Cuộc quyết đấu lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” 1972 (Kỳ 3): MỘT NGƯỜI VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI “HIẾN KẾ ĐÁNH MÁY BAY B-52” NHƯ THẾ NÀO?

Đặng Vương Hưng

10/12/2021 09:32

Theo dõi trên

Làm thế nào để bắn rơi được B-52? Đó là một câu hỏi lớn không chỉ của các đồng chí lãnh Đảng, Nhà nước, Quân đội ta, mà là của tất cả những người Việt Nam yêu nước.

chuy1q1-1639102892.jpg
"Cẩm nang" cách đánh B-52 của của bộ đội Tên lửa được chuẩn bị kỹ, trước khi diễn ra trận "Điện Biên Phủ trên không". Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đã có một câu chuyện cảm động về một người Việt Nam đang sống xa Tổ quốc, nhưng tấm lòng thì luôn hướng về quê hương. Theo phán đoán, ông quê gốc ở Nam Bộ, là một nhà khoa học, sinh sống ở Vương quốc Anh. Trong những ngày cả nước trăn trở, lo lắng tìm cách đánh B-52, nhà khoa học này cũng đã dày công nghiên cứu và đã hoàn thành một tài liệu có tên “Hiến kế đánh máy bay B-52”, rồi gửi theo con đường ngoại giao về nước.

Ngày 20 tháng 9 năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân của ta đã nhận được một bì thư công văn có niêm phong và bên ngoài đóng dấu “Thượng khẩn” do Thiếu tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần gửi đến. Trong bì thư công văn đó là tài liệu “Hiến kế đánh máy bay B-52” nói trên. Tài liệu dày tới 16 trang đánh máy. Phần quan trọng nhất của tài liệu này có tên: “Mìn trên không chống oanh tạc cơ B-52”. Nội dung của tài liệu được tác giả trình bày rất chi tiết và cụ thể hóa bằng các hình vẽ minh họa bằng bút màu. Đó là những quả mìn treo dưới khinh khí cầu, với những kích cỡ cụ thể. Tiếp đó, là cách bố trí lưới mìn khinh khí cầu trên không ở các hướng B-52 có thể bay vào Hà Nội...

chuy2q12-1639103182.jpg
Là người trực tiếp tham gia chiến đấu và chứng kiến, có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin có giá trị, Trung tướng, Phó giáo sư, Anh hùng LLVTND Phan Thu, thông qua cuốn sách “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52 - Những chuyện bây giờ mới kể” đã giải mã những điều thú vị, chỉ ra những tính năng của B-52 mà người Mỹ cho là “bất khả xâm phạm” đã bị Việt Nam biến thành “tử huyệt” trên bầu trời Hà Nội; điều luyến tiếc của tác giả về việc tên lửa SAM-3 chưa kịp tham chiến ngay trong năm 1972. Ảnh do tác giả cung cấp. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tác giả của tài liệu nói trên nhấn mạnh: Khinh khí cầu hoàn toàn vô hình đối với ra-đa của máy bay Mỹ. Sự bất ngờ và tính chất toán học của lưới mìn khinh khí cầu sẽ mang lại hiệu quả, khiến cho không chiếc B-52 nào thoát được khi vướng vào lưới mìn đó...

Thiếu tướng Đinh Đức Thiện còn có thư căn dặn kỹ về tài liệu “Hiến kế đánh máy bay B-52” kể trên: Nếu có điểm nào chưa rõ, cần hỏi thêm, có thể viết thư chuyển qua Bộ Ngoại giao để hỏi thêm tác giả. Còn nếu thấy cần thiết nữa thì mời trực tiếp tác giả về nước trao đổi, hướng dẫn cụ thể.

Rất tiếc, trong thực tế phương án “Lưới mìn khinh khí cầu” rất khó thực hiện. Vào năm 1967, Quân chủng Phòng không - Không quân từng thả khinh khí cầu chặn máy bay địch bay thấp. Dây thả mới dài vài ba km cho loại bóng ngắn đã gặp rất nhiều khó khăn. Còn B-52 lại thường bay ở độ cao trên 10 km... Nên phương án không có tính khả thi, vì vượt quá khả năng kỹ thuật cho phép. Quân chủng Phòng không - Không quân đành chuyển tài liệu “Hiến kế đánh máy bay B-52” lên cấp trên, để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thêm.

Như vậy, để chiến thắng được B-52 Mỹ, đã có sự đóng góp trí tuệ của cả dân tộc. Đó là trí tuệ Việt Nam!

chuy3q13-1639103410.jpg
Tên lửa SAM-2 dưới sự điều khiển của bộ đội Việt Nam đã trở thành "khắc tinh" của B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

“VẠCH NHIỄU TÌM THÙ” CHO TÊN LỬA SAM-2

Người ta đã nói nhiều về chuyện tên lửa SAM-2 bắn rơi B-52 Mỹ. Nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc xuất xứ của nó thế nào?

Cái tên SAM-2 là do viết tắt của các chữ tiếng Anh “Surface To Air Missile Type 2” (Tên lửa đất đối không kiểu 2) do Mỹ và phương Tây đặt ra để gọi một loại tên lửa của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Còn ở quê hương của SAM-2, nó được mang tên một dòng sông nổi tiếng của Nga: Tên lửa Dvina, ký hiệu là CA-75M.

Tên lửa SAM-2 được cải tiến từ loại tên lửa SAM-1. Về tính năng, nó có độ cao bắn hiệu quả lớn nhất 23 km, cự li bắn hiệu quả lớn nhất 32 km. Nghĩa là, tầm bắn của SAM-2 có độ cao vượt xa khả năng bay cao nhất của pháo đài bay B-52 đạt được. (B-52 có thể bay cao 20 km, ném bom ở độ cao 17 km, nhưng nếu muốn ném bom chính xác thì phải hạ độ cao xuống thấp từ 9 đến 11 km).

Mỗi quả tên lửa SAM-2 đều có một đầu đạn chứa 200 kg lượng thuốc nổ TNT, có sức công phá rất lớn. Khi quả đạn được phóng lên, còn cách mục tiêu khoảng vài chục mét, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích thích đầu đạn tự nổ. Khoảng 12.000 mảnh kim loại sẽ phóng ra xung quanh với sức công phá lớn. Vụ nổ sẽ tạo nên một quả cầu lửa sáng chói, nhiệt độ tăng đột ngột hàng ngàn độ cùng sức ép cực mạnh của sóng xung kích... Tất cả điều đó đều có thể bắn rơi máy bay Mỹ.

Tuy nhiên, SAM-2 muốn bắn rơi được B-52 thì phải nhờ ra-đa xác định mục tiêu. Trong cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng, sức mạnh của Không quân Mỹ không chỉ là máy bay, bom đạn... mà còn là Hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh! Có thể coi đó là một “Cuộc chiến tranh điện tử”, là thủ đoạn chủ yếu nhất của quân đội Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm. Đó là thủ đoạn sử dụng các phương tiện điện tử hiện đại, công suất lớn trang bị trên máy bay làm nhiễu loạn toàn bộ hệ thống thông tin và vô hiệu hóa hệ thống các loại ra-đa cảnh giới bầu trời, điều khiển tên lửa, ngắm của pháo cao xạ, dẫn đường cho máy bay MIG... của Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà trận “Điện Biên Phủ trên không” kéo dài tới 12 ngày, nhưng chỉ diễn ra vào ban đêm. Người Mỹ cho rằng trong đêm tối thì lực lượng Phòng không - Không quân của ta sẽ không thể quan sát mục tiêu bằng ống kính nhìn xa và mắt thường, lại thêm toàn bộ hệ thống ra-đa đã bị vô hiệu hóa bởi nhiễu, thì B-52 sẽ tha hồ tác oai tác quái.

Các chuyên gia kỹ thuật chia nhiễu ra làm nhiều loại: nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực, nhiễu trong đội hình và nhiễu ngoài đội hình.

Một trong những cách gây nhiễu của không quân Mỹ hồi đó là thả hàng triệu sợi kim loại màu trắng bạc cực mỏng và nhẹ. Chúng bay lơ lửng, giăng kín bầu trời, tạo nên bức tường nhiễu khổng lồ, cao từ 5 đến 7 km, dày tới 2 km và dài hàng trăm km... “Bức tường” nhiễu ấy khiến cho những màn hiện sóng ra-đa của lực lượng Phòng không miền Bắc Việt Nam rối loạn, che lấp mọi tín hiệu phản xạ, không thể nào phát hiện ra mục tiêu. Nhiễu đã “bịt mắt” lực lượng ra-đa của đối phương và giúp máy bay Mỹ “tàng hình” trong đêm tối.

Còn nhớ, tháng 4 năm 1972, không quân Mỹ bắt đầu thử nghiệm thủ đoạn gây nhiễu điện tử kiểu mới. Trong các đêm 10 tháng 4, đêm 13 tháng 4 và đêm 16 tháng 4, chúng lần lượt cho nhiều tốp B-52 và hàng trăm máy bay chiến thuật đến ném bom ở Vinh, Bến Thuỷ (Nghệ An); Hàm Rồng, Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Thành phố Hải Phòng... gây rất nhiều tổn thất cho quân và dân ta. Thậm chí, ngày 16 tháng 4 năm 1972, 60 máy bay Mỹ còn ngang nhiên xâm phạm vùng trời Hà Nội giữa ban ngày, cho F4 gây nhiễu giả B-52... Do chưa có kinh nghiệm, chúng ta đã phóng tới 30 quả tên lửa SAM-2 mà không tiêu diệt được chiếc máy bay nào. Trong trận đêm 16 tháng 4 tại Hải Phòng, bộ đội ta đã phóng tới gần một trăm quả tên lửa, nhưng kết quả vẫn bằng không.

Lầu Năm Góc ngạo mạn tuyên bố: “Bằng kỹ thuật điện tử, Không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống ra-đa của Bắc Việt, có thể vô hiệu hoá toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương. Kể từ đây không quân Mỹ có thể tự do ném bom vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Việt Nam, đều như đi vào chỗ không người”. Và họ tin rằng: “B-52 là bất khả xâm phạm, chỉ có thể bị rơi do thời tiết, hoặc trục trặc kỹ thuật; quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực phòng không của Bắc Việt”. Chính viên tướng John Mayer Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ cũng đã khẳng định: Chiến tranh điện tử là con đường sống còn của không lực Hoa Kỳ!

Nhưng những gì đã diễn ra trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng tháng 12 năm ấy thì hoàn toàn ngược lại với mong đợi của phía Mỹ: Lực lượng Ra-đa Việt Nam đã hoàn toàn kiểm soát không phận của Tổ quốc. Bằng những kinh nghiệm xương máu có được trong thực tế chiến đấu và cả sự tài trí tuyệt vời, họ đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ “Vạch nhiễu tìm thù”, tạo điều kiện cho các lực lượng Phòng không - Không quân ta bắn hạ được những chiếc máy bay tối tân nhất của Hoa Kỳ hồi ấy.

Và cho đến hôm nay, đó vẫn là những điều bất ngờ khủng khiếp nhất đối với những Phi công Mỹ!

(Còn nữa)

Đ.V.H

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Theo Trái tm người lính