Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 9)

PGS TS Cao Văn Liên

05/02/2024 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 9

 XIV.     AI CẬP - NHỮNG TRANG LỊCH SỬ HIỆN ĐẠI

Phong trào giải phóng dân tộc 1914-1945.          

Năm 1914 đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ do mâu thuẫn giữa các nước đế quốc Đức Áo-Hung với bên kia là Anh –Pháp- Nga và nhiều nước  khác trong việc tranh giành phân chia lại thuộc địa thị trường thế giới. Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) tham chiến bên phía Đức, chống lại các nước Anh, Pháp. Lấy cớ đó năm 1914 Anh tuyên bố Ai Cập tách khỏi đế quốc Ottoman và biến thành đất bảo hộ của Anh. Chính quyền Anh ra sức vơ vét, huy động nhân tài vật lực của Ai Cập ném vào cuộc chiến tranh chống Đức. Hơn 1 triệu người chủ yếu là thanh niên Ai Cập bị huy động vào các binh đoàn lao động, huy động số lượng khổng lồ thực phẩm, lương thực.[1] Gánh nặng chiến tranh dồn lên vai người dân Ai Cập, sưu thuế nặng nặng nề, lương thực thiếu thốn, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, nhất là nông dân và công nhân. Mâu thuẫn giữa Ai Cập và Anh vô cùng gay gắt. Nông dân còn bị cướp đoạt ruộng đất, phải vào lao động nặng nhọc trong các đồn điền của tư bản trong nước và xuất khẩu lao động bán sức lao động ở ngoài nước. Trong khi nông dân, công nhân bị bần cùng hoá thì một bộ phận tư sản, địa chủ giàu lên trong chiến tranh. Tất cả đã làm cho mâu thuẫn dân tộc gay gắt và tạo nên cao trào đấu tranh chống đế quốc Anh sâu rộng sau đại chiến thế giới thứ nhất.

Tháng 11-1919 đại chiến thế giới I kết thúc với sự thắng lợi của phe Anh, Pháp và các cường quốc khác như Mỹ, Ý, Nhật...27 nước chiến thắng do Mỹ, Pháp cầm đầu đã tiến hành họp Hội nghị ở Versailles để chia nhau thế giới, tạo nên một trật tự thế giới mới: Trật tự Versailles - Oasinton. Ngày 3-11-năm 1918 đoàn đại biểu giai cấp tư sản Ai Cập do Sad Zaghilui cầm đầu gặp Cao uỷ Anh đòi huỷ bỏ chế độ bảo hộ, đòi rút quân đội Anh khỏi Ai Cập. Chính phủ Anh đã bác bỏ yêu cầu của giai cấp tư sản Ai Cập. Các lực lượng yêu nước đã thành lập Đoàn đại biểu (Wafd) đòi đến dự Hội nghị Versailles và chuyển yêu sách đòi độc lập lên hội nghị.

Tháng 3 năm 1919 bãi công và biểu tình lan rộng khắp Ai Cập sau khi chính phủ Anh trục xuất phái đoàn Sad Zaghilui khỏi Luân Đôn, mở đầu cho cao trào đấu tranh đồi quyền tự quyết của Ai Cập trong thời kỳ hiện đại. Người Anh buộc phải nhân nhượng và phái đoàn Sad Zaghilui đến được Hội nghị Versailles. Tuy nhiên Hội nghị này vẫn quyết định Anh có quyền bảo hộ Ai Cập.

Đoàn đại biểu tư sản Ai Cập sau đó đã chuyển thành Đảng Wafd, chính đảng của giai cấp địa chủ tư sản Ai Cập, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc thời kỳ hiện đại. Đảng Wafd đã hướng phong trào đấu tranh mang tính chất hoà bình, không dùng bạo lực. Tuy vậy chính quyền Anh vẫn bắt giam Sad Zaghilui và nhiều người khác của đảng và đày họ ra đảo Manta. Hành động này của chính phủ Anh càng làm cuộc khủng hoảng chính trị thêm gay gắt. Tháng 3-1919 một cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ, tham gia gồm sinh viên, công nhân, viên chức, nông dân, tư sản, địa chủ tự do và tăng lữ. Khởi nghĩa đòi độc lập hoàn toàn cho Ai Cập, đòi thủ tiêu chế độ bảo hộ của Anh, rút quân đội Anh khỏi Ai Cập, trả tự do cho Sad Zaghilui và các đồng chí của ông. Nhiều nơi, quân khởi nghĩa đã thành lập chính phủ lâm thời. Tháng 4 năm 1919 khởi nghĩa thất bại do bị thực dân Anh đàn áp, do sự non yếu trong lãnh đạo của tư sản Ai Cập, không có tổ chức chặt chẽ, thiếu thống nhất. Trước mắt giai cấp tư sản Ai Cập là thực dân Anh, sau lưng là quần chúng lao động cách mạng, giai cấp tư sản Ai Cập đã tỏ ra dao động, sợ hãi phong trào cách mạng của nhân dân sẽ phát triển theo xu hướng cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giai cấp tư sản Anh hết sức lo lắng cho nền thống trị của chúng nên ra sức mua chuộc xoa dịu giai cấp tư sản, địa chủ. Anh phải trả tự do cho Sad Zaghilui.

Tháng 12-1919 phái đoàn của chính phủ Anh do Lord Milner cầm đầu sang Ai Cập để thanh tra khởi nghĩa tháng 3 năm 1919. Toàn thể nhân Ai Cập đã tẩy chay cuộc thanh tra. Milner không thể tiếp xúc được với bất cứ đoàn đại biểu nào của Ai Cập. Tháng 3 năm 1920 Uỷ ban thanh tra của Anh phải về nước mà không đạt được mục tiêu nào đáng kể. Tuy nhiên trong bản tường trình của Uỷ ban công bố ngày 9-12-1920 đã đề nghị Anh trao trả độc lập cho Ai Cập với điều kiện Ai Cập phải bảo đảm những quyền lợi của Anh. Từ năm 1920 đến 1922 phái đoàn của tư sản Ai Cập đó nhiều lần thương thuyết với Anh để giành độc lập nhưng đều thất bại.

(Còn nữa)

CVL

-----------------

[1] Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Văn Sơn. Lịch sử Trung Cận Đông. Nxb Giáo Dục. Hà Nội. 2004. Tr. 221-222.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 9)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn