Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 19)

PGS TS Cao Văn Liên

14/11/2023 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 19

Nhân dân Trung Quốc, Triều Tiên và Đông Nam Á tiến hành cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật Bản có tổ chức, có lãnh đạo của các Đảng cộng sản (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Campu chia), của các đảng tư sản dân tộc (Mi An Ma, Thái Lan, Xinh Ga Po, Malaixia, Inđônê xia, Brunây, Phi líppin, Đông Ti Mo), đã thành lập được mặt trận đoàn kết dân tộc, xây dựng được lực lượng vũ trang, xây dựng được những vùng giải phóng, chuẩn bị lực lượng khi thời cơ đến tiến lên giải phóng dân tộc.

Sau khi đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức kết liễu chiến tranh

ở Châu Âu tháng 5 năm 1945, Liên xô lập tức quay sang tuyên chiến với Nhật Bản. Nhân cơ hội đó, Mỹ và quân đồng minh Ô xtrâylia, Niuzilân đẩy mạnh đánh Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Ngày 6 tháng 8 năm 1945 Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hirôsima, ngày 9 tháng 8 Mỹ ném tiếp quả thứ hai xuống Nagazaki giết chết khoảng 40 vạn dân thường Nhật. Cùng ngày 9 tháng 8 năm 1945 Hồng quân Liên Xô tiến đánh đạo quân Quan Đông mạnh nhất của Nhật Bản gồm 1 triệu tên ở Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 15 tháng 8 đạo quân này bị tiêu diệt. Cùng ngày đó Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện.

           Kẻ thù hung bạo của Trung Quốc, Triều Tiên và của nhân dân Đông Nam Á đã gục ngã. Chớp thời cơ thuận lợi có một không hai trong lịch sử, sẵn có lực lượng trong tay nhân dân các nước này nổi dậy làm cách mạng lật đổ ách chiếm đóng của phát xít Nhật Bản, giành độc lập dân tộc, thành lập những nhà nước độc lập.

           Sau Đại chiến thế giới thứ hai, bất chấp các quốc gia đã giành được độc lập , Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan quay trở lại xâm lược thuộc địa cũ ở Đông Nam Á lần thứ hai. Nhân dân Đông Nam Á kiên quyết kháng chiến bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được từ tay phát xít Nhật Bản và đã đánh bại tất cả các cuộc xâm lược của các cường quốc Âu-Mỹ. Thất bại nặng nề nhất của chủ nghĩa đế quốc nói chung và của đế quốc Pháp nói riêng là ở trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ. Tại đây tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp được Pháp và Mỹ dầy công xây dựng đã bị quân đội nhân dân Việt Nam đập tan sau 55 ngày đêm quyết chiến. Với Điện Biên Phủ, cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương kết liễu bằng sự thảm bại của Pháp. Điện Biên Phủ là sự khởi đầu cho sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa kiểu cũ ở châu Á và châu Phi. Nhìn chung, vào những năm 40, 50 thế kỷ XX các cường quốc đế quốc bằng các hiệp định riêng rẽ, song phương hay đa phương mang tính chất quốc tế (như Hiệp nghị Giơ ne vơ về Đông Dương) đều phải thừa nhận độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia Đông Nam Á.

           Ở khu vực Ấn Độ, trước cao trào cách mạng lên cao thực dân Anh phải trao trả độc lập cho quốc gia này nhưng vẫn muốn duy trì ảnh hưởng ở đây bằng hình thức quốc gia này nằm trong Khối liên hiệp vương quốc Anh và các quốc gia độc lập. Anh chủ trương chia cắt quốc gia này để làm suy yếu quốc gia lớn thứ nhì châu Á. Năm 1947 được sự đồng ý của Đảng Quốc Đại, Liên minh Hồi giáo, Anh đã thực hiện kế hoạch Mao bớt tơn chia Ấn Độ thành hai nước: Ấn Độ của người Ấn Độ giáo, Paki stan của người theo Hồi giáo, không bao lâu miền Đông Pakistan lại tách ra thành lập quốc gia Băng La Đét. Tuy nhiên, Anh phải công nhận nền độc lập của tất cả các quốc gia Nam Á vào những năm 50 của thế kỷ XX.

           Ở Trung Quốc, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được thực hiện bằng cuộc nội chiến giữa một bên là quân đội của chính quyền Tưởng Giới Thạch khi đó đang nắm quyền thống trị toàn bộ Trung Hoa với lực lượng cách mạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Sau đại chiến thế giới thứ hai, Tưởng Giới Thạch dùng hàng triệu quân tấn công nhằm tiêu diệt các căn cứ cách mạng ở Thiểm Tây. Quân giải phóng đã phản công thắng lợi, ào ạt tiến xuống phía Nam, giải phóng Nam Kinh lật đổ chính quyền của địa chủ tư sản. Tưởng Giới Thạch đem tàn quân chạy ra Đài Loan. Cộng hòa nhân dân Trung hoa được thành lập, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Trung Quốc hoàn thành, Trung Quốc đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

           Sau đại chiến thế giới thứ hai, Triều Tiên được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật Bản. Miền Nam Triều Tiên từ vĩ tuyến 38 trở xuống do quân đội Mỹ chiếm đóng, thành lập Cộng hoà Triều tiên (Đại Hàn Dân Quốc) vào năm 1948. Miền Bắc Triều tiên từ vĩ tuyến 38 trở lên thành lập Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên do Đảng Lao động Triều Tiên lãnh đạo đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đất nước Triều Tiên tạm thời bị chia cắt.

           Ở khu vực Trung Đông, Anh thất bại trước cao trào giải phóng dân tộc, thừa nhận nền độc lập của các quốc gia nhưng ngay sau đó Mỹ đã bành trướng thế lực vào đây, nơi có nguồn dầu lửa lớn nhất thế giới, sử dụng nhà nước Do Thái Israen làm công cụ xâm lược, gây những cuộc chiến tranh Trung Đông, gây thảm hoạ cho người A’rập, đặc biệt cho dân tộc Paletstin. Đến nay vấn đề Paletstin – Israen vẫn là vấn đề nóng bỏng nhất của châu Á và của thế giới.

           Nhìn chung, sau đại chiến thế giới thứ hai, châu Á đã không tuân theo ý đồ sắp xếp của các cường quốc ở Hội nghị thượng đỉnh Ianta, tức là vẫn buộc họ nằm trong khuôn khổ thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc trước kia từng cai trị họ. Nhân dân châu Á không chấp nhận ý tưởng đó đã tiến hành kháng chiến đánh bại các cuộc xâm lược của Anh, Pháp , Mỹ, Hà Lan giành độc lập dân tộc. Ở châu Á cũng diễn ra cuộc đấu tranh lớn của thời đại: Đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc, của chủ nghĩa xã hội chống chủ nghĩa đế quốc. Do đó cuộc phản kích của chủ nghĩa đế quốc mang tính chất gay gắt và lâu dài. Từ sau những năm 50 của thế kỷ XX, khi các cường quốc châu Âu thất bại thì châu Á phải đương đầu với cuộc xâm lược bằng chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

           (Còn nữa)

            CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 19)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn