Ông ngoại

Phạm Thuý Hậu

04/05/2022 09:32

Theo dõi trên

Tôi vốn tinh nghịch nên hay xem xét mọi thứ ông ngoại cất trên xà nhà. Tôi không hề biết  ở trên đó có giấy khen được ông gói ghém cẩn thận bọc trong ni lon và để lên cao ( bố tôi cũng vậy, được khen thưởng gì là cất kĩ vào trong tủ).

Có một lần tôi tò mò hỏi:

- Ông cất thứ gì trên xà nhà kia ạ?

- Giấy tờ của ông và của bà.

Ông nói thế  làm tôi càng tò mò hơn. Định bụng hôm nào phải mở ra xem mới được.

ong-ngoai-1651631623.png
Ảnh sưu tầm và của tác giả

 

Nhà ông ngoại xây cấp IV bằng vôi và cát. Rất thấp. Mái lợp bằng giạ phơi khô, được chọn lựa cẩn thận. Đồ đạc không nhiều nhưng được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp,  Trên cao ông thờ ảnh Bác Hồ rất trang trọng. Còn một bàn thờ ở gian chính giưa ông thờ bà ngoại tôi. Bà mất khi còn rất trẻ. Nhìn ảnh cũng biết bà rất đẹp.

Một hôm, tôi rủ thằng Diện con nhà cậu Thoan khênh cái thang vào rồi hai chị em trèo lên lấy xuống. Hai đứa dỡ từng tập giấy tờ ra đọc. Toàn là giấy khen của ông từ thời kì chống Pháp và những năm ông làm việc ở HTX. Tuy nhiên, có một tờ giấy khai sinh của bà ngoại tôi và một tờ giấy nhỏ ông ghi ngày tháng năm bà mất. Có mấy từ ông ghi ở dưới: Tôi rất thương mình.

Tôi vội gấp lại không cho thằng Diện đọc. Tôi mới 7 tuổi, thằng Diện lên 8 nhưng to cao và học dốt nên đúp lại học cùng lớp với chị họ.

Những trò nghịch ngợm của tôi và thằng Diện rồi cũng đi vào quên lãng.

Có  một hôm, bố tôi nói đùa với mẹ:

- Em bảo các dì tìm vợ cho bố đi, ông còn trẻ kiếm người để bầu bạn. Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông.

- Anh hỏi xem bố có đồng ý không hay lại bị mắng cho như cậu Thoan.

- Để anh nói chuyện với bố, mấy lần anh thấy có bà hàng xóm sang chơi. Có vẻ thân nhau.

- Anh chỉ nói đùa, bố chỉ nói chuyện thôi. Không có chuyện gì.

Mẹ sợ bố hỏi ông thật nên kể cho cả nhà nghe chuyện về  bà ngoại của tôi. Bà ngoại là chị cả trong gia đình , nhà ở ngoài xóm bãi ven sông. Khi còn trẻ bà đã nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng. Nhưng không hiểu vì sao mà ông cưới được bà về làm vợ… Ông là người tâm lí  nên bà và các con rất kính nể.

Thế rồi , năm cậu Thoan đi B, ông bà làm cho cậu mợ ngôi nhà ở đầu xóm. Ngôi nhà mới hoàn thành thì đúng đêm hôm đó bà ngoại tôi mất. Tối hôm đó, khi bà dọn dẹp xong xuôi rồi đi ngủ. Nửa đêm nghe tiếng con mèo cậy thức ăn trong củng ( củng là ngăn dưới của bàn thờ). Bà choàng dậy  đi xuống đất và từ từ ngã xuống. Các dì và ông vội vàng đỡ bà nằm lên giường. Chỉ được một lúc thì bà tắt thở. Ông em trai của bà là thầy thuốc khi vào đến nơi lắc đầu rồi khóc nức nở.  Ông hận người anh rể để chị gái của mình vất vả mà chết.

Sự thật không phải như thế.  Ngoài công tác xã hội, ông giúp vợ con các công việc đồng áng đến gia đình.   Bà tôi thỉnh thoảng đi chợ. Còn cơm nước thì dì Xưa  và dì Ngọt làm hết. Có lẽ do bà sinh nở quá nhiều mà sức khoẻ giảm sút. Đêm đó, bà con ngồi dậy đột ngột, máu lên não không đều…

Từ đó, ông ít nói, sống hướng nội nhiều hơn. Ông vẫn làm chủ nhiệm HTX. Có lẽ ông lao vào công việc để quên nỗi nhớ bà (Khi bà ngoại tôi mất ông mới 50 tuổi). Ông ở vậy nuôi các  con trưởng thành. Một nửa số con cái tham gia quân đội và thanh niên xung phong. Dì Bùi làm công tác Đoàn thanh niên ở xã, dì Ngọt làm ở xưởng dệt thảm. Cậu Trường và dì tròn ở nhà làm ruộng.

Ông cậu của tôi qua cơn nóng giận  đã cởi mở  với ông anh rể.  Thỉnh thoảng tới hỏi thăm. Tuy nhiên, cả gia tộc họ Nguyễn không ai nhắc đến việc ông đi bước nữa.

Tôi ở bên ngoại từ bé, hiểu tình cảm của ông dành cho các con, các cháu.

Nét chữ đầu tiên tôi viết trên bảng không phải là mẹ dạy mà chính là ông ngoại. Từ viên phấn, cái bảng, quyển vở dì Xưa đội thóc đem đi bán để mua cho cháu. Năm sau, bố đi công tác đón tôi về nhà để vào lớp 1. Nhưng chưa học được bao lâu, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Chị em phải sơ tán về quê ( Ông gọi cậu Thoan và dì Tròn lên đón các cháu để bố mẹ ở lại công tác).

Ông ngoại có trí nhớ rất tốt. Truyện Kiều, ông thuộc làu làu, giải thích cho tôi những điển cố mà tôi không biết. Ông thuộc cả Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, chèo Quan âm Thị Kính. ..

Đúng vào  năm đó, cơn bão bất ngờ ập đến, ông bị bức tường bên ngoại nhà kho HTX đổ xuống đè vào chân.

Có người hớt hải chạy về báo tin. Họ đã đưa ông ra trạm xá của xã. Khi ra đến nơi, tôi thấy ông cậu đang băng bó cho ông ngoại. Hai người nói chuyên có vẻ thân mật hơn. Dì Tròn khóc nức nở, làm tôi cũng khóc theo.

Ông nằm ở trên giường không đi lại được. Các dì, các cậu thay nhau chăm ông. Còn tôi, chỉ lăng xăng lấy được cốc nước, thỉnh thoảng quạt mát cho ông.

Một thời gian sau, cái chân của  ông cũng khỏi nhưng  đi tập tễnh.

Nhưng ông lại tất bật công việc của HTX, chăm lo cho gia đình. Sống trọn đời với niềm vui lao động với con cháu.

Vào cuối xuân năm 1996, ông  đã ra đi rất nhẹ nhàng như  đến với một giấc ngủ dài.  Ông tôi đã trở về thế giới bên kia cùng với bà,- người vợ mà ông trọn đời chung thuỷ.

Chuyện làng quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Ông ngoại" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn