác rồi ăn bánh mì suông. Thấy vậy, cô đến quầy phát thức ăn, nói gì đó với bà nhân viên nhà bếp, rồi cô nhận được miếng xúc xích mới. Cô mang miếng thịt trên cái đĩa đến đặt trước mặt anh. Anh ngỡ ngàng và nở nụ cười cảm ơn. Từ bữa đó, hai người quen rồi thân nhau.

Sau giờ học, họ lại gặp nhau. Anh nhờ cô giải thích cho những từ ngữ Balan khó hiểu. Cô có dịp thử nghiệm tài năng sư phạm của mình. Cứ như thế, đông qua, xuân tới, giữa hai người tình yêu nảy nở lúc nào không ai hay.

Bà chủ quán cắt ổ bánh mì thành lát rồi khéo léo xếp vào một cái rổ nhỏ được lót bằng tấm khăn vải in hoa sặc sỡ. Ngắm bà, tôi vẫn thấy nét đẹp còn đọng lại tuy tuổi tác.

-Nghĩ cũng buồn cười. Chúng tôi quen nhau qua mẩu xúc xích- bà cười khúc khích.

-Nghỉ hè anh ấy đi làm thêm. Đi hái táo ấy ông ạ. Được một số tiền, anh ấy mua tặng tôi chiếc vòng tay bằng hổ phách. Đây, ông xem này!

Bà chìa tay ra. Trên cổ tay gầy guộc là một cái vòng tay làm bằng những hạt hổ phách màu cánh gián, hơi rộng và có nhiều vết xước.

-Chúng tôi yêu nhau lắm. Nhưng ông biết không, anh ấy vẫn một mực học xong sẽ về nước phục vụ vì đất nước của anh ấy đang có chiến tranh.

Ngoài anh ra còn có vài sinh viên Việt Nam học ở khoa toán. Thế rồi, không biết từ đâu, tin anh có người yêu Balan đã đến tai các cán bộ Đại sứ quán. Một ngày hè, một toán sinh viên từ thủ đô mang dây thừng xuống bắt anh, trói tay đưa về Đại Sứ quán.

⁃ Ông có tin được không? Khi đó tôi vừa có bầu được hai tháng…

Bà chủ nói, giọng buồn rười rượi.

⁃ Khi họ bắt anh ấy, tôi chạy ra ngăn cản, gào khóc, xin họ thả anh ấy ra. Tôi doạ báo cảnh sát, họ cười khẩy. Cảnh sát khi đó cũng đồng lõa với họ cả thôi.

Tôi lẩm bẩm:

⁃ Khi đó thì đúng như vậy. Không được phép yêu đương, thậm chí người Việt yêu nhau cũng không được, bà ạ.

⁃ Sau khi anh ấy bị bắt, tôi… bị xẩy thai.

Bà lấy vạt tạp dề lau nước mắt.

⁃ Từ đó tôi không biết gì về anh ấy nữa. Một thời gian sau, duy nhất một lần tôi lên Vác-sa-va tìm tin tức về anh ấy, được nghe phong thanh qua một người Việt cũng học ở đây, rằng khi tàu đi sang Nga qua một con sông, anh ấy đã nhảy xuống sông định trốn. Và bị chết đuối.

Bà nghẹn lời, mắt đỏ hoe. Cả hai chúng tôi cùng im lặng. Những giọt mưa như càng làm tăng thêm tính bị kịch của câu chuyện. Hồi lâu, tôi hỏi cuộc sống sau này của bà ra sao, bà bảo:

-Tôi bỏ học ngay sau đó và về quê. Quê tôi cách đây không xa. Tôi lập gia đình, nhưng rồi đổ vỡ. Chúng tôi không có con. Bây giờ tôi sống một mình vậy thôi.

Tôi nói vài câu cảm thông với bà rồi xin số điện thoại của bà và tạm biệt ra về. Sinh viên chúng tôi không nghe thấy vụ nào như bà nói. Tôi nung nấu ý định tìm lại người đàn ông kia, nếu ông còn sống. Mạng xã hội bây giờ có khả năng vô hạn, có thể làm nên những điều kỳ diệu.

*****

Nói là làm. Sau khi về Vác-sa-va, tôi liên lạc với những cựu sinh viên, với nhiều người quen cũ, để “bới lông tìm vết”. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng biết tin tức về người sinh viên trong câu chuyện. Hơn nữa, tôi còn liên lạc được với anh qua Facebook, và được nghe anh kể về quá khứ của mình.

Sau khi bị các sinh viên khác bắt đưa về thủ đô, anh bị nhốt vào một căn phòng ở Đại Sứ quán chờ ngày về nước. Anh tuyệt vọng hoàn toàn trước hoàn cảnh của mình. Sẽ không bao giờ anh còn gặp lại Zofia, gặp được đứa con chưa sinh ra của mình nữa.

Một tuần sau, hai nhân viên Đại Sứ quán áp tải anh ra nhà ga, một người đi cùng anh sang Matxcơva để đưa anh lên tàu liên vận về Hà Nội. Anh như người mất hồn, bảo đi thì đi, bảo đứng thì đứng. Kể ra nếu chẳng ai áp tải thì có lẽ anh cũng về đến quê nhà. Sự tê liệt đã choán hết cơ thể anh.

Tiếng bánh xe tàu hỏa xập xình đều đặn trên đường ray đưa anh vào giấc ngủ chập chờn đầy ác mộng. Trong giấc mơ, anh thấy Zofia ôm xác đứa con bé xíu của họ cố với tay để nắm tay anh. Nhưng anh không giữ nổi tay cô và Zofia cùng xác đứa con nhỏ rơi xuống dòng nước đục ngầu. Anh choàng tỉnh, người ướt đẫm mồ hôi. Đúng lúc đó, con tàu đang đi qua chiếc cầu vắt ngang dòng sông Bug, con sông biên giới giữa Balan và Liên xô. Tàu đi rất chậm. Anh nhìn nhân viên Đại Sứ quán đang ngủ và bỗng một ý tưởng loé lên trong đầu. Chẳng nghĩ ngợi, tính toán gì lâu, anh mở cửa sổ tàu rồi chui ra ngoài, bám vào thành cầu bằng sắt rồi nhảy xuống sông. Dòng nước đẩy anh xa dần cây cầu rồi anh bơi được vào bờ. Chắc biên phòng tổ chức cuộc truy đuổi, nhưng may mắn anh không bị bắt lại. Đêm đó anh ngủ lại giữa rừng.

Ngày hôm sau, anh tìm cách về lại Lublin, về với Zofia và đứa con chưa đẻ. May sao, trong túi anh có ít tiền Balan và vài đồng rúp Liên xô mà nhân viên Đại Sứ quán đưa để anh tiêu vặt dọc đường. Vừa đi vừa tránh biên phòng và cảnh sát, anh cũng về được đến ký túc xá. Nhưng Zofia đã đi đâu mất. Thất vọng tột độ, anh lên thủ đô tá túc ở ký túc xá với bạn người Việt. Chẳng có công ăn việc làm, không nơi nương tựa, một thời gian sau anh đến Đại Sứ quán trình diện xin về nước.

Sau một thời gian bị tạm giam, anh được thả ra. Những năm tháng sau này, nhiều lần anh gửi thư cho Zofia theo địa chỉ ký túc xá nhưng không có hồi âm. Tất nhiên anh không biết thư bị giữ lại do kiểm duyệt, hay sai địa chỉ. Địa chỉ duy nhất anh biết, đó là ký túc xá. Anh xin đi làm công nhân xây dựng rồi lập gia đình. Bây giờ anh đã có cháu nội ngoại cả rồi. Với thời gian, nỗi buồn đau nguôi ngoai dần. Tuy vậy, anh vẫn nghĩ mình có giọt máu gửi lại đất nước Sô-panh xa xôi.

Sau khi biết được tất cả những điều trên, tôi lập tức gọi điện cho Zofia để báo tin mừng rằng người yêu cũ của bà còn sống. Nhưng bà không nghe điện thoại, không đọc tin nhắn tôi gửi.

Một ngày, một người phụ nữ nghe máy, có giọng nói hoàn toàn xa lạ. Sau khi nghe tôi nói, bà buồn rầu:

-Zofia chết rồi ông ạ. Tôi là em họ của chị ấy. Zofia bị ung thư cổ tử cung từ lâu rồi mà không biết.

Nỗi buồn bỗng choán hết tâm hồn tôi. Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, bà vẫn đinh ninh rằng tình yêu của mình đã chết chìm dưới dòng sông Bug lạnh ngắt. Có thể phút lâm chung, bà vui với ý nghĩ người yêu đang chờ đợi mình đâu đó ở thế giới bên kia?

NĐT

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết " Chiếc cầu tàu trên sông BUG" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn