Qua Phượng Trì, nhớ Quang Dũng, đọc thơ “Tây Tiến”

Giang Hiền Sơn - Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, TP Hà Nội)

27/10/2023 10:02

Theo dõi trên

 Quang Dũng (1921 - 1988) quê ở Phùng (làng Phượng Trì, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng; xưa thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, xứ Đoài) nhưng sinh thời ông ở quê thời gian rất ngắn, thời học trường làng lúc còn nhỏ. 

phuong-tri-1698375612.JPG

Làng Phượng Trì, quê hương của nhà thơ Quang Dũng

 

Quang Dũng học tập, làm việc chủ yếu ở Hà Nội bởi thế căn nhà nhỏ ở làng Phượng Trì là nơi lưu giữ những kỷ niệm đầu đời, khó quên trong ký ức của nhà thơ và đã trở thành một đề tài trong các sáng tác của ông. Khi còn sống Quang Dũng là một người đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, hát hay… Quang Dũng thường hay vẽ tranh về góc nhà xưa cũ của mình để treo và tặng các bạn. Và lẽ dĩ nhiên, trong thơ, cùng với xứ Đoài mây trắng … cái góc nhà và bờ bãi sông Đáy ở làng Phượng Trì ấy lúc nào cũng thường trực trong nỗi nhớ da diết của ông: “Ôi ta nhớ một quê nhà/ Những tàu cau đượm làm chi ánh nắng?/ Chum nước gáo dừa nhà xoan gốc mít/ Đỏ, nâu mít chín trĩu cành/ Thưa thoáng trời xưa êm ả/ Hơi thu … Nhớ sao những tháng ngày xanh/ Rất xanh/ Chiều mát. Đê dài. Cỏ may ta nhặt … ” (Thu quê ai); “Rặng vải ven sông Đáy/ Um tùm bóng cuối xuân/ Sông cạn phơi lòng cát trắng/ Người qua nâng váy ôm quần”, “Sông Đáy xuôi dài cồn cát mênh mông/ Làng bên bờ xanh mía/ Thoảng mùi hoa lan hoa nhài nhè nhẹ/ Tiếng nói xa dần/ Chiều tím cuối mùa xuân/ Sông nước trong xanh/ Những bước chân tròn cát mịn” (Những cô hàng xén). Bởi thế mỗi lần đi qua đất Phùng ta không khỏi nhớ đến con người thơ ấy. Và như một điều tất yếu, nhớ về Quang Dũng là ta lại nhớ ngay đến bài thơ gắn liền với tên tuổi của ông: “Tây Tiến” và ngược lại.

Bài thơ có hai mạch cảm xúc: thiên nhiên và con người. Ở mạch cảm xúc thứ nhất, về thiên nhiên, đó là không gian của vùng rừng núi Tây Bắc với thiên nhiên vừa hùng vĩ, thơ mộng vừa dữ dội, hoang sơ. Ở mạch cảm xúc thứ hai, về con người, chủ yếu là những thanh niên Hà Nội vừa lãng mạn vừa hào hoa (phần lớn là những học sinh, sinh viên tạm gác bút nghiên để lên đường cứu nước) cùng với các cô gái miền Tây Bắc vừa duyên dáng vừa ấm áp tính người. Và hai nội dung này được Quang Dũng vẽ lên bằng một bút pháp lãng mạn kết hợp với một tinh thần bi tráng. Bút pháp lãng mạn trong bài thơ được thể hiện ở cái tôi của thi nhân đầy cảm xúc kết hợp với trí tưởng tượng phong phú để tạo lên những hình ảnh phi thường, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc về sự hùng vĩ, cái cao cả, vẻ tuyệt mỹ. Còn tinh thần bi tráng được thể hiện ở nỗi buồn đau trước những hy sinh, mất mát. Nhưng, đó là những nỗi đau buồn mà không bi lụy, vẫn hùng tráng và truyền cảm hứng lý tưởng cho mọi người.

Mở đầu mạch cảm xúc thứ nhất là một nỗi nhớ da diết của người thơ Tây Tiến về một thời kỳ hoạt động của mình cùng đồng đội ở miền Tây Bắc: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. Nhớ lại, khi lần đầu tiên được in trên Tạp chí Văn nghệ Việt Nam (số 11 năm 1949), tập “Thơ” (NXB Vệ Quốc, quân khu III, năm 1949) bài thơ có nhan đề là “Nhớ Tây Tiến”. Sau này khi in lại trong các tuyển tập, nhất là tập thơ “Rừng biển quê hương” (In chung với Trần Lê Văn, NXB Hội Nhà Văn, 1957), “Mây đầu ô” (NXB Tác phẩm mới, 1986) ta thấy tác giả bỏ chữ “nhớ”. Và tên bài thơ chỉ còn hai chữ “Tây Tiến” – tên gọi của một trung đoàn 52, được thành lập đầu năm 1947, hoạt động trên địa bàn Tây Bắc, phía Tây tỉnh Thanh Hóa và Thượng Lào, có nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt – Lào, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Tây Bắc và Thượng Lào. Như vậy nhan đề của bài thơ và nội dung, đặc biệt hai câu thơ mở đầu này đã thể hiện cho người đọc thấy được toàn bộ cảm xúc sáng tác của nhà thơ. Đó là nỗi nhớ về đơn vị cũ. Như đã biết, cuối năm 1948 Quang Dũng được chuyển sang đơn vị khác, rời xa đơn vị chưa được bao lâu thì Quang Dũng được cử về dự hội nghị ở làng Phù Lưu Chanh (Hà Nam), tại đây ông đã nhớ da diết về đơn vị cũ và bài thơ này được ra đời trong nỗi nhớ ấy. Đặt trong hoàn cảnh đó ta sẽ hiểu hai câu thơ tựa như một lời thông báo, tiếng lòng của thi nhân được cất lên thành lời một cách rất tự nhiên. Đúng là xa sông Mã thật rồi. Một hình ảnh vừa cụ thể mà cũng vừa tượng trưng. Sông Mã là con sông chảy trên địa bàn phía Tây tỉnh Thanh Hóa và miền Tây Bắc của Bắc Bộ bởi thế nhắc đến con sông là gợi nhớ đến cả không gian của miền Tây Bắc, không gian hoạt động của trung đoàn Tây Tiến. Thế đấy, nỗi nhớ về đơn vị cũ dâng trào ngay từ câu thơ mở đầu. Như thể Quang Dũng đang gọi tên đơn vị và điểm danh các địa điểm mà đơn vị đóng quân, hoạt động để cho lòng mình vơi đi nỗi nhớ về những kỷ niệm gắn bó, sống chết của một thời đã qua. Có lẽ nỗi nhớ trong Quang Dũng khi đó được bùng lên cháy bỏng. 

quang-dung-1698375612.JPG
Tượng bán thân nhà thơ Quang Dũng trong sân trường tiểu học thị trấn Phùng

Không cần phải nói rõ ràng là “nhớ” để định hướng người đọc mà ta vẫn thấy nỗi nhớ hiện rõ mồn một, một nỗi nhớ da diết, quay quắt đến day dứt khôn nguôi. Có lẽ vì thế mà thi nhân thấy không cần thiết và đã bỏ đi chữ “Nhớ” ở nhan đề bài thơ chăng? Quang Dũng nhớ về Tây Bắc với những núi rừng và đồng đội thân yêu. Đó là nỗi nhớ không thể định lượng và cũng không thể định hình nhưng rất độc đáo: “chơi vơi”. Tâm trạng ấy tưởng chừng nhẹ như bấc nhưng thực ra nặng hơn chì. “Chơi vơi” là một từ láy tưởng như gợi hình nhưng không chỉ gợi cảm. Nó gợi cho ta thấy được tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đó là một trạng thái tâm lý có gì như bâng khuâng, lâng lâng, bồng bềnh, lưu luyến khi hoài niệm, hồi tưởng về một kỷ niệm đã qua nào đó; như muốn đẩy tình cảm về một miền ký ức nào đó để bấu víu, nhớ thương. Ở đây không gì khác, sông Mã và Tây Tiến đã làm cho cõi lòng Quang Dũng chơi vơi, không thể yên định được, nỗi nhớ cứ thế mà da diết, ám ảnh, thương yêu đến đứng ngồi không yên. Nỗi nhớ ở đây được lặp lại hai lần và đi cùng với hình ảnh “rừng núi” đã thể hiện rất rõ tâm trạng của nhà thơ và gây ấn tượng cho người đọc. Nhớ “chơi vơi” có lẽ cũng là một sự tiếp nhận độc đáo của Quang Dũng trong ca dao: “Ra về nhớ bạn chơi vơi/ Nhớ chiếu bạn trải, nhớ nơi bạn nằm”. Một nỗi nhớ dường như không bị chi phối bởi lý trí mà dâng trào theo dòng cảm xúc, rất tự nhiên, không bị gò ép.

Bắt đầu từ đó, không gian Tây Tiến được mở ra theo dòng hoài niệm: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”; “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”; “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”; “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?”; “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Đó là những tên đất gắn liền với những đặc điểm của tự nhiên và cuộc sống sinh hoạt của con người. Những câu thơ hiện lên như những thước phim tư liệu trước mắt người đọc, rõ ràng đến từng chi tiết. Và qua những thước phim ấy ta nhận ra được một vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng rất dữ dằn của Tây Bắc.

Sài Khao là một trong mười sáu bản của xã Mường Lý (Thanh Hóa), cách trung tâm xã khoảng hơn hai chục cây số, nằm trên độ cao hơn một ngàn mét so với mực nước biển; đường lên Sài Khao hùng vĩ và tráng lệ. Nó là một “tuyệt phẩm” của kỳ công tạo hóa nhưng cũng đầy chông gai để thử thách lòng người: vào mùa hè ở mọi nơi nóng bức thì ở Sài Khao mát dịu và se lạnh, sương bảng lảng xen lẫn vào cỏ cây, những hôm trời nắng sương tan vào mây trắng, quấn quanh ngang núi, tràn trên những mái nhà thấp thoáng bên sườn non; vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, trời rét căm căm, đường đi trơn trượt, bùn lầy bởi mưa rừng không ngớt; sương dày đặc phủ kín cả những núi đá sừng sững, xám xịt. Thế đấy, câu thơ của Quang Dũng đã tái hiện phần nào cho ta thấy được màn sương khói hư ảo của đất trời Sài Khao. Nó không mong manh, đáng yêu như thể những giọt sương vương trên cành lá hay cánh hoa qua đêm mà ta vẫn thường gặp trong thi ca. Trái lại, sương ở Sài Khao nhiều và dữ dội. Nó dày đặc, mù mịt, che lấp cả đoàn quân. Sương ấy cuối năm hẳn sẽ là vô cùng khắc nghiệt với “đoàn quân mỏi”. Sau Sài Khao là Mường Lát, một địa danh giáp Lào. 
Nhớ về Mường Lát, thi nhân không thể nào quên hình ảnh “hoa về trong đêm hơi”. Tuy không nói đến sương nữa nhưng hình ảnh “đêm hơi” hẳn là cũng làm cho người đọc hình dung ra những màn khói sương mờ ảo mù mịt không kém gì ở Sài Khao. Điều đáng chú ý ở đây là hình ảnh “hoa về trong đêm hơi”. Hoa ở đây từng có ba cách hiểu: hoa là hương hoa của núi rừng theo về cùng đoàn quân Tây Tiến, hoa là hình ảnh ẩn dụ chỉ các chiến sĩ Tây Tiến, hoa là những ánh đuốc tỏa sáng bập bùng trong “đêm hơi” do đoàn quân Tây Tiến đốt để soi đường hành quân (“doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” - Quang Dũng; “Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay” - Tố Hữu). Có lẽ cách hiểu thứ ba là hợp lý. Trong đêm giá rét mù mịt hơi sương, đoàn quân Tây Tiến đốt đuốc soi đường hành quân, ánh đuốc lấp lánh trong đêm đen nhìn tựa những bông hoa rừng. Hiểu như vậy, câu thơ sẽ là một hình ảnh thơ lung linh, tuyệt đẹp. Nó làm cho đêm Tây Bắc hiện lên thật huyền ảo, thi vị tựa cõi mộng. Nó như xua đi bao nỗi mệt mỏi của đoàn quân. Nếu không phải hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, tài hoa, lãng mạn Quang Dũng hẳn sẽ không bao giờ có được liên tưởng thú vị như vây.
    
Tiếp tục cái cảm hứng lãng mạn ấy, trong nỗi nhớ không gì kìm nén được, những dốc đứng, núi cao, vực thẳm … của Tây Bắc lần lượt hiện lên dưới ngòi bút như thể nét cọ tài hoa của thi nhân. Đọc những câu thơ miêu tả con đường hành quân của đoàn binh Tây Tiến ta lại nhớ đến những câu thơ tả cảnh núi non hiểm trở trên con đường ra trận của người chinh phu: “Hình khe thế núi gần xa/ Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao” (Chinh phụ ngâm) hay sự nguy hiểm, khó khăn của con đường vào đất Thục của Lý Bạch: “Thục đạo chi nan/ Nam ư thướng thanh thiên” (Đường xứ Thục khó đi/ Khó hơn cả lên trời xanh). Người ta bảo “Tây Tiến” giầu chất tạo hình thì đây quả là câu thơ giàu chất tạo hình nhất. Đúng là “thi trung hữu họa”. Nét vẽ con đường của Quang Dũng rất chân thực mà sinh động vô cùng. Nhà thơ đã khéo léo sử dụng một loạt các tính từ là các từ láy có giá trị gợi hình cao như: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” kết hợp với điệp từ “dốc”, nghệ thuật tương phản (đối lập) “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” để thể hiện chiều cao, độ sâu, sự gập ghềnh, lên dốc xuống đèo, trùng điệp, hiểm trở của con đường hành quân trên miền núi cao Tây Bắc mà đoàn quân Tây Tiến từng đi qua. Hình như bấy nhiêu thứ vẫn chưa đủ khắc họa cái độ cao của con đường trên núi nên nhà thơ còn dùng thêm nghệ thuật nhân hóa “súng ngửi trời” để tuyệt đối hóa cái độ cao của con đường băng rừng vượt núi. Những chiến sĩ trong đoàn binh Tây Tiến hành quân qua những ngọn núi chỉ có mây nổi như cồn với bốn bề bồng bềnh, quấn quyện vân xanh vân trắng. 

Đi trên cồn mây ấy mũi súng trên lưng người chiến sĩ như thể trạm tới đỉnh trời. Hình ảnh thơ như thế bảo sao không khỏe khoắn và tinh nghịch, tếu táo. Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng bao nhiêu thì cũng chẳng dấu được sự hoang sơ, vắng vẻ. Trên cái nền thiên nhiên ấy con người tưởng như sẽ bị bé nhỏ, rợn ngợp. Nhưng không, những chiến sĩ của đoàn quân Tây Tiến bất chấp mọi khó khăn để chinh phục được con đường, tiến lên phía trước; chẳng những thế họ còn nhận ra được những vẻ đẹp thơ mộng của cảnh sắc, đất trời Tây Bắc. Đúng là “Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Từ trên núi cao người lính đã nhìn thấy Pha Luông ở phía xa khơi trên những cồn mây với những mái nhà thấp thoáng, ẩn hiện trong sương rừng mưa núi. Hình ảnh thơ như thế bảo sao không thơ mộng. 

Câu thơ Quang Dũng ở đây không chỉ dừng lại tả cảnh như một bức tranh thông thường. Nó còn hay ở chỗ là qua bức tranh ta nhận ra con người với những hoạt động như vốn có. Đọc kỹ những câu thơ sử dụng nhiều thanh trắc: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” ta sẽ thấy âm điệu có vẻ nặng nhọc, trúc trắc khiến liên tưởng đến không chỉ hình ảnh của con đường gồ ghề, lên dốc, xuống đèo, bên núi cao, bên vực thẳm, đầy gian lao nguy hiểm cho người đi mà còn hình dung ra hơi thở gấp gáp, hổn hển, cùng sự mệt mỏi của người chiến binh đang nặng nề cất bước. Nhưng đến câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, toàn thanh bằng, lại gợi lên cho ta cái cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Nếu như theo bước chân trên đường đi ánh mắt người lính hết nhìn lên đỉnh núi chót vót thì lại nhìn xuống chân đèo với vực sâu thăm thẳm bởi con đường trước mặt còn mênh mông, xa tít. Cũng theo đó câu thơ toàn thanh bằng sẽ cho ta thấy một cái nhìn ngang, đứng bên này nhìn sang bên kia, không phải ngước lên hay trông xuống. Những thanh bằng trong câu thơ làm cho ta không chỉ nghe thấy nhịp điệu êm ả, nhẹ nhàng mà còn như thể thấy được cả ánh mắt reo vui, thích thú của người làm chủ cuộc chơi. Hiểu như vậy ta sẽ thấy Tây Bắc dù có hiểm trở với những dữ dội, hoang vu thì bỗng chốc cũng trở thành một cái nền, một bệ đỡ để làm nổi bật những chàng lính đầy nghị lực, tếu táo của trung đoàn Tây Tiến. Hình ảnh của những con người luôn trong tư thế làm chủ tự nhiên, không hề bé nhỏ trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên, không chịu khuất phục thiên nhiên.
    
Bức tranh Tây Bắc như thế mới chỉ được mở ra theo chiều rộng của không gian. Bình thường thế cũng là đủ. Nhưng trong cái nhìn và cảm hứng lãng mạn của người thơ Quang Dũng thì thế vẫn chưa được trọn vẹn. Bởi vậy bức tranh Tây Bắc còn được cảm nhận cả theo cả trục thời gian. Ở bài thơ này, có lẽ nhà thơ đã lựa chọn được một thời điểm tối ưu nhất để khắc họa bức tranh Tây Bắc. Ai đã từng ở Tây Bắc nói riêng và miền núi nói chung hẳn là sẽ ấn tượng với thời điểm buổi chiều và ban đêm. Khi chiều buông, núi rừng hoang vu càng trở lên vắng vẻ, thiên nhiên như chìm dần vào trong sự yên tĩnh. Trong thế giới mênh mông đó dường như chỉ có tiếng động của thác reo, hổ gầm. 

Ở đây, ngoài biện pháp nhân hóa “thác gầm thét”, “cọp trêu người” nhà thơ còn sử dụng cả nghệ thuật lấy cái động để tả cái tĩnh. Những thủ pháp nghệ thuật này đã làm cho bức tranh Tây Bắc không chỉ là hoang sơ, vắng vẻ mà còn đầy bí hiểm. Cái vùng đất chỉ riêng sông Đà thôi đã có “trăm bảy mươi thác trăm ba mươi ghềnh” thì cả Tây Bắc có biết bao nhiêu thác. Chiều chiều ngồi nghe thác reo, người tha hương sao khỏi không vương vào nỗi buồn nhung nhớ. Và, tiếng cọp gầm trên đất Mường Hịch đâu chỉ là “trêu người”. Những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp là nơi các chúa tể của rừng xanh “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt/ Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật”. Người ta kể, đêm đêm cọp kéo nhau ra quấy nhiễu, Mường Hịch chỉ có vài chục nóc nhà, ai nấy làm nhà thật cao, quanh nhà cắm chông bốn phía để phòng bất trắc, ấy thế mà thỉnh thoảng vẫn có người bị cọp vồ ăn thịt. Tây Bắc như vậy đấy. Khi chiều buông, tối phủ những thanh âm của núi rừng như hổ gầm thác réo hiện lên như những chủ nhân đầy quyền uy. Chỉ hai câu thơ thôi Quang Dũng đã mang đến cho người đọc thấy được đầy đủ cái dữ dằn, bí hiểm đến vô cùng của núi ngàn Tây Bắc.
     
Đọc bài thơ Tây Tiến, bên cạnh một Tây Bắc rợn ngợp, hoang vắng, bí hiểm, người ta còn thấy một Tây Bắc rất thơ mộng vừa tươi vui vừa đượm buồn thi vị. Chính những nét thơ mộng ấy đã làm mê đắm những chàng trai, cô gái thủ đô của trung đoàn Tây Tiến. Đó là cuộc sống sinh hoạt ấm áp của những bản làng với “cơm lên khói”, “thơm nếp xôi”; những “hồn lau” điểm xuyết “nẻo bến bờ”; những “dáng người trên độc mộc, trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Hình như ở đây không phải là tả nữa, chỉ gợi thôi. Gợi nhưng điểm đúng huyệt. Ngòi bút “thi trung hữu họa” của Quang Dũng đã gọi được cái hồn của Tây Bắc. Dọc bên những bờ sông, bên những triền núi, Tây Bắc nơi đâu chẳng phất phơ bông lau. “Hồn lau” của Quang Dũng bỗng làm ta nhớ đến “ngàn lau” của Chế Lan Viên: “Ai đi biên giới cho lòng ta theo với/ Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình/ Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi/ Suốt một đời cùng với gió giao tranh”. Cái âm hưởng “hồn lau” của Quang Dung như thể phảng phất một nỗi buồn của Đường thi. Nhưng cái buồn đó chỉ thoảng qua. Tây Bắc còn hút hồn những chàng trai Tây Tiến bởi sự duyên dáng của những cô gái dân tộc đang nghiêng người chèo thuyền trên những độc mộc giữa dòng nước lũ cùng với những bông hoa rừng đang rất tình tứ (đong đưa) với dòng nước lũ. Những câu thơ của Quang Dung thật tài hoa. Nó tựa như những bức thủy mặc. Chỉ là chấm phá thôi nhưng Tây Bắc hiện lên duyên dáng và thơ mộng và huê tình đến vậy. Như thế bảo sao mà không làm mê đắm lòng người. Và đằng sau bức tranh ấy ta không khỏi yêu mến một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế đến vô cùng và cũng lãng mạng, hào hoa đến hết mực của thi sĩ xứ Đoài.   
     
Hình ảnh trung tâm trong mạch cảm xúc thứ hai chủ yếu là những chàng trai và cô gái Hà Nội, những chiến binh chủ lực của trung đoàn Tây Tiến. Phần nhiều trong đó là những thư sinh vừa rời ghế nhà trường. Họ nghe theo tiếng gọi của non sông mà lên đường ra trận. Họ ra trận và mang theo cái cốt cách hào hùng, phong lưu, lịch lãm của người kinh kỳ cùng với một tâm hồn rất mực lãng mạn, phong phú, tài hoa của tầng lớp tri thức trẻ. Hình ảnh của họ hiện lên trong bài thơ có vẻ như đối lập với sự hùng vĩ, bí hiểm, dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc. Thoạt nhìn, trên cái nền thiên nhiên với núi cao, dốc thẳm, sương dày, thác gầm, cọp dữ … thì những con người tiều tụy, yếu ớt của trung đoàn Tây Tiến có vẻ như bé nhỏ, dễ bị nuốt chửng. Nhưng không, chính trên cái nền dữ dằn của trời đất ấy con người Tây Tiến hiện lên thật mãnh liệt, hào hùng và rất hào hoa. Sự khắc nghiệt và dữ dằn của thiên nhiên chỉ là những thử thách chứ không thể làm chùn chân, nhụt chí của người chiến sĩ. Những thử thách ấy trong thực tế đã bào mòn biết bao sức lực, thậm chí còn đem đến cả những cái chết: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục trên súng mũ bỏ quên đời”, “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”, “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, “Áo bào thay chiếu, anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Những chi tiết thơ miêu tả vừa thực vừa cường điệu kết hợp với thủ pháp đối lập (giữa ngoại hình và nội tâm) nhà thơ đã cho ta thấy hình ảnh đẹp đẽ của những người chiến binh. Họ sẵn sàng, tự nguyện “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Trong chiến tranh, cái chết là điều khó tránh. Nhưng chết sao cho ra chết. Người chiến binh Tây Tiến mặc cho sự “dãi dầu” về thân xác bởi con đường “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “ngàn thước lên cao”, “ngàn thước xuống” đầy gian nan; bởi bệnh tật do nơi lam sơn chướng khí hành hạ đầy gian khổ. Quang Dũng không tả nhiều, chỉ cần hình ảnh “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá” thì người đọc cũng sẽ nhớ tới những hình ảnh anh chiến sĩ với những cơn “sốt run người vầng trán ướt mồ hôi” (Chính Hữu), “Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng vệ” … Người lính Tây Tiến cũng như thế. Họ có “ốm” nhưng không “yếu”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào bản lĩnh, trí tuệ của kẻ sĩ và phong thái lịch lãm của người kinh kỳ ở họ vẫn toát lên cái thần thái hào hùng và hào hoa. Cho nên dù có đầu trọc “không mọc tóc” xanh da “quân xanh màu lá” thì họ vẫn hiện lên một cách oai phong, lẫm liệt “dữ oai hùm” với một tâm hồn rất mơ mộng “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Bởi thế dù có gian khổ thế nào đi nữa thì những chiến binh Tây Tiến cũng không bao giờ lùi bước. Họ chỉ “không bước nữa” khi “gục trên súng mũ” và “bỏ quên đời” một cách nhẹ nhàng. Các chiến sĩ Tây Tiến giống hình ảnh người chinh phu, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng: “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao” (Chinh phụ ngâm). Chính vì vậy mà chất thơ của Quang Dũng có bi nhưng không hề lụy. Bi ấy là bi tráng, bi hùng. Trong cái nhìn đầy lãng mạn như thế cho nên hình ảnh về cái bi trong “Tây Tiến” cũng được nhà thơ vẽ lên trong cái nhìn rất hào hùng. Ta thấy Quang Dũng không hề né tránh khi nói về cái chết, thậm chí còn nói rất thực. Nói thực thì ta mới thấy không phải một người chết mà rất nhiều người chết (rải rác biên cương mồ viễn xứ). Cái này tưởng thảm nhưng cũng không thảm bởi ngay câu sau là một chí khí rất mạnh mẽ, kiên cường, đầy quyết tâm (chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh). Đọc câu thơ như thế, không ít người đọc thấy chiến binh Tây Tiến hiện lên giống như một Kinh Kha sang Tần: “Gió hiu hắt chừ, sông Dịch lạnh tê/ Tráng sĩ một đi chừ, chẳng trở về”. Cứ vậy, tiếp tục trong men say của cảm hứng lãng mạn ấy nhà thơ đã cường điệu hóa cái chết hay nói cách khác là bất tử hóa cái chết của những chiến binh Tây Tiến: “Áo bào thay chiếu, anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Thực tế, chiến trường khi đó manh chiếu bó người chết còn thiếu thì lấy đâu ra áo bào. Quang Dũng có kể lại: “Ngay cả khi nằm xuống, nhiều tử sĩ cũng không đủ manh chiếu liệm. Nói “áo bào thay chiếu” là cách nói của người lính chúng tôi, cách ước lệ của thơ trước đây để an ủi những đồng chí của mình đã ngã xuống giữa đường”. Người lính trở về với đất mẹ trong tiếng “gầm” của sông Mã chứ không phải là những tiếng khóc thương xót bình thường. Phải chăng tiếng gầm ấy là khúc độc hành tiễn đưa người lính trở về với đất mẹ vĩnh hằng. Quang Dung đã bất tử hóa cái chết bằng cách trang trọng hóa nó khiến cho cái chết từ bi thảm trở thành hào hùng, sang trọng; khiến vong linh người đã khuất cũng được “an ủi”. Thể xác và linh hồn của những chiến binh đã quyện cùng cỏ cây, sông núi và trở thành hồn thiêng của đất nước.
    
Nếu như đối diện với khó khăn của thiên nhiên và chiến trận, người lính Tây Tiến hiện lên cứng cỏi, mạnh mẽ với tinh thần “dù có gian nguy nhưng lòng không nề/ Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui” thì khi đối diện với cảnh “đẹp”, người “xinh” của xứ lạ phương xa những con người ấy tâm hồn cũng không khỏi xao xuyến, mộng mơ. Những chàng trai, cô gái của Hà Thành đâu chỉ có rung cảm với ba mươi sáu phố phường, với Hồ Gươm, Tháp Bút … Trái tim của họ rất nhạy cảm. Bởi thế một làn sương chiều mờ ảo, một cây lau núi phất phơ, một dáng người trên độc mộc, một bông hoa đong đưa theo dòng nước, họ cũng xao xuyến, mộng mơ. Những chiến binh Tây Tiến hiện lên trong bài thơ như thế đấy. Những chàng trai cô gái tuổi phơi phới đôi mươi của Hà Thành đâu chỉ có quả cảm mà còn rất đa tài, đa tình. Tâm hồn lãng mạn và tươi trẻ của họ có lẽ hiện lên đầy đủ nhất là trong đêm hội đuốc hoa và đôi mắt mộng mơ: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng em ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”; “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Những cảnh này trái ngược hẳn với thiên nhiên có phần dữ dằn của Tây Bắc. Không gian của Tây Bắc thâm u, hoang dã, khắc nghiệt bao nhiêu thì đêm hội ở Tây Bắc – Thượng Lào lại mỹ lệ, náo nhiệt, tươi mát bấy nhiêu. Cùng một địa bàn nhưng hai “không gian” khác hẳn nhau. Khác nhau không chỉ về chất liệu và cả cách thể hiện. Ở những câu thơ này ta thấy ngôn ngữ thơ không còn gân guốc, mạnh mẽ. Thay vào đó là những hình ảnh, từ ngữ rất tinh tế, mềm mại, thơ mộng. Đọc đoạn thơ miêu tả đêm hội (một nét sinh hoạt văn hóa thường thấy ở Tây Bắc, nhất là những buổi liên hoan văn nghệ của bộ đội với nhân dân Lào, Việt trên địa bàn Tây Tiến hoạt động) ta thấy những hình ảnh nhà thơ sử dụng rất thực nhưng cũng rất huyền ảo, thi vị: đuốc hoa, điệu múa, tiếng khèn. Chính cái thực và ảo như thế mà người đọc cứ ngỡ đây là đêm hội trong một truyện cổ tích nào đó. Đêm hội rực rỡ rắc màu, ngập tràn ánh sáng, náo nhiệt âm thanh như thế người ta thấy cái gì cũng rất mới lạ. Chính cái mới lạ ấy đã hấp dẫn vô cùng với những chàng trai, cô gái Tây Tiến. Bởi thế những chiến binh Tây Tiến không khỏi thích thú, ngạc nhiên, ngỡ ngàng, sung sướng để phải thốt lên “kìa em”, “tự bao giờ”. Trong cái men say đó dường như cái gì cũng rất nhẹ nhàng và tình tứ; đầy trân trọng, yêu thương, mê đắm: “kìa em”, “nàng e ấp”, “man điệu”. Quả đúng là một đêm hội tưng bừng, đầy nghĩa tình quân dân. Những trái tim Tây Tiến như thế thì bảo đừng sao được giấc mơ “dáng kiều thơm”. Ở đây có lẽ không chỉ có chất hào hoa mà còn có cả chất hào hùng. Người lính Tây Tiến đã vượt lên trên mọi nghịch cảnh để sống với đúng tâm hồn mình. Một tâm hồn tươi trẻ đầy hoài bão, mộng mơ; một tâm hồn luôn khát khao cái mới, si mê cái đẹp. 
    
Bài thơ Tây Tiến được khép lại bằng một khổ thơ tứ tuyệt: “Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” để khẳng định lại cái tinh thần sẵn sàng “một đi không trở lại” của những chiến sĩ Tây Tiến. Đây là tinh thần của Tây Tiến nhưng cũng là tinh thần của thời đại. Và đó cũng là vẻ đẹp hào hùng một thời của dân tộc ta. Thể hiện được tinh thần này bằng cách nói rất “chân thực” nhưng cũng “thơ mộng” là thành công của bài thơ, của Quang Dũng. Không chỉ vậy, với “Tây Tiến”, nhà thơ Quang Dũng còn thành công cả trong việc dựng lên một tượng đài bất tử bằng thơ để ghi công những chiến sĩ Tây Tiến đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. 

Nhớ lại năm Quang Dũng qua đời có rất nhiều văn thơ viếng thi nhân nhưng tôi ấn tượng với mấy câu thơ của Lê Đại Thanh (in trong “Tuyển tập Quang Dũng”): “Sông Mã gầm lên sông Mã ơi!/ Người yêu sông Mã đã qua đời/ Để đời nhớ mãi quân “Tây Tiến”/ Khúc độc hành ca của một thời”. Là thơ viếng nhưng cũng là một lời đánh giá ghi nhận đứa con tinh thần đặc biệt của người thơ Quang Dũng. Quả đúng thế, “Tây Tiến” một thời và mãi mãi. Nhắc đến sông Mã, nhắc đến Tây Bắc, nhắc đến thơ ca chống Pháp là nhắc đến Quang Dũng và bài thơ “Tây Tiến”. Và khi nhắc đến thơ Quang Dũng có lẽ bài thơ “Tây Tiến” cũng được mọi người kể đến đầu tiên và còn nhớ mãi. Chẳng thế người đời lại xếp ông và bài thơ vào nhóm hiện tượng thơ một bài và ông lại thuộc trường hợp điển hình nhất. Kể như thế thì cũng rất thú vị.
                                        Phượng Trì, ngày 22 tháng 10 năm 2023

Bạn đang đọc bài viết "Qua Phượng Trì, nhớ Quang Dũng, đọc thơ “Tây Tiến”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn