Kiên Giang: Văn nghệ sĩ tỉnh thâm nhập thực tế sáng tác gắn với hoạt động về nguồn

Trương Anh Sáng

22/08/2023 22:08

Theo dõi trên

Trong 02 ngày, 21&22/8, tại huyện Gò Quao, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đã tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác gắn với hoạt động về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc; xã Vĩnh Phước A và các Chùa Nam tông tại các xã Định An, Định Hòa và Thủy Liễu.

1-kien-giang-1692715011.jpg

Đồng chí Trần Thanh Việt, Bí thư Huyện uỷ Gò Quao (đứng, bên trái), tặng ảnh cho Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang

 

Trong buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ tại Uỷ ban nhân dân huyện, đồng chí Nguyễn Vũ Huy, Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng ban tuyên giáo huyện uỷ Gò Quao đã giới thiệu, cung cấp cho đoàn đôi nét nổi bật về lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội của huyện Gò Quao tuy còn nhiều khó khăn nhưng giàu lòng nhân ái, ấm áp tình người.

Đồng chí Trưởng ban tuyên giáo huyện uỷ, thông tin, trong kháng chiến, Gò Quao là căn cứ cách mạng vững chắc, nuôi chứa cán bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng và là nơi Xứ ủy Nam Kỳ, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Rạch Giá, Thị ủy Vị Thanh và nhiều cơ quan khác chọn là căn cứ kháng chiến; là đường dây an toàn, quan trọng của các nơi về căn cứ U Minh và ngược lại. Đất và người Gò Quao đã làm nên những chiến công vang dội, góp phần tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch như: Trận Lục Phi, Rạch Rùa, Lái Niên - Cống Đá, Ba Huân - Ngã Cạy, đánh tàu trên sông Cái Lớn làm cho địch nhiều phen hồn siêu phách lạc.

Đảng bộ, quân, dân Gò Quao đã phải chịu nhiều hy sinh mất mát, đau thương trong chiến tranh vệ quốc với nhiều người con thân yêu đã ngã xuống nằm lại trên mảnh đất này. Huyện có 1.371 liệt sĩ, 275 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn sống 10 mẹ, 515 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng và hàng trăm gia đình có công với cách mạng.

Với những thành tích to lớn trong kháng chiến, tháng 11 năm 1978, Quân, Dân du kích huyện Gò Quao vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và là một trong hai huyện đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu cao quý này.

Tại di tích lịch sử căn cứ Tỉnh uỷ Rạch Giá, ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, văn nghệ sĩ đã được đồng chí Bé Sáu, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi huyện cung cấp thông tin về Căn cứ Tỉnh uỷ giai đoạn 1961-1965, nơi lưu dấu các sự kiện hoạt động cách mạng; chỉ đạo, lãnh đạo kháng chiến của Tỉnh ủy Rạch Giá trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Trong giai đoạn đóng căn cứ ở Vĩnh Hòa Hưng, cơ quan Tỉnh ủy đóng từ Kinh Bảy Kề qua Kinh Diều Gà. Các bộ phận của Tỉnh ủy phải chia ra ở dài trong nhà dân từ Kinh Bảy Kề qua Kinh Diều Gà trong các gia đình: Ba Tánh, Tám Nhơn, Bảy Khinh, Hai Liễu, Sáu Việt, Ba Bắc. Bộ phận điện đài ở Kinh Sáu Kim, Cơ yếu ở Kinh Ba Hưởng, Trạm giao liên ở Kinh Ba Huân, Giao thông công khai ở Xóm Huế.

Đồng chí Nguyễn Tấn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy ở nhà Ba Tánh. Sau nhà Ba Tánh có cất chòi để Thường vụ Tỉnh ủy họp, trong nhà và ngoài vườn có làm hầm bí mật. Thời gian Tỉnh uỷ ở Vĩnh Hòa Hưng, Gò Quao từng lúc có di dời qua Ngã Cạy, Ba Doi, Kinh Bốn Thước, rồi trở lại Vĩnh Hòa Hưng.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo cùng với những đường lối chiến lược, sách lược sáng suốt, kịp thời và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương của Tỉnh ủy Rạch Giá, quân dân Kiên Giang đã đập tan âm mưu gom dân lập ấp chiến lược của Mỹ - Ngụy; đồng thời đánh trên 3.000 trận lớn nhỏ; trên 30.000 lượt quần chúng đấu tranh chính trị và làm binh vận; loại khỏi vòng chiến đấu 7.800 tên địch, diệt hàng chục tên ác ôn, diệt 38 đồn, đánh thiệt hại nặng chi khu Kiên Long (Vĩnh Thuận), bao vây bức rút chi khu Hiếu Lễ (Thứ Mười Một) và nhiều lượt đồng bót, bắn rơi 40 máy bay, bắn bị thương 24 máy bay, phá huỷ 78 xe quân sự, bắn chìm và cháy 48 tàu thuyền chiến đấu; phá đi phá lại, phá đến dứt điểm 78/105 ấp chiến lược, phá rã ấp khác mở ra vùng giải phóng và căn cứ từ U Minh Thượng đến biên giới Hà Tiên.

9-kien-giang-1692715522.jpg

Văn nghệ sĩ thăm Căn cứ Tỉnh uỷ tại xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc

 

Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân, cho các thế hệ trẻ, đồng thời lưu dấu nơi đóng cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh Kiên Giang trong thời kỳ chống Mỹ, làm rõ sự hy sinh gian khổ của Đảng bộ - quân dân, mối quan hệ tình quân - dân khắng khít góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại giành độc lập tự do cho tỉnh nhà, Tỉnh ủy Kiên Giang chọn ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc là nơi xây dựng công trình Nhà bia kỷ niệm Căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá giai đoạn 1961-1965 vào năm 2011, hoàn thành năm 2012, ngay trên mảnh đất năm xưa cơ quan Tỉnh uỷ đã đóng cơ quan trong nhà dân. Toàn bộ khu di tích có diện tích là 1.012,74m2.

Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh cho biết chuyến đi thực tế sáng tác của 39 hội viên của các chuyên ngành văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu,…trên địa bàn huyện Gò Quao sẽ giúp anh em văn nghệ sĩ tiếp xúc với thực tế tại cơ sở, qua đó sẽ tạo điều kiện cho mọi người có nhiều tư liệu để sáng tạo những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Đoàn đã đến thăm cơ sở kinh doanh ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ đan lát lục bình của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Mỹ, tham quan vườn tiêu, vườn khóm, Chùa Sóc Ven Mới, Chùa Cà Nhung, Chùa Cái Bần, miếu bà Thị Cư.

Nhận dịp này, Hội văn học nghệ thuật tỉnh và hội viên Bích Trâm, Mai Văn Bé Em, Lê Quang Hào đã tặng quà cho Uỷ ban nhân dân huyện, xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc, xã Vĩnh Phước A và các chùa mà đoàn đã đến thăm.

Dưới đây là một số hình ảnh của chuyến đi thực tế sáng tác của Văn nghệ sĩ tại huyện Gò Quao.

2-kien-giang-1692715025.jpg

 

Căn cứ Tỉnh uỷ - Địa chỉ đỏ giáo dục tình yêu quê hương, đất nước

3-kien-giang-1692715025.jpg
 

Hội văn học nghệ thuật tặng quà cho học sinh xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc

4-kien-giang-1692715025.jpg
 

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vận động Nhóm từ thiện Mỹ Thái của Hội BTBNN Thái An tặng 01 căn nhà cho hộ nghèo xã Vĩnh Phước A

5-a-kien-giang-1692715025.jpg
 

Thưởng thức nhạc ngũ âm tại chùa Cà Nhung

6-kien-giang-1692715025.jpg
 

Tham quan cơ sở kinh doanh ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ đan lát lục bình của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Mỹ

7-kien-giang-1692715025.jpg
 

Nghệ sĩ Bích Trâm tặng quà cho học sinh xã Vĩnh Phước A (ảnh trên)

và Hội viên tác nghiệp tại vườn khóm của hộ dân xã Vĩnh Phước A (ảnh dưới)

8-kien-giang-1692715025.jpg

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Văn nghệ sĩ tỉnh thâm nhập thực tế sáng tác gắn với hoạt động về nguồn" tại chuyên mục Thời cuộc. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn