Nhớ mãi lần đầu ra trận

Thượng tá Phạm Xuân Trường, nguyên Cán bộ thông tin Trung đoàn 754, tỉnh đội Sơn La, Quân khu 2

04/04/2022 09:23

Theo dõi trên

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi được điều động về nhận nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Sơn La. Tháng 1/1985, được tin Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Quyết định điều động Trung đoàn bộ binh 754 của tỉnh đi chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (Nay là tỉnh Hà Giang).

Tôi lên gặp Đảng ủy, Chỉ huy Bộ CHQS tỉnh xin được đi chiến đấu, nghe tin tôi xin đi chiến đấu, nhiều anh em trong Bộ CHQS tỉnh, tìm gặp tôi hỏi tại sao xin đi chiến đấu: Tôi vô tư trả lời: “Là lính thì phải được chiến đấu, chết xanh cỏ, sống thì đỏ ngực, chứ đi lính mà chỉ đóng quân ở đây thôi thì chẳng gọi là lính”. 10 ngày sau, tôi nhận quyết định xuống Trung đoàn 754, với chức danh Trung đội trưởng thông tin thuộc Đại đội 18, Trung đoàn 754.

Khi xuống Trung đoàn nhận nhiệm vụ, được đồng chí Lê Duy Nghĩa, Chính ủy Trung đoàn và đồng chí Nguyễn Văn Bảo, Trưởng Tiểu ban cán bộ Trung đoàn giao nhiệm vụ, đồng thời “vỗ vai” (vì không có quyết định), giao cho tôi phụ trách đơn vị, lúc này đồng chí Đại đội trưởng và đồng chí Chính trị viên đều đi nghỉ phép. Tôi sợ và lo lắng, sợ không hoàn thành nhiệm vụ, vì vừa tốt nghiệp ra trường chưa có kinh nghiệm chỉ huy bộ đội, chưa qua chiến đấu...

lan-dau-ra-tran-1649038947.jpg
Ảnh minh hoạ sưu tầm và chân dung đồng chí Phạm Xuân Trường

 

Ngay sau khi xuống đến đơn vị, qua nắm tình hình đơn vị mới biết, đơn vị hiện tại chỉ có 2 cán bộ sỹ quan gồm Đại đội trưởng và Chính trị viên, chưa có Trung đội trưởng, quân số theo biên chế thì chưa đủ, cán bộ Tiểu đội trưởng phụ trách trung đội. Thế là một mình tôi vừa chỉ huy đơn vị, vừa đi tuyển chọn chiến sĩ, vừa tổ chức huấn luyện cho chiến sĩ mới, vừa làm công tác chuẩn bị đi chiến đấu. Chiến sĩ thì đủ các thành phần, học sinh THPT, THCS, cán bộ công chức, viên chức cơ quan vừa nhập ngũ tháng 7và tháng 11 năm 1984. Một số đã có vợ, con. 90% quân số là người dân tộc, biết bao khó khăn thử thách đối với tôi.

Ngày 03/02/1985, Bộ CHQS sự tỉnh chính thức nhận chỉ thị bằng điện của Tư lệnh Quân khu 2 về việc giao nhiệm vụ cho tỉnh Sơn La tổ chức Trung đoàn 754 (thiếu), tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc (Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên).

Chiều ngày 15/2/1985, đơn vị tôi được Trung đoàn giao cho 4 xe ô tô Zin 130, để ngày 16 tháng 2, đơn vị sắp xếp vũ khí, trang bị, máy móc thông tin, dụng cụ cấp dưỡng, lương thực, thực phẩm để hành quân. Một mình tôi vừa xây dựng kế hoạch hành quân, vừa xây dựng kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc trong hành quân.

Sáng ngày 17/02/1985, Trung đoàn phát lệnh hành quân, với hơn 100 xe, hành quân theo hướng Nam quốc lộ 6, quốc lộ 32, qua phà Bắc Yên, Âu Lâu, sang quốc lộ 2. Trong quá trình hành quân, đơn vị qua các huyện Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La); Đoan Hùng (phú Thọ); Yên Sơn, thị xã Tuyên Quang, Hàm Yên, Vĩnh Tuy, Bắc Quang, thị xã Hà Giang thuộc Tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang)

Đêm 17/02/1985, dừng chân tại Trường Hạ sỹ quan Quân khu 2 (Đoan Hùng) Phú Thọ.

15 giờ, ngày 18/02/1985, đơn vị tôi tập kết tại Sông Bạc xã Tân Trịnh, huyện Bắc Quang, Hà Tuyên (nay là Hà Giang). Tại đây đơn vị được ở danh trại tạm của một đơn vị vừa điều lên tuyến trên. Tôi cho anh em mang quân tư trang, vũ khí, trang bị vào vị trí đã phân công; số anh em Trung đội vận động cùng bộ phận phục vụ, sửa sang nhà bếp, làm công tác dân vận để có củi nấu ăn. Trung đội hữu tuyến triển khai mạng thông tin liên lạc từ Trung đoàn xuống các Tiểu đoàn, Đại đội trực thuộc, tổ đài 15W triển khai liên lạc với Quân khu, Bộ CHQS tỉnh Sơn La.

Ở Sông Bạc xã Tân trịnh được 5 ngày, ngày 23/02/1985, đơn vị được lệnh dâng đội hình lên xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang. Tại đây, ngoài việc triển khai hệ thống thông tin vô tuyến, hữu tuyến bảo đảm liên lạc với trên và các đơn vị trong Trung đoàn, đơn vị còn tổ chức huấn luyện bổ sung cho anh em, thời gian huấn luyện bổ sung hơn một tháng.

19 giờ, ngày 3/4/1985, đơn vị tôi nhận lệnh hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, 3 giờ sáng ngày 4/4/1985, chúng tôi vào đến Làng Pinh, trinh sát dẫn đường đưa đơn vị lên Nà Tong, trinh sát không đưa chúng tôi hành quân theo đường tăng (Đường làm cho xe tăng cơ động) mà đưa chúng tôi đi đường tắt, trời mưa đường mưa trơn, dốc cao, anh em chưa thuộc đường, cứ bám vào nhau mà đi, thỉnh thoảng lại có đồng chí trượt chân rơi cả người và vũ khí xuống hố. Ở bên kia biên giới, thỉnh thoảng địch lại bắn pháo sáng để theo dõi hoạt động của ta, anh em chúng tôi reo hò vì nhờ có pháo sáng mà nhìn được đường, địa hình.

Lên đến một yên ngựa (Sau này mới biết là cao điểm 812), trời vẫn còn tối khoảng hơn 5 giờ sáng, sương mù dày không nhìn thấy gì, tôi quyết định cho đơn vị nghỉ giải lao, một số anh em hút thuốc. Tôi đứng quan sát thấy rất nhiều ánh đèn như con đom đóm đều quay về hướng Nam, tôi và anh em tranh luận không biết là đèn gì? Đang nói chuyện rôm rả, thì địch lại bắn pháo sáng, nhờ có quả pháo sáng mà tôi quan sát được xung quanh mình toàn hố pháo, cây cối xung quanh mỏm đồi bị pháo địch bắn nát bét, cày xới hết cả lên, có cây thì bị cắt phẳng lỳ cao ngang thắt lưng và vẫn còn ngửi thấy mùi khét nẹt của thuốc pháo đạn.

Pháo sáng tắt, anh em lại chuyện trò rôm rả, đang mải nói chuyện thì thấy một tốp 7 đến 10 người từ đâu đi đến, một người trong đoàn to, béo, chống gậy và quát: “Đơn vị nào đây? Ai chỉ huy? Tắt hết thuốc đi! Không sợ bị địch phát hiện à?, Muốn chết hết hay sao? Đúng là điếc không sợ súng à? Được nghe phổ biến qui định hành quân chưa?”. Tôi vội đứng dậy và nhận là người chỉ huy đơn vị, thế là tôi được thủ trưởng cho một bài học và bắt đơn vị tiếp tục hành quân. Sau hơn 2 giờ hành quân, chúng tôi đến được Nà Toong vị trí tập kết của Đại đội. Chúng tôi ở cách sở chỉ huy Trung đoàn khoản 200m. Nghỉ ngơi chừng 30 phút, tôi phân công một bộ phận bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến, hữu tuyến từ Trung đoàn xuống các đơn vị, phân công vị trí hầm cho các Trung đội, cho anh em sửa lại hầm hào, công sự chiến đấu. Số còn lại tôi chỉ huy quay lại Làng Pinh mang nốt một số vất chất, trang bị lên, lúc quay trở lại Làng Pinh, theo đường đêm hôm qua hành quân lên mới thấy chi chít hố cối 120 ly, cối 100 ly, H12 của địch bắn, rừng vầu bị hỏa tiễn H12 bắn cắt ngang thắt lưng thẳng tắp trông mà phát sợ.

Trong suốt một đêm hành quân, đưa đơn vị vào vị trí chiến đấu an toàn. Song có lễ bài học đầu tiên của tôi, người chỉ huy đơn vị đó là “điếc không sợ súng”, địch mà phát hiện ra lúc cho đơn vị giải lao, hút thuốc, có khi tôi cũng không còn để ghi lại những kỷ niệm này. Đây cũng là bài học cho người chỉ huy mới tò te như tôi về đảm bảo công tác bí mật trong khi hành quân vào chiếm lĩnh trận địa chiến đấu./.

Trích (Dự thảo) Kỷ yếu Sư đoàn 314, Quân khu 2- Phần CCB viết về Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên, theo bài viết của đồng chí Thượng tá Phạm Xuân Trường, nguyên cán bộ Đại đội Thông tin 18, Trung đoàn 754, tỉnh đội Sơn La.

Kính mời các đồng chí CCB tham gia góp ý kiến và tiếp tục viết bài gửi về cho BBT để hoàn chỉnh Cuốn Kỷ yếu của Sư đoàn 314, Quân khu 2. Qua hộp thư haminhson35@gmail.com hoặc Zalo 0982311693 (Đề nghị gửi kèm ảnh chân dung cỡ 4x6).

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ mãi lần đầu ra trận" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn