Nghệ thuật và Khoa học về Thiền (Kỳ 2)

29/01/2022 08:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp nội dung cuốn sách " Nghệ thuật và Khoa học về Thiền" của Tiến sĩ Newton Kondaveti, M.D Chitra Jha, được ấp ủ và hình thành bởi Tiến sĩ Newton Kondaveti, M.D do TS Nguyễn Hoàng Điệp hiệu đính sửa chữa bản tiếng Việt lần cuối và Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành

CHƯƠNG 1

THIỀN LÀ GÌ?

Định nghĩa

Từ “Thiền” trong Tiếng Anh xuất phát từ hai tiếng Latinh:meditari có nghĩa là suy nghĩ, suy ngẫm, suy tư, tập thể dục tâm trí, tập trung sự chú ý; và mederi nghĩa là chữa lành. Vì thế, mọi người ngụ ý những điều khác nhau khi họ sử dụng từ Thiền.

Thiền được gọi là  “Dhyana” trong tiếng Phạn, xuất phát từ từ gốc ‘dhyati’ nghĩa là chiêm nghiệm hoặc thiền định. Đó là lý do vì sao việc sử dụng đồng thời từ Thiền bị nhầm lẫn với ‘tập trung, chiêm nghiệm, kiểm soát tâm trí’v.v.

Từ Thiền trong Tiếng Anh cũng được sử dụng để thay thế cho các từ tiếng Phạn như dharana, dhyana, samadhi và bhavana, là những từ được sử dụng để miêu tả các giai đoạn khác nhau của Thiền. Việc sử dụng “chung chung” từ này đã tạo ra nhầm lẫn về việc thực hành Thiền.

Các từ khác nhau được sử dụng ở các Quốc gia khác nhau để miêu tả về Thiền định; như là Zen ở Nhật Bản, Chen ở Trung Quốc,  Dhyan ở Ấn Độ, và “lời cầu nguyện trong chiêm nghiệm” ở thế giới Phương Tây.

Trong những năm qua, từ “Thiền” đã được sử dụng một cách dễ dãi trong việc miêu tả một loạt các cách thức thực hành tương tự nhau, giữa các nền văn hoá và truyền thống, từ các kỹ thuật được tạo ra để tăng thêm tính thư giãn hoặc trạng thái khoẻ mạnh cho đến các kỹ thuật được tạo ra để đạt tới giác ngộ. Mặc dù những kỹ thuật và phương pháp thực hành này khá giống nhau, nhưng chúng cũng đủ khác biệt với nhau, và do đó đã tạo ra nhầm lẫn trong tâm trí của mọi người về định nghĩa chính xác của thuật ngữ “Thiền”.

Một định nghĩa, được phổ biến và chấp nhận rộng rãi, chính là Thiền đơn giản nghĩa là một “trạng thái không suy nghĩ”. Maharishi Patanjali gọi trạng thái này là “Chittavritti Nirodhak”.

“Chitta” trong tiếng Phạn được đặt cho toàn bộ những thứ thuộc về tâm trí, “vritti” hay xu hướng của chúng là làm chúng ta phân tâm bởi những suy nghĩ nhảy nhót như những chú khỉ. Tâm trí không bao giờ ngừng lang thang quanh luồng suy nghĩ, tạo ra “tiếng nói nhảm bên trong”. Nó không biết làm thế nào để duy trì sự hiện hữu trong hiện tại, ngay đây và ngay bây giờ. Thiền định cắt đứt dòng suy nghĩ liên miên để đạt đến trạng thái tĩnh tại. Vì vậy, định nghĩa đơn giản về Thiền là “sự tĩnh lặng của tâm trí” hay là “nirmal sthiti”.

Trạng thái không suy nghĩ

Tâm trí bao gồm tất cả các suy nghĩ của chúng ta. Trung bình một người suy nghĩ hơn 50.000 suy nghĩ trong một ngày. Hầu hết các suy nghĩ này lạc trôi về quá khứ hoặc tương lai. Ta có thể nói rằng tâm trí chúng ta là một rừng suy nghĩ. Sự chuyển động liên tục của suy nghĩ có thể được ví như một cơn lốc xoáy hoặc một dòng nước xoáy. Thiền định là làm dịu đi cơn lốc xoáy. Nó có nghĩa là đi đến tâm điểm của dòng nước xoáy.

Tâm trí của chúng ta cũng có thể được ví như một ao nước. Sự khuấy động liên tục của những suy nghĩ làm cho nước trong ao bị vẩn đục. Khi ở trạng thái không suy nghĩ, tâm trí trở nên tĩnh lặng và làm cho “lớp bùn suy nghĩ” cũng lắng xuống. Thiền nghĩa là sự lắng đọng hoàn toàn mọi làn sóng không ngừng của tâm trí, khiến cho nó trở nên rõ ràng trong suốt.

Trong một ví von khác, suy nghĩ của chúng ta giống như những đám mây đen trên bầu trời. Ở trạng thái không suy nghĩ, đám mây tan biến và ánh nắng chói chang của sự Tỉnh thức được đặt lên hàng đầu.Thông thường cơ thể chúng ta ở một chỗ trong khi tâm trí lại lang thang ở khắp mọi nơi. Thiền là buông bỏ tâm trí và trở nên hoàn toàn tĩnh tại. Khi không còn từ nào trong miệng tức là im lặng; khi không còn suy nghĩ nào trong tâm trí tức là Thiền. Cũng như cần nỗ lực hết mình để giữ miệng im lặng, còn lại để tâm trí im lặng cũng đòi hỏi một nỗ lực hết mình.

Trong Thiền định, người thực hành cần vượt qua trạng thái tâm trí “phản chiếu, suy nghĩ” để bước vào “ý thức thuần khiết”, và mở rộng tâm trí con người thành tâm trí thiêng liêng.

Trạng thái không làm gì

Không có gì phải “làm”khi Thiền. Thiền chỉ là về sự hiện hữu. Thiền là duy trì trạng thái rỗng không. Một khi tâm trí trở nên trống rỗng, Thiền diễn ra một cách tự nhiên.

Khi chúng ta không làm bất cứ điều gì, năng lượng di chuyển về trung tâm và an trú tại đó. Khi chúng ta “làm” gì đó, năng lượng di chuyển ra khỏi trung tâm và hướng tới đối tượng của việc làm đó. “Làm” khiến năng lượng đi ra, không làm khiến năng lượng đi vào.

Công cụ khám phá bản thân

Thiền là công cụ đầu tiên để khám phá bản thân. Thiền là đi vào bên trong, chạm vào tinh hoa nội tại và hoàn toàn đắm chìm trong Bản thể của chúng ta. Đó là một cuộc phiêu lưu nội tâm tuyệt vời; một sự kết nối hiện sinh với TẤT CẢ NHƯ CHÚNG VỐN LÀ HIỆN HỮU.

Tất cả chúng ta đều dành thời gian để ở bên những người gần gũi và thân yêu nhất của mình, trong Thiền, chúng ta dành thời gian để ở với chính mình. Thiền chính là yêu thương bản thân. Đó là món quà tuyệt vời nhất chúng ta có thể dành cho chính mình. Đó mới thực sự là mùi vị của tự do.

Nhận biết không phán xét

Thiền là nhận biết không phán xét trong từng khoảnh khắc. Ngắm nhìn sóng biển, lắng nghe tiếng chim ríu rít, làm vườn, chạy bộ, đắm mình trong nghệ thuật hoặc âm nhạc, thơ ca, mơ mộng, ca hát, ngủ trưa, đi bộ, chạy, nấu ăn, leo núi, khiêu vũ, hatha yoga, v.v,… đều có thể là trải nghiệm thiền, nếu chúng tự do thoát khỏi các phiền nhiễu khác của tâm trí. Đó là một cái “NẾU” lớn. Tất cả mọi hoạt động này có thể đưathân - tâm - trí hợp nhất. Với ý nghĩa đó, tất cả đều thiền dù chúng ta có nhận ra hay không.

Lịch sử của Thiền

Nhiều dữ liệu lịch sử khác nhau chỉ ra rằng Thiền đã được loài người thực hành từ thời tiền sử, dưới nhiều hình thức khác nhau, như một phần không thể thiếu của truyền thống tôn giáo và tâm linh. Những câu cầu nguyện, lời tụng kinh, câu kinh thánh lặp đi lặp lại có nhịp điệu được sử dụng để tạo ra trạng thái thiền. Tuy nhiên, ngày xưa, việc thực hành Thiền là một bí mật được bảo vệ và chỉ số ít người được chọn mới được phép biết bí mật này.Song, giờ đây đã đến lúc việc thực hành này được tiếp cận với đa số mọi người.

Sự gia tăng qua việc đi lại, giao tiếp và Internet đã giúp ích cho việc lan toả và sự phổ biến đa văn hoá của Thiền. Một sự đói khát tâm linh sâu sắc trên toàn Thế giới cũng đã làm hồi sinh hứng thú với mọi người về Thiền.

Thiền định và tôn giáo

Mặc dù một số ghi chép đầu tiên về Thiền xuất hiện trước thời Kinh Vệ Đà của Hindu giáo, thì các tài liệu tham khảo về Thiền cũng có thể được tìm thấy ở Kỳ Na giáo, Phật giáo, Lão giáo, Thiền Tông, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo Sufi. Từ tất cả các tôn giáo này, Thiền được xem là cần thiết cho sự phát triển tâm linh.

Thực tế, tất cả các nhóm tôn giáo đều thực hành Thiền theo hình thức này hay hình thức khác; do đó nó vượt qua thời gian và mang tính phổ thông qua cách tiếp cận, truyền bá và ứng dụng.

Đạo Phật

Những Phật tử theo đuổi Thiền như một con đường hướng tới giác ngộ và Niết bàn. Theo truyền thống Phật Giáo nguyên thuỷ, các phương pháp phát triển chính niệm được giảng dạy, còn ở Tây Tạng theo truyền thống dạy các kỹ thuật quán tưởng và tụng niệm thần chú.

Chính niệm trong hơi thở và Thiền yêu thương là hai cách thực hành phổ biến của Phật giáo.

Với Thiền Tông (Zen), Thiền được thực hành để chạm tới cốt lõi bản chất tâm linh của một người.

Kito Giáo

Thánh Padre Piom, một người ủng hộ mạnh mẽ Thiền đã nói: “Thông qua việc nghiên cứu sách vở, người ta tìm thấy Chúa; bằng Thiền định người ta tìm thấy chính mình.”

Thiền Kito chủ yếu tập trung vào việc chiêm nghiệm để tìm ra ý nghĩa sâu sắc hơn của cuộc sống. Những lời cầu nguyện chiêm nghiệm và Thiền định là những thực hành phổ biến của Kito giáo. Đối với một người công giáo, Thiền bao gồm việc đọc Kinh mân côi và cảm thấy gần gũi với Chúa Jésus.

Christian Gnostics Thiền để có được kiến thức; “Gnosis” nghĩa là kiến thức. Họ tin rằng định mệnh của một con người là vấn đề cá nhân giữa anh ta và Chúa.

Ý nghĩa sâu xa hơn của ăn chay trong suốt “Mùa Chay” không chỉ là nhịn ăn về mặt thể chất mà còn là nhịn ăn của tâm trí, điều diễn ra ở trạng thái “tâm rỗng không”.

Khi Chúa Jésus nói, “Hãy yên lặng và tự biết chính mình”, Ngài đang yêu cầu con người ta hành Thiền.

Đạo Hồi

Đạo Hồi chủ trương cầu nguyện năm lần một ngày. Suốt buổi cầu nguyện, một người Hồi giáo sùng đạo tập trung và thiền về Thượng Đế. Mục đích của Thiền này là duy trì sự bình an nội tại khi đối mặt với các thách thức hằng ngày của công việc và đời sống gia đình.Nhà tiên tri Mohammad đã dành thời gian dài để chiêm nghiệm và Thiền định. Nhịn ăn trong tháng Ramadan, kể cả không được nuốt nước bọt của mình, để nói về trạng thái Thiền định.

Truyền thống Sufi của Đạo Hồi theo đuổi lối thực hành Thiền định huyền bí đa dạng bao gồm việc tập trung cao độ và quan sát nội tâm.

Người đạo Hồi biết đến Thiền là Dhikr hay là việc niệm đi niệm lại tên của Chúa.

Ấn Độ giáo

Brihadaranyaka Upanishad đề cập đến Thiền và các trạng thái của Thiền như sau: “Khi một người trở nên bình lặng và tập trung, anh ta sẽ nhìn thấy atman (chân ngã) trong bản thân mình”. Trong Bhagwad Gita (Chí Tôn Ca), Sri Krishna dạy Thiền cho Arjuna. Ở Ashtanga Yogacủa Patanjali, Thiền hay Dhyana được đặt trước Samadhi, chỉ sự hợp nhất của chân ngã/atman với sự có mặt khắp nơi của Đấng Brahman; mục đích tối thượng của tất cả những người theo đạo Hindu. Còn Bhakti Yoga, Thiền bao gồm việc hình dung hình ảnh của một vị thần và tụng niệm một câu thần chú. Đối với trường phái Vedanta, Thiền là quá trình chiêm nghiệm về những câu thơ đã được chọn lọc từ Thánh thư.

Đối với đạo Hindu, tụng niệm một câu thần chú với cảm giác hợp nhất tâm linh chính là Thiền. Trước đây, các ngôi đền Hindu ban đầu được xây dựng cho việc hành Thiền.

 Kỳ Na Giáo

Thiền định là một trong những phương pháp thực hành tâm linh của Kỳ Na giáo. Tất cả hai mươi bốn chư vị Tirthankaras của truyền thống Kỳ Na đều thiền định và đạt được giác ngộ. Hình ảnh hoặc tượng thần của họ luôn được mô tả trong tư thế Thiền định.

Lord Mahaveer đã Thiền định trong mười hai năm trước khi đạt giác ngộ.

Trong Kỳ Na giáo, Thiền là con đường dẫn đến sự giải thoát. Tụng thần chú và suy ngẫm về những điều vi tế là các khía cạnh không thể thiếu của Thiền Kỳ Na giáo.

Đạo Sikh

Thực hành Simran trong đạo Sikh hay tập trung vào các biểu tượng Thần Thánh khuyến khích Thiền tĩnh lặng. Đạo Sikh dạy rằng có mười “cánh cổng” đến cơ thể. Cánh cổng thứ mười cao nhất hay tậptrung năng lượng được biết đến là Dasam Duaar. Việc hành thiền liên tục sẽ mở được cánh cổng này, đảm bảo trạng thái Thiền định duy trì mọi lúc: Trong khi ăn, đi bộ, nói chuyện hay ngủ.

Trong đạo Sikh, “kirtan” hay hát những bài Thánh ca sùng kính được xem là một cứu cánh quan trọng đối với Thiền.

Đạo Do Thái

Các phương pháp Thiền định của người Do Thái đã có từ hàng ngàn năm trước bởi vì Thiền định là tâm điểm của các nhà tiên tri Do Thái. Truyền thống Kabbalah huyền bí của người Do Thái thực chất là truyền thống thiền tập. Đối với một Kababalist, mục đích cuối cùng của Thiền là để hiểu biết về Thần Thánh.

Đạo giáo

Đạo giáo coi các truyền thống thiền tập, luyện tập hơi thở và chiêm nghiệm là “việc tập hợp Ánh Sáng”. Các môn võ thuật Trung Hoa thường được gọi là “thiền động” hay “chuyển động trong tĩnh lặng” và “tĩnh lặng trong chuyển động”.

Trong Thiền Khí Công, hành giả tập trung vào dòng chảy năng lượng trong cơ thể cho đến khi năng lượng tiêu tan.

Truyền thống Bahai

Người Bahai sử dụng Thiền định là chìa khoá mở ra các cánh cửa bí ẩn và bí mật về Vũ trụ, cả bên trong lẫn bên ngoài.

Thời đại mới

Thiền định thời đại mới bị ảnh hưởng bởi Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, Huyền học, và Yoga. Mục đích của Thiền thời đại mới là làm rỗng tâm trí và giải phóng khỏi các suy nghĩ có ý thức. Tụng niệm thần chú, tập trung vào một đối tượng cụ thể và hình dung tưởng tượng là các hình thức thực hành Thiền của thời đại mới.

Các dạng thiền định

Thiền bao gồm một loạt các phương pháp khác nhau; vì vậy, có hàng ngàn kỹ thuật và cách thức. Một vài phương pháp nổi tiếng nhất là ThiềnAna-Pana-Sati, Vipassana, Thiền siêu việt - Transcendental Meditation, Thiền Zen, Thiền theo hướng dẫn, và Thiền thần chú.

Một vài trường dạy Thiền dạy những kỹ thuật định tâm, một số tập trung vào kỹ thuật thư giãn, trong khi số khác dạy thực hành Thiền không suy tư. Tuy nhiên, tất cả các thực hành Thiền định có thể được phân loại chung thành thực hành định tâm và thực hành chính niệm.

Trong thực hành định tâm, hành giả tập trung sâu vào một đối tượng cụ thể và kiên định đưa tâm trí về với đối tượng đã chọn. Đối tượng được chọn này có thể là một ngọn lửa nến, một hình ảnh, một âm thanh, một câu thần chú hoặc hơi thở. Nó giống như sử dụng ống kính phóng to lên khi chụp ảnh và tập trung lấy độ nét một đối tượng duy nhất.

Khi thực hành chính niệm, hành giả tự do chuyển đổi từ nhận biết này sang nhận biết khác, tỉnh thức trước mọi cảm giác, hình ảnh, ký ức, suy nghĩ, âm thanh và mùi hương mà không bị cuốn theo bất kỳ gì khi suy tư về chúng. Hình thức Thiền định này có thể được so sánh với chụp ảnh góc rộng. Thay vì phóng to vào một đối tượng được chọn, thì người ta duy trì nhận biết về toàn bộ trải nghiệm.

Thiền chính niệm sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau như là quét cơ thể, để suy nghĩ sinh khởi và tiêu tan, nhận biết mùi vị và kết cấu của món ăn khi ta ăn.

Các thực hành Thiền định khác nhau có các tư thế khác nhau. Có những phương pháp thực hành cần bạn ngồi ở một tư thế nhất định nào đó và giữ cho cơ thể bất động, ví dụ: Zazen- Thiền toạ và Vipassana; Expressive practices - Thiền biểu cảm, trong đó cơ thể được tự do và thả lỏng như Siddha Yoga và Thiền nhảy múa; và thực hành Thiền động đối với các hoạt động hằng ngày, ví dụ Mahamudra.Tuy nhiên, tất cả các pháp Thiền đều có một điểm chung đều tập trung vào làm dịu tâm trí bận rộn. Ở mỗi pháp hành thiền, tâm trí được lấp đầy bình an và tĩnh lặng. Các phương pháp thiền có thể khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng đều giống nhau.

Cuối cùng, ta cần hiểu rằng Thiền không phải là dùng kỹ thuật.Nó là sự hiện hữu, quan sát, nhận biết và yêu thương. Kỹ thuật rất có ích trong việc định hướng, hướng tới việc hiện hữu của mối quan hệ cho tới thời điểm hiện tại.

Tóm lược

Thiền là trạng thái tâm rỗng.

Thiền là những gì đang diễn ra.

Thiền là làm rỗng tâm trí khỏi tất cả suy nghĩ, thành một cái bát trống rỗng, một cây sáo trúc, một ao nước tĩnh lặng không gợn sóng.

Thiền là chứng kiến tất cả các hoạt động của Tâm thức hoặc Bản thể.

Thiền là buông bỏ.

Thiền là xả ly.

Thiền là không làm gì.

Thiền là sống ở đây và ngay bây giờ.

Thiền là hoàn toàn yên lặng và tĩnh tại, im lặng độc thoại nội tâm.

Thiền là nhận biết sự tĩnh lặng bên trong.

Thiền là kết nối với bản chất tinh tuý bên trong chúng ta.

Thiền là thức tỉnh chính mình về các trạng thái biến đổi của ý thức.

Những tên gọi khác nhau được sử dụng ở các Quốc gia khác nhau để miêu tả Thiền như là: Zen, Chen, Dhyana.

Thiền là một phần không thể thiếu của tất cả các thực hành tôn giáo trên Thế giới.

Có hàng ngàn kỹ thuật Thiền định nhưng tất cả đều tập trung vào việc tĩnh lặng tâm trí.

Các phương pháp Thiền có thể khác nhau nhưng đều chung mục tiêu cuối cùng.

“Thiền tập không phải là để trốn tránh xã hội, mà để quay về với chính mình và thấy điều gì đang diễn ra. Một khi có cái thấy, chắc chắn phải có hành động. Bằng sự tỉnh thức, chúng ta biết nên làm gì và không nên làm gì.”

Thích Nhất Hạnh

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ thuật và Khoa học về Thiền (Kỳ 2)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn