Chuyện xưa

Đàm Nhuần.

09/09/2022 09:48

Theo dõi trên

Phú và tôi đều là người cùng một xóm, lớn lên và vào học lớp đầu tiên của đời học sinh ở trường làng. Chỉ là trẻ con, ngoài giờ học và việc vặt trong nhà, khi bố mẹ giao cho làm xong là tranh thủ hoà chung vào hội bạn, cùng chơi những trò chơi giành riêng cho mỗi giới khác nhau, nhưng đôi khi vẫn chí choé này kia giữa hai phe phái.

Tôi thì đành hanh, còn Phú thường đại lượng và chững chạc, như thể cả hai đều là đại diện cho mỗi phe. Cứ thế, chúng tôi đã sống với một tình cảm như bẩm sinh vốn đã vô tư mà đứa trẻ nào cũng có.

Thế rồi, năm tháng vẫn bình thản trôi qua, Phú và tôi mỗi ngày một lớn. Hai đứa mến nhau rồi gắn bó với nhau hiển nhiên như cuộc sống của con người phải có khí trời và nước lã, có điều: hoàn cảnh gia đình anh thật éo le: Mẹ mất sớm, bố là thương bệnh binh từ thời chống Pháp. Nhà chỉ có hai anh em trai, được bố cho đi học nhưng cũng chật vật lắm. Phú ít nói nhưng tự tin, ngoài giờ học phải lăn lộn kiếm sống hàng ngày, anh vẫn vững vàng và khiêm tốn, cuộc sống gia đình tuy khó khăn vất vả, nhưng lẫn lộn giữa đám bạn bè, Phú học giỏi trội lên, lại thường giúp đỡ mọi người khi mỗi lần gặp bài toán khó phải nhờ anh giảng giải, điều đó khiến cả lớp học mến mộ anh, chẳng có gì xa lạ và khó hiểu cả.

dvh2b2-1662691639.jpg
Chú thích ảnh

Đối với tôi , Phú thường chu đáo và cặn kẽ hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống học trò, đôi lúc Phú còn giành thời gian kể lại cuộc sống riêng tư của gia đình anh với những nỗi niềm sâu kín, tưởng chừng như tôi sẽ không bao giờ có thể hiểu được nếu như đời này, kiếp này tôi không được biết anh.

Thế rồi, trong tiềm thức của tôi được hình thành một điều gì đó thật gần gũi nhưng cũng rất thiêng liêng, tôi có cảm giác như cuộc sống đáng yêu hơn và việc học của bản thân mỗi ngày khá lên, nhất là môn toán.

Tôi học khá và mỗi ngày hoàn thiện, điều đó khiến Phú vui ra mặt, trông anh tươi tắn lạ thường. Tôi lại càng cố gắng hơn nữa vì chỉ có một mong muốn duy nhất là Phú luôn được vui vẻ - chỉ thế thôi.

Phú là tinh hoa của bố, ở cái dáng cao to nhưng từ tốn, điềm đạm. Là con trai nhưng anh lại có nét cười và màu da trắng hồng giống mẹ. Đã thế vào những ngày gọi là "quan trọng" anh thường mặc cùng bộ: chiếc áo sơ mi màu trắng, đi đôi với chiếc quần màu xanh nước biển, một gam màu hết sức bình thường, giản dị nhưng nó đã ám ảnh tôi suốt cuộc đời, nhất là khi bất chợt gặp ở dòng người trên đường, xuất hiện một người mặc gam màu ấy, một phản xạ không điều kiện đã làm tôi giật thót mình, ngơ ngác.

Tôi chỉ nhớ hình ảnh duy nhất của Phú theo tôi suốt cả cuộc đời, đó chính là đôi mắt, tôi không cắt nghĩa được ánh mắt ấy đã từng ngày qua ngày, cuốn hút mình từ lúc nào không biết.

Cuộc sống đang nên thơ, bình yên và hạnh phúc thì cơn lốc của cuộc chiến tranh đột ngột kéo đến như bàn tay của mụ phù thủy trong truyện cổ tích chụp xuống, làm đảo lộn tất cả. thế là điều không ai muốn đã xảy ra. Phú cùng với một số bạn trai trong lớp lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Trước ngày đi, anh đến nhà chào mẹ tôi và tạm biệt cả nhà trong tâm trạng rất khó tả. Bấy lâu nay mẹ tôi vẫn quý và thương Phú, bởi lẽ đơn giản: Phú mồ côi mẹ nhưng biết chịu thương chịu khó, một lẽ nữa là mẹ biết hai đứa tôi thương nhau. Về phía Phú, anh cũng biết rõ nơi đây là nguồn an ủi động viên duy nhất, chia sẻ với anh sự thiếu hụt của đời người, cũng nơi đây anh đã tìm lại được hơi hướng thân yêu của người mẹ hiền, của tình cảm một gia đình.

Tôi không nói được gì trong buổi chia tay ấy, lòng cảm thấy hoang mang lo sợ không thể giải nghĩa được. Phú đưa cho tôi ít giấy viết còn lại, vài thứ lặt vặt về dụng cụ học sinh, một cuốn sổ tay và một chiếc ảnh của mình cỡ 3 × 4, anh dặn tôi ở lại, nhớ giữ gìn sức khỏe và chúc tôi học tốt, thành đạt.

Cả hai không hề nói gì với nhau về một lời hẹn ước, về cái điều thiêng liêng sâu kín nhất, chỉ có ánh mắt anh nhìn tôi rất lâu và khác lạ, khiến tôi bối rối khẽ cúi xuống và yên lặng… thế rồi anh đi.

Phú ra đi chưa đầy một tháng đã có thư về. Anh kể chuyện hành quân: những người lính tân binh, có anh còn trẻ măng như còn vương hơi sữa mẹ, nhưng lại chững chạc vô tư đến lạ lùng. Tất cả đều hòa tan vào không khí hừng hực của cả nước đi giành độc lập tự do cho dân tộc. Anh mách với tôi lần cùng đồng đội đi đốn nứa, chặt cây nghỉ lại giữ rừng, anh bị đứt tay chảy máu quá nhiều. Đọc thư anh, tôi khẽ rùng mình và có cảm giác như chính mịnh bị đau, bị chảy máu. Anh hỏi tôi về chuyện học hành, anh xót xa và tiếc nuối vì phải xếp bút nghiên để lên đường đánh giặc, anh mong cho chiến tranh chóng qua đi để được về nhà, đi học, lao động và sống một cuộc sống bình thường như bao người khác. Anh còn bảo anh rất thích tấm hình tôi tặng anh, với đôi bờ vai dưới cánh áo bà ba và ánh mắt người con gái trong ảnh nhìn anh khiến anh rất vững vàng và phấn khích.

Anh vẫn cùng đồng đội hành quân tiếp vào sâu trong mặt trận phía Nam, đó cũng là lí do những cánh thư cứ thưa dần, tình cảm của anh vẫn xối xả trên những trang giấy viết vội gửi cho tôi, anh thú nhận là anh cảm thấy hạnh phúc thực sự khi quen biết và thân với tôi.

Ngày chia tay, hai đứa chưa nói với nhau điều gì, nghĩa là chưa ai nợ ai điều gì cả. Thế mà cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào thoát khỏi sự ám ảnh nặng nề rằng mình còn nợ anh nhiều lắm, nhất là từ sau ngày có tin dữ, dội về làng như một tia sét đánh: Phú đã hy sinh trong một trận đánh mãi tận miền đất của tỉnh Rạch Giá. Tôi hẫng hụt và tuyệt vọng, tôi không nói gì cả, có cái gì đó vụt loé lên trong cơ thể, hình như bắt đầu từ phía trái lồng ngực, xuyên thấu lên đầu, làm khuôn mặt tôi bỗng chốc tối sầm rồi đột nhiên tê dại dần trong từng mạch máu, khiến toàn thân lịm đi trong giây lát. Tôi vẫn không thể nào tin đó là sự thật. Ngày anh còn sống, còn gửi thư cho tôi, dù là cách mặt ngàn trùng, tôi vẫn tự cho mình là người con gái hạnh phúc nhất trần gian, được sống trong nhớ thương và chờ đợi, được yêu và được người ta yêu…

Sau đó một năm tôi cũng thoát ly, cũng một phần vì điều kiện công việc, chuyện riêng tôi cứ ỳ ra , sống âm thầm như thách thức với thời gian. Bạn bè thân thiết khuyên can, động viên nhưng chỉ nguôi ngoai được một thời gian ngắn lại đâu vào đấy. Cũng bao nhiêu lần gặp mẹ là bấy nhiêu lần mẹ an ủi động viên tôi. Có lần mẹ nghẹn ngào nài nỉ như van xin : Con ơi, đời người con gái có thì, con hãy nghĩ đến chuyện sinh nở khi đã trở thành người đàn bà nữa chứ. Chuyện của hai con, âu cũng là duyên số, mẹ nghĩ thằng Phú nó cũng sẽ vui nơi chín suối nếu con suy nghĩ đúng chứ không bao giờ nó oán hận con đâu…

Tôi gục đầu vào vai mẹ, khóc tức tưởi và lảm nhảm mãi cái điều ngớ ngẩn rằng tại sao một con người như Phú lại phải chết...

Thời gian quả là không hiểu tí gì về mọi chuyện, thành thử nó cũng không hề biết chờ đợi ai. Lúc này tôi đã trở thành người ngoại đạo giữa lứa tuổi được bạn bè khác giới để ý và theo đuổi, vì tuổi tác đã đến tầm với tay. Cuối cùng thì tôi cũng phải lấy chồng, anh cũng là người lính từ chiến trường phía Nam trở về. Anh là người đại lượng, đáng tin cậy, rất đồng cảm và biết sẻ chia. Mặc dù cuộc sống không bao giờ hoàn hảo cả nhưng tôi vẫn cảm thấy đời thật công bằng. Nhưng trớ trêu thay, đôi lúc tôi vẫn muốn thốt lên rằng tôi đã trở thành một bị cáo, nhưng lại không có chứng cớ phạm tội, không có nhân chứng, không có quan tòa, thẩm phán và xét xử. Nhưng từ đáy lòng mình, tôi cảm thấy như bị ai đó truy nã và buộc tội. Tại sao ngày anh đi , tôi không nói với anh điều gì đó dù chỉ là một lời hứa hẹn, để rồi cái khoảnh khắc phải từ biệt thế gian này, anh cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc...

Tôi đã tự khép lại câu chuyện riêng của mình trong quá khứ, vì đã gần nửa thế kỷ trôi qua, từng ấy năm của cuộc đời người con gái bị dồn nén lại, chôn chặt vào dĩ vãng. Để rồi xác định cho mình phải sống sao cho tốt, để Bạn ấy được vui, bởi vì dẫu sao – trong cuộc sống hiện tại, âm dương cách biệt, điều còn lại giữa hai đứa vẫn là những kỷ niệm đẹp và thiêng liêng...

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện xưa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn