Người đàn bà không biết khóc (Phần cuối)

14/03/2022 07:49

Theo dõi trên

Mẹ có chồng và ba con bộ đội. Trước khi về Đại học Y Hà Nội, bố là quân y sĩ ở đại đoàn 308 Quân Tiên Phong, thời chín năm. Trước đó là Giải phóng quân, dự trận đánh đồn Tam Đảo, một đồn binh kiêm nơi quản tù, kể cả tù binh Pháp cao cấp của quân Nhật, vào tháng 7 năm 1945.

Cuộc tấn công đầu tiên và là duy nhất vào quân Nhật đồn trú, ngay trước cách mạng Tháng Tám. Tôi thì thương binh, dự chiến ở Quảng Trị hồi Mậu Thân 1968 và theo binh nghiệp trọn đời. Em thứ ba cũng thương binh, mấy lần. Thương binh nặng.

nguoi-dan-ba-khong-khoc-1647218884.jpg
Mẹ với bố và ba người con lớn hồi mới Hòa Bình

 

Em đã dọc ngang suốt chiến trường Tây Nguyên, và nhất là đi qua những trận chiến 81 ngày đêm cam go tại Thành Cổ, cũng trên đất Quảng Trị, suốt mùa hè rực lửa năm 1972. Đấy là trận đánh cuối cùng trước Hiệp định Paris 1973, tức là khi vẫn còn đó pháo hạm, máy bay, kể cả pháo đài bay B-52 và bom đạn thừa mứa của Mĩ, siêu cường mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ và ngay cả đến bây giờ. Đấy còn là nơi, tận lúc này khi theo đò ngược dòng đến người ta vẫn nhắc nhau, phải chèo cho thật nhẹ, vì, như nhà thơ chiến sĩ Lê Bá Dương (bạn chiến đấu của chú ba) viết, “Dưới sông còn đó bạn tôi nằm.”

Còn chú tư, từng trấn ải Chi Lăng, thời chống quân bành trướng, những năm 1980. Nó sinh ra vào năm có cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, kém thằng lớn xuýt xoát hai mươi tuổi. Chắc mẹ nghĩ, đến thằng này thì chiến trận nào còn. Chứ làm gì lại phải qua một thời lính chiến khốn khó. Lúc đó, Tàu đang đánh ta thì còn đâu quần áo Tô Châu của thời chống Mĩ. Quân ta toàn mặc thứ áo chít tay, xòe gấu, giặt một lần đã đổi màu vàng quạch, thớ vải to sều sều, như vải xi ta của bộ đội khu V thời chống Pháp, chỉ còn thấy trong bảo tàng. Lính gọi đó là áo rơm, và cũng tự gọi luôn mình là lính rơm. Em đã bị cuốn vào cuộc chiến kéo dài suốt mười năm, bằng một nửa cuộc chống Mĩ. Song đó là khi mẹ đã xa rồi. May, không ai mất gáo. Mẹ vẫn bảo, đấy là nhờ âm đức.

Trong ba đứa lớn, dường như chỉ có chú ba là người lúc bé được sướng nhất. Người ta nói, sướng từ trong trứng. Sinh ở Thủ Đô, khi mới hòa bình lập lại, và cao to, đẹp giai nhất nhà. Khi được sinh ra, mẹ đặt cho con cái tên Hòa Bình, mong con được mãi sống trong cuộc sống hòa bình. Đâu nghĩ, em lại là người trải chinh chiến nhiều nhất. Em cũng là người duy nhất trong nhà đã khiến mẹ nhỏ nước mắt. In hằn trong tôi, hình ảnh hai vệt nước thấp thoáng trên má người.

Không biết trên đất nước này, trước mẹ còn có bao nhiêu người đàn bà mà mẹ chỉ nằm trong một lớp người tiếp bước. Và đến những người đàn bà thuộc thế hệ chúng tôi, tức sau thế hệ của mẹ chẳng biết còn có bao nhiêu người. Riêng tôi, trong đời tôi ít nhất đã chứng kiến hai người như thế. Người đàn bà thứ hai không biết khóc có nhẽ là vợ tôi. Tận bây giờ, khi đã bẩy mươi xuân, mới chợt ngộ ra rằng, suốt từ khi gặp nhau đến nay tôi mới chỉ thấy nàng có mỗi một lần bật khóc. Đó là khi lần đầu tôi vụng về chạm môi lên cặp môi nàng.

26/07/2016 – 08/02/2022

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Người đàn bà không biết khóc (Phần cuối)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn