Dòng sữa người phụ nữ Lào

Đỗ Quang Bình

03/11/2022 08:01

Theo dõi trên

Mời các em ngồi xuống. Thầy giáo vui vẻ chào cả lớp, rồi thầy bắt đầu: - Chào các em! Thầy được nhà trường phân công làm chủ nhiệm lớp các em trong giai đoạn học chuyên môn. Hôm nay, thầy trò chúng ta làm quen với nhau. Các em đã qua thời gian học tiếng Việt, nay chuyển sang học chuyên môn ngành Y. Nếu có những khó khăn trong giao tiếp hay học tập, các em trao đổi với nhau, hay hỏi trực tiếp, thầy sẽ giải thích, chúng ta cùng tìm hiểu, học tập.

Trước hết, tôi tự giới thiệu về mình.

- Tôi tên là Trần Giải Phóng 42 tuổi, bác sĩ, đã có vợ và 2 người con, một trai và một gái... Trước đây, tôi đi bộ đội là quân y trung cấp, chiến đấu ở mặt trận Đường số 9 Nam Lào năm 1971. Tôi bị thương rồi ra quân. Về địa phương, đi học tiếp lên đại học. Sau đó, về trường mình công tác từ đó đến nay.

Từ đây, ta xưng hô là thầy trò cho tình cảm các em nhé. Thầy có thời gian chiến đấu bên nước Lào các em không dài lắm, nhưng lại có những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là thầy bị thương vào cả chân và tay, không thể đi được. Thầy bò xuống khe suối tìm nước uống, Hai đồng đội đi cùng thầy đều bị hy sinh. Đơn vị tìm không thấy nghĩ rằng thầy đã bị địch bắt. Thầy được một gia đình người Lào đưa về cứu chữa, nuôi nấng hơn 10 ngày. Khi chiến dịch toàn thắng, đơn vị Quân giải phóng biết tin, đón thầy trở về đơn vị. Trước khi chia tay, gia đình người Lào đã lưu luyến tiễn đưa. Anh chị chủ nhà đã nhận kết nghĩa tình anh em, buộc chỉ cổ tay cho thầy.

dt1ac2-1667437059.jpg
Ảnh minh họa: Tác giả sưu tầm trên mạng.

 

Ngày đó, ở tỉnh Xa van na khẹt, thầy không biết rõ ở huyện hay xã nào, chỉ nhớ là ở bản Búc .. Thôi chuyện về thầy còn nhiều tình tiết lắm, hôm nay tạm thời như thế, thầy trò mình còn nhiều cơ hội để giao lưu...

Tiếp theo, thầy mời các em lần lượt tự giới thiệu tóm tắt về mình.

- Thưa thầy, em tên là Cay xon Phôm pha chanh, tên Việt Nam của em là Phạm Thị Hạnh, em sinh năm 1970, em quê ở tỉnh Kham muộn...

- Thưa thầy, em tên là...

- Thưa thầy, em tên là...

- Thưa thầy, em tên là Phôm xay Pha ni vi phong, sinh năm 1970, tên Việt của em là Phạm thị Giải Phóng, quê em ở tỉnh Xa vẳn na khệt...

Cả lớp cười ồ lên. Thế là bạn trùng tên với thầy giáo rồi!...

Sau phút cả lớp cười vui vẻ. Thầy giáo hỏi lại em học sinh gái có tên Giải Phóng:

- Vậy em quê ở Xa van na khẹt, có gần với khu vực chiến trường Nam Lào ngày trước không?

- Dạ thưa thầy quê em ở ngay bản Búc, nơi thầy vừa nói đó ạ. Giải Phóng trả lời.

Thầy giáo vui mừng, lại hỏi thêm về gia đình em học trò:

- Bố mẹ em có mạnh khỏe không, em được nhiều anh chị em hay không?

- Thưa thầy, Giải Phóng trả lời. Bố em là bộ đội địa phương của nước Lào. Bố mẹ em đều còn khỏe. Chắc bố em nhiều tuổi hơn thầy một chút, năm nay gần 50 rồi. Nhà em có ba chị em, em là lớn nhất. Hai em trai em cũng đang đi học thầy ạ.

Thầy lại hỏi thêm:

- Vậy tên Việt của em do ai đạt và đặt từ khi nào?

- Dạ thưa thầy, Giải Phóng trả lời. Tên của em do bố em đặt ạ. Em cũng không biết rõ bố em đặt từ khi nào, vì bên nước em, không ai gọi tên này thầy ạ. Em chỉ biết, trước khi em sang Việt Nam học, bố em bảo sang bên ấy thì lấy họ tên là Trần Thị Giải Phóng, vì đó là một kỷ niệm của gia đình...

Thấy câu chuyện của cô học trò có những tình tiết lạ, thầy giáo lại tìm hiểu thêm:

- Nếu không có gì bí mật riêng tư, em có thể kể cho thầy và các bạn biết về kỷ niệm của gia đình mà em được biết?

Giải Phóng trả lời:

- Dạ thưa thầy, bố em cũng kể về một chú bộ đội Việt Nam, bị thương năm 1971, về gia đình em cứu chữa, sau này nhận làm anh em kết nghĩa. Bố em là bộ đội địa phương Lào, trong quá trình chiến đấu với quân tình nguyện Việt Nam nên biết nói tiếng Việt... Chú bộ đội ấy tên là Giải Phóng, bố em bảo lấy tên của chú bộ đội Việt Nam đặt tên cho em để dễ nhớ thầy ạ....

Thầy giáo biểu lộ đầy xúc động. Ông nói với riêng Giải Phóng, cũng như với cả lớp:

- Người bộ đội em vừa kể ngày ấy, có lẽ đúng là thầy đấy. Tranh thủ khi nào, em gọi điện về bên nhà, để bố mẹ em xác định lại câu chuyện này em nhé. Hôm nay, thời gian ở lớp học có hạn; thầy trò mình tạm thời dừng ở đây. Ngày nghỉ cuối tuần này, thầy sẽ đến ký túc xá thăm các em và nói chuyện nhiều hơn với em Giải Phóng...

Như đã hẹn, hôm nay thầy giáo đến khu ký túc xá của các em lưu học sinh Lào. Sau khi thầy đi một lượt thăm nơi ăn ở, thầy vào phòng khách uống nước, nói chuyện cùng các học sinh. Tuy là ngày nghỉ, nhưng biết thầy giáo hôm nay đến hỏi thăm bạn, nên có khá nhiều em ở nhà nghe chuyện của hai thầy trò.

Mở đầu câu chuyện, thầy giáo hỏi chung các em:

- Các em đến nay ăn ở thế nào, các em đã quen với nếp sinh hoạt ở nhà trường hay chưa? Có khó khăn gì các em cứ mạnh dạn trao đổi, thầy sẽ báo cáo nhà trường, để tạo điều kiện tốt nhất cho học tập của các em.

Một bạn học sinh trả lời:

- Thưa thầy, sang học gần được một năm, nên chúng em cũng quen rồi ạ. Điều kiện ăn ở của nhà trường cũng tốt lắm, không có gì đáng ngại. So với đời sống bên Lào của chúng em, điều kiện ăn ở như thế này, là tốt hơn ở bên nước nhà chúng em thầy ạ.

Thầy giáo vui vẻ bảo các em:

- Ở tập thể các em cần nêu cao tinh thần đoàn kết. Tự giác giữ vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh chung trong khuôn viên nhà trường. Các em học tổ, nhóm cùng giúp nhau tiến bộ. Mong sao sau này ai cũng tốt nghiệp khá giỏi, để về chăm sóc tốt sức khỏe bà con quê hương.

Các em đồng thanh đáp:

- Vâng ạ!..

Đoạn thầy hỏi thăm học sinh Giải Phóng:

- Em đã gọi điện về bên gia đình chưa?

- Dạ em gọi rồi thầy ạ. Giải Phóng trả lời. Chắc đúng là thầy!

Rồi em kể:

- Bố em bảo, thấy chú bộ đội giải phóng bị thương cả ở chân và tay, đang bò xuống khe suôi tìm nước uống. Dạo ấy mùa khô nên suối ít nước lắm, chỉ chảy róc rách. Bố em cũng đi lấy nước về dùng nên may gặp chú; bố em đã cõng chú về hầm trong khe núi, băng rửa vết thương và lấy thuốc là chữa bệnh... Khi ngụy quân Sài gòn thua trận rút hết, đơn vị đón chú về. Bố mẹ em buộc chỉ cổ tay và nhận chú làm anh em kết nghĩa. Đúng tên của chú là Giải Phóng...

Thầy giáo liền chớp chớp đôi mắt xúc động. Ông chậm rãi kể lại (một điều thiêng liêng, mà sau này người lính cũng mới được biết):

- Ngày chống Mỹ cả hai nước Việt Nam - Lào chúng mình đều khó khăn, thiếu thốn. Đồng bào miền Bắc thắt lưng buộc bụng chi viện cho chiến trường miền Nam, để quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau khi chiến tranh phá họai giảm đi, chiến sĩ giải phóng, dần dần được cải thiện khá hơn. Còn bà con các bộ tộc Lào ven dãy Trường Sơn khó khăn lắm. Thầy nằm ăn ở trong hang với bà con mới được biết, mọi người chỉ đi lấy sắn hay củ rừng ăn thay cơm. Trẻ con và người già yếu, cũng chỉ nấu sắn thành cháo loãng ăn cầm hơi... Vậy mà các em biết không, một ngày thầy được uống ba bốn lần sữa...Lúc nhiều lúc ít, có lức được lưng bát sữa, lúc thì không được...

Thầy giáo ngừng câu chuyện, lấy khăn lau nước mắt. Rồi ông lại kể tiếp:

- Được bốn năm ngày sau, khi vết thương đỡ nhức nhối, không còn sốt, thầy đã tỉnh táo hơn. Tình cờ một lần, thầy nhìn thấy người mẹ đưa em bé cho chồng bế, thấy bé khóc thét lên... (chắc nó còn đang thèm sữa mẹ vì đang bú dở dang)... Chị vắt sữa vào cái bát... Thầy hiểu ra mọi chuyện, rồi nhắm nghiền mắt lại, xúc động đến nấc lên. Một lát sau, người chồng đưa bát sữa đến cho thầy uống... Thầy lắc đầu từ chối.

Người chồng thấy lạ, bảo:

- Uống đi chứ, phải uống thì mới khỏi để về đơn vị. Hay là em bị thế nào?

Không có cách nào khác, thầy phải nói thật:

- Thôi anh chị để cho con nó bú, cháu nó cũng còn đang khát sữa!...

Sau một hồi lâu xúc động, trìu mến nhìn Giải Phóng, thầy giáo bảo:

- Ngày đó chắc em cũng chỉ mới mấy tháng gì đó, thấy em còn bé tẹo?

Giải Phóng trả lời:

- Vâng ạ! Em sinh tháng mười một năm bảy mươi (11/1970), đến khi đang đánh Nam Lào tháng 2, 3 năm 1971, chắc em chừng ba, bốn tháng tuổi...

Thầy giáo nói với các học sinh, mà như tâm sự với chính mình:

- Các em ạ, tục ngữ Việt Nam có câu: “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”. Nếu không được sự cưu mang chăm sóc của bố mẹ em Giải Phóng, và nếu không được những giọt sữa quý báu, khi thầy mới bị thương, chắc gì thầy còn sống được đến ngày hôm nay để gặp các em. Giữa lúc vô cùng thiếu thốn trong chiến tranh, giọt sữa của người phụ nữ Lào, quý hóa đến nhường nào đối với người thương binh?!

Viết ngày 02/11/2022

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Dòng sữa người phụ nữ Lào" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn