Hội ngộ trời ban

Trích Truyện ký “Con của biển” – Phạm Thông

13/11/2022 19:10

Theo dõi trên

Cát ra đi mà hơi thắc mắc, hay là ổng sắp cho mình vào Đảng. Hắn vừa mừng vừa lo hay là ổng bực mình kể chuyện tiếu lâm lúc ở trại sản xuất, hồi ổng lên trên đó có nói bóng gió rồi mà. Thôi thì có chi cũng phải hoàn thành nhiệm vụ ổng giao.

tra-mi-1668341235.jpg
 

 

Đợt tham gia sản xuất và dạy bổ túc mấy tháng trời cũng đến hồi kết thúc, Cát lại được thủ trưởng gọi về cơ quan làm chuyên môn. Hắn nghĩ trong bụng chắc chuyến này mình sẽ được ở nhà lâu rèn luyện tay nghề chứ tiếng ở phân xưởng chữ mà tay cầm cái compter còn lóng ngóng, dị òm. Ai ngờ mới đứng vào giàn chữ được nửa tháng, thủ trưởng lại bảo: "Đồng chí cầm giấy giới thiệu sang anh Hiền phụ trách quản trị hỏi đường đi liên hệ với kho gạo bên đơn vị hậu cần để chuẩn bị cho anh em cơ quan đến cõng gạo, lệnh xuất gạo đã có rồi, đi gấp về gấp nghe đồng chí!". Thằng Cát có cảm nhận kỳ này ông có chi quan trọng mà không gọi mình bằng cháu như mọi hôm mà gọi như họp trong chi bộ với ổng vậy, nghiêm trọng quá mình không thích.

Cát ra đi mà hơi thắc mắc, hay là ổng sắp cho mình vào Đảng. Hắn vừa mừng vừa lo hay là ổng bực mình kể chuyện tiếu lâm lúc ở trại sản xuất, hồi ổng lên trên đó có nói bóng gió rồi mà. Thôi thì có chi cũng phải hoàn thành nhiệm vụ ổng giao.

Lúc này cơ quan Nhà in đã dời vào Trà Mi, ở đầu nguồn sông Xiêm Rang thuộc địa phận xã Đốc, phía bờ bắc sông Tranh. Một mình lên đường, Cát tính đi một ngày, độ 5 giờ chiều là tới nơi. Chỗ đó Cát đã từng đi qua, chỉ qua một lần là hắn nhớ như in. Độ 10 giờ trưa ngang qua thị trấn Trà My, nơi Cát cõng heo xuống bán trước khi chuyển sang Nhà in. Một chuyến đi trôi mất dép, Cát nhớ suốt đời. Hồi đó thị trấn còn dân ở, bây giờ thì gần như là vùng trắng, ác liệt quá dân bỏ xuống Tiên Phước, Tam Kỳ hết trọi. Con đường từ Tam Kỳ, Tiên Phước chạy lên thị trấn Trà My đã rải đá, tráng nhựa hồi thời Diệm, bây giờ lau lách phủ đầy, nhà dân cháy hết, còn cái nào cũng bỏ trống. Đang lom khom chui qua lau lách khỏa ra mặt đường, liếc nhìn vào một ngôi nhà bỏ trống Cát nhìn thấy hai cậu nhỏ độ mười bốn mười lăm ngồi trước hiên ngóng ra đường. Nói là ngôi nhà chứ thực ra một cái chòi xập xệ, tứ bề phủ cây cối, dây gai rậm rì, ngoài đường ngó vô không nhận rõ mặt hai chú nhỏ, nhưng trông quần áo và cái dáng như ở đồng bằng mới lên. Linh tính, Cát dừng chân! Dòm kỹ:

- Ôi! Có một thằng giống thằng Dương, em trai mình thế. À mà đúng nó rồi! Đúng nó rồi!

Cát bươn vào. Thằng Dương đứng phắt dậy:

- Anh Cát! Anh Cát!!!

Hai anh em ôm chầm lấy nhau. Hai đứa cùng mếu, cùng nấc nghẹn, cùng khóc. Ôi làm sao có sự trùng phùng kỳ diệu vậy, trời đất có sắp đặt không đây. Chúng nó lặng thinh nuốt từng giây phút sung sướng, cảm động trào dâng. Cát nghẹn ngào:

- Em lên đây bao giờ. Mẹ mình ở đâu rồi. Mẹ có khỏe không, em có nghe tình hình về chị Ba Liễu không. Nhớ quá mà không biết làm sao về thăm mẹ, thăm quê. Ông bà ngoại, chú Út, thím Hai, thằng Thạch thế nào rồi... Cát hỏi một lèo bao nhiêu câu hỏi chất chứa trong lòng bấy lâu nay. Hắn hỏi vội, hỏi vội về những người ruột thịt. Và, hắn cũng đang rất vội.

Thằng Dương ôm anh, trả lời thiệt nhanh như đáp lại sự trào dâng, chờ mong tha thiết trong lòng anh trai mình:

- Ở quê mình ác liệt quá, mẹ với em tạt ra Bình Hải, Bình Sa vừa tránh địch vừa làm ăn qua ngày, ông bà vẫn khỏe, trông anh và chị Ba lắm, chú Út làm cán sự trưởng thôn đang trụ bám ở quê, thím Hai, thằng Thạch vẫn ổn. Ở mình ác liệt lắm, dân chết nhiều, nhờ phước trời gia đình mình vẫn bình yên...

Mà thiệt, Cát đang rất vội, hắn đang tính nhanh trong đầu. Trong lúc thằng Dương chưa kịp hỏi chi, hắn đã vội:

- Bây giờ anh đang đi công tác, gặp em như trời phò hộ, may quá em ơi! Anh phải đi!

Nghe anh nói thằng Dương thả tay, đứng sựng khóc mếu máo. Chuyện chi mà vội rứa anh, ráng tí nữa cũng được chứ anh. Dễ chi mà gặp giữa rừng núi bao la này anh Bốn ơi...

Gặp đột ngột, đi đột ngột, Cát sợ em mình quá bức xúc, hắn nói vội:

- Anh phải đi ngay và trở lại ngay. Anh trở lại với thằng em ruột của anh mà, anh phải biết về mẹ về ông bà, những người thân và quê hương mình. Anh nhớ quá, lo quá. Gặp em sao nỡ đi ngay, anh đã sắp xếp kế hoạch trong đầu rồi, đi thật nhanh xuống liên hệ công tác, quay lại trong đêm. Đường vắng không sợ, ông hùm ông beo chi cũng thương mình. Trời Phật cho anh em mình gặp nhau. Anh nhất quyết trở lại!

Thằng Cát phải hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng Hà giao. Thằng Dương nghe anh Bốn của hắn quá gấp gáp, vội nói trong rưng rức:

- Đúng là cơ may trời cho, em định rủ thằng ni đi vào cái nhà trong lùm kia rồi, em đã vào đó thì làm chi anh em mình thấy nhau được. Anh với em chạy vào đó tí biết chỗ, khi anh trở lên mới vào được.

Ba thằng chạy nhanh vào thấy nhà, Cát chưa kịp hỏi chuyện thằng nhỏ cùng đi với em trai, vội vàng quay ra đường. Không biết sức mạnh từ đâu, Cát đi bốn tiếng đồng hồ qua ngã ba Dương Yên, Phương Đông, vượt đèo Bà Hương đến sát bìa rừng ngã ba Gò Gai chỉ nghỉ chận một chặng. Đến nơi giao giấy tờ cho thủ kho nằm cô lẻ trong rừng, hẹn ngày nhận gạo, chào một tiếng quay ngoắt trở lên. Đã hơn 5 giờ chiều, tranh thủ qua đèo Bà Hương vắng lạnh, vừa đi nhanh vừa lắng nghe tiếng động tĩnh của địch, của rừng, Cát bặm miệng mà bước. Đến ngã ba Dương Yên trời sập tối, chỗ này ban đêm bọn địch từ đồn Phước Lâm hay mò ra phục kích, Cát cẩn thận dò đường, qua được điểm nút người nhẹ nhõm. May đúng trời sáng trăng, tỏ đường Cát bước nhanh, bước nhanh giữa núi rừng bao la vắng lạnh. Nhờ đường bằng, đây là đường nằm sâu trong chiến khu, không một chiếc xe chạy trong bảy tám năm nay, nhưng dù sao vẫn phẳng phiu hơn đường núi nhiều lần. Hắn đi và đi. Mồ hôi ra như tắm, Cát vẫn không dừng chân xả hơi. Phần sợ địch, phần sợ rừng đêm chẳng dám ngồi nghỉ, đi ít sợ hơn. Như người ta thường nói "lên gân cho đỡ sợ". Với động lực mẫu tử tình thâm, thằng Cát một mình lao tới giữa âm u tĩnh mịch, trong tiếng cú kêu đêm rùng rợn, bịt hai lỗ tai mà bước, mà bước...

Đúng 9 giờ đêm, hai anh em chúng nó lại ôm nhau mừng rỡ. Thằng Dương nấu cơm, không ăn, chờ anh Bốn tới. Hắn lôi anh Bốn ra giếng tắm. Đi mấy tiếng liên tục, tắm ngay dễ bị cảm, nhưng thằng Cát mấy năm nay đã luyện người như luyện linh đơn rồi, chỉ có sốt rét rừng mới hạ nó chứ cảm cúm có sá chi, "miễn dịch" rồi. Thằng Cát đã mười bảy, thằng Dương mới mười lăm nhưng hai anh em ngó bằng nhau. Thằng Cát đậm người, gùi cõng mấy năm trời người đùn lại nhưng cứng cáp, ra thanh niên. Thằng Dương cao gầy, non sương. Không biết ai xui khiến? Chỉ có cha mẹ, chú bác, quê hương chúng chứ ai! Anh em chúng nó ra đi theo cách mạng đều chưa quá tuổi mười lăm. Vừa xối nước, thằng Dương vừa hỏi Cát:

- Anh Bốn, em xin ý kiến anh, mấy chú nói anh và chị Ba thoát ly, cha chết ở Bắc, mẹ hoạt động cơ sở cách mạng nhiều năm, em đủ tiêu chuẩn đi Bắc đào tạo cho tương lai, nhưng em không ưng, em ở lại miền Nam theo gót anh chị. Anh thấy thế nào? Đi ra ngoài đó biết bao giờ gặp lại mẹ, anh chị, ông bà ngoại... Em không muốn...

Cát cẩn thận suy tính: "Nhà mình đi kháng chiến hết trọi, chiến tranh biết ai còn ai mất, em mình được ra Bắc là hợp tình hợp lý, em ấy ra Bắc cơ may nhiều hơn, gia đình mình còn có người nối dõi...". Cát động viên:

- Em còn quá nhỏ, nghe lời mấy chú ra ngoài đó thì tốt cho em và gia đình mình hơn.

- Nhưng mà em không thích, còn anh nói tốt hơn là tốt cái chi, họ chịu được thì mình chịu được chứ anh, anh chị chịu được thì em chịu được, cùng dòng máu cả mà anh Bốn. Thôi anh cứ đồng ý với em rứa đi, chị Ba mà biết chắc đồng ý, các anh chị cũng thoát ly như tuổi của em bây giờ có sao đâu. Hồi ở nhà em đã từng làm du kích B, anh yên trí em biết mà anh. Cha anh đã vậy, mình không thể khác được.

Mấy năm thử thách trong môi trường khắc nghiệt, Cát đã có chút già dặn, từng trải,  biết cái cực cái chết, nhưng nghe thằng em ruột lý lẽ, hắn nói sao cho phải. Chẳng lẽ nói ra với em mới vừa thoát ly những điều chỉ có lợi cho mình, cho gia đình mình trong lúc tinh thần cách mạng của nó đang dạt dào, trong lúc mọi người đang tập trung sức cho công cuộc kháng chiến. Cát ngập ngừng:

- Em ở lại cũng được, công tác ít năm rồi ra Bắc, nhưng cơ hội rất ít, chiến tranh khói lửa mịt mù...

Đêm ấy Cát, Dương treo võng sát nhau. Dương kể cho anh Bốn nghe chuyện nhà, chuyện quê:

- Sau khi anh Bốn thoát ly, địch đánh phá vào cái thôn biển Thanh Thủy và cả vùng Đông Tam Kỳ vô cùng dữ dội. Ngày nào chúng cũng hành quân càn quét, bọn Biệt lập ác lắm, nó chà xát vùng Đông nát bét. Du kích thôn, xã chạm trán địch hằng ngày; nhà cửa, ghe mành cháy trụi, người chết liên miên. Chết đủ kiểu, du kích chiến đấu hy sinh, địch càn tới giết, bom thả, pháo cân tới chết... Anh tính cái làng trong sông ngoài biển, một rẻo cát như cái tay áo vắt ngang, toàn cát là cát trống trơn, địch chặn hai đầu thì chạy đi đâu. Trong cái thế đó mà dân, du kích mình vẫn bám trụ, giữ vững vùng giải phóng từ năm 1964 đến nay đã bốn năm. Vùng Đông Tam Kỳ như cái gai chọc vào mắt bọn ngụy ở Tỉnh đường Quảng Tín. Thêm nữa vùng đông Quảng Nam, trong đó có thôn biển, xã biển mình nằm ngay trục đường không vận Đà Nẵng - Chu Lai. Bọn Mỹ bay trên trời nhìn xuống vùng giải phóng nằm dọc bờ biển, tức lắm, súng đạn nhiều chúng đâu chịu để yên. Máy bay HU 1A, trinh thám L.19 bay sát bờ biển, chúng chọc tức nhưng du kích đâu dám bắn, đụng đến là nát làng, là máu trộn cát. Bo Bo chạy sát chớn sóng bổ, du kích cũng đâu dám động thủ, hắn gọi pháo hạm đội tấp vào chết hết dân. Bọn chúng lấy dân làm con tin, đụng đến là cứ dân mà giết, cứ làng xóm mà oanh tạc. Rứa mới thiệt khó cho bộ đội, du kích. Khi chúng càn tới du kích coi bộ đánh được thì choảng một trận, không xong thì chui hầm. Quê mình còn đào địa đạo sâu trong lòng đất, du kích B của bọn em cũng tham gia đào. Địa đạo luồn lách dưới lòng đất, tạo thế vừa ẩn náu vừa có thể triển khai đánh địch. Trong một hệ thống địa đạo liên hoàn, địch ở đầu này ta trồi lên đầu khác lựa thế tiến công... Nhưng địa đạo bí mật lắm, em chỉ biết một vài chỗ phân công mình phụ trách cảnh giới, không thể biết nhiều được. Mấy năm nay địa đạo chưa bao giờ bị lộ, thế mới là kỳ diệu. Đó là sự kỳ diệu của: "chiến tranh nhân dân". Như rứa ta mới trụ vững được tại vùng Đông.

Đánh không trốc được Việt cộng ra khỏi vùng Đông, trong đó có cái thôn biển Thanh Thủy nhỏ xíu, địch tức lắm. Trong hai năm 1966, 1967 Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đến trút bom xuống làng mình. Vào một ngày của tháng 6 năm 1966, từ sáng mãi đến tối hết loạt máy bay này đến loạt máy bay khác, chúng quần đảo, chúi xuống ngóc lên hàng trăm lần, trút bom hủy diệt. Chúng thả đến mức bà ngoại mình nằm dưới hầm khấn vái cho hai cái nhà ngói của bà, của mẹ sụp trớt. Bởi máy bay trinh thám thấy còn một mái nhà là xi nhan phản lực thả bom hủy cho bằng được. Thà mất nhà còn hơn trúng hầm chết hết. Vừa ngớt tiếng máy, lợi dụng khoảnh khắc yên bình, đàn bà, con nít, già trẻ bồng bế, kéo nhau chạy tản ra hai phía đầu làng, bươi cát nằm chỗ trống. Nằm rứa rủi mảnh văng trúng ai đành chịu, chui hầm giữa làng, bom trúng chết hết. Tối mịt, hết bom, bà con lại kéo về. Hôm đó quê mình sập hầm chết nhiều lắm. Nhà bà Cao chết cả nhà, mấy người hàng xóm đến nấp chung hầm cũng chết luôn. Riêng cái hầm đó chết 11 người, hầm càng kiên cố, trúng bom chết càng nhiều, bom tạ hầm mô chịu nổi. Đất cát dùng tre, dương liễu chống, đỡ, giỏi hung là đá ong, trính kèo cột nhà dở ra làm hầm, bom lớn sập tuốt.

Dân làng mình chết đến mức khô hết nước mắt. Quê mình mấy năm nay thê lương quá anh ơi.... Lớp của anh, chị ba thoát ly từ năm 1964-1965 vào các đơn vị bộ đội cũng hy sinh nhiều, có nhà trong bốn năm đã nhận hai ba giấy báo tử, nhiều bà mẹ chết hết con, đi người nào có giấy báo từ người ấy. Đi chết, ở nhà cũng chết. Có thể hơn vài trăm người, tính riêng thôn mình đấy. Không biết cuộc chiến sẽ tới đâu, bao giờ chấm dứt, quê mình sao phải chết kinh khủng thế này. Không riêng quê biển Thanh Thủy, cả vùng Đông – Thanh Kỳ, Phú Kỳ đều như rứa.

Còn cái nạn đi làm biển nữa. Đàn ông trên ba mươi để râu dài nhằng, nhìn già quắp, ra ngoài biển bọn Hải thuyền từ Hoàng Sa chạy vào, từ cửa An Hòa, Đà nẵng chạy tới nhìn loáng thoảng, thấy cả ghe toàn người già, bỏ qua. Có lúc chúng cập sát nhìn rõ mặt, kéo cả ghe chạy về đồn, tách người trẻ ra bắt nhốt tù, đẩy ra lính. Bỏ chạy chúng nạp theo bắn chìm luôn, biển trống trơn ai dám chống. Tàu, bo bo đi tảo trừ dày biển, kiếm cho được con cá phải bằng xương máu, tù gông. Có hôm ở xã Bình Đào, Thăng Bình dân đang đánh cá giữa biển, bọn HU1A quần vây bắn chết hàng chục người. Mấy hôm ấy làng Bình Tịnh, Bình Đào tang thương vô cùng, xác ngư dân tấp cùng bờ. Đúng là chết khô nước mắt. Quả phụ, không cha cả làng, cả xóm...

Thế nhưng dân quê mình gan lì thật, không có người chạy theo địch hoặc tìm chỗ lánh thân. "Một tấc khi đi, một ly không rời", họ kiên cường bám trụ, cùng du kích thôn xã quyết bảo vệ vùng giải phóng, giúp đỡ cách mạng. Trong hoàn cảnh vô cùng ác liệt đó gia đình mình vẫn an toàn, đạn tránh người chứ người tránh đạn được đâu anh Bốn. Mấy vụ thiệt kinh khủng, người nhà mình vẫn thoát được.

Một hôm thằng Thạch con chú Út đang chơi với thằng Biện con Pháp ở nhà ông Lời. Đột nhiên, thằng Thạch bỏ chạy về nhà hốt khoai lang sống đem đến để cùng ăn với hai anh em Biện, Pháp. Con nít quê mình có kẹo đâu mà ăn, nhai khoai lang khô thôi. Ngay lúc đó, một chiếc tàu rọ nạp theo ví ông Cầu ở dọc bờ sông Trường Giang, ông Cầu lủi qua đám thổ khoai lang, chui vào hầm nhà ông Lời. Ông Lời vội đưa hai cháu nội xuống hầm còn ông đứng ngay miệng hầm ngước mặt nhìn chiếc tàu rọ. Tàu rọ quay đít đứng ngay trên đầu, thằng Mỹ mặt đỏ gay có thể thấy rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt ông già Lời. Ông đứng là để hợp pháp với nó, khuôn mặt già nua cùng bộ râu dài trắng toát là dấu hiệu của một lão ngư vô can trong cuộc chiến. Ông hy vọng họ không giết dân thường. Thằng Mỹ cũng thấy rõ mồn một hai đứa con nít vừa chui xuống hầm cùng với ông Cầu bận đồ trắng để chứng tỏ là dân thường. Ai ngờ, hắn phóng ngay quả rốc kết, ném tiếp một quả gì đó nghe cái phịch, quay đít bay thẳng về hướng tỉnh lỵ. Nghe im, thằng Biện thoát lên thấy ông nội người nát bươm nằm trên vũng máu ngay miệng hầm. Biện không kịp khóc, dắt bé Pháp chạy về phía nhà chú Út. Vừa chạy vừa kêu: "Dượng Út ơi cứu anh em con với, nghẹt thở quá!". Chú Út chạy ra bồng thằng Biện, Thạch theo sau cõng con Pháp vô nhà, đặt hai anh em nó nằm trên giường. Lúc đó em liền chạy tới nhà chú Út coi thằng Thạch có việc chi không. Em nghe cu Biện liên mồm kêu:

- Nghẹt thở quá! Cứu hai anh em con dượng Út ơi! Mẹ con về chưa. Mẹ ơi, mẹ ơi...! Ông ơi, Ông ơi…!

Thạch ôm Biện khóc. Chú Út mình đã từng cấp cứu rất nhiều người bị thương trong thôn, trong xã. Nhưng bây giờ bất lực nhìn hai đứa trẻ, không biết cho uống thuốc chi đây. Chú run run bẻ hai ống thuốc nước chi đó cho hai đứa uống, nhưng có ăn nhằm gì đâu.

Tiếng kêu của cu Biện yếu dần, tiếng khóc của con Pháp cũng lìm lịm, văng vẳng qua cái cổ nhỏ xúi, múp míp của nó. Hai đứa nằm thẳng đuột, không vùng vẫy, riu ríu cặp mắt, hơi thở và mạch yếu dần rồi tắt hẳn.

Chiến tranh thật tàn khốc, gia đình ông già Lời tan nát. Cha của chúng nó mới vừa chết. Nhà cửa, ghe thuyền đánh cá của ông Lời cháy trụi. Ông ấy già rồi, không đi làm biển được. Bà Lời đã 65 tuổi, phải cùng mẹ hai đứa chạy gạo hằng ngày. Hai đứa ở nhà với ông nội, suốt ngày chạy nhảy trên cát, có ông nội trông nom. Chẳng có cơm để ăn cho no, nhưng trời nuôi chúng nó cùng với những thằng con nít biển ở cái làng Thanh Thuỷ mình. Hai đứa tròn như con cúi núi, đang nằm nhắm mắt trên chiếc giường nhà ông Út Đàn như đang ngủ say. Em nhìn quá đau lòng.

Bà Lời, Bà Tám Tiết vừa bước xuống đò sông Trường Giang ở bến giếng Bộng,  nghe tin dữ quăng gánh chạy về nhà. Tất cả không còn gì nữa! Hai mẹ con bà Lời ôm cu Biện, bé Pháp, vật người ra cát khóc lăn lộn.

Bà Lời kêu van:

- Trời xanh ơi, có nhìn thấy ông của tôi không, có thấy hai đứa cháu tôi không. Cháu tôi có tội tình chi, chồng tôi có tội tình chi mà phải chết oan uổng như ri. Trời đất ơi!...

Bà Tám Tiết cũng kêu khóc thảm thiết, nghe vô cùng xốn xang. Bà con dân làng, cán bộ, du kích chạy đến. Họ xúm nhau khâm liệm ông Lời, cu Biện, bé Pháp rồi đem chôn ở ngoài bãi cát, nơi ông Chín Đảo, cha của hai đứa nằm trước đó mấy tháng vì tàu bo bo của Mỹ giết chết ngoài biển

Cũng chiều hôm đó, chú Út biết ông Cầu vẫn còn sống đang nằm tại nhà. Ông Cầu bị bệnh hen kinh niên, trong người lúc nào cũng có bình thuốc. Khi khó thở là ông bơm vào họng, khí quản giãn ra thở được, qua cơn hen thì trở lại bình thường. Ông Cầu về được nhà mình vì khi dứt tiếng máy bay, ông vọt lên trước hai đứa bé, thấy ông già Lời chết, sợ máy bay quay lại, chạy về Thanh Đông rúc hầm nhà mình. Ông Cầu thấy nghẹt thở, nghĩ mình lên cơn hen. Ông cho bình thuốc bóp vào miệng, cứ như vậy bóp mãi sau một tiếng đồng hồ thì khỏi hẳn. Ở trên nhà chú Út, sau một tiếng đồng hồ, cu  Biện và bé Pháp cũng tắt thở. Thật là oan uổng!

Nếu ông Cầu biết nghẹt thở vì hơi ngạt của Mỹ, chú Út nhà mình biết ông Cầu thở được là nhờ thuốc suyễn, nếu không có chiếc tàu rọ tân tiến và thằng Mỹ mặt đó từ bên kia bán cầu đến đây thì hai đứa nhỏ mập tròn lùi lùi đó đâu trở thành những oan hồn bé bỏng. và nếu thằng Thạch con chú Út không chạy về hốt khoai lang sống...Thật là chết sống trong gang tấc.

Còn nữa, em với thằng Y con ông Song bằng tuổi nhau, đi đâu cũng có nhau, chơi cùng chơi, trốn hầm cùng trốn, chạy càn cùng chạy, đi câu đục, đánh lưới bắn thường xuyên bên nhau... Một hôm em và bạn ấy ngồi nói chuyện ngay miệng hầm nhà ông Song, hai đứa đang vui vẻ với những câu chuyện ở tuổi mới lớn, bà ngoại kêu chạy về nhà có chuyện, em nấn ná nhưng bà kêu quá em vọt chạy. Vừa về tới nhà, nghe pháo Núi Cấm đề ba một tiếng gọn lỏn, rồi một cái ầm rung cả đất. Ngó trúng nhà ông Song, em chưa kịp hỏi ngoại cần cái chi, liền bỏ chạy ra lại thấy thằng Y nằm vắt người chỗ miệng hầm, một mảnh pháo xén ngang chỏm đầu....máu loang đầy máu. Thật là đau xót! Chết như trở bàn tay rứa anh. Bà song, chị ba Cử vật người ra khóc. Thằng Y chết ở tuổi mười ba, tội quá. Em ám ảnh mãi hình ảnh thằng bạn thân thiết, một thằng bạn sống chết có nhau.

Cũng trong năm 1966, chị Ba về quê cõng mắm lên Bệnh xá Bắc Tam Kỳ, trúng y đợt máy bay oanh kích. Cả nhà mình chui hầm, một quả bom mấy chục cân rơi trúng nóc hầm nghe cái uỵch. Không nổ! Nổ thì cả nhà mình đi sạch rồi. Tối hôm đó ông ngoại cúng vái  bốn phương tứ hướng tạ ơn trời đất, mừng tai qua nạn khỏi. Họ nói đạn tránh người chứ người không tránh đạn, lần này đạn trúng cả nhà mà không chết mới thiệt là may. Em không biết có ai phò hộ không, mấy năm nay bom đạn dày đặc mà nhà mình không hề hấn gì.

Tội nghiệp cho mẹ. gần một năm nay, mẹ dẫn em ra Bình Hải tá túc, ở quê bọn Biệt lập càn lên biết mặt chúng bắn mẹ ngay. Cả nhà mình theo cách mạng mà. Mẹ ra ngoài đó để lánh mặt bọn tề ngụy địa phương. Ở ngoài Bình Hải, Bình Sa bọn lính không biết mặt. Mẹ đi bán cước lưỡi, bán các thứ lặt vặt kiếm tiền sống qua ngày. Em còn ở nhà, chạy đâu, trốn đâu có mẹ có con, bây giờ mẹ phải sống gửi đất người trên bom dưới đạn một thân một mình. Ba chị em đã đi sạch, mẹ ở quê còn có ông bà ngoại, cùng nhau nấn ná, giờ thì phải một mình, cô đơn trong mịt mù khói lửa...

Hai anh em thằng Cát chuyện trò, nước mắt chảy ròng. Hai thằng cùng hướng về quê, về mẹ với hy vọng và lời cầu khẩn mong manh: "Bao giờ được gặp lại mẹ! Chiến tranh ngày càng khốc liệt, mong không có chuyện chi xảy ra với mẹ của chúng con...". Trong cuộc chiến này người người trong từng thời khắc đối mặt với hiểm nguy, nhưng họ không lo cho cái thân xác của mình mà nơm nớp, bồn chồn gan ruột mỗi khi nghĩ tới chuyện rủi may của người thân.

Thằng Cát nằm lặng yên nuốt từng lời về chuyện nhà, chuyện quê. Anh em nó gặp nhau giữa chiến khu là một cơ duyên không dễ có, hắn để em kể hết thảy những gì trông đợi mấy năm nay, thỉnh thoảng mới hỏi về những điều cần biết. Hắn nghĩ! Hắn nghĩ...! Cần dặn dò em mình cái gì một khi đã đặt chân vào con đường kháng chiến vạn dặm. Em  còn quá nhỏ, thân xác non tơ, chuyện đạn bom không thể tránh trớ, may nhờ rủi chịu, nhưng chuyện ốm đau, sông nước thì có thể được. Cát rỉ rả truyền cho em một ít kinh nghiệm đã từng:

- Mình dân biển lên núi chống nước, sốt rét dữ lắm. Anh đi mấy năm mới uống một miếng nước lạnh, uống nước nấu sôi để nguội, ngủ bọc võng, giữ rứa mà vẫn sốt trọc đầu. Khó nhất là giữ muỗi ban ngày, bận quần đùi vào rừng chặt cây hái rau dễ bị muỗi đốt, bận quần dài áo dài tay mau rách, kiểu chi cũng khó. Giữ cho được vài năm đầu, thường xuyên thủ lọ thuốc ki-nin trong ba lô, nghe dún dún người uống liền, kỵ nhất là sốt ác tính, nguy hiểm lắm. Sốt rét rừng là bệnh lưu cửu khó tránh khỏi, giữ được chừng nào tốt chừng ấy.

Thứ nữa là chuyện nước non, vượt sông, vượt lũ. Tuy là dân biển, biết bơi biết lội nhưng em sức còn yếu, không có kinh nghiệm qua nước ở miền núi. Mùa đông lũ ở các sông, suối dữ tợn lắm, anh Bốn suýt chết đuối sông Trường đây này. Mình nằm đây là gần sát bờ sông Trường. Nhất là sau cơn sốt, phải cẩn trọng đừng vượt sông ẩu. Anh hồi đó sắp đuối là do mới sốt dậy, người yếu ợt. Biết bơi thì ít sợ chỗ nước sâu, sông rộng, nước ít chảy, nguy hiểm là chỗ nước cạn, nước chỉ ngang bụng chảy như thác, khó cự lại. Mấy anh thanh niên, mạnh, qua nước ưng gùi nặng đằm chân, lội dễ hơn. Cỡ như em yếu, nước xô nhấc hỏng chân, lăn cù theo thác. Đã có rất nhiều trường hợp như thế rồi, bạn anh là anh Thắng ở Kỳ Quế năm ngoái đi chiến dịch, trôi mất tích ở sông Nước Bui cũng trên đất Trà My này.

Còn những chuyện lặt vặt nhưng rất cần cho người ở núi như đi đường phải thủ bật lửa trong túi, không hút thuốc cũng phải có. Đôi khi lạc đường, có đầy đủ dao găm, ăng gô, gạo muối, lương khô, không có bật lửa một mình giữa rừng nhịn đói. Anh đã từng bị rồi, cái nòi mình hay lửng, lạc đôi ba ngày đói vàng mắt.

Nếu em không ra Bắc, chắc theo mấy chú ở dưới tỉnh. Ờ mà chú dẫn em đi đây ở Ban Giao vận Quảng Nam, chú thu nhận thì em cứ về đó. Mấy năm ni em có học thêm được lớp nào nữa không? Có chút chữ đỡ lắm... Nhiều chuyện cần biết tính toán, biết chữ như kế toán, y tá, bên Giao vận hình như có khảo sát làm đường xe thồ, đường ô tô, thanh niên miền Nam thoát ly ít người có chữ, cấp hai là khá rồi. Lính Bắc vào mới có trình độ nhưng hầu hết bên bộ đội, cho đến giờ bên dân chính rất ít, nếu có thì ở các cơ quan lớn xung quanh Khu ủy, Tỉnh ủy chứ chưa có nhiều ở các đơn vị lẻ. Như cơ quan anh, nhà in của Khu mà chỉ có mấy người Bắc vào mới hết cấp III, lính miền Nam đôi ba người hết cấp II, bom đạn thế này có ai học cho nhiều.

- Dạo anh, chị Ba đi rồi quê mình có mở trường cấp II dạy cho con em vùng giải phóng. Mấy anh chị lớn lên Kỳ An, Kỳ Phước học lớp 6, lớp 7, bọn em bắt đầu học lớp 5 tại trường vùng Đông. Học cực lắm, ban đêm mới họp lớp, nay học nhà ni mai học nhà khác, đâu có chỗ cố định, địch chấm tọa độ cân pháo chết ngắt. Rứa mà học được, em học hết lớp 5 và lớp 6 trong hai năm 1966, 1967. Trên bom dưới đạn mà học sinh cố vượt qua hiểm nguy để kiếm cho được cái chữ còn người thầy là chiến sĩ cách mạng. Các thầy hy sinh lớn lắm, ăn cơm nhà đi dạy, không lương bổng, phụ cấp, dân góp gạo nuôi thầy qua ngày. Công ơn người thầy kháng chiến thật to lớn, cái chữ mớm cho học sinh vùng giải phóng phải bằng máu xương, có thầy chết ngay trên bục giảng vì bom pháo. Cuối năm ngoái tất cả các trường nghỉ học, cả thầy trò trường cấp II huyện Bắc Tam Kỳ xung phong đi bộ đội, bọn em còn quá nhỏ, nay trộng xác hơn một tí em mới có thể nhảy núi. Nhỏ quá mấy ông cán bộ không cho đi, các ông nói chưa đủ tiêu chuẩn không đơn vị nào nhận. Đi theo cách mạng chứ đi làm quan tướng chi mà phải tính tiêu chuẩn. Chắc mấy ông sợ chịu không nổi bỏ chạy, còn lâu bọn này mới chạy, người lớn chịu được thì bọn em chịu được. Dù sao nhà mình cũng đã vét sạch người cho kháng chiến, con nhà nòi răng không tin được.

Nghe thằng Dương tâm sự, Cát không ngờ chỉ xa hơn ba năm mà em mình lớn hẳn về suy nghĩ, có lẽ hoàn cảnh buộc phải vậy. Cát đã ngả lòng để Dương ở lại miền Nam tập làm cách mạng như hắn từ ba năm về trước.

Dương còn hỏi Cát đã vào Đảng chưa, hắn cho Cát biết:

- Chị Ba công tác ở Bệnh xá Bắc Tam Kỳ rất tiến bộ. Nghe chị ấy nói với mẹ rằng chị đã được kết nạp Đảng từ cuối năm ngoái. Chị ba nhỏ xác mà bạo gan, làm y tá cứu chữa thương binh tận tình. Được mấy ông Bác sĩ quí, tin tưởng. Cuối năm ngoái, để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, chị cùng hai người trong đơn vị đi nhận thuốc. Giữa đường bị địch chặn không về được đơn vị, chị sử hai người giấu thuốc trong núi, theo mấy ông cán bộ thị xã băng đường Một về dưới biển gùi mắm lên. Chị thiệt là liều, dám linh động làm như thế. May mà khi trở lên, mấy gùi thuốc không hề hẩn chi, mất thuốc lấy đâu cứu chữa thương binh khi chiến dịch nổ ra. Nghe nói bị kiểm điểm rát da, nhưng liền sau đó chị lại được vào Đảng. Họ giận mà  thương, thấu hiểu động cơ của các chị, tất cả vì cách mạng, vì đồng đội, vì thương binh. Về vùng Đông là đi vào nơi nguy hiểm chứ sướng ích chi đâu, mấy chị thừa cơ lấp chỗ trống mà được cả đôi đường. Vừa có thuốc vừa có mắm muối cho thương binh. Chắc mấy chị đã tính kỹ, giấu thuốc nơi rất kín đáo mới yên trí về vùng Đông mấy ngày trời. Mà nói thiệt, mấy bả cũng nhớ nhà quá mới bạo thế, mắm chỗ khác thì chưa chắc đã nảy ra sáng kiến đó.

Nè anh với chị Ba đã đi ba bốn năm, ăn cơm của dân răng không thấy cao lên được chút nào cả. Anh, chị Ba Liễu giống mẹ, thấp tịt. Chị Ba hồi mới lên sốt liên miên, chị về phép ngó xanh dờn, giờ thì khỏe lắm. Người nhỏ nhưng họ nói chị Ba cán thương chạy băng băng. Y tá, khi thiếu dân công phải vậy. Chị phấn đấu dữ lắm.

Riêng chuyện học để có chút chữ là thấy mẹ và chị Ba có tư chất giống nhau. Quyết tâm và ý chí. Em còn nhỏ chưa hiểu đời bao nhiêu, nhưng rất tự hào về mẹ, về chị Ba. Nhà mình nghèo, mẹ đơn chiếc, ở biển không có đàn ông là khổ, cha mình đi tập kết bỏ lại cho mẹ ba chị em, chỉ có đôi bầu đường và chiếc đòn gánh, mẹ vẫn cho chị đi học ở Tam Kỳ. Chị Ba học rất giỏi, gái mà cố gắng. Con gái quê mình được học đến đệ lục, đệ ngũ là hiếm. Ở bên nhà nông con cháu địa chủ, phú nông cũng chưa chắc được đi học Trung học. Nhất là con gái, họ nói con gái học nhiều làm gì, học không học cũng đi lấy chồng. Con trai ở biển cũng dễ chi đi học xa, làm biển được mùa liên tục, làm nhà ngói đỏ au nhưng trông con lớn xác đi biển. Anh cứ tính coi, làng mình và những làng biển kế cận... có mấy người học trên tỉnh. Cả xã chưa có người tốt nghiệp tú tài. Cha đi tập kết, được học như chị em mình là hiếm. Mẹ chẳng thua ai đâu. Em thương mẹ vô cùng. Có người chồng đi tập kết, lấy chồng khác bỏ con cho ông bà nội nheo nhóc. Em nghĩ chị em nhà mình rứa là nhất. Ông bà ngoại thương mẹ, thương tụi mình coi ngó giúp, mẹ rảnh tay, rảnh chân chạy chợ buôn bán mới có cho tụi mình ăn học.

Sáng hôm sau, trước khi chia tay Cát không có gì cho em, đi công tác chỉ mang theo chiếc võng, cái ăng gô với mấy lon gạo, chút lương khô. Cát nhìn Dương rớt nước mắt. Dương lấy trong ba lô ra tặng anh trai cái áo sơ mi vải ni lông sọc xanh, Cát mặc hơi chật nhưng là của mẹ may. Cát ôm Dương hôn từ biệt. Thế rồi, hai anh em Cát, Dương mỗi đứa một hướng. Và, chúng nó sẽ đi mô nữa trong thời binh loạn? Chỉ có điều chắc chắn rằng chúng sẽ cùng nhau lấp khuất vào rừng núi Trường Sơn mông mênh theo những tháng năm chinh chiến. Chia tay mà không thể hẹn ngày tái ngộ, Cát để lại địa chỉ cho em trai Nhà in Báo cờ Giải phóng Trung Trung bộ với biệt danh “C.9, Làng Tuyên, Vinh Quang", Cát chỉ cho em trai dãy núi cao cao chập chùng sương khói phía bờ bắc sông Tranh: anh về nơi đó. Còn thằng Dương, em trai bé bỏng của Cát vẫn chưa biết sẽ về đâu giữa trùng trùng núi non hiểm trở kia.

Cát về tới nhà, cơ quan lại có lệnh lui lên tiếp xã Poa. Trước đó một năm, trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, cơ quan Nhà in phải tháp tùng Ban Tuyên huấn Khu 5, từ Trà My bươn dốc cả chục ngày ra phía Đại Lộc, Điện Bàn để tiếp cận Đà Nẵng. Bây giờ Nhà in Báo Cờ giải phóng lại quay về nơi xuất phát. Với giác quan của thằng lính đã trên bốn năm nằm núi, Cát cảm nhận bọn hắn sẽ còn nằm lâu dài ở cái chốn sơn lâm cùng cốc này. 

Bây giờ đồng bào Cơdong lại đón nhận những đứa con Kinh trước đây một năm rơm rớm nước mắt từ biệt về xuôi. Nhưng chúng nó chưa đi được, chúng quay trở lại thiệt rồi! Cái thằng Mỹ kia vẫn còn mạnh lắm. Bọn thằng Cát chưa về đồng bằng, chưa về thành phố được đâu. Mờ mịt khói lửa chiến tranh, đường xa vời vợi, thằng Con của biển chưa biết bao giờ sẽ trở về với làng chài Thanh Thủy mến thương.

Đứng trên đồi cao nhìn phía biển, Cát thầm gọi: Mẹ ơi!....

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Hội ngộ trời ban" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn