Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 77)

PGS TS Cao Văn Liên

12/01/2024 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.   

Kỳ 77.

CHƯƠNG V.  NHỮNG BÀI VIẾT VỀ LỊCH SỬ THẾ GIỚI

I. Đánh giá Stalin như thế nào trong tình hình mới              

Hiện nay, trong tình hình mới, một trong những vấn đề nổi cộm trong giảng dạy, nghiên cứu lịch sử thế giới hiện đại là đánh giá nhân vật Stalin. Không chỉ ở Liên Xô mà ở các nước khác như Việt Nam, người ta tranh luận nhiều về vấn đề này trong các cuộc hội thảo khoa học lịch sử.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, từ trước đến nay người ta đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để chống Stalin. Chống Stalin bao giờ cũng gắn liền với chính sách chống chủ nghĩa cộng sản của chủ nghĩa đế quốc. Nhằm mục đích đó, người ta đã vẽ lên một nhân vật Stalin độc tài, tàn sát, khủng bố và hiếu chiến.

Ngay ở Liên Xô, vấn đề cũng cực kỳ phức tạp. Tại Đại hội lần thứ XX, lần thứ XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô đã nghiêm khắc lên án tệ sùng bái Stalin và nhiều hậu quả của nó. Thời kỳ "nhiếp chính" của Khơrútsốp thi hài của ông bị đưa ra khỏi Hồng trường và một chiến dịch chống tệ sùng bái Stalin được tiến hành rầm rộ. Thời kỳ này cũng là thời kỳ bất đồng và chia rẽ lớn trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là giữa hai cường quốc xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc.

Thời kỳ cải tổ ở Liên Xô bắt đầu, được đánh dấu bằng hội nghị toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 4-1985 và Đại hội lần thứ XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô với việc Mi khai in Xec gây ê vích Goocbachốp trúng vào chức vụ Tổng Bí thư của Đảng. Trong bài diễn văn "Cách mạng Tháng mười và công cuộc cải tổ: Cuộc cách mạng đang tiếp tục... " đọc trong lễ kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Mười. Gooc Ba Chốp kịch liệt phê phán Stalin. Gooc Ba Chốp cho rằng Stalin là một con người cực kỳ mâu thuẫn. Phải đứng trên lập trường chân lý lịch sử, phải thấy cả cống hiến không thể chối cãi được của Stalin vào cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, vào việc bảo vệ những thành quả của CNXH, lẫn những sai lầm chính trị nghiêm trọng, sự chuyên quyền của Stalin và những người gần gũi Stalin, những điều mà nhân dân phải trả giá hết sức đắt, và chúng đã đem lại những hậu quả trầm trọng đối với đời sống xã hội Liên Xô, "lỗi lầm của Stalin và những người gần gũi Stalin đối với Đảng và nhân dân là rất lớn và không thể tha thứ được"[1].

Vẫn theo Gooc Ba Chốp thì Stalin trong thời kỳ cầm quyền đã buộc tội chính trị và trấn áp nhiều nhà hoạt động đảng và nhà nước, nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng, những cán bộ kinh tế và quân sự, những nhà hoạt động khoa học và hoạt động văn hóa.

Cũng bắt đầu công cuộc cải tổ từ 1986 đến nay, tiếp theo sự phê phán của Gooc Ba Chốp, nhiều báo chí và tạp chí Liên Xô đã đăng tải nhiều cái chết bi thảm của các nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị đều gắn liền trực tiếp hoặc gián tiếp trách nhiệm của Stalin. Cả cái chết của Mai-a-cốp-xki, cả vụ ám sát Tơrốtxki ở Mê-hi-cô v. v... và đến cả cái chết của con trai Stalin khi anh thành tù binh trong trại giam của phát xít Đức, Stalin cũng là thủ phạm và phải chịu trách nhiệm. Cả đến việc tìm thấy khu mộ tập thể của mấy nghìn sĩ quan Ba Lan ở biên giới Liên Xô - Ba Lan chết trong đại chiến thế giới thứ hai cũng là do bàn tay của Stalin. Cả đến việc Hồng quân Liên Xô trên đường truy kích phát xít Đức về phía Tây đã không đến cứu viện cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ba Lan ở Vác-xa-va do tư sản Ba Lan chống Đức và vì thế cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu, hàng vạn người bị giết. Stalin cũng phải chịu trách nhiệm.

Có thể nói trong các năm cải tổ ở Liên Xô người ta đã công bố số lượng lớn các vụ việc như vậy, nhiều hơn cả số lượng mà chủ nghĩa đế quốc đã công bố để chống Stalin. Các tài liệu đó đều trực tiếp, gián tiếp quy trách nhiệm cho Stalin, thật giả không thể nào xác định được. Theo Gooc Ba Chốp thì "tội lỗi của Stalin đối với Đảng và nhân dân là rất lớn và không thể tha thứ được"[2]. Sở dĩ đánh giá Stalin như vậy vì "Nhận thức một cách chân thật các thành tựu to lớn của chúng ta cũng như các tai họa trước đây, đánh giá đầy đủ và đúng đắn về chính trị các tai họa ấy, đó là sự định hướng thật sự về đạo đức cho tương lai"[3].

Như chúng ta đã biết khi bàn về mối quan hệ giữa cá nhân và quần chúng trong lịch sử, dưới ánh sáng của tư duy mới, chúng ta thấy không nên tuyệt đối hóa rằng đã là vĩ nhân thì không phạm sai lầm. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã nêu lên những tiêu chuẩn, những nguyên lý khoa học để xem xét, đánh giá cá nhân trong lịch sử. Đó là khi xem xét vai trò cá nhân, cần xem xét những nhiệm vụ lịch sử mà thời đại đặt ra là gì, và cá nhân đó trong khi lãnh đạo quần chúng để tiến hành giải quyết thì có hoàn thành việc giải quyết những nhiệm vụ đó hay không. Cá nhân đó hoạt động trong hoàn cảnh thời đại cụ thể như thế nào? Các cá tính cá nhân của nhân vật lịch sử được xem xét như là các yếu tố có ảnh hưởng như thế nào đối với sự thắng lợi hay thất bại của phong trào hay của một cuộc cách mạng.

CVL

(Còn nữa)

                   

 

[1] M. X Gooc Ba Chốp. Tháng mười và cải tổ: cuộc cách mạng đang tiếp tục. Nhà xuất bản, trang 37.

[2] Sách đã dẫn, trang 37

[3] Sách đã dẫn, trang 39.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 77)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn