Tại sao Trần Nguyên Đán về hưu sớm ?

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

31/08/2021 17:03

Theo dõi trên

Trần Nguyên Đán là hậu duệ đời thứ 5 của Thái sư Trần Quang Khải. Nguyên Đán học vấn uyên thâm, nhưng bản lĩnh chính trị có phần mềm yếu.

 

bl1dc-1630378930.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

1

Thơ ca có thiên chức thật lớn lao, khó có bộ môn nghệ thuật nào sánh được. Một nhà thơ lừng danh của nước Pháp từng viết đại ý rằng:

Ai đưa các anh hùng lên đỉnh vinh quang?

Ai tụ tập thần linh trên Thượng giới?

Ai rải hoa trên đường đi cho thiếu nữ?

Đó chính là thiên chức của thi nhân…

Ở nước ta thời phong kiến, nhà bác học kiêm thi sĩ Lê Quý Đôn cũng đã từng nói đại ý rằng, thơ ca phản ánh lịch sử và phong hóa của xã hội đương thời, cho nên, trước hết nó phải chân thật. Thế nghĩa là, trong ba tiêu chí “Chân”, “Thiện”, “Mỹ”, thì tiêu chí “chân thật” phải được đặt lên hàng đầu…Đương nhiên, nếu có đủ cả ba tiêu chí, thì thơ ấy đã đạt tới đỉnh cao rồi…

Ở đây, tôi muốn kể đôi ba câu chuyện, để các bạn thấy thơ ca đã cho chúng ta thấy lịch sử, phong hóa xã hội đương thời nó hiện lên sinh động như thế nào. Và cũng chỉ tập trung vào nhân vật lịch sử TRẦN NGUYÊN ĐÁN (1325-1390), nhạc phụ Nguyễn Phi Khanh(1335-1428), ông ngoại Đại thi hào, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380=1442).

2

Trần Nguyên Đán là hậu duệ đời thứ 5 của Chiêu Minh Đại Vương, Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải (1241-1294). Trần Quang Khải là con thứ, dòng đích của vua Thái Tông Trần Cảnh (1218-1277). Trần Cảnh là em trai của Thái úy An Sinh Vương Trần Liễu (1211-1251). Vua Lý Huệ Tông (1194-1226) có hai cô con gái với Hoàng hậu Trần Thị Dung, được gả cho hai anh em Trần Liễu và Trần Cảnh, con cụ Trần Thừa, cháu nội cụ Trần Lý, chắt cụ Trần Hấp, vốn làm nghề đánh cá ở vùng Hải Ấp, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Họ Trần từ Đông Triều trôi dạt nay đây mai đó. Đến một điểm bên hữu ngạn sông Hồng lập làng chài Tức Mạc (Nam Định ngày nay), sau chuyển sang bên tả ngạn sông Hồng định cư, rồi phát tích, dựng nghiệp ở đây, kể từ đời cụ Trần Hấp.

Ông anh (Liễu) lấy cô chị Thuận Thiên công chúa, còn ông em (Cảnh) thì lấy cô em Chiêu Thánh, tức Lý Chiêu Hoàng, vua cuối cùng của triều Hậu Lý. Cuối cùng thì cô chị (Thuận Thiên công chúa) lại được chuyển về làm Hoàng hậu cho ông em, tức vua Thái Tông Trần Cảnh. Mâu thuẫn giữa dòng trưởng (Trần Liễu) với dòng thứ (Trần Cảnh) khởi điểm từ đây. Chính quyền Trung ương thuộc về dòng thứ. Còn tất cả các anh em chú bác, nếu đủ tiêu chuẩn, thì được phong tước Vương, tước Hầu, có thái ấp riêng, quân đội riêng, như một tiểu bang vậy. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1226-1300) là con thứ Trần Liễu, phủ đệ ở Vạn Kiếp (Hải Dương) có nhiều tướng giỏi, như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Chế Nghĩa…Môn khách trẻ tuổi tài hoa Trương Hán Siêu… Các con trai của Trần Quốc Tuấn đều là những tướng lĩnh tài ba, mỗi người được cho trấn thủ một vùng đất quan trọng nào đó. Khi có chiến tranh chống giặc ngoại xâm thì Tiết chế Hưng Đạo Vương điều động các con ông đem quân của mình về Vạn Kiếp hội quân, chờ lệnh của cha. Trần Quốc Tuấn viết HỊCH TƯỚNG SĨ bất hủ, trước hết là ông viết kêu gọi tướng sĩ của ông. Khi ông giữ chức Tiết chế (Tổng Tư lệnh), thì bài hịch ấy trở thành lời kêu gọi toàn quân, cả nước đánh giặc.

Về vị thế chính trị, Trần Quang Khải (1241-1294) cao hơn Trần Quốc Tuấn. Ông là quan Thái sư đầu triều. Về võ là Thượng tướng, hàm cao nhất ở thời đó, cao hơn cả đại tướng. Tài giỏi như Hưng Đạo Vương, khi mất mới được truy tặng là Thượng tướng. Nhưng khi có chiến tranh, Trần Quốc Tuấn được nhà vua phong chức Tiết chế (Tổng Tư lệnh). Do vậy, ông có quyền điều động, chỉ huy quân đội các Vương, Hầu cả nước. Khi ấy, Trần Quang Khải lại phải chịu sự chỉ huy, điều động của Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Tất nhiên, trước khi điều động người có chức vụ cao, Trần Quốc Tuấn cũng tham vấn nhà vua, cho phải Lễ.

Đại khái thế, để các bạn có thể hình dung ra đôi điều căn bản về xuất xứ và thể chế của triều đại nhà Trần.

3

Trở lại với nhân vật lịch sử Trần Nguyên Đán. Nguyên Đán là hậu duệ đời thứ 5 của Thái sư Trần Quang Khải. Nguyên Đán học vấn uyên thâm, nhưng bản lĩnh chính trị có phần mềm yếu. Ở thời kỳ Dương Nhật Lễ tiếm ngôi, Trần Phủ (Nghệ Tông sau này) làm Tể tướng, có con gái làm Hoàng hậu của Nhật Lễ. Nguyên Đán làm quan Ngự sử. Nhận thấy Nhật Lễ ngày càng lộ rõ bản chất nguy hiểm, Trần Phủ cùng em trai là Trần Kính (Vua Duệ Tông sau đó) và Trần Nguyên Đán hội quân ở Thanh Hóa, rồi tiến ra Thăng Long tiêu diệt Dương Nhật Lễ. Trần Phủ (1321-1394) lên làm vua, (miếu hiệu là Nghệ Tông). Nghệ Tông phong cho Trần Nguyên Đán chức Tư đồ Phụ chính (Tể tướng). Làm vua được 2 năm, Nghệ Tông tự nhận thấy mình không có tài, nên ông tự nguyện nhường ngôi cho em là Trần Kính (1337-1377), rồi ngồi lên ghế Thượng hoàng.

Duệ Tông (Trần Kính) là ông vua có chí khôi phục nhà Trần bấy lâu đã rệu rã. Ông hăng hái đổi mới đất nước về mọi mặt. Đại Việt đang trên đà hưng thịnh trở lại. Vua Duệ Tông cải cách thi cử, mở rộng cho tất cả các đối tượng được tham dự. Thế nên, khoa thi năm Long Khánh thứ 2 (1374), một số thí sinh thuộc tầng lớp bình dân mới có dịp thi thố tài năng, chiếm lĩnh đỉnh cao. Ví như Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, Trần Đình Thám đỗ Thám hoa. Thư sinh Nguyễn Ứng Long (sau đổi là Nguyễn Phi Khanh), con rể Trần Nguyên Đán có cơ hội ra thi và đỗ Tiến sĩ. Một chàng rể thứ hai của Trần Nguyên Đán là Nguyễn Hán Anh cũng đỗ Tiến sĩ khoa này.

Các tài liệu trước đây chép Nguyễn Phi Khanh đỗ Bảng nhãn là không đúng. Nguyễn Phi Khanh, trong một bài thơ của ông, cũng nói rằng ông là Tiến sĩ tân khoa năm Long Khánh thứ hai (1374)…

Do nóng vội, lại thêm bị kích động, vua Trần Duệ Tông tự làm tướng, đem 12 vạn quân tấn công Chiêm Thành, nhưng mắc mưu Chế Bồng Nga và hy sinh trước thành Đồ Bàn (1377). Đại Việt bắt đầu suy yếu từ đó. Gian thần Hồ Quý Ly dùng mọi thủ đoạn, dắt mũi Thượng hoàng Nghệ Tông, biến ông này thành thứ tượng đất. Triều Trần trên thực tế đã bị Hồ Quý Ly thao túng. Trần Ngyên Đán biết rõ điều đó, đã viết thư cho Nghệ Tông yêu cầu Nghệ Tông phải cảnh giác, ngăn chặn thủ đoạn của Hồ Quý Ly, nhưng Nghệ Tông không nghe. Điều này đã được sử sách chép khá kỹ. Đến thời Hậu Lê, ông Đặng Minh Khiêm viết một bài thơ vịnh Trần Nguyên Đán, tỏ ý chê bai. Thơ ấy như vầy:

“Tảo thướng Côn Sơn thối lão chương / Du du bất quản quốc hưng vong / Đương niên Mộng Dữ do vi thác / Hưu phú “cầm thi” phúng Nghệ Hoàng”.

Dịch nghĩa:

“Sớm dâng tờ sớ cáo lão, về nghỉ ở núi Côn Sơn / Thờ ơ chẳng nghĩ gì đến nước còn hay mất / Hồi ấy tự mình còn đem con là Mộng Dữ ký thác với Hồ Quý Ly / Thế thì trước kia làm “thơ chim” khuyên nhủ Nghệ Hoàng làm gì”?

Trần Nguyên Đán giữ chức Tư đồ Phụ chính, thấy Hồ Quý Ly lộng quyền, có ý cướp ngôi nhà Trần, ông hết sức can ngăn Nghệ Tông, nhưng Nghệ Tông không nghe. Nghệ Tông “chỉ đạo” cho con trai ông là vua Thuận Tông lấy con gái Quý Ly làm Hoàng hậu, có ý gửi gắm Vua Thuận Tông trẻ tuổi cho Quý Ly. Do vậy, Trần Nguyên Đán viết bài thơ THẬP CẦM (thơ chim), trong đó có câu: “Nhân ngôn ký tử dữ lão nha, bất thức lão nha liên di phần”, nghĩa là “Người ta bảo đem con đi gửi quạ già, không biết quạ già có thương không”? Nguyên Đán ngầm chê Nghệ Tông ký thác con mình là vua Thuận Tông cho Hồ Quý Ly, là một sai lầm đáng trách. Năm Xương Phù, Trần Nguyên Đán cáo quan về Côn Sơn nghỉ hưu, hưởng thú nhàn ở tuổi 60, nhưng trong lòng ông vẫn không bao giờ được bình an. Thơ ông thể hiện rất rõ tâm trạng ấy.

Trần Nguyên Đán biết thế nào Hồ Quý Ly cũng cướp ngôi nhà Trần và sẽ giết hại nhiều tôn thất nhà Trần, nên ông cũng đã tính toán cho sách lược mai sau. Ở đây, Đặng Minh Khiêm phê phán Trần Nguyên Đán, rằng ông cũng dẫm phải vết xe đổ của Nghệ Tông, đem con trai của ông là Mộng Dữ ký thác cho Hồ Quý Ly, nhằm tránh hậu họa. Quả nhiên, Hồ Quý Ly cướp được ngôi báu, giết hại rất nhiều quý tộc nhà Trần, trong đó có Trần Khát Chân, người đã chỉ huy đánh bại quân Chiêm, giết chết vua Chiêm là Chế Bồng Nga ở chiến trường ngã ba Hải Triều (sông Luộc). Nhiều quan chức và tướng lĩnh khác bất bình với Hồ Quý Ly, cũng bị giết hết. Riêng gia tộc Trần Nguyên Đán thì không việc gì…

Đặng Minh Khiêm, là chắt của Đặng Dung, quê làng Mạo Phố, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây. Họ Đặng vốn là một họ lớn, nhiều người đỗ đạt, làm quan to. Họ này gốc ở vùng quanh Thăng Long, sau có người làm quan vào trấn thủ Nghệ An, được mấy đời thì sinh ra ông Đặng Tất (cha Đặng Dung). Đặng Minh Khiêm là chắt của Đặng Dung, tác giả bài thơ Cảm Hoài nổi tiếng. Đặng Minh Khiêm đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 18, làm quan đến chức Thượng thư, kiêm Sử quán. Con cháu Đặng Dung về lại Sơn Tây, là về với quê gốc của họ Đặng đấy.

4

Thực ra, Trần Nguyên Đán sớm linh cảm thấy rằng Hồ Quý Ly nhất định sẽ cướp ngôi nhà Trần. Ông liền thay đổi sách lược, tự cứu lấy gia tộc nhỏ của mình. Ở thời kỳ ấy, nhiều quý tộc nhà Trần cũng biết rõ, nên họ ngầm tổ chức chống lại, nhưng cuối cùng đều thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là do Nghệ Tông ngu hèn. Hồ Quý Ly dã tâm mượn tay Nghệ Tông giết cả con trai, cháu chắt của Nghệ Tông, có cả con rể (Thuận Tông) và cháu ngoại 2 tuổi của ông ta là Thái tử Trần An vừa mới được ông ta “bế” lên ngôi vua. Con trai cả của Nghệ Tông là Trang Định Vương Thái úy Trần Ngạc tất nhiên biết rõ âm mưu cướp ngôi của Quý Ly. Ông làm thơ gửi Trần Nguyên Đán, chê trách Nguyên Đán chả làm được việc gì để cứu vãn tình thế. Thơ ấy có câu “Tôi nay vào hạng bỏ đi rồi / Còn ông cũng chẳng phải người tài của thiên hạ”... Trần Ngạc bỏ quan về quê, có ý lánh mặt Quý Ly. Quý Ly muốn giết Thái úy Trần Ngạc, liền vu cáo Trần Ngạc có ý làm phản. Nghệ Tông hồ đồ, nên cũng nghe theo, ra lệnh triệu Trần Ngạc về Thăng Long hỏi tội. Nhưng Quý Ly đã ngầm sai người giết chết Trần Ngạc ngay trên đường giải về kinh sư (1391). Sau, Nghệ Tông biết, mới truy cứu thì mọi sự đã rồi. Trần Ngạc chính là cha của Trùng Quang Đế (Quý Khoáng) thời Hậu Trần. Còn Trần Ngỗi (Giản Định Đế) là con của Thượng hoàng Nghệ Tông.

Ngay từ thời còn giữ chức Tư đồ Phụ chính, Trần Nguyên Đán đã có tính toán cho sự tồn vong của gia tộc. Ông chọn hai chàng thư sinh tuấn tú đang trọ học ở Thăng Long về làm gia sư dạy dỗ hai cô con gái khuê các xinh đẹp của ngài. Một người là Nguyễn Ứng Long (sau đổi là Nguyễn Phi Khanh), trực tiếp kèm cặp cô chị Trần Thị Thái. Một chàng là Nguyễn Hán Anh, kèm cặp cô em Trần Thị Thai. Ngài Tư Đồ khéo thế. Một thầy kèm hai trò, quá dễ. Nhưng đằng này ngài lại mời cả hai chàng thư sinh họ Nguyễn, mỗi thầy kèm một trò. Thơ Nguyễn Phi Khanh cho ta biết thông tin rằng họ đã có những cuộc chơi xuân trên sông Hồng. Có khi là cả 6 người. Nhưng có lúc chỉ 2 người một thuyền. Nghĩa là một thầy một trò được đi chơi riêng. Những cuộc chơi xuân kiểu Phạm Lãi-Tây Thi như vậy, tất sẽ vui vẻ như thế nào? Kết cục là cả hai cô học trò con gái cụ Tư đồ đều có bầu. Cả hai thầy đều sợ hãi bỏ trốn cả. Nhưng cụ Tư đồ cho người gọi về, khuyên nhủ, động viên hai chàng thư sinh, cứ yên tâm, cứ cố gắng học hành thi cử, không phải lo nghĩ gì cả. Nói thế để biết ngài Tư đồ đã có tính toán cả rồi, nên ngài đã ngầm tạo cơ hội cho bọn trẻ vượt quá giới hạn của lễ giáo phong kiến như vậy. Năm Long Khánh thứ 2 (1374) triều vua Trần Duệ Tông, cả Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh đều đỗ Tiến sĩ. Sự cố tày trời giữa thầy Nguyễn Ứng Long và cô trò Trần Thị Thái, hóa ra lại là một sự may mắn cho dân tộc Đại Việt. Thiên tài Nguyễn Trãi được sinh hạ từ cuộc tình vụng trộm đầy thơ mộng ấy…

Nếu bình thường thì cả hai vị tân khoa Tiến sĩ, con rể cụ Tư đồ đều phải được bổ nhiệm chức quan to ở triều đình hoặc ngoài trấn. Nhưng Thượng hoàng Nghệ Tông gàn dở, bảo là con thường dân mà dám chòi lên lấy con gái quý tộc là phạm Lễ, không cho làm quan. Cả hai chàng rể Tiến sĩ của quan Tư Đồ, đều phải ở nhờ nhạc phụ, chứ lấy gì nuôi vợ nuôi con? Điều này, thơ của Nguyễn Phi Khanh đã tự “khai ra” hết cả. Các tài liệu trước đây đều nói rằng Nguyễn Phi Khanh không được bổ chức quan ở đời Trần là không đúng. Và cũng không có mấy ai biết rằng cụ Tư đồ có 2 chàng rể. Nguyễn Phi Khanh lấy cô Trần Thị Thái, sinh ra Nguyễn Trãi, thì nhiều người biết. Nhưng Nguyễn Hán Anh thì hầu như không mấy ai nhắc đến. Cả hai chàng họ Nguyễn đều quê gốc Hải Dương. Và đều phải sống rất nghèo khổ. Nguyễn Hán Anh về sau biệt tăm biệt tích, chưa rõ vì sao. Nhưng chúng ta biết được người con rể thứ 2 của Trần Nguyên Đán, là do có thơ của Nguyễn Phi Khanh, người anh em đồng hao của Hán Anh “kể ra” khá tường tận...

Thực tế thì, Có lẽ cụ Tư đồ có ý kiến gì đó với ai đó, nên cả hai chàng rể của cụ Tư đồ đều được giữ chức quan nhỏ ở đời Trần, là chức quan KIỂM CHÍNH, thuộc ngành Tư pháp. Lương bổng quá bèo, không đủ ăn, nên cả hai chàng đều phải gửi vợ con nương nhờ nhạc phụ. Các tài liệu nói Nguyễn Phi Khanh không được làm quan ở cuối triều Trần là không chính xác. Lê Quý Đôn có chép về Nguyễn Hán Anh, rằng Hán Anh có làm việc ở Hàn lâm viện, với chức Hàn lâm học sĩ. Nhưng thơ của Nguyễn Phi Khanh thì “khai ra” rằng cả hai chàng đều chỉ làm chức quan nhỏ “Kiểm chính” mà thôi. Thơ Phi Khanh cho biết, có lần cả hai chàng đều được cử về thanh tra kỳ thi ở Thiên Trường. Thượng Hoàng Nghê Tông ở đó, nên triều đình tổ chức kỳ thi ở đó. Họ xướng họa với nhau rất nhiều. Thơ “xướng” của Nguyễn Hán Anh không hiểu vì sao đều thất lạc cả. Chỉ còn thơ “họa”, hoặc thơ “gửi quan Kiểm chính Nguyễn Hán Anh” của Phi Khanh mà thôi. Đó là một nghi vấn, một bí ẩn lịch sử, chưa thấy có ai giải mã được.

5

Lại nói về chuyện thơ ca thể hiện phong hóa xã hội. Phi Khanh nghèo túng, quan nhỏ lương bổng thấp, phải ở luôn nhà nhạc phụ. Mặc dù làm quan tới chức Tể tướng, nhưng Trần Nguyên Đán cũng không thể tự sắp xếp chức quan cho hai chàng rể của mình. Một hôm, cụ Tư đồ mời ông Đỗ Trung Cao tới nhà chơi. Có nhẽ cụ Tư đồ có nhời muốn nhờ ông Đỗ Trung Cao (Tôi ngờ là ông Đỗ Tử Vi, giữ chức quan Trung thư lệnh triều vua Trần Duệ Tông) thu xếp chức quan gì đó cho hai cậu con rể đã đỗ Tiến sĩ của cụ là Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh, để chúng có tý lưởng bổng nuôi vợ con. Có lẽ ông Đỗ Trung Cao đang giữ chức vụ tương tự như “Trưởng ban Tổ chức Trung ương” đã nhận lời giúp đỡ. Nhưng Nguyễn Phi Khanh đã từ chối khéo. Thơ đáp từ của Nguyễn Phi Khanh như sau: “Mấy độ nơi kinh kỳ ganh đua thói đời ấm lạnh / Hững hờ đưa qua năm dài tháng rộng / (Tôi) bình sinh bản chất thích nhàn tản, làm sao nhanh nhảu hầu thế gian được? / E lệ thẹn thùng, không dám điểm trang lộng lẫy / Tùng già cúc muộn, vườn cũ Uyên Minh / Xóm lẻ cây đơn, căn nhà Tử Mỹ / Bậc hiền sĩ có lòng thương yêu kẻ sĩ dưới trướng / Thì xin cứ để cho làm quan lang bạc đầu”! (Phụng họa bài thơ của Tướng công Băng Hồ gửi tặng Đỗ Trung Cao). Tướng công Băng Hồ chính là Trần Nguyên Đán. Uyên Minh, tức Đào Tiềm (đời Tấn bên Tàu), Tử Mỹ, tức Đỗ Phủ (đời Đường bên Tàu). Đó là những tấm gường tiêu biểu cho nhân cách kẻ sĩ.

Ông Đỗ Trung Cao có ý tốt, nhưng Phi Khanh khéo léo chối từ. Kẻ sĩ ngày xưa có tài mà không được dùng, cứ phải làm chức quan nhỏ đến già, nên gọi là “Quan lang đầu bạc”. Cũng quẫn, nhưng vẫn muốn giữ lấy nhân phẩm của mình, không chịu cúi luồn, quả là một nhân cách lớn.

Nếu không có thơ ca để lại, thì lịch sử nhiều chỗ cũng chỉ là một trang giấy trắng. Thơ ca làm sống lại hình ảnh chân thực của lịch sử, khỏa lấp những khoảng trống mù mờ, chẳng phải là kho báu vô giá của mọi dân tộc hay sao!

V-B-L

Bạn đang đọc bài viết "Tại sao Trần Nguyên Đán về hưu sớm ?" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn