Nghi vấn “đạo văn” trong tác phẩm “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật”

PV

15/03/2022 10:09

Theo dõi trên

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh đã gửi Đơn đề nghị tới Học viện Khoa học xã hội và một số cơ quan báo chí đề nghị giúp xử lý việc phát hiện có chuyện “đạo văn” trong tác phẩm “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật”, tác giả Vũ Thị Trang. Tác phẩm này vừa được nhận Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT dành cho các tác phẩm LLPB VHNT xuất bản năm 2020 và giải Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất, năm 2021.

phe-binh-phan-tam-1647313707.jpg
 

 

Sau đây là nội dung đơn :

Tên tôi là: Đỗ Hải Ninh

Sinh năm: 1978

Hiện là: Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học.

Học vị: Tiến sĩ, chuyên ngành Văn học Việt Nam

Tôi viết đơn này đề nghị Lãnh đạo Học viện Khoa học xã hội xem xét giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền tác giả của TS.Vũ Thị Trang trong cuốn sách “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2020).

Nội dung vụ việc cụ thể như sau:

Trong cuốn sách “Phê bình phân tâm học Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của Vũ Thị Trang, nội dung Phần III Ám ảnh tự do – xung đột giữa những cái tôi trong tự truyện Việt Nam đương đại (từ tr 206 – 272), có sử dụng nhiều phần viết của tôi trong đề tài cấp Bộ Tiểu thuyết và tự truyện Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học do TS. Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm, nghiệm thu năm 2019 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ngày 13/11/2017 tôi nhận được email mời tham gia đề tài cấp Bộ cùng chị Vũ Thị Trang, trong quá trình viết các chuyên đề từ năm 2018 -2019, tôi đã có góp ý để chủ nhiệm đề tài điều chỉnh về nội dung cho phù hợp với cấu trúc chung. Mặc dù trong thuyết minh và dự toán kinh phí tôi được phân công viết hai chuyên đề nhưng trên thực tế, tôi đã viết toàn bộ chương 2 Tự truyện Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học để chị Trang có thể hoàn thành đúng tiến độ nghiệm thu. Trong báo cáo tổng hợp của đề tài Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học khi đưa ra nghiệm thu tại Hội đồng cấp Viện Hàn lâm KHXH, mặc dù chị Trang có điều chỉnh tên một số tiểu mục nhưng toàn bộ chương 2 Tự truyện Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học là do tôi viết và tôi là tác giả sở hữu phần viết này.

Sau khi đề tài nghiệm thu, Vũ Thị Trang đã đưa công trình cấp Bộ tập thể này in tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội bằng nguồn kinh phí của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội dành cho đề tài nghiệm thu xuất sắc với tên sách là Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật, Nxb KHXH, 2020 nhưng chỉ đề tên một mình chị là tác giả trên bìa sách. Chương 2 tôi viết trong đề tài chị đã tự ý đổi tên khác, đảo vị trí các đoạn văn và thêm thắt một vài chỗ mà không hề xin phép và gửi lại văn bản để tôi xem. Nội dung cơ bản vẫn là những phần tôi đã viết, trong đó có đoạn tôi đã công bố trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2015 và trong bài Trả lời phỏng vấn đăng trên trang Zingnew ngày 11/6/2018 nhưng cả cuốn sách Vũ Thị Trang không hề có một dòng chú thích về việc sử dụng phần viết của tôi trong đề tài cấp Bộ. Đây là hành động vi phạm bản quyền nghiêm trọng khiến tôi và các đồng nghiệp vô cùng bức xúc. Tôi đã có trao đổi qua điện thoại và gửi email để yêu cầu chị Trang gửi lời xin lỗi tới tôi và gửi đính chính tới các cơ quan có thẩm quyền về việc vi phạm quyền tác giả, nhưng chị Trang đã trả lời tôi với thái độ thiếu hợp tác.

Vì vậy, tôi viết đơn này, kính đề nghị lãnh đạo Học viện Khoa học xã hội xem xét vấn đề vi phạm bản quyền tác giả của Vũ Thị Trang để đảm bảo liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp của người làm nghiên cứu khoa học.

         

 

Bạn đang đọc bài viết "Nghi vấn “đạo văn” trong tác phẩm “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật”" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn