Vật nuôi - Dễ thương

Đặng Sỹ Ngọc

05/11/2022 08:22

Theo dõi trên

Tôi cũng rất yêu quý vật nuôi từ nhỏ. Ngày ấy, gia đình tôi sống trên sông Ngàn Sâu bằng thuyền. Tôi đã vào học lớp 4 phổ thông.

Một hôm tôi bắt được một con chim nhỏ bằng chú chim ri (quê tôi gọi chim rặt rặt) đã có lông mọc lún phún. Giống loại chim vàng anh nhưng khi nó mọc đủ lông màu xanh biếc. Tôi đan một cái rọ bằng tre nhỏ cho nó ở, chăm sóc, cho nó ăn, nó uống. Có lúc như vui đùa với nó thuần thục, thân quen. Tôi đi vắng về, nó thấp chân xuống, hai cánh xòe rung rung, miệng há ra như đòi ăn. Thỉnh thoảng nó hót vài tiếng chiếp chiếp rất bé, rồi liên tục. Thấy vậy mẹ tôi nói: “ Nó đòi về với bố mẹ đấy!”. Tôi rất thương nó, nhưng sợ mình không quen cho ăn các thức ăn cần thiết, hơi ấm và giọng nói tôi to quá so với thân thể bé nhỏ, có thể làm nó khó chịu. Tôi mở chuồng cho nó bay đi. Nó bay thật, vòng xa một vòng, rồi quay về đậu trên vai tôi. Tôi nói: “ Mày về với bố mẹ mày đi”, nhưng nó lại bay đậu trên đầu tóc tôi. Từ đó nó cứ quanh quẩn bên tôi suốt ngày. Tôi đi học, nó cũng bay theo tới lớp, cách xa chừng 1km. Các bạn của tôi thấy lạ, nhất là các bạn nữ quấy rầy, xua đuổi, đe dọa nó. Cô giáo đã có lần nhắc tôi: “Em để chim ở nhà”. Vì vậy trước lúc đi học hay đi đâu xa, tôi bắt nó rồi tập bảo nó vào chuồng thành quen.

dh1a7h-1667611189.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Một buổi sáng mùa hè, tôi ngủ quên giờ đến lớp. Mở mắt, ôm cặp tôi chạy tới lớp quên cả chim. Nó đã bay theo, tôi dọa nó: “ mày về đi”. Ở đoạn đường là bãi cát nóng. Học xong buổi, tôi lo đến chim. Về đến đoạn đường cát bỏng, thấy nó nằm chết cứng trên cát. Tôi cầm chim lên bàn tay, thương nó muốn khóc. Hình ảnh này để lại trong tôi mỗi lần nhìn thấy chim bay qua.

Sau sự kiện con chim bé nhỏ ấy vài năm, một lần có lũ lụt rất lớn. Tôi chèo thuyền đi vớt củi. Đã bắt được một con vịt, bị nước cuốn trôi trên mảng rêu. Tôi đưa về chăm sóc, cho ăn cơm và giun đất cắt nhỏ. Vịt lớn rất nhanh, khi đủ lông, đủ cánh từ đầu đến đuôi có pha màu xanh sả đẹp lắm. Nhiều người nói: (đây là con vịt trống). Tiếng nó kêu khàn khàn chứ không kêu quạc quạc. Cũng như con chim, tôi đi đâu nó cũng đi theo. Tôi phải đan một cái lồng to đeo bên thuyền cho nó ở. Vui thích nhất là mỗi lần tôi bơi lội, chưa kịp mở chuồng ra là nó như hoảng loạn, kêu cạc cạc, chân cánh loay hoay rộn ràng. Mở ra nó bay trên mặt nước một đoạn. Tôi lặn hụp, nó cũng lặn theo, nó lao dưới mặt nước như cá rất nhanh. Tôi lặn hụp trốn nó, nó định hướng rất tốt, bơi tới tôi, cắn vào tóc tôi giật lên phía trên, tôi thấy nó quen nhiều với động thái này Một lần có một đàn vịt cùng tuổi nó đi qua, nó nhập vào đàn vịt ấy. Tôi nghĩ là nó sẽ không quay về với tôi nữa. Tôi gọi: “vịt ơi, vịt ơi!” vậy là nó tách đàn trở về với tôi. Tôi đã thơm lên đầu nó, lên lưng nó.

Đến ngày tôi đi bộ đội, để vịt lại cho mẹ và em gái chăn nuôi. Sau nhiều năm tôi về phép thì số phận của vịt ra sao, tôi cũng quên mất.

Giữa năm 1968, sau khi bị thương, tôi được về công tác chiến đấu ở một đơn vị cao xạ. Cấp trên phân công tôi làm quản lý và luôn ở bộ phận hậu cần. Lúc này, tôi cùng bộ phận anh nuôi phải chăm một (Trư bát giới). Loại lợn ỷ móng cái tai to, sạch sẽ, anh em đặt tên cho nó là Hành. Họ kể cho tôi biết lại lịch của nó. Khi đại đội tác chiến bảo vệ cầu Hoàng Mai, Nghệ An. Đơn vị bắn trúng một máy bay A37 hiện đại của Mỹ. Đúng ngày thành lập Đảng 03/2. Quân dân địa phương đã bắt sống giặc lại. Chiến công vang dội được Bác Hồ gửi thư khen. Nhân dân vui mừng tặng nhiều quà cho đại đội trong đó có 5 con lợn con. Đơn vị đã nuôi và sử dụng chúng theo ngày tháng, riêng Hành, anh em đã để lại không làm thịt, chặng đường hành quân qua Nghệ An, Hà Tĩnh rồi Quảng Bình và lên Lào. Đơn vị phải tác chiến đánh nhau với không quân Mỹ hàng trăm trận, lập được nhiều chiến công, nhưng một số đồng đội bị thương hi sinh. Còn Hành vẫn an toàn. Hình như Hành cũng hiểu được bổn phận của nó, lên xe xuống hầm, ngoan ngoãn theo sự điều khiển của bộ đội. Anh em còn tập cho Hành biết vẫy đuôi ngoắt tai mỗi khi có người đi về và có khách đến thăm. Hành càng được bộ đội yêu quý.

Một lần, Hành được xếp vào hang lèn kín đáo ở nước Lào, nuôi quân biết bộ đội thích ăn sắn luộc. Họ đã lấy gạo đổi cho đồng bào một số sắn, anh em luộc sắn rồi chờ tối đến sẽ đưa ra trận địa lúc bảo vệ từng đoàn xe vào chiến trường. Bổng Hành ục ịch rồi hét lên tiếng rất to. Chúng tôi tưởng trăn đã cuốn Hành hoặc Hổ đến mang Hành đi. Anh em vác súng đến, thấy Hành vẫn đứng yên, mặt Hành nhìn ngược lên đỉnh lèn. Chúng tôi nhìn theo, thấy cả một đàn khỉ hàng chục con, mỗi con cầm một khúc sắn luộc ôm sắn chạy nhảy trên đó. Tôi lên đạn định bắn, đồng chí A trưởng bảo tôi: “đừng bắn nó” nhìn lại nồi sắn khoảng 15 kg chẳng còn củ nào. chúng tôi nhìn Hành mỉm cười và tiếc nồi sắn.

Sau này hành nặng 180kg thiếu xe khi về nước cấp trên lệnh làm thịt hành nhiều người thấy thương không dám mổ và không ăn thịt nó.

Sau ngày thống nhất tổ quốc, tôi đã trở thành thương binh nặng, trở về với gia đình. Tôi vẫn nuôi nhiều loại như lợn, gà, mèo chó. Tôi hiểu mỗi con có một đặc tính riêng. Nhưng thấy chó là trung thành với chủ nhất. Khi mẹ tôi bị bệnh hiểm nghèo quá đời lúc 10 giờ ngày 8/01/1980 âm lịch. Mẹ tôi được nhập quan, phủ đất. Cả nhà tôi đau đớn thương mẹ khóc lóc. Về đến nhà, con chó vàng, mẹ và chúng tôi chăm nuôi. Tự dưng nó lăn quay cuồng hàng chục vòng, miệng kêu ư ử dưới gầm giường của mẹ rồi nó nằm bất động. Có bác sĩ gần nhà đến khám cho nó, thì tim nó đã ngừng đập. Bác sĩ bảo (do nhồi máu cơ tim). Sự buồn thương càng chồng chất lên cả nhà tôi.

Cuối năm 2020, biên giới vườn Nhà tôi có sự thay đổi. Do một cơ quan nhỏ đến xây dựng lại nhà. Biên giới hở toang, con vàng tôi nuôi rất ngoan nửa đêm ra khỏi bờ vườn, mấy con chó nhà bên xô nhau đến hợp đồng cắn nó. Khi biết được, đưa nó về tắm rửa tiêm thuốc, đổ sữa. Nhưng nó đã tắt thở trên tay tôi, tôi cũng vuốt mắt cho nó.

Cho đến nay tôi chưa nuôi con nào nữa và tôi nghiệm ra rằng: tư tưởng, tình cảm, thái độ, phong cách của chủ nuôi như thế nào, thì con vật nuôi như vậy.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Vật nuôi - Dễ thương" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn