Hải Phong- mảnh đất truyền thống văn hiến-khoa bảng

Bài, ảnh Nguyễn Văn Thanh

28/10/2021 13:47

Theo dõi trên

Trên mảnh đất xã Hải Phong thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, việc học hành được nhân dân coi trọng, không chỉ là đạo lý “tôn sư trọng đạo” thông thường, mà trở thành phong cách sống, phạm trù đạo đức để mỗi người, gia đình, dòng họ, làng xã noi theo. 

dinh-lang-cau-nhi-va-danh-nhan-bui-duc-tai-1635403566.jpg
Đình làng Câu nhi và danh nhân Bùi Dục Tài

Từ Quốc lộ 1A đi về  hướng đông theo con đường liên xã, hay xuôi theo dòng sông Ô Lâu thơ mộng khoảng 4 km, sẽ đưa ta đến với vùng đất xã Hải Phong. Đây là một trong những xã vùng đồng bằng ở phía Nam huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), một xã có lịch sử lâu đời. Hải Phong còn là một xã nổi danh đất học, nơi chôn nhau cắt rốn, sinh thành và đào luyện nhiều nhân tài đất Việt.

Trải qua thời gian, các làng của miền quê xã Hải Tân đã tạo dựng cho mình một truyền thống vô cùng quý báu, mỗi khi nhắc đến ai ai cũng cảm thấy tự hào.

Hải Tân được xem là nơi được thiên nhiên ưu đãi, cảnh vật nên thơ, sơn thủy hữu tình non xanh nước biếc. Vì là vùng trũng được bồi đắp phù sa từ sông Ô Lâu nên ruộng đồng tốt tươi, trong làng có nhiều nhà cửa khang trang ẩn mình trong những vườn cây xum xuê bóng mát, rìa các làng có sông nước bao quanh với những lũy tre  nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông.

Từ bao đời nay, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và cây hoa màu. Ngoài ra có nghề truyền thống là chằm nón, tập trung ở làng Văn Quỷ, Văn Trị, thợ mộc, thợ nề, nghề làm gạch, làm ngói, nuôi cá …Ngày xưa có nghề trồng dâu nuôi tằm (họ Đỗ-Xóm Hòa) nhưng không phát triển và mất hẳn.

Đời sống-văn hóa xã hội xã Hải Phong rất phong phú, đa dạng. Các hình thức thức lễ hội, sinh hoạt văn hóa-trò chơi dân gian như: Đua thuyền, giỗ tổ, đánh bài chòi…Các loại hình văn học dân gian (tục ngữ, ca dao, đồng dao, hò vè, truyện cổ tích, giai thoại…) thơ văn Hán –Nôm rất phong phú, đa dạng mang dáng dấp của mảnh đất, con người Hải Phong tươi đẹp, cần cù, thông minh, sáng tạo. Nội dung chủ yếu là văn học viết, ca ngợi công đức tổ tiên, ơn sinh thành, đạo lý luân thường, giáo dục truyền thống yêu quê hương.  Đặc biệt, người dân và các nhà thờ dòng họ ở nơi đây còn lưu truyền rất nhiều gia phả, bia ký và một số sắc phong, bằng cấp…giúp chúng ta tìm hiểu các vấn đề lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội…của vùng đất văn hiến này.

Hải Phong có những công trình văn hóa rất nổi tiếng. Những đình chùa, miếu..do nhân dân Hải Phong xây dựng ở các làng tuy không nhiều nhưng với tài năng sáng tạo, khéo tay cẩu các nghệ nhân, các thợ nề, thợ mộc, thợ chạm có tay nghề bậc cao đã kế thừa được truyền thống nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Nhân dân các vùng lân cận đã một thời ca ngợi cái đình làng nguy nga, đẹp đẽ: “Thình thình như đình câu Nhi”. Ngôi đình được xây dựng vào đầu những năm thời Lê Sơ (1428- 1433). Đến thời Tây Sơn thì đình được chuyển tới địa điểm hiện tại, lịch sử ghi lại năm 1882 đình hoàn thành. Đình làng Câu Nhi được xây dựng với lối kiến trúc nhà rường rộng 5 gian, 2 chái. Toàn bộ khung gỗ rất vững chắc, các cột bằng lim đường kính hơn nửa mét, bên cạnh đó là nhiều cột bằng gỗ mít to hơn vòng tay người ôm. Nhưng đến năm 1950 thực dân Pháp xâm lược đã đốt đình, qua năm 1955 đến nay đình qua 3 lần trùng tu, xây lại cổng thành, bình phong và về cơ bản vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng. Hiện tại, đình còn ngôi nhà 3 gian theo chiều ngang, xung quanh được xây tường, kiểu kiến trúc cột nóc, với nhiều họa tiết rồng giao trên mái uy nghi.Hằng năm, tại đình làng Câu Nhi có tổ chức lễ Cầu an vào đầu năm, lễ tế người khai khẩn Bùi Trành vào ngày 2 tháng 7 âm lịch, lễ tế 4 họ thất truyền,…với nhiều trò chơi được tổ chức đông vui như hội chợ, đánh đu, đua thuyền, đánh cờ.

Một điều rất vinh dự cho Hải Phong là có tiến sĩ Bùi Dục Tài, người đột phá khai khoa Tiến sĩ đầu tiên năm 1502 của xứ Đàng Trong, được “Sắc tứ vinh quy”, được đề danh ở bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Trong Ô châu cận lục Dương Văn An đã viết vào 1554 đã mô tả rằng: “Miền Hóa Châu ta tiếp giáp với xứ Quảng, đất đai chật hẹp…Từ khi Đặng Tất nổi tiếng là có tài làm tướng. Dục Tài đỗ chân khoa bảng xuất thân thì nhân tài ở phong thổ xứ ta tiến bộ một cách rất mau” có thể ngang hàng với Thượng Quốc (Trung Quốc)”

Thật vậy, chỉ trong vòng 12 năm theo đuổi đèn sách (1490-1501) ông đã thông tường các loại sách dành cho sĩ tử. Năm Tân Dậu 1501 ông đỗ cuộc thi Hương. Tháng 2 năm Nhâm Tuất (1502) ông đỗ kỳ thi Hội. Cũng năm đó Bùi Dục Tài vinh dự đỗ Tiến sĩ (đệ nhị giáp tiến sĩ) ở khoa thi Đình được "sắc tứ vinh quy" được sắc phong trật hàm thất phẩm khắc tên vào bia và hiện nay vẫn còn tấm bia ghi tên ông tại Văn Miếu- Hà Nội. Có thể nói ông không chỉ đem lại niềm vinh dự tự hào to lớn cho làng Câu Nhi – Hải Tân mà còn là mốc son đánh dấu lịch sử khoa cử xứ  Đàng Trong đặc biệt là việc mở mang sự học để từ đó hội nhập với cả nước đưa nền văn hiến dân tộc không ngừng được kế tục và phát triển góp phần làm cho quê hương và dân tộc Việt Nam rạng danh muôn thuở.

Trên mảnh đất xã Hải Phong, việc học hành được nhân dân coi trọng, không chỉ là đạo lý “tôn sư trọng đạo” thông thường, mà trở thành phong cách sống, phạm trù đạo đức để mỗi người, gia đình, dòng họ, làng xã noi theo. Tấm gương hiếu học của tiến sĩ Bùi Dục Tài và một số danh nhân quê hương nơi đây là nền tảng để xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”.  Bởi vậy, trải qua bao trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và lịch sử, kể cả lúc chiến tranh tao loạn, đau thương và đói khổ, các làng các gia đình, dòng họ cũng như bản thân con em Hải Tân chưa bao giờ lãng quên sự học, nhiều người đã trở thành kỷ sư, bác sĩ, cán bộ giảng dạy đại học, cán bộ khoa học kỷ thuật. Hải Phong cung cấp cho đất nước nhiều cán bộ ưu tú. Nhiều người giữ những chức vụ quan trọng ở các cấp, các bộ, ban, ngành trung ương, tỉnh huyện như đồng chí Trần Hoàn (Nguyễn Tăng Hích), Ủy viên Trung ương Đảng kháo VI, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin; Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Thượng Tướng, Ủy viên Trung ương Đảng Thứ trưởng thường trực  Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Xuân, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Thời kỳ chống Pháp, đồng chí Nguyễn Xuân là Ủy viên Thường vụ Khu Ủy V; đồng chí  Đỗ Hữu Phú, Hiệu trưởng Trường Đại học Cơ điện Bắc Thái (Thái Nguyên), sau đó làm bí thư thứ nhất, Tham tán Đại sứ Quán Việt Nam tại Liên Xô (nước Nga ngày nay); Tiến sĩ toán học Đào Bá Dương; Giáo sư tiến sĩ Lê Thị Quế; Tiến sĩ hóa học Nguyễn Thị Thu Hà ở Hà Nội; Tiến sĩ y khoa Lê Chí Dũng; Tiến sĩ kinh tế Bùi Phước Trung ở thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ y khoa Bùi Văn Minh ở Mỹ….

Cội rễ bền sâu của sự học ở nơi đây chính là động cơ đúng đắn của người học: học để chiếm lĩnh và làm chủ tri thức, học để thành nhân, để lý trí soi sáng trong mọi hành động và một điều không thể không nói là học để giành bảng vàng và chứng tỏ năng lực bản thân. Cao hơn tất cả là để đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Yếu tố khách quan để các nhà khoa bảng ở Hải Phong phấn đấu không mệt mỏi cho con đường khoa cử chính là sự động viên của gia đình, dòng họ, sự cổ vũ của toàn xã hội và sự giáo dục, rèn luyện của nhà trường, thầy, cô giáo. Nhiều ông bố, bà mẹ dãi dầu mưa nắng trên luống cày vẫn nuôi con thành ông nghè, ông trạng, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư… Nhiều dòng họ, làng quê tổ chức đón người đỗ đạt vinh quy bái tổ như ngày hội. Nhiều bậc thầy ngày đêm tìm phương pháp truyền chữ cho trò.

Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông và được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục Hải Phong đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.

Ngọn lửa tinh thần hiếu học và truyền thống khoa bảng, tinh thần thượng võ, yêu nước ở  mảnh đất Hải Phong  anh hùng luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống nhân dân. Ngọn lửa ấy ngày càng được giữ gìn và mãi tỏa sáng.   

Bạn đang đọc bài viết "Hải Phong- mảnh đất truyền thống văn hiến-khoa bảng" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn