Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 74)

PGS TS Cao Văn Liên

08/01/2024 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.     

Kỳ 74

Về phía giai cấp vô sản là một giai cấp đầy đủ sức mạnh do thời đại và do vị trí giai cấp quyết định, có đầy đủ khả năng chiến thắng giai cấp tư sản. Cách mạng tháng Mười năm 1917 ở Nga và cuộc nội chiến chống thù trong giặc ngoài 1918-1920 đã chứng minh điều đó. Việc Liên Xô đóng vai trò chủ yếu trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít quốc tế, bảo vệ được tổ quốc của mình, góp phần giải phóng các nước châu Âu, châu Á, cứu loài người khỏi thảm hoạ phát xít đã chứng minh sức mạnh vô địch của giai cấp vô sản. Việc một vài nước châu Á đã đánh bại chế độ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của vô sản đã chứng minh điều đó, việc chủ nghĩa xã hội vượt khỏi phạm vi một nước, trở thành hệ thống thế giới hùng mạnh đã chứng minh điều đó. Như vậy, việc giai cấp vô sản tất yếu chiến thắng giai cấp tư sản là khả năng, từ khả năng biến thành hiện thực còn phải có một bí quyết: Đó là sự đúng đắn của đường lối chính trị, của chiến lược và sách lược. Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ cận, hiện đại đầy rẫy các trang minh chứng về điều đó.

Qua thực tế lịch sử cho thấy rằng khi nói chủ nghĩa xã hội tất yếu thắng lợi, chủ nghĩa tư bản nhất định diệt vong là nói quy luật, trong đó đã tạo ra những tiền đề, khả năng cho chiều hướng phát triển; còn khả năng đó có thành hiện thực hay không, phải trải qua thời gian dài hay ngắn thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự nỗ lực của giai cấp vô sản, vào đường lối chính trị đúng đắn của các Đảng Cộng sản trong tiến trình đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo được sức mạnh toàn diện để chiến thắng chủ nghĩa tư bản. Ở những nước còn chủ nghĩa xã hội, nếu như chủ nghĩa xã hội đó là không đích thực, không nâng cao được đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân, nếu như Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa cứ tiếp tục sai lầm, với một cơ chế trì trệ, tham nhũng, làm cho nhân dân không tin tưởng nữa thì sẽ không còn sức mạnh và sẽ thất bại. Nếu như chủ nghĩa tư bản cứ tiếp tục điều chỉnh cho thích hợp với những điều kiện mới của thời đại và nhằm vào chỗ yếu, chỗ sai của chủ nghĩa xã hội mà phản kích thì chúng sẽ còn tồn tại, còn kéo dài ngày diệt vong của chúng không biết đến bao giờ.

Bài học của các nước Đông Âu và Liên Xô đã chỉ ra rằng: Muốn chiến thắng chủ nghĩa tư bản, muốn tồn tại thì không được sai lầm về đường lối chính trị đổi mới. Mô hình mới của chủ nghĩa xã hội còn có thể dò dẫm, song đường nét cơ bản và sức mạnh của mô hình đó là một mô hình xã hội chủ nghĩa vì nhân dân. Tất cả mọi cơ chế, chính sách phải phục vụ cho mục đích tối cao đó vô điều kiện. Đi sai mục đích đó, chủ nghĩa xã hội sẽ thất bại và nếu có còn thì cũng chỉ còn cái vỏ hình thức, cái tên gọi, còn bản chất thì đã theo con đường khác, là đã khuất phục chủ nghĩa tư bản.

Chủ nghĩa xã hội có tất yếu thắng lợi hay không? Câu trả lời này giành hoàn toàn cho các Đảng Cộng sản, đặc biệt là các Đảng Cộng sản ở những nước xã hội chủ nghĩa.

II. phong trào giải phóng dân tộc hiện đại

1. Các nước tư bản tiếp tục bóc lột các nước đang phát triển

Trong xu thế không thể ngăn chặn được của phong trào giải phóng dân tộc, không thể ngăn chặn được sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa và chủ nghĩa thực dân, ngoài những nước đã làm được cách mạng tự giải phóng, những nước thuộc địa và phụ thuộc còn lại, chủ nghĩa đế quốc vội vã trao trả độc lập cho họ, đưa giai cấp tư sản những nước đó lên cầm quyền để tránh rơi chính quyền vào tay vô sản. Đồng thời chủ nghĩa đế quốc thi hành chủ nghĩa thực dân kiểu mới để tiếp tục cướp bóc thuộc địa bằng biện pháp mới.

Sự giành được độc lập dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc là một đòn đánh mạnh vào hệ thống kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc sống của các dân tộc đang diễn ra quá trình biến đổi sâu sắc về kinh tế, xã hội, chính trị, dù ở mức độ và tốc độ khác nhau nhưng diễn ra không ngừng.

Trong thế giới hiện đại đã hình thành một loạt tổng thể các mâu thuẫn mới, đan xen với các mâu thuẫn vốn có từ trước của thời đại, trong đó có mâu thuẫn giữa các nước vừa mới giành độc lập với các nước đế quốc chủ nghĩa. Chủ nghĩa đế quốc bằng những mánh khóe chính trị, bằng áp lực quân sự và đặc biệt về kinh tế, chúng vẫn giữ được mối quan hệ kinh tế, sự bóc lột kinh tế, lao động đối với các nước đang phát triển. Trên cơ sở đó, chủ nghĩa tư bản đã xây dựng được một hệ thống bóc lột thực dân mới tinh vi, cột chặt được nhiều nước vào chúng. Hình thức bóc lột của các nước tư bản đối với các nước đang phát triển vẫn là đầu tư tư bản, cho vay. Hậu quả của các chính sách đó là ngày nay nợ của các nước đang phát triển với nước ngoài đã chiếm 1. 000 tỉ đô la (tính đến 1986), là nơi có hai tỉ dân trở thành khu vực nghèo nàn nhất thế giới. Vào những năm 80, thu nhập của các nước đang phát triển nói chung tính theo đầu người thấp hơn 11 lần so với các nước tư bản chủ nghĩa. Sự chênh lệch này suốt ba thập niên qua ngày càng tăng lên. Ở các nước này không chỉ là nạn nhân của sự bần cùng tương đối mà còn bị nạn mù chữ, nạn đói kinh niên. Tỉ lệ tử vong của trẻ em ở các nước này cao khủng khiếp, bệnh dịch hoành hành làm thương tổn hàng trăm triệu con người.

Xét trên quan điểm luật pháp, kẻ có tội là chủ nghĩa đế quốc thực dân. Đó là sự cướp bóc tàn bạo của chủ nghĩa tư bản hàng trăm năm trước và hiện nay trên một loạt các lục địa và để lại hậu quả như trên. Chỉ mấy thập niên gần đây lợi nhuận của các công ty Mỹ bòn rút từ các nước đang phát triển gấp 4 lần so với mức đầu tư của chúng. Ở các khu vực Mỹ La tinh và Caribi, lợi nhuận của các tổ chức lũng đoạn Mỹ cùng thời gian đó tăng 8 lần so với mức đầu tư. Hệ thống tư bản chủ nghĩa hiện đại sở dĩ còn tồn tại được, chưa bước vào sự “giãy chết” (từ của Lênin) một phần là nhờ sự bóc lột các nước đang phát triển. Hình thức và phương pháp bóc lột của chủ nghĩa tư bản đã thay đổi. Song, nội dung, mục đích vẫn nguyên như cũ. Ví dụ ở Mỹ, một phần lớn thu nhập quốc dân là nhờ ở nguồn bòn rút thuộc địa mới. Các nước đang phát triển bị tất cả các nước tư bản bóc lột, nhưng chủ nghĩa tư bản Mỹ là kẻ bóc lột trắng trợn nhất. Hoạt động của các công ty xuyên quốc gia của các nước tư bản đều hoạt động trên chiều hướng trao đổi không công bằng, buôn bán không bình đẳng, độc đoán về lãi suất. Điều này càng làm tăng cường sự phân cực trong thế giới tư bản chủ nghĩa và trên toàn thế giới ngày càng rõ rệt: sự bần cùng của bên này và sự giầu có của bên kia.

Tình trạng khổ cực của các nước đang phát triển là vấn đề lớn toàn cầu. Đây là nguyên nhân, là nguồn gốc chính đưa đến nhiều cuộc xung đột ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Đói nghèo, bệnh tật, mù chữ, đặc biệt là vấn đề nợ lớn của các nước đang phát triển làm cho thu hẹp sự phát triển mọi mặt, làm căng thẳng thêm các vấn đề kinh tế, xã hội vốn đã rất căng thẳng ở các nước này.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 74)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn