Muôn nẻo đường đời 

Hữu Hiệp

16/02/2024 06:27

Theo dõi trên

Chiếc taxi nhấp nháy đèn vàng , tấp sát lề rồi đỗ xịch trước cái bàn bán vé số của tôi . Cửa mở , bước xuống xe là một người đàn ông dáng phong lưu lịch lãm với chiếc quần jean kiểu tếch-xát, áo thun cá sấu màu xanh nước biển sang trọng được vô thùng rất đàng hoàng , chân đi giày da kiểu miền viễn Tây trong mấy phim cao bồi chiếu rạp .

dt4ahk-1708010929.jpg

Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn.

 

Hắn tiến trước mặt tôi , vồn vã chìa bàn tay cởi mở ra buộc lòng tôi phải bắt , mặc dù rất ngỡ ngàng :

- Anh H phải không , tìm anh từ sáng tới giờ nè , trời ơi , đóng đô ở cái hóc bà tó này ai mà tìm cho ra , anh còn nhớ em không ?

Tôi bối rối nhìn hắn từ đầu tới chân mà không biết đã gặp hắn ở đâu , tôi cố lục lọi trong cái trí nhớ già cỗi của mình mà cũng không tài nào tìm được một chút mảy may thân quen trên khuôn mặt tươi rói của hắn .

Hắn cười thoải mái :

- Em Bảy nè , anh nhớ Bảy Chà chưa , hồi đó em làm phu bốc vác cho anh nè , cái ngày anh làm thủ kho trong Công ty Vật Tư , gần ngã ba Cát Lái đó !

- Úy mèn ơi , tưởng mày chết rồi chớ , giờ phát tướng hay sao mà thấy lạ hoắc vậy ?

Tôi vừa thảng thốt vừa vui mừng , kéo ra thêm cái ghế đẩu bằng nhựa màu đỏ đã bạc màu dưới gầm bàn cho hắn ngồi , ít ra cũng gần ba mươi mấy năm chưa gặp mặt .

Nhớ hồi năm tám mấy , tôi làm thủ kho Công ty Vật tư Nông Nghiệp , trong kho lúc nào cũng dự trữ hằng ngàn tấn phân hóa học đủ loại , ngày nào cũng xuất nhập không ngơi tay .

Không biết trời xui đất khiến thế nào chứ hằng tháng trong kho của tôi đều dư ra vài tấn , sau khi tôi đã rà đếm cẩn thận từng cái đầu bao được xếp ngay ngắn từng hàng từng lớp trên nền đá hoa cương màu xanh rêu mốc .

Dưới trướng tôi có hăm mấy ba chục ông bốc vác trời gầm , lơ mơ khi xuất nhập lỡ may mất hàng là đi tù như chơi , vì vậy lúc nào tôi cũng luôn cảnh giác , thận trọng .

Hồi đó đi ngoài đường , chỉ cần mang theo một bao nhỏ , chừng hai mươi ký lô phân lạnh ( phân u-rê ) mà không có giấy tờ xuất kho kèm theo thì sẽ bị những tay quản lý thị trường nằm phục kích ở mấy chốt chặn tịch thu ngay , trên năm mươi ký có khi bị bắt , phải ngồi tù .

Nhờ tôi biết được nhiều thủ thuật cân đong đo đếm cho nên công việc ngày nào cũng trôi chảy .

Biết tôi cao tay ấn không thể qua mặt được , mấy ông trời gầm bèn giở bài ca con cá ra để đánh vào lòng thương cảm của tôi vì biết tính tôi đối xử với họ rất chân thành , như thể anh em một nhà cùng chung cảnh ngộ . ( Lời bài ca con cá : " con cá sống vì nước , tụi em sống vì lòng thương của anh " . )

Cứ lâu lâu , hết ông nọ đến ông kia , than thở với tôi nào là vợ đang bệnh nặng , con thơ không có tiền mua sữa bò bú dặm , nhà dột trên dột dưới không có chỗ ngủ đêm , hoặc đã ba ngày nay chỉ có ăn cháo vì nhà hết gạo , có ông còn mượn tiền để trả nợ buổi chợ chiều , tôi nghe riết mà trong lòng muốn nảo đến ruột gan .

Không biết thực hư ra sao chứ trong thâm tâm tôi rất mủi lòng , cứ lâu lâu tôi lại cho mỗi ông một bao phân lạnh hoặc phân N.P.K , ( nếu tính giá thành theo thời điểm hiện nay là gần một triệu đồng ) , vì không biết ở đâu dư ra rất nhiều sau khi cân đối sổ sách .

Cả đội quân chở về bằng xe đạp kéo thành một đoàn dài , mỗi bao mỗi xe cột sau ba-ga khi hoàng hôn vừa buông xuống , lúc này trời vừa chạng vạng , đã nhọ nhem mặt người .

Tôi dặn dò hễ mà xui xẻo , bị bắt , thì cứ nói là ăn trộm trong kho chứ đừng khai ra tôi .

Mấy ông trời gầm sung sướng vâng dạ hết lời , còn hứa với tôi rằng đã chuẩn bị hết các cách để đối phó . Tôi cũng yên tâm hơn vì biết rõ họ tuy đầu đội trời chân đạp đất , chẳng biết sợ ai nhưng xem cung cách đối xử với tôi thì vô cùng nghĩa khí .

o O o

Thằng Bảy Chà kể với tôi rằng sau cơn bỉ cực , cả nhà nó được qua Mỹ theo diện bảo lãnh thân nhân . Hiện hắn sống ở thành phố Los Angeles - California , đang làm chủ một nhà hàng bán thức ăn nhanh vùng ngoại ô , hèn chi mà thấy vẻ bên ngoài hắn phương phi béo tốt , cân nặng dễ chừng được hơn tám mươi ký lô gam .

Hắn gom gọn bàn vé số của tôi còn được gần hai trăm tờ , miệng nói dẹp hết dẹp hết , đi nhậu cái đã .

Tôi nói để anh mang trả lại công ty xổ số cho kịp giờ chiều . Hắn khoát tay bảo khỏi cần , xong rút ví ra đưa tôi hai tờ một trăm đô-la màu xanh nhạt . Hắn nhét vào túi quần Jean hết mấy chục xấp vé số cho tôi khỏi tiếc , rồi nói biết chừng đâu chiều nay trúng độc đắc hắn sẽ đưa hết cho tôi làm vốn , coi như trả lại cái ân tình khi xưa .

Tôi khấp khởi thu dọn cái ghế xếp , cái bàn nhựa cũ , còn hắn lấy cái di động ra , oang oang gọi taxi .

Liếc qua , thấy tôi đang lui cui với mấy cái món đồ nghề , tiện tay hắn chồm tới tay xách cái bàn , tay cái ghế , cùng cái nẹp gỗ chặn vé số , xong quăng ào tất cả tài sản của tôi vô trong một góc bờ rào , hắn dứt khoát bảo với tôi ngày mai anh chẳng cần làm chi với cái nghề này nữa , tôi ngạc nhiên tròn xoe mắt , hắn cười toe toét nói anh cứ yên tâm !

Nhớ lại hồi đó , nhà cửa thằng Bảy Chà tệ hơn nhà tôi , bởi đem ra mà so lúc trời mưa thì nhà tôi dột ít còn nhà nó dột nhiều .

Có một chiều , làm việc xong đâu đó nó rủ tôi về nhà nhậu , tôi vốn ít bia rượu do đặc thù công việc nhưng vì nó khẩn khoản quá nên phải xiêu lòng , không về chơi sợ nó buồn , nghĩ sâu nghĩ xa rằng tôi phân biệt giàu nghèo .

Trước khi đi , tôi hỏi nhà có gì nhậu không mậy , nó bảo có mấy con cá khoai khô để dành bữa giờ trên giàn bếp , chỉ chờ anh về là đem ra nướng .

Cái đội quân bốc vác trời gầm này coi vậy mà chúng nó rất nể tôi , bởi tôi luôn coi tụi nó như anh em gần gũi , ngày nào cũng gặp mặt .

Tôi thường nói tâm lý rằng sông có khúc người có lúc , mấy đứa đừng nên nản chí , ráng làm ăn lương thiện thì trời cao có mắt . Tôi nói một lời hai ý , vừa an ủi tụi nó , vừa nhắc khéo rằng đừng có rắp tâm rình mò mà lấy trộm hàng hóa của tôi .

Tôi với nó ráng chổng mông đạp xe cho mau vì trời cũng gần sụp tối , cộng thêm gió ngược .

Đến gần khu dân cư , thấy mé bên đường thấp thoáng có vài bóng đèn điện vàng chong trong cái tủ kính , cạnh bên là bếp lò than củi của mấy quán ăn người Tàu có chút khói xanh liu riu bay lên , tôi liền tạt vào mua một ký thịt heo quay . Tôi nói chủ quán chặt nhỏ ra rồi lấy thật nhiều nước chấm , rau xanh thì thêm một bịch to , nó hỏi lấy chi dữ vậy , tôi lặng thinh nhưng trong thâm tâm biết nó rất hả dạ bởi vì nó là dân nhậu chuyên nghiệp mà , được càng nhiều càng tốt .

Hai ông hai chiếc xe cứ đạp miết , đạp miết , cua qua cua lại nhiều lần trong cái xóm nhỏ , cuối cùng cũng về được tới nhà .

Hồi làm thủ kho , tiền bạc tôi kiếm được rất nhiều . Tôi mặc cái áo bờ-lu-dông có hai túi phải trái trên ngực có nắp đậy . Bên trái là tiền lẻ dành mua thuốc hút ăn vặt , bên phải là tiền chẵn để dành phòng khi mấy ông trời gầm rên rỉ tả oán . Dưới hai cái túi quần sau cũng vậy , bên trái là tiền lớn dùng lúc hữu sự khi sếp ngẫu hứng kêu đi đâu đó , túi bên phải là chuyện của gia đình tôi , rạch ròi đâu đó rất đàng hoàng , nhưng phải nhớ cho kỹ chức năng của bốn cái túi , lúc sần sần mà rút tiền ra nhầm lẫn có khi lại hư bột hư đường .

Vợ thằng Bảy Chà bán bánh mì đựng trong cái rỗ nhỏ bưng bên hông , bôn ba ở bến xe . Bánh mì ăn với chả lụa hoặc chả cá , rắc lên ít muối tiêu , thêm vài lát ớt đỏ , dành cho khách lót dạ trên những chiếc xe chạy bằng than về miền lục tỉnh .

Nó có hai đứa con gái nhỏ đang tuổi ăn học , nghề bốc vác là do nó tự chọn bởi có sức khỏe , cộng thêm thịt bắp vai u .

Vừa bước chân vô nhà thì trời chợt đổ cơn mưa to , mái tôn nổ đùng đùng như sấm dậy , tôi chẳng nghe được tiếng chào hỏi từ trong vọng ra .

Vợ nó phải la lớn như gào , chỉ huy hai đứa nhỏ bưng nhanh mấy cái chậu thau nhựa ra mà hứng những chỗ dột . Tôi thấy tụi nhỏ kê nhanh nhiều cái thau rất chính xác từng xăng-ti-mét , chắc đã quen việc rồi . Sát bên hông tôi ngồi cũng có một cái thau , những giọt nước trên mái nhà rót xuống róc rách , âm thanh cứ đơn điệu như xuyên thấu lòng tôi .

Ký heo quay được chia ra làm hai dĩa to vì tôi bảo phải như vậy , vợ nó với hai đứa con gái một phần còn tôi với nó một phần , nhâm nhi cùng chai rượu đế được lấy từ cái kệ gỗ kê cao , cạnh bàn uống nước trà .

Uống gần được nửa chai , bỗng dưng thằng Bảy Chà trở nên đăm chiêu rồi thở dài sườn sượt .

Tôi hỏi :

- Sao vậy , mày có chuyện gì buồn à ?

Nó ngao ngán trả lời :

- Nhà em không còn tiền mua gạo , ba ngày nay đều ăn cháo trừ cơm .

- Rồi mấy nhỏ ăn gì ? Tôi thảng thốt lẫn ngạc nhiên hỏi lại .

Nó đáp lại , giọng buồn rầu :

- Cả ba ngày nay cả nhà em đều ăn cháo vì vợ em trúng gió đau bụng không đi bán được , tiền bốc vác thì chưa đến ngày chia phần .

Tôi hỏi vặn nó :

- Sao mày không mượn anh em ai đó ít đồng mà mua gạo ?

- Ai cũng nghèo như nhau mới đi làm cái nghề này anh à , nếu có ăn có mặc thì kiếm việc khác mà làm cho đỡ cái lưng đau .

Nó thở dài , giọng như muốn khóc .

Tôi lén liếc nhìn hai đứa nhỏ ốm nhách , hai khuôn mặt ngây thơ tươi rói đang thưởng thức món thịt heo quay , tay cầm đũa chỉ trỏ qua lại , vô tư nói cười mà lòng tôi xót xa vô hạn .

Tôi ráng uống hết với nó chai rượu đế rồi ra về lấy lý do đường xa .

Trước khi đứng dậy , tôi quyết định móc túi quần sau - bên phía phải - lấy ra một số tiền thẳng nếp phẳng phiu rồi đặt lên bàn nhậu , xong lấy cái ly chặn lên trên .

Tôi nói ngày mai mày phải cầm tiền này đi mua gấp một bao gạo , loại năm mươi ký , để dành trong nhà cho mấy nhỏ ăn , tôi đưa thêm một số tiền tương đương với bao gạo kia để nó thuốc thang cho vợ .

Nó tiễn tôi ra tận cổng , bên cái hàng rào được giăng bằng ba cọng thép gai trên mấy cây cột gỗ xiêu vẹo . Nó im lặng không nói một lời nào nhưng tôi cũng có thể nghe được tiếng nghẹn ngào từ trong sâu thẳm của nó với nỗi lòng biết ơn vô cùng tận .

Một thời gian sau , tôi mãi lo công việc xuất nhập hằng ngày nên quên phức đi thằng Bảy Chà , bởi vì cái đội quân trời gầm này cứ thay đổi nhân sự xoành xoạch , kẻ đến người đi như chim trời cá nước mà tôi chẳng hề hay biết , thằng Bảy Chà cũng biệt tăm luôn từ đó .

o O o

Trở lại câu chuyện cũ , sau khi quăng chỏng gọng cái bàn nhựa bán vé số của tôi cùng với mấy cái ghế đẩu xấu xí vô trong bờ rào , tôi với nó leo lên chiếc taxi về nhà .

Nhà tôi trong hẽm nhỏ , vẫn xập xệ như ngày nào . Nó giả đò ngó quanh ngó quất , nhưng tôi biết lòng nó đang bồi hồi xúc động khi gặp lại cảnh cũ người xưa . Nó nói anh chị nên vươn ra đường cái mà kiếm ăn , ở trong cái hẽm này không bao giờ ngóc đầu lên được .

Vợ chồng tôi nghe nói mà lòng dạ xốn xang bởi tôi luôn tin rằng mỗi người một số phận , chẳng ai muốn nghèo khổ suốt đời bao giờ .

Tôi quên kể thêm chuyện này , hồi còn làm thủ kho vật tư nông nghiệp , tiền bạc kiếm được cũng nhiều , làm được bao nhiêu tôi sắm vàng bấy nhiêu rồi giao cho vợ cất giữ , định bụng dành dụm sau này xây lên cái nhà lợp ngói có tường bằng gạch , nuôi con cái học hành , thoát khỏi cảnh nhà tôn vách đất mà cha mẹ tôi để lại , ước mơ của tôi chỉ có chừng ấy .

Hồi đó việc mua sắm vàng khó lắm vì nhà nước chưa cho phép , toàn làm chui làm lậu , phải là người thân quen mới xong việc . Mỗi lần họ bán cho mình một chỉ mà thôi , cứ lâu lâu tôi lại được đúc thêm một chỉ vàng .

Nhưng nào ngờ , mưu sự tại nhân thành sự tại thiên , ai cũng có những khuất nẻo đường đời . Khi chợt nhớ lại , ta luôn ngậm ngùi tiếc nuối , ước gì được trở về sống lại những năm tháng xa xưa !

H.H

( Ngày đầu Xuân Giáp Thìn)

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Muôn nẻo đường đời " tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn