Hậu Liêu trai: Tiếng hát giữa rừng khuya

Đặng Lê Hùng

22/09/2021 20:45

Theo dõi trên

Tiếng hát lúc xa lúc gần văng vẳng bay bổng buồn bã xuyên vào tâm can làm tôi không sao ngủ được. Tiếng hát như có ma lực  thu hút làm tôi u mê hết cả đi. Không hiểu do tò mò hay do mất ý thức bởi tiếng hát, tôi lặng lẽ rời khỏi thùng xe đi về phía tiếng hát.

chuyen-ma-tieng-hat-1632318254.jpg
 

Khu rừng lim già có đến hơn trăm tuổi. Những cây gỗ to một người ôm không xuể xòe tán um tùm.Dưới gốc cây là những bụi cây đùm đũm, móc diều mọc đan vào nhau san sát. Lá cây rụng  chạt vào gốc làm khu rừng luôn có mùi ẩm mốc ngai ngái hăng hắc. Trong rừng vô thiên lủng là sâu cùn, rắn rết và các loại hổ mang, cạp  nong đáng sợ khác. Cũng vì vậy rừng này ít người lai vãng tới.

Con đường gần bản Loòng lại chạy qua khu rừng này. Người trong bản thường ít khi qua lại đó vào ban đêm, trừ trường hợp bất khả kháng. Bởi những lời đồn đại và huyền thoại đáng sợ về nó.

Dạo ấy tôi làm y tá trong quân đội. Đơn vị đi khai thác nứa ở Bắc Cạn. Hàng tháng tôi phải quay trở về bản doanh của đơn vị dưới Hiệp Hoà, Hà Bắc để lĩnh thuốc.

Một lần có xe tải lên tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đơn vị, tiện có xe tôi theo về luôn.

Chiếc xe quân sự có từ thời đi dọc Trường Sơn cứu nước ọc ạch leo dốc,  qua được đèo So thì trời tối.

Đến khu rừng lim thấy địa hình rộng rãi có bãi đậu xe, anh Thưởng hậu cần bảo nghỉ cơm nước, mai đi tiếp.

Tôi chỉ là người đi ké theo nên nhất nhất theo sự sắp xếp của họ, cùng đi vơ củi kê đá làm kiềng nấu cơm.

Anh Thưởng kiếm được cân thịt trâu chết với chai rượu men lá từ lúc chiều.

Đói khát lại đường xa nên bữa ăn rất ngon. Thịt trâu chết với rượu men lá thật tuyệt.

Sau bữa ăn mọi người chia nhau chỗ để ngủ. Anh Thưởng và lái xe ngủ trên ca bin. Tôi và anh Phương quê choa ngủ trên thùng xe. Đêm tháng mười sương sa mờ đục lạnh ngắt, rét như cắt ruột. Đường xa mệt mỏi chỉ một một lát tôi đã lịm thiếp đi trong vô thức. Chợt trong giấc ngủ mơ màng tôi nghe tiếng hát từ xa xa vọng về. Lời ca nghe không rõ nhưng âm điệu và tiếng nhạc nghe thật thê lương não nùng.

Thời đó đài đóm chưa phát triển nhà nào giàu có lắm mới có chiếc đài quay băng. Giữa chốn rừng khuya hoang vắng sao lại có tiếng đàn hát văng vẳng. Bài hát giống một khúc cải lương thật buồn thảm não nề lúc xa lúc gần.

Bên cạnh anh Phương vẫn đang kéo bễ phì phò. Tôi lay mạnh anh rồi khẽ gọi. Anh là mẫu người da dày, xương nặng ăn no ngủ kỹ. Đã ngủ thì có giời mà gọi.

Tiếng hát lúc xa lúc gần văng vẳng bay bổng buồn bã xuyên vào tâm can làm tôi không sao ngủ được.

Tiếng hát như có ma lực  thu hút làm tôi u mê hết cả đi. Không hiểu do tò mò hay do mất ý thức bởi tiếng hát, tôi lặng lẽ rời khỏi thùng xe đi về phía tiếng hát.

Chỉ đi vài chục mét qua khỏi lùm cây có khoảng đất khá bằng phẳng.

Có hai bóng người mặc áo trắng một nam một nữ đang cùng nhau đàn hát. Người đàn ông có lẽ là cha cô gái vừa gẩy đàn vừa gõ nhịp. Còn cô gái vừa hát vừa nhảy múa rất uyển chuyển nhẹ nhàng lướt qua lướt lại trên bãi cỏ. Cô múa như người không có trọng lượng, thật ma mị đầy hấp dẫn.

Từ miệng cô phát ra lời hát nghe trong trẻo véo von như đầy bi thương sầu não:

- Kiếp này thiếp hẹn cùng chàng

Nhưng giờ lỡ bước đôi đàng chàng ơi !

  Đêm đêm tiếng hát xa xôi

Mong sao đến được tới nơi tim chàng

Canh khuya lệ nhỏ hai hàng mà sao ai nỡ phũ phàng chia ly...

Tiếng đàn hát đang bay bổng mê ly chợt ngừng bặt.

Người đàn ông lớn tiếng gọi :

- Khách không mời mà đến! Bước ra đây cùng nói chuyện.

Tôi bẽn lẽn đi lên gần chỗ họ nhìn kỹ. Dưới ánh trăng xuông tôi phần nào nhìn rõ khuôn mặt họ. Người đàn ông gầy gò khoảng ngoài năm muơi tuổi. Cô gái trạc mười tám đôi muơi mặt trắng toát môi đỏ như máu. Cô có vẻ đẹp rờn rợn hoang sơ.

Tôi trình bầy với họ không có ý nghe trộm.

Người đàn ông nói :

- Đời người là bèo nước gặp nhau. Đi hay ở là cái duyên. Giữa chốn rừng thiêng nước độc gặp được nhau không phải dễ. Bố con tôi làm nghề hát rong, nếu cậu không chê hãy cùng nghe đàn hát với chúng tôi.

Cô gái nãy giờ có vẻ bẽn lẽn cũng lên tiếng trêu đùa:

- Anh bộ đội đẹp trai ơi đã có vợ hay người yêu chưa đấy.

Tôi đáp :

- Anh đang ế chưa có người yêu.

Người đàn ông nói:

- Tôi đang kén rể đấy! Con gái tôi kia mới mười tám có ưng không tôi gả cho cậu.

Tôi cười nửa đùa nửa thật :

- Vậy thì còn gì bằng nữa.

Cả hai bên chuyện trò lời qua tiếng lại thân thiết như quen biết từ lâu rồi.

Cô gái lúc này có vẻ bẽn lẽn ngượng ngùng.

Tôi ngồi xuống cầm một thứ gì đó như hai cái vung nồi gõ nhịp. Cô gái lại tiếp tục hát, người cha thì đánh đàn. Tiếng hát của Cô có phần cảm xúc hơn. Ánh mắt cô nhìn tôi đầy trìu mến.

Tôi thấy Cô ấy thật đáng yêu, không sợ như lúc ban đầu. Khuôn ngực đầy căng của cô gái mười tám phập phồng đầy khêu gợi. Lúc ngồi gần, tôi cố tình chạm vào nhưng cô ấy chỉ nhoẻn miệng cười không nói.

Tôi hỏi :

- Nhà mình cũng trong khu rừng này sao?

Người đàn ông đáp :

- Người Trong bản Loòng, nhưng giờ ở đây mất rồi!

Cô gái bỗng sụt sịt khóc :

- Em nói anh đừng sợ nhé Cha con em đều là ma cả đấy.

Nghe xong tôi giật nảy mình rơi cả cái gõ nhịp.

- Em đùa ác quá anh hay sợ ma lắm đó.

Người đàn ông nói :

- Gặp nhau được thế này là cái duyên từ kiếp trước. Tôi chẳng dấu gì cậu. Tôi là người bản Loòng, chân bị tật nguyền không lao động được. Dựa vào lời ca của con gái đi xin ăn.

Cách đây vài năm tích cóp được một số tiền định bỏ nghề về quê sinh sống. Chẳng ngờ qua đây bị cướp giết chết. Con gái tôi còn bị chúng cưỡng hiếp đến chết.

Dân bản thương xót chôn ở ven rừng lim này. Phần mộ không có người hương khói. Đêm đêm cha con tôi vẫn hiện ra ca hát cho đỡ buồn.

Cô gái gạt nước mắt nói :

- Gặp được anh ở đây tuy âm dương cách biệt nhưng thật lòng Em rất quí mến Anh. Nếu anh không phân biệt tình cảm giữa người và ma thì hàng năm vào ngày giỗ của em chính là ngày hôm nay đó. Hãy thắp cho cha con em vài nén hương để vong hồn được an ủi.

Nghe họ nói tôi sởn hết cả gai ốc nhưng cũng rất thương cảm với hoàn cảnh của họ.

Tôi hứa sẽ làm điều đó như họ nói và còn hứa bao giờ ra quân có điều kiện sẽ cải táng cho họ.

Có tiếng gà rừng gáy, người cha nói :

- Cuộc gặp nào cũng đến lúc phải chia ly. Chúng tôi đi nhé.

Cô gái cũng nói lời tạm biệt. Đi qua, cô choàng tay hôn vào môi Tôi một cái. Nụ hôn của Cô ấy lạnh như băng giá, buốt như kim châm. Tôi ngã vật ra, không biết gì nữa...

Sáng hôm sau, đến giờ khởi hành, không thấy Tôi, mọi người tá hoả lên tìm. Một lát, họ tìm thấy tôi nằm mê man gần hai gò đất rậm rạp đầy cây dại.

Tôi kể lại mọi chuyện mọi người bán tín bán nghi bảo Tôi bị mộng du.

Tới bản Loòng, Tôi bảo dừng xe để tôi vào hỏi thăm.

Người trong bản kể lại cho tôi đúng như chuyện hai người kể với Tôi hồi đêm. Họ còn nói đêm đêm nhiều người nghe có tiếng ca hát từ trong rừng vọng ra. Dân bản không ai dám bén mảng.

Tôi trở về, rất nhiều nỗi niềm ưu tư phiền muộn. Những lời nói và buổi gặp gỡ đêm hôm đó dù thật hay mơ vẫn canh cánh ở trong lòng.

Sau này tôi có trở lại đó thắp hương cho hai ngôi mộ được một lần.

Còn về lời hứa sẽ cải táng cho hai phần mộ đó Tôi đã không làm được.

Cuộc sống khi rời khỏi quân ngũ đầy những vất vả mưu sinh mà Tôi đã cố tình hay hữu ý mà quên bẵng đi mất.

Hãy hiểu và thông cảm cho Tôi cô ma nữ nhé. Bởi Tôi vẫn là một thằng người. Đã là người thì hứa nhiều mà làm được ít. Chả mấy ai đã thực hiện hết được những lời hứa của mình đâu. Lũ người là vậy đó.

Lần trước Tới kể cho các bạn nghe đã gặp linh hồn của cha con người hát rong.

Chuyện đó đã ba mươi năm trôi qua, tưởng chừng không bao giờ còn gặp lại.

Sau khi Tôi viết phần trước không lâu. Một đêm khi Tôi đang cào bàn phím viết lách, bỗng một cơn gió lạnh thổi vào. Đèn điện tự nhiên vụt tắt. Tôi chợt nghe một giọng ca não nề vang lên :

-Biệt ly ngày ấy xa xôi

Sao chàng để Thiếp đơn côi đi tìm

Trầm luân một kiếp nổi chìm

Bao năm thiếp vẫn đêm đêm tìm chàng

Nghe tiếng hát Tôi giật mình ngơ ngác, nghe giọng ca quen thuộc quá.

Có cái gì đó nghe rờn rợn, da gà chợt nổi lên. Cảm giác ớn lạnh ở xương sống.

Chợt nhìn thấy một người con gái lướt như bay từ cửa sổ vào nhà. Cô vào dường như mang theo một luồng âm khí nặng nề khiến căn phòng trở nên lạnh lẽo lạ thường.

Trông Cô ấy rất tiều tụy, nước da tái nhăn nheo, quần áo trên người thì rách rưới. Cô ấy khóc nói :

- Sao anh không giữ lời hứa, cải táng giùm. Bao năm cha con em không người hương khói. Mồ mả bị người ta chà đạp rất bẩn thỉu.

Nói rồi cô ấy cứ khóc ngẹn, nấc lên không thành tiếng.

Tôi hỏi :

- Lâu rồi cảnh vật thay đổi, làm sao tìm thấy.

Nói xong cô ấy bỏ đi, tôi vẫn nhìn rõ đôi vai gầy của cô rung lên bần bật.

- Nếu anh thực sự có tâm sẽ tìm thấy...thấy...

Tiếng thấy ấy vọng vào tâm can đau buốt, Tôi hét to một tiếng rồi choàng tỉnh. Đó chỉ là một giấc mơ.

Ngày hôm sau tôi băn khoăn mãi rồi cũng đi tới quyết định trở về chốn cũ.

Tâm linh luôn là vấn đề nhạy cảm nhưng làm cho con day dứt không yên. Sai lời hứa với người, họ chỉ đánh giá mình là người không tốt. Sai lời hứa với ma, đâu phải chuyện đơn giản.

Tôi đành kể chuyện thật với vợ, thu xếp công việc và rủ thêm một người bạn rồi lên đường.

Mấy chục năm trôi qua, cảnh vật thay đổi rất nhiều, không nhận ra chốn cũ.

Khu rừng lim gần bản Loòng giờ trơ trụi đến cái gốc cũng chẳng còn.

Thay vào đó là một công ty chế biển lâm sản. Nhà cửa kho hàng xây dựng tứ tung, không còn nhận ra chỗ có hai ngôi mộ.

Tôi vào gặp người bảo vệ hỏi thăm.

Anh ta nói mới ở đó khoảng chục năm, lúc đến đây cảnh vật đã như vậy rồi không biết gì về hai ngôi mộ. Hỏi thêm vài người nữa, ai cũng sài lắc không biết.

Trong lúc thất vọng quá chả biết làm sao, trời đã trưa đành vào quán cơm ven đường ăn trưa rồi hỏi thăm chủ quán. Chủ quán cũng không biết nốt. Trong quán có một người khách hàng bảo anh ta cũng là dân vùng này, đã từng nghe về cái chết của Cha Con người hát rong. Muốn tìm hiểu rõ về chuyện này, hãy vào bản Loòng hỏi thăm cụ Mản làm nghề thầy cúng, có thể cụ ấy sẽ biết.

Tôi mừng quá, vội cảm ơn người đó rồi giục người bạn ăn nhanh để còn đi. Sau hai ngày đi tìm ngôi mộ giờ cũng có chút manh mối.

Cụ Mản đã ngoài tám muơi tuổi nhưng trông vẫn còn cân quắc. Giọng nói còn sang sảng. Thấy Tôi hỏi thăm về ngôi mộ, Cụ nói :

-Đã mấy chục năm rồi mới lại có người nói về chuyện đó. Cha con họ là Anh em họ xa của Tôi. Về vị trí, Tôi không nhớ lắm, nhưng có thể đến đó Tôi sẽ nhận ra. Nghe nói hồi mới xây dựng nhà máy chế biến lâm sản có mấy người chết bất đắc kỳ tử liên tục. Về sau họ đón thầy đến yểm bùa trấn trạch gì đó mới hết.

Tôi nhờ cụ Màn đưa chúng tôi đến tìm phần mộ. Cụ vui vẻ nhận lời ngay.

Tôi vào gặp ban giám đốc trình bày nguyện vọng và được họ chấp thuận.

Cụ Mản dẫn chúng tôi đi một hồi, nhưng chả thấy có dấu hiệu gì. Cụ giở la bàn ra rồi lẩm nhẩm đông tây nam bắc gì đó. Cuối cùng cụ dẫn chúng tôi ra sau nhà vệ sinh. Có một ụ đất cao giống như cái gò mối, mọc đầy những cây hò rạc, cây chó đẻ.

Cụ Mản cam đoan đó chính là hai ngôi mộ, có thể lúc xây dựng họ đã đổ đất đá vào đó nên hai ngôi liền vào làm một. Cũng vì vậy hai ngôi mộ bị lãng quên, không ai biết đến sự tồn tại của nó.

Tôi đưa tiền nhờ Cụ Mản sắm cho một cái lễ đúng theo thủ tục tâm linh và thuê người đào chỗ đó lên.

Khi đào xuống hơn hai mét vẫn không thấy dấu hiệu gì, toan dừng lại. Bỗng một người trong nhóm chọc xà beng mạnh bỗng đất bị tụt xuống làm Anh Ta mất đà chúi về phía trước.

Cụ Mản reo lên :

- Đúng chỗ rồi đó!

Đào thêm mấy chục phân, quả nhiên một chiếc quan tài đã mục nát. Đào sang bên trái có thêm một chiếc nữa.

Tôi nhờ họ thu gom hài cốt, rửa ráy sạch sẽ, đặt vào hai chiếc tiểu sành rồi an táng tại nghĩa trang địa phương. Xong xuôi, Tôi thắp cho họ nén hương rồi trở về. Công việc làm tốn một khoảng thời gian và một số tiền. Thật tình cũng xót ruột nhưng sao thấy trong lòng nhẹ tênh. Lời hứa không thực hiện được giống như tảng đá đè nặng trong lòng mấy chục năm qua, giờ đã được nhấc bỏ.

Tôi rất vui.

 

Bạn đang đọc bài viết "Hậu Liêu trai: Tiếng hát giữa rừng khuya" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn