Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 7)

PGS TS Cao Văn Liên

03/02/2024 06:10

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 7

Trong nông nghiệp năm 1820, Ai Cập phát hiện bông sợi dài có giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định là các trung tâm công nghiệp dệt ở châu Âu. Cho tới năm 1924, bông sợi dài đã chiếm 23% diện tích trồng trọt,  sản lượng nông nghiệp, chiếm 90% hàng xuất khẩu của Ai Cập. Tuy nhiên canh tác nhiều bông  làm cho nhân lực và đất đai trồng lương thực giảm sút, tạo áp lực không nhỏ nền kinh tế nông nghiệp Ai Cập.

Ai Cập là một trong những nước ở  châu Phi sử dụng máy hơi nước. Năm 1834 Công ti Đông Ấn Độ của Anh đã dùng tàu chạy bằng hơi nước đi từ Bom Bay (Ấn Độ) tới kênh Suez. Cuối những năm 30 của thế kỷ XIX, các tàu kéo chạy bằng hơi nước được sử dụng kéo xà lan trên sông Nile và kênh Mahmudiyya với cảng Alechxandria. Sau đó việc sử dụng tàu chạy hơi nước lan khắp Ai Cập.

Năm 1851 Ai Cập xây dựng tuyến đường sắt Alechxandria-Suez. Đến năm 1914 Ai Cập đã có khoảng 4.3000km đường sắt vận chuyển hết hàng hoá trong nước.

Để củng cố quốc phòng, năm 1820 nhà nước ban hành luật nghĩa vụ quân sự thay thế cho lính đánh thuê Mamluk. Binh lính trải qua sự rèn luyện khắc khổ. Từ đó Ali đã xây dựng được quân đội mạnh khoảng 10 vạn quân, là lực lượng quân sự mạnh nhất khu vực[1].

Công trình to lớn có ý nghĩa nhất của Ai cập trong thời kỳ này là ngày 17-11-1869 khánh thành kênh đào Suez, được khởi công từ năm 1859 và sau 10 năm xây dựng. Kênh đào nối Địa Trung Hải với Hồng Hải, giải quyết lượng rất lớn vận tải đường thuỷ của thế giới. Vì có nhiều nước gúp cổ phần nên kênh đào mang qui chế trung lập quốc tế. Kênh đào Suez đã làm thay đổi vận mệnh chính trị của Ai Cập.

Ai Cập trong thời kỳ này cũng luôn điều chỉnh pháp chế cho phù hợp và phục vụ cho công cuộc cải cách đất nước. Năm 1855 chính phủ bãi bỏ thuế thân đối với người không theo Hồi giáo. Năm 1830 luật hình Ai Cập dựa trên luật cũ của Ai cập, năm 1855 dựa trên luật của Ottoman, năm 1883 thay bằng luật hình của Pháp. Năm 1858 Ai Cập ban hành luật đất đai cho phép người sử dụng công thổ được quyền sở hữu, bán hoặc thế chấp. Đây là bộ luật quan trọng thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển trong nông nghiệp.

Năm 1835 Ali cho thành lập trường ngôn ngữ. Đây là chương trình đào tạo biên dịch của nhà nước để biên dịch sách châu Âu sang tiếng Arập. Cùng năm đó sắc lệnh của nhà nước cho thay tiếng Ottoman bằng tiếng Ảrập. Tiếng Ảrập trở thành ngộn ngữ hành chính của nhà nước.

Về đối ngoại, chính quyền Ai Cập đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, khuếch trương địa vị ở Cận Đông và Bắc Phi. Năm 1820 Ali đã xâm lược Sudan, giành quyền kiểm soát thương mại ở quốc gia này. Năm 1823 thành lập thành phố Khartum và trở thành thủ phủ hành chính của Ai Cập. Cũng năm 1823 Ai Cập tiến quân vào đàn áp cuộc khởi nghĩa của Greece (Hi Lạp)  theo yêu cầu của triều đình  Ottoman. Nhưng cuộc hành quân vào Nam Âu của Ai Cập thất bại. Hạm đội của Cairo bị liên quân châu Âu tiêu diệt ở  gần Navarino vào ngày 20-10-năm 1827. Năm 1831 Ai Cập xâm lược Syria, Palestine, Lebanon và bùng nổ cuộc xung đột Ai Cập với Ottoman. Cuối cùng, tháng 5 năm 1833 Ai Cập và Ottoman ký hiệp định đình chiến. Theo đó Ai Cập được quyền kiểm soát Syria và nhiều vùng đất khác. Bù lại Ai Cập phải cống nạp hàng năm cho triều đình Ottoman.

Trong thời gian này, Ai Cập đã là một đế chế lãnh thổ trải dài từ Sudan, Hijaz đến Anatoli. Nhưng sự phát triển của Ai Cập vấp phải sự  ngăn trở không chỉ của Ottoman mà còn có sự chống đối quyết liệt từ các nước châu Âu Anh, Pháp. Năm 1840 Liên minh châu Âu buộc Ali phải rút khỏi Syria, từ bỏ Sudan.

4. Ai cập thời kỳ cận đại

Thời kỳ cận đại của các quốc gia Âu-Mỹ bắt đầu từ khi giai cấp tư sản lớn mạnh và vùng dậy làm cuộc cách mạng tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, xây dựng nhà nước tư sản làm công cụ phát triển chủ nghĩa tư bản và sau đó đi xâm lược các nước Á-Phi còn trong tình trạng phong kiến lạc hậu. Vì thế, lịch sử cận đại các nước châu Á, châu Phi bắt đầu từ khi các nước Âu- Mỹ đẩy mạnh xâm lược và biến các nước này thuộc địa và nửa thuộc địa. Bên cạnh yếu tố phong kiến, các nước châu Á, châu Phi bắt đầu xuất hiện pha trộn những nhân tố tư bản chủ nghĩa.

Đầu tiên là Pháp xâm lược Trung Đông mà Ai Cập là tầm ngắm của Pháp trong cuộc chinh phục Bắc Phi. Tháng 7 năm 1798 Napoleon Bonapar được chính phủ Đốc chính Pháp cử sang Ai Cập với 350 tàu chiến và 3 vạn quân và trọng pháo[2]. Napoleon đã cùng binh sĩ Pháp dừng chân dưới Kim tự tháp và ông đã kêu gọi động viên binh sĩ “Hỡi những chiến sĩ, từ 4.000 năm Kim tự tháp đang chiêm ngưỡng các người”. Nhưng sau khi Napoleon trở về Pháp làm cuộc  chính biến lật đổ chính phủ Đốc chính và trở thành hoàng đế Pháp năm 1804 thì ở Ai Cập cuộc kháng chiến chống thực dân của nhân dân lên cao. Năm 1801 quân Pháp ở Ai Cập đầu hàng. Quân Anh đổ bộ lên Ai Cập nhưng cũng phải rút lui.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] Bách khoa thư lịch sử thế giới.Nxb Văn Hóa Thông Tin. Hà Nội. 2004. Tr.843

[2] .A. ấ phi mốp. Lịch sử cận đại.tập 1.Nxb Sự thật. Hà Nội. 1959. Tr.165.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 7)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn