Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 41)

06/12/2023 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 41

Bungari: Trước những làn sóng bãi công biểu tình của nhân dân ở hầu hết các thành phố lớn, ngày 13-12-1989, Đảng Cộng sản Bungari chấp nhận đa đảng. Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 10 và 16-6-1990, Đảng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Bungari (Đảng Cộng sản vừa đổi tên tháng 4-1990) giành đa số và chiếm cả ghế Tổng thống và Thủ tướng. Nhưng các Đảng phái đối lập gây bạo loạn làm cho Đảng XHCN phải rời bỏ chính quyền. Ngày 6-7-1990, Tổng thống D. Mladenốp từ chức. Tháng 11. 1990 Thủ tướng A. Lukanốp và toàn bộ chính phủ từ chức nốt. Chính quyền lọt vào tay phái đối lập. Bungari từ bỏ con đường Chủ nghĩa Xã hội.

 Tiệp Khắc: Tháng 11-1989 sinh viên và nhân dân biểu tình và làn sóng biểu tình lan khắp nước. Trước sức ép, Đảng Cộng sản lùi bước, thừa nhận đa đảng, đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội dân chủ nhân đạo, thừa nhận kinh tế thị trường. Đảng phải nhường các chức vụ chủ tịch, thủ tướng và nhiều ghế bộ trưởng. Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 8 và 9 tháng 6-1990 với 13, 5% phiếu, Đảng Cộng sản chính thức mất quyền lãnh đạo, nhường chính quyền cho lực lượng đối lập “Diễn đàn công dân” với thủ lĩnh là Haven làm tổng thống.

Anbani: giữa năm 1990 số người chạy vào đại sứ quan phương Tây làm tình hình đột nhiên căng thẳng. Tháng 11-1990, Đảng lao động Anbani tuyên bố chế độ đa đảng, cải cách thể chế chính trị, thực hiện nhà nước pháp quyền. 20 đảng phái chính trị đối lập ra đời.

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 31 tháng 3 năm 1991, Đảng lao động Anbani đạt 67% số phiếu, lập chính phủ. Nhưng chính phủ của đảng bị tẩy chay, không hoạt động được.

  Tháng 6-1991, Đảng lao động Anbani đổi thành Đảng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Anbani

23-3-1992, Đảng bị đánh bại trong cuộc bầu cử lần hai. Đảng mất chính quyền.

Cộng hòa dân chủ Đức: Tháng 10-1989 tình hình chính trị, xã hội đột nhiên căng thẳng, hàng chục vạn người chạy sang Cộng hòa Liên bang Đức. Biểu tình, mít tinh đòi dân chủ, thay đổi lãnh đạo nổ ra ở Đông Beclin và nhiều nơi.

18-10-1989, Hô Nếch Cơ từ chức Tổng Bí thư. Tháng 12-1989 đổi tên Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (XHCNTN) Đức thành Đảng Chủ nghĩa xã hội dân chủ Đức (CNXH).

Cuộc bầu cử ngày 18-3-1990 Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) đã giành thắng lợi với  40,91% số phiếu, một chính phủ không Cộng sản được thành lập. Ngày 3-10-1990 Cộng hòa Dân chủ Đức sát nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức.

Rumani: Ngày 6-12-1989 Chính phủ đàn áp cuộc biểu tình ở Timisoara làm nhiều người chết. Bạo động lan rộng, quân đội đứng về phía những người biểu tình. 2-12-1989 một chính phủ lâm thời mang tên “Hội đồng mặt trận cứu nước” được thành lập do CManSescu đứng đầu.

Ngày 25-12-1989 vợ chồng Ceausescu bị bắt và bị hành quyết. Chế độ Ceausescu bị xóa bỏ. Mặt trận cứu nước lên cầm quyền, chủ tịch mặt trận Iliescu được bầu làm tổng thống.

Nam Tư: Hàng loạt cuộc đình công biểu tình đã nổ ra, trên 200 đảng phái và tổ chức chính trị đối lập xuất hiện, đòi chia quyền lãnh đạo, đòi các nước Cộng hòa tách khỏi Liên bang Nam Tư.

Tháng 1-1990, Liên đoàn những người Cộng sản Nam Tư tuyên bố chế độ đa Đảng, tự do bầu cử. Tháng 5-1990 Liên đoàn những người Cộng sản Nam Tư tách thành nhiều Đảng theo các nước Cộng hòa. Sự phân liệt của Đảng kéo theo sự tan rã của nhà nước Liên bang. Từ giữa năm 1991 các nước Cộng hòa bước vào cuộc xung đột dân tộc và tôn giáo đẫm máu cho đến năm 1991.

Như vậy, bắt đầu từ giữa năm 1989 ở các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu và Ban Căng diễn ra những biến động lớn lao chưa từng có trong lịch sử 40 năm. Nét chung nhất của các diễn biến này là làm thay đổi chế độ và tính chất xã hội của các quốc gia. Biểu hiện thứ nhất của sự thay đổi này là các Đảng Cộng sản mất địa vị cầm quyền, mất địa vị là hạt nhân lãnh đạo nhà nước chuyên chính vô sản, phải thay đổi tên đảng, thay đổi tính chất của Đảng, những nhà lãnh đạo của đảng và nhà nước hoặc bị hạ bệ, hoặc phải từ chức hoặc bị xử tử hình như vợ chồng Ceausescu. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được ghi trong Hiến pháp bị xóa bỏ. Đảng công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hunggari đổi thành Đảng Xã hội Chủ nghĩa Hunggari. Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan đổi thành Đảng Xã hội Dân chủ BaLan. Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức đổi thành Đảng Chủ nghĩa Xã hội dân chủ. Đảng Cộng sản Bungari đổi thành Đảng Xã hội Chủ nghĩa Bungari... Không chỉ đơn thuần đổi tên gọi mà đa số các Đảng Cộng sản đã biến chất thành Đảng Xã hội Dân chủ kiểu các đảng Tây Âu.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và nhà nước bị hạ bệ và bị truy bức, kết án. Ở Bungari hạ bệ Tôđogipcốp, ở Tiệp Khắc hạ bệ Vanốt Cađa, ở Đức hạ bệ Hônếchcơ và khai trừ họ ra khỏi đảng. Hầu hết các đảng phái chính trị đối lập đều lên nắm quyền bằng con đường bầu cử.

Sau các biến cố, các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu đổi quốc hiệu, bỏ chữ “Nhân dân”, “Xã hội Chủ nghĩa”. Điều đó đánh dấu sự thay đổi to lớn về thể chế nhà nước, không còn là chuyên chính vô sản hay xã hội Chủ nghĩa nữa, nó đã đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Như Cộng hòa nhân dân Hunggari đổi thành Cộng hòa Hunggari, xóa bỏ tất cả những ngôi sao năm cánh ở các công trình kiến trúc. Cộng hòa nhân dân Ba Lan đổi thành Cộng hòa Ba Lan, bỏ quốc huy có con chim ưng trắng trên nền cờ đỏ, khôi phục lại con chim ưng trắng đội vương miện trên nền đỏ. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Rumani đổi là Cộng hòa Rumani, ở quốc kỳ xóa bỏ quốc huy tượng trưng cho công nông...

 Thiết chế chính trị trong cấu trúc nhà nước cũng thay đổi, chủ yếu là từ thiết chế đại hội đại biểu nhân dân chuyển thành chế độ Tổng thống, từ chế độ một đảng cầm quyền nay thành chế độ đa đảng, có nghị viện (hai viện). Các nhà nước Đông Âu đang hoàn thiện chế độ tam quyền phân lập, mẫu hình của các nhà nước tư sản Tây Âu và Mỹ.

Sự chuyển biến của các nước Đông Âu còn là sự chuyển biến to lớn về quyền sở hữu tư liệu sản xuất, trong kinh tế, chủ thể của chế độ công hữu đang dần dần mất, chuyển theo hướng sở hữu tư hữu chuyển theo cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa, một nền kinh tế nhiều thành phần. Ngay sau biến động ở Ba Lan, người ta chủ trương tư hữu hóa 90% các xí nghiệp quốc doanh. Tựu trung lại là chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu đã bị xóa bỏ với tư cách là thiết chế chính trị và thiết chế kinh tế. Người ta đưa các quốc gia này đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 41)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn