Về Hà Giang (Truyện ký)

Vũ Quang Trần

14/03/2022 08:15

Theo dõi trên

Đúng 5 giờ 05 phút ngày 04/4/2015, xe khởi hành từ thành phố Vinh, hướng Hà Giang thẳng tiến. Đây là lần đầu tiên chúng tôi trở lại chiến trường xưa. Tôi lớn tuổi nhất được giao chức Trưởng đoàn, đồng đội Long phụ trách hậu cần.

Đã hẹn nhau trước hơn một tháng, nhưng tới giờ xuất phát, tôi điểm danh quân số thiếu Châu (chợ Vinh), lý do được báo: vợ ốm! Vậy thì chịu rồi, đành phải hẹn lần sau. Đoàn đi gồm bảy người. Trong đó tôi, Long, Lê Nam (Hưng Nguyên), Châu (Đắc Lắc), Tùng cùng ngập ngũ tháng 9/1986, Phong và Thành. Thành là lính lái xe sư đoàn 308 nghỉ hưu về làm Công ty tôi. Chú em tên Phong là bạn của Châu đi từ Đắc Lắc ra, Phong bảo: “Em được nghe kể về Vị xuyên - Hà Giang nhiều nên rất mong một lần được tới”. Tôi nắm tay Phong cười: “Ừ, nên đi cho biết em ạ!”.

ve-ha-giang-1647220443.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trời chưa sáng hẳn. Đang giữa tháng hai âm lịch, mưa Xuân giăng giăng, tiết trời lạnh buốt. Nhớ ngày xưa, đơn vị chúng tôi hành quân lên chốt Vị Xuyên đêm mồng tám tháng Giêng năm Đinh mão 1987. Năm ấy trời cũng lạnh lắm, giá rét của miền biên ải khiến tất cả đều tê cứng. Mới đó đã hai mươi tám năm trôi qua, nhiều người chúng tôi đã được lên chức ông, nhưng không thể quên những ký ức của một thời trai trẻ. Năm anh em cùng nhập ngũ nhưng huấn luyện khác Đại đội, mãi đến khi chuyển về đơn vị chiến đấu Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 chúng tôi mới biết nhau. Ngày ấy tôi và Tùng ở Ban tham mưu Trung đoàn, Long-Nam-Châu ở dưới đơn vị trực thuộc.

Xe bắt đầu nhập vào đường QL1, tôi ngồi ghế trước bên cạnh tài xế Thành bắt nhịp bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Đang hào hứng hát, bỗng nghe tiếng “Huệ-ọe” ở hàng ghế cuối, mấy thằng cười khúc khích. “Đứa nào say xe sớm thế?”, tôi quay lại hỏi. Thì ra chú Long say rượu, mà say “nguội” mới khổ chứ! Tối qua Long, Nam đón được Châu từ Đắc Lắc ra đã tranh thủ gặp mặt, vui nên quá chén. Chẳng trách gì lên xe là chú chiếm băng ghế sau nằm luôn.

Giữa trưa xe đến trung tâm thị xã Xuân Mai. Chưa kịp hỏi thăm đã thấy ba người đứng bên đường vẫy xe dừng lại. Đó là Vang, Minh, Tuyến ba anh bạn đồng đội của Thành, cùng là lính lái xe sư 308, các anh ra quân, lấy vợ rồi ở lại Xuân Mai lập nghiệp. Chào hỏi giới thiệu ngắn gọn xong, cả đoàn kéo vào Nhà hàng bên đường. Vang lên tiếng trước:

- Báo cáo các anh: Được Thành cho biết đoàn CCB từ Nghệ An ra thăm chiến trường xưa. Đơn vị xe Sư 308 ngày ấy cũng từng lên phục vụ chiến đấu trên mặt trận Hà Tuyên. Cùng là lính với nhau cả, hôm nay xin phép đoàn cho anh em CCB F308 Xuân Mai được tiếp đón.

Tôi thay mặt đoàn:

- Rất cám ơn các anh! Vậy thì không khách sáo nữa, chúng ta vào cuộc luôn để đảm bảo thời gian theo kế hoạch.

Khi tất cả đã vào bàn, Vang phát hiện còn thiếu một chiến sỹ. Tôi nói: “Thông cảm! Có chú Long say từ tối qua, đang nằm ngoài xe”. Vang bảo: “Để em chạy ra lấy cho vài liều thuốc. Đảm bảo sau uống ba mươi phút sẽ chiến đấu tốt”. Lát sau Vang quay lại với bọc thuốc trên tay, bắt Long dậy uống thuốc và ngồi cùng anh em. Chẳng biết thuốc gồm những gì mà chưa đầy ba mươi phút sau, khi bàn nhậu đang đến cao trào chú Long đã xin nhập cuộc. Phải thừa nhận kinh nghiệm giải rượu của lính lái xe thuộc dạng thượng thừa!

Chia tay Xuân Mai, chúng tôi tiếp tục lên đường. Chạy qua Sơn Tây, thủ đô của lính, xe rẽ lên cầu Trung Hà sang đất Tam Nông, đến xã Cổ Tiết bên chân cầu Phong Châu thì dừng lại. Chúng tôi tìm vào nhà anh Châu, trung đoàn trưởng E149 năm xưa. Trung tá Nguyễn Văn Châu quê xã Nam Thanh-Nam Đàn-Nghệ An, tôi luôn coi anh như người anh cả. Anh nghỉ hưu năm 1989 và ở lại quê vợ. Anh mất năm 2005 khi vừa đủ tuổi sáu mươi, các con chưa kịp trưởng thành. Ngày đó khi biết tin anh mất tôi chỉ kịp lên thắp hương kính viếng, không được nhìn anh lần cuối. Đã mười năm tôi chưa quay lại mảnh đất này, cảnh vật đã đổi khác nhiều. Dù biết chị và các cháu đã chuyển về Hà Nội sinh sống, không hy vọng gặp ai. Nhưng chúng tôi vẫn muốn dừng lại nhà, ra mộ anh thắp nén tâm hương trước khi lên với Hà Giang.

Đứng trước ngôi nhà cấp bốn, cổng khóa trong, vắng lặng. Chúng tôi bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm với người thủ trưởng cũ. Vị trung đoàn trưởng gan lỳ, nóng tính nhưng thương lính hết mực. Ông ít khi thể hiện tình cảm ra ngoài nên lính vừa sợ vừa nể phục. Tôi và Tùng được gần ông nhiều hơn vì cùng ở Ban Tham mưu. Khi đó tôi là nhân viên Đồ bản Ban Tác chiến, Tùng là anh nuôi của bếp Ban 5. Chính ngôi nhà vườn nhỏ xinh đây là tác phẩm tôi thiết kế tặng gia đình anh. Trước khi nhập ngũ tôi đã tốt nghiệp Đại học, công tác ba năm ở Viện thiết kế Xây dựng. Cả đoàn đang thì thầm chuyện cũ, bỗng có tiếng hỏi:

- Các bác tìm ai? Chị Yến mới về đang ở trong nhà đấy!

Tôi mừng quá lên tiếng gọi to:

- Chị Yến ơi, mở cổng cho bọn em với!

Người phụ nữ từ sau nhà chạy ào ra, chị dụi mắt như không tin vào mắt mình:

- Quang phải không em? Sao không gọi điện trước cho chị? Anh em vào nhà đi!

Đến lúc ấy tôi mới biết: Mốt là ngày kỵ của anh, chị về trước để dọn dẹp nhà cửa. Ngày mai con cháu mới từ Hà Nội lên làm giỗ. Bước chân vào trong phòng khách, nhìn lên di ảnh anh, đồ lễ chị Yến mới đưa về đang đặt trên bàn. Tôi tự trách mình thật vô tâm, quên cả ngày giỗ của anh.

Đặt bức tranh “Quê Bác Hồ – Nam Đàn” của đoàn CCB tặng lên cạnh bàn thờ, chúng tôi xin phép được thắp trước nén hương báo cáo. Chị Yến dẫn đoàn ra thăm mộ anh, ngôi mộ nằm trong nghĩa trang gia đình tôn nghiêm mà ấm áp. Những người lính chiến sỹ của anh lặng lẽ cúi đầu, thầm mong anh bình an nơi chín suối. Chào anh, tạm biệt anh! chúng tôi phải tiếp tục lên đường hướng tới Vị Xuyên. Không giữ được chúng tôi ở lại, chị Yến đành sụt sùi tiễn đoàn đến tận chân cầu Phong Châu trước khi xe vượt sang đất Lâm Thao. Lúc đó đã hơn năm giờ chiều.

Xe đến thị trấn Đoan Hùng gần tám giờ tối. Đúng theo lộ trình, đoàn dừng lại ăn, nghỉ lại khách sạn Huệ Đoài để sớm mai đi tiếp. Mảnh đất Đoan Hùng có đầy kỷ niệm, nhiều đồng đội chúng tôi khi ra quân đã ở lại đây lập nghiệp. Ngày đó, sau khi xuống chốt Vị Xuyên, đội hình Sư đoàn rút về Tuyên Quang, trung đoàn 149 và 876 về đóng quân tại xã Ngọc Quan-Đoan Hùng. Để đảm bảo sức khỏe, tôi đề nghị không liên lạc tiếp đón người quen trong đêm. Kế hoạch khi từ Hà Giang trở về đoàn sẽ dành thời gian giao lưu, gặp gỡ tại Đoan Hùng dài hơn.

Lệnh truyền đạt là vậy, nhưng tắm xong quay ra, trong phòng chỉ còn lại tôi và Thành lái xe. Gọi điện tra hỏi, Long cười: “Bọn em ra ngoài đi dạo tý!”. Mười một giờ đêm mấy đứa về, kéo thêm cả đoàn khách Đoan Hùng. Thì ra các vị sang nhà “người yêu cũ” của Châu và tranh thủ ghé thăm gia đình “mẹ nuôi” của Long. Nghe nói khi ra quân, chú Châu từng có ý định “ở rể” Đoan Hùng. Mới biết ngày trước lính ta làm công tác dân vận tốt thật. Giận đấy! Nhưng “Đi dân nhớ, ở dân thương” thế, không thể trách anh em được.

2.

Bảy giờ sáng hôm sau (05/4) tiếp tục lên đường, chậm hơn kế hoạch một tiếng. Đến dưới thành phố Tuyên Quang 5km, xe dừng lại chờ đón Văn Nam (Thanh Chương) để đi cùng đoàn. Nam là bạn nối khố với Châu ở quê, cùng nhập ngũ, cùng về đơn vị chiến đấu với chúng tôi. Khi ra quân Nam bén duyên với cô gái Nông trường chè và ở lại Tuyên Quang luôn. Châu kể: “Gia đình Nam xưa ở quê vất vả lắm, mấy anh em chuyên sinh sống bằng nghề đi bè gỗ thuê trên sông Lam”.

Dừng xe, gọi điện mấy lần đều thấy Nam nói “Tao đang đứng chờ bên đường!” vẫn không đón được. Châu xuống xe đi bộ tìm, thấy ông già đứng bên quán lá. Tiến lại hỏi mới biết đó chính là Nam. Khổ nỗi, nó già ngoài sự tưởng tượng: Người gầy đen, đầu hói, tóc bạc lơ phơ. Không nhận ra nhau cũng phải! Hai mươi tám năm, quá nửa đời bươn chải rồi. Đón được Nam lên xe, vui mà cười chảy nước mắt vì thương bạn!

Hơn 11 giờ trưa lên tới thị trấn Việt Lâm, thủ phủ của huyện Vị Xuyên. Ngày xưa, thị trấn lâm trường Việt Lâm mới hình thành, các cơ quan hầu hết làm việc trong nhà lá, vách đất, đường đất bụi mù mịt, thiếu bóng cây xanh. Giờ đây thị trấn đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Không vội ăn trưa, chúng tôi quyết định vào Nghĩa trang LIỆT SỸ QUỐC GIA Vị Xuyên, địa chỉ không bao giờ quên. Trước đây lính thường gọi là Nghĩa trang Km17.

Anh em tập trung làm lễ trước Đài tưởng niệm rồi chia nhau đi thắp hương cho từng đồng đội. Đang giữa trưa, Nghĩa trang khá vắng. Cả một mé đồi bạt ngàn là mộ, những ngôi mộ xi măng màu xám, buồn ảm đạm, vô số những ngôi mộ “Chưa biết tên”. Gần hai ngàn liệt sỹ đã được quy tập về đây. Vẫn còn khoảng hơn hai ngàn liệt sỹ nữa, xương cốt các anh vẫn rải nơi đầu núi cuối khe của đại ngàn Hà Giang. Mưa bụi cuối Xuân bay bay. Sương mù quyện với khói hương la đà, quẩn quanh như muốn níu đồng đội ngồi lại tâm tình.

Tôi đang lặng lẽ bước, chợt Long nắm tay kéo lại. Trước mặt là ngôi mộ ghi “Trung úy Lê Hồng Phong”, trung đội trưởng của đại đội Long năm xưa. Khoảnh khắc ấy, trong đầu tôi vụt hiện lên những trang Nhật ký tác chiến. Đó là trận đánh ở Đồi không tên ngày 02/3/1987, trung úy Lê Hồng Phong cùng 4 chiến sỹ C5, D8, E149 hy sinh và 21 chiến sỹ bị thương. Long kể: “Hôm ấy thằng Đức ‘tồ’ cõng anh từ đỉnh Không tên xuống, người anh vẫn còn nóng. Long và vài đồng đội nữa thay nhau làm hô hấp nhân tạo cố níu chút hy vọng cuối cùng cứu anh, nhưng không kịp nữa rồi!”. Anh Phong quê Nghi Lộc-Nghệ An là trung đội trưởng B2, sỹ quan thực tập của Trường Lục quân I. Cùng lô mộ anh Phong có ba liệt sỹ đồng ngũ với chúng tôi là Nguyễn Văn Hùng, Bùi Văn Kỷ quê Nghi Xuân-Hà Tĩnh và Trịnh Văm Lam quê Nam Đàn-Nghệ An.

Đầu năm 1987 chúng tôi lên chốt khi cuộc chiến vừa qua thời khốc liệt nhất, tổn thất không lớn như vài năm trước, nhưng đủ để chứng kiến, thấu hiểu nỗi đau thương mất mát. Đỉnh điểm là trận đánh ngày 12/7/1984 trong chiến dịch MB84, gần một ngàn chiến sỹ Sư đoàn 356 thương vong. Nỗi đau để lại, sau này những người lính Sư đoàn lấy ngày 12/7 hằng năm làm ngày “Giỗ trận”. Gần nửa số liệt sỹ nằm trong Nghĩa trang này hy sinh trong khoảng 1984-1986. Nhìn vậy để biết:  Chúng tôi được trở về quê hương, được quay trở lại là điều quá may mắn!

Đứng trên sân hành lễ, cả đoàn giơ tay chào đồng đội, nhìn toàn cảnh Nghĩa trang trước lúc chia xa. Tôi thầm nghĩ: Tại sao trong Nghĩa trang không thấy cây hoa gạo? Bởi tôi tin: Màu đỏ rực của hoa gạo vẫn đọng trong đáy mắt của nhiều anh linh trước khi nằm xuống, hòa thân vào đất Hà Giang.

Bốn giờ chiều, xe tiếp tục lên đường qua đất Việt Lâm đến xã Đạo Đức, rẽ trái vào làng Má, nơi từng là “cứ” của Trung đoàn. Quán “Phệ”, trạm gác Vệ binh, dốc xuồng trung đoàn bộ còn đâu? vẫn con đường đất hun hút sâu, gồ ghề cuội đá. Không còn dấu vết doanh trại năm xưa, thay vào đó là những đồi tràm xanh ngắt, thấp thoáng vài mái nhà sàn chênh vênh trầm mặc.

Xe qua Km11, sắp đến cầu Mè. Xuất hiện chiếc xe cảnh sát nháy đèn bên đường, một chiến sỹ ra hiệu lệnh dừng xe. Khá bất ngờ, tôi bước xuống. Chiến sỹ cảnh sát cười tươi nói: “Xe của CCB từ Nghệ An ra phải không? Em là Hoài được giao nhiệm vụ đón đoàn. Mời các anh đi theo xe chúng em nhé!”. Thì ra anh Lê Hà trưởng phòng CSGT Hà Giang cho xe ra đón, vì sợ chúng tôi không thuộc đường trong thành phố. Lê Hà là em họ của Lê Nam quê Hưng Nguyên-Nghệ An, Nam đã báo trước hành trình. Không ngờ đoàn lại được tiếp đón long trọng thế này. Tự nhiên ai nấy đều phấn chấn hẳn, quên hết những mệt mỏi, ưu tư vừa trải qua.

Dừng xe trong sân khách sạn Huy Hoàn bên đường Nguyễn Trãi, chiến sỹ Hoài dặn: “Các anh vào lấy phòng, nghỉ ngơi tắm rửa, đúng bảy giờ anh Hà sẽ đến mời đoàn đi ăn tối”. Từ quản lý đến nhân viên khách sạn đều ân cần mến khách. Cảm nhận sau mấy chục năm trở lại Hà Giang thật xúc động, ấm áp tình người.

3.

Hơn bảy giờ sáng ngày 6/4 anh Lê Hà đến, có anh Thành nguyên sỹ quan tác chiến tỉnh đội Hà Giang cùng đi. Hành trình “thăm lại chiến trường xưa” chính thức bắt đầu. Lê Hà mời tôi và Lê Nam lên ngồi xe Cảnh sát đi trước. Như hiểu ý tôi, anh Hà nói: “Đường đi lên sẽ rất khó khăn. CSGT có nhiệm vụ dẫn đường để đảm bảo an toàn, trật tự giao thông. Với đoàn CCB nào lên anh cũng cử người đi cùng!”. Quả đúng vậy, sau bao năm rời xa, tên các địa danh chỉ còn láng máng trong trí nhớ. Ngày xưa lên chốt toàn hành quân đêm, chẳng ai biết đường tường tận. Có anh Thành “Tác chiến” trên xe dẫn đường, chúng tôi yên tâm đi theo lộ trình mong muốn.

Đường lên cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy mới mở rộng, trải thảm phẳng lỳ, xe chạy êm ru, người xe đi lại khá nhộn nhịp. Vài chiếc xe tải, xe contenner lên xuống hối hả. Đi khoảng 3Km rẽ trái vào làng Pinh. Dân bản đã ở kín, nhà sàn san sát. Phải mất khá nhiều thời gian xe mới tìm được lối vào. Đứng trước cửa Hang làng Pinh, Sở chỉ huy tiền phương, kho Hậu cần, Trạm phẫu sư đoàn là đây! Tất cả hầu như không còn dấu vết. Một phần mái đá trên miệng hang đã bị đánh sập. Vòm hang trước đây có thể chở che hàng ngàn lính, giờ trông trống hoác, cạn trơ. Trước cửa hang một dãy nhà bốn gian bỏ hoang, mấy chú bé ngồi bên đàn trâu bò nhìn chúng tôi lạ lẫm. Tôi bắt tay lên miệng hú một hơi thật dài. Tiếng hú lùa vào hang, va vào vách đá vọng dài ra “Hu hu u” trầm buồn yếu ớt. Tự nhiên ai nấy đều ớn lạnh, nghe như ngàn tiếng hú ở quanh đây đáp trả.

Bên trái Hang làng Pinh, một con đường mòn quanh co chạy xuyên qua bản lên Cua tay áo, Thác Âm phủ, đỉnh Cóc Nghè, cao điểm 812, Cọc 6,...Cung đường vận tải của chúng tôi năm xưa, bây giờ vẫn chỉ đi lên được bằng xe máy. Muốn lên trên ấy lắm nhưng không có phương tiện. Đành hẹn đỉnh Cóc Nghè lần sau trở lại!

Rời làng Pinh, xe tiếp tục hành trình. Đến Ngã ba Thanh Thuỷ rẽ trái, đoàn vào thắp hương viếng Đài liệt sỹ Thanh Thuỷ. Đây là Đài hương chung của toàn mặt trận ở trung tâm xã Thanh Thủy. Đã có rất nhiều đoàn CCB từ khắp mọi miền Tổ quốc đang xếp hàng lên viếng. Tiếng chào hỏi rộn ràng, những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt cựu binh bất ngờ hội ngộ, mừng mừng tủi tủi. Tất cả đều chào nhau bằng một từ “Quê” thân thương, gần gũi.

Đường lên Đài hương 468 nhỏ hẹp, chênh vênh theo sườn đồi. Chỉ các tay lái can trường, dày dạn kinh nghiệm mới dám thử thách. Xe leo được khoảng 5Km, hết đường bê tông của thủy điện phải dừng lại. Chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng gần 01Km nữa lên tới đỉnh 468, nơi đặt Đài hương. Hàng trăm CCB cùng gia đình, thân nhân các liệt sỹ nối đuôi nhau đi lên, nhiều thương binh được đồng đội dìu cõng. Những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, hồ hởi, phấn khởi, không một ai thở than, bởi so với ngày xưa thì đoạn đường này chỉ như “muỗi”.

Điểm cao 468 là một trong những trọng điểm ác liệt nhất của mặt trận, ghi dấu bi hùng của các đơn vị thuộc sư đoàn 356. Chính vì vậy đây được coi là Đài hương tưởng niệm liệt sỹ sư đoàn 356, do chính CCB sư đoàn xây dựng bằng nguồn vốn huy động xã hội hóa. Đài hương nằm trên phần yên ngựa của đỉnh 468, tuy nhỏ bé, đơn giản nhưng được dựng lên bằng tấm lòng đồng đội, người còn sống dành cho người nằm xuống. Khói hương nơi đây không khi nào tắt.

Từ Đài hương có thể bao quát hầu hết mặt trận Tây sông Lô. Tất cả đều hiện rõ: Từ cao điểm 685 sang 772, 1509, 673, 812…Màu xanh đã trở lại với vùng biên ải, thấp thoáng những vòm đỏ cháy của hoa gạo. Riêng cao điểm 685, nơi được mệnh danh là “Lò vôi thế kỷ” vách đá dựng vẫn còn loang lổ, dấu vết cuộc chiến vẫn còn đó, hằn sâu trong mấy trăm đôi mắt rưng rưng.

Lên Đài dâng hương, chúng tôi ra sân hòa vào đoàn người, gương mặt ai cũng thấy như thân quen. Ở đây tất cả đều là đồng đội, không phân biệt đơn vị, cấp bậc, chức vụ. Tôi xách máy ảnh đi tìm góc chụp những khuôn hình đẹp nhất của vùng biên một thời gắn bó, chộp những khoảnh khắc vàng đồng đội hội ngộ sau bao năm chia xa. Những khóe mắt đỏ hoe, vỡ òa vì “Tao tưởng mày đã chết trận đó rồi!”, và những tiếng nấc hời xót thương người nằm xuống. Đó là những hình ảnh sâu đậm không thể nào quên!

Đang loay hoay lấy hướng chụp mấy cây hoa gạo dưới thung lũng, tôi bỗng nghe tiếng Long gọi như reo: “Anh Tuấn Khanh phải không?”. Cùng lúc đó: “Ôi! Đúng là thằng Long rồi. Anh Khanh đây!”. Long lao đến ôm choàng lấy cổ anh Khanh, hai anh em cùng khóc, những giọt nước mắt mừng tủi. Bức ảnh Long, Khanh gặp nhau chắc chắn sẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất mà tôi có được.

Long cho tôi biết anh Khanh là Trung đội trưởng đã dìu dắt mình suốt thời gian phòng ngự trên Đồi không tên. Ngày ấy chúng tôi chỉ là lính mới tò te, lơ ngơ bước vào trận chiến Anh Khanh quê Yên Bái, một trong những thành viên khởi tạo quỹ xây dựng Đài hương 468. Tôi sẽ không kể lại những ngày tháng các anh lăn lộn đi-về, lên-xuống để có được một Đài hương như ý nguyện. Đài hương 468 mãi là nơi hội tụ của những người lính đã chiến đấu, hy sinh để gìn giữ vùng đất thiêng biên giới Vị Xuyên.

Buổi chiều, chúng tôi nghỉ ngơi dạo bộ thăm thú thành phố Hà Giang. Đứng trên cầu Trắng ngắm dòng sông Lô, tôi bỗng nhớ lại: Khoảng giữa tháng 3 năm 1987, từ trên chốt tôi được giao nhiệm vụ xuống Sư đoàn bộ. Tranh thủ lúc chờ đợi tôi cũng ra đứng trên cầu Trắng và ghi cảm nhận vào Nhật ký, có đoạn viết:

“…Trời đang rét ngọt, Xuân vẫn vương trên váy áo những thiếu nữ Mông, Tày, Nùng, Dao và màu đỏ rực của hoa gạo. Những cây gạo cổ thụ đang thắp lửa tháng Ba là nét đặc trưng của miền đất này. Từ trên Cầu Trắng nhìn về hai phía, thị xã Hà Giang nhỏ bé, khiêm tốn nằm nép hai bên bờ nơi đầu nguồn sông Lô hiền hòa đang mùa nước cạn, vài con thuyền nhỏ bơi thong dong thả lưới. Thị xã toàn là nhà cấp bốn, thấp thoáng những ngôi nhà sàn bên sườn đồi lẫn trong vòm cây xanh mướt. Chỉ cách cửa khẩu Thanh Thủy khoảng 20 km đường bộ, thị xã ngập tràn màu xanh áo lính, thỉnh thoảng nghe tiếng pháo ùng oàng như tiếng sấm xa vọng lại. Tuy vậy nhịp sống nơi đây vẻ yên bình kỳ lạ. Người dân nhiều sắc tộc vẫn đi lại buôn bán bình thường, như không hề có một mặt trận khốc liệt chỉ cách 10 km đường chim bay. Họ cười thân thiện mỗi khi có chú lính trẻ ghé vào hút thuốc hoặc hỏi mua vài thứ hàng "tâm lý" đem về làm quà. Những người lính đang vô tư cười đùa ở đây có thể chỉ vài giờ sau sẽ bước vào lằn ranh một cuộc chiến sinh tử.”

Nhắc lại để thấy Hà Giang bây giờ đã hoàn toàn đổi thay. Thành phố mở rộng, hiện đại hơn, xanh hơn, nhưng không còn nhiều màu xanh áo lính. Dòng sông Lô tháng Ba vẫn hiền hòa, hai bên bờ hoa gạo vẫn thắp đỏ. Dưới chân cầu Trắng một nhà hàng nổi như du thuyền dập dềnh đón khách. Trong công viên rộn rã tiếng đùa vui của vài lớp học sinh đang giờ ngoại khóa. Một thành phố Hà Giang thật sự thanh bình, đầy ắp nghĩa tình.

Cuối chiều, nghe tin tuyến đường Hạnh Phúc lên cột cờ Lũng Cú bị sạt lở, giao thông tắc nghẽn. Kế hoạch tiếp tục đi lên không thể thực hiện. Chúng tôi quyết định mời Lê Hà và anh em Hà Giang dùng bữa tối. Cũng là cám ơn các anh và chia tay để sáng sớm mai đoàn hồi hương. Đành hẹn núi Rồng - Đồng Văn, điểm cực Bắc của Đất nước lần sau trở lại.

4.

Chào “Hà Giang mến yêu của tôi”. Sáu giờ sáng ngày 07/4 xe chúng tôi về xuôi. Chào những địa danh thân quen: Cầu Mè, Km11, Đạo Đức, Km17, Việt Lâm, Bắc Quang…Qua thành phố Tuyên Quang đoàn rẽ phải thăm nhà Văn Nam. Vừa vào nhà Nam đã thấy cả đại gia đình cùng hai mâm cơm sẵn sàng đợi khách. Thật bất ngờ, chú Nam gầy đen của chúng tôi lại có được cô vợ đẹp người, đảm đang, chiều chồng, đúng không ngoa “Chè Thái, gái Tuyên”. Nhà Nam tuy còn đơn sơ nhưng hai đứa con học hành giỏi giang. Cháu gái lớn đang học Đại học Thái Nguyên, cháu trai học lớp 12 cũng thông minh, hoạt bát. Bữa ăn không nằm trong kế hoạch nhưng ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Chúng tôi nâng cốc chúc mừng gia đình Nam, mừng cho bạn nhiều lắm!

Hai giờ chiều, đoàn về Đoan Hùng rẽ sang QL70 vào khách sạn lấy phòng nghỉ. Chúng tôi dành cả buổi chiều và tối để viếng thăm Đoan Hùng, vùng đất cũng chứa chất đầy kỷ niệm của thời quân ngũ. Những câu chuyện về tình cảm quân dân tại đây tôi sẽ kể lại trong bài viết khác. Tối ngày 8/4 xe về tới thành phố Vinh quê hương, đoàn liên hoan tổng kết chuyến đi và bịn rịn chia tay.

Đó là hành trình về lại Hà Giang của chúng tôi, lần đầu tiên sau hai tám năm rời xa. Từ đó năm nào anh em đồng đội và gia đình cũng tổ chức đi, như những chuyến hành hương. Khi thì đi vào tháng Ba, mùa hoa gạo đỏ. Khi đi dịp tháng Bảy, ngày Giỗ trận Vị Xuyên để cùng hội ngộ, thắp hương tri ân đồng đội đã khuất. Hà Giang, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, hang Làng Pinh, Ngã ba Thanh Thủy, Đài hương 468,…đã thành địa chỉ đỏ không chỉ để những người lính năm xưa trở lại, mà còn để du khách mọi miền viếng thăm. Làng Pinh nay đã trở thành Làng Văn hóa Du lịch. Trước cửa hang Làng Pinh có thêm một cây hương quanh năm khỏi tỏa. Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, Đài hương 468 cũng được Nhà nước đầu tư thành ngôi Đền thờ khang trang, ghi nhận chiến công của những anh hùng liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Những lần sau này chúng tôi đã lần lượt thăm lại thác Âm phủ, đỉnh Cóc Nghè, cọc 6,…lên cao nguyên đá Đồng Văn, ngắm dòng Nho Quế. Con đường Hạnh phúc vẫn nguy hiểm khó lường bởi địa hình hiểm trở. Đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú nhìn ra bốn hướng, chúng tôi tự hào đã góp một phần tuổi trẻ bảo vệ vùng biên cương phên dậu của Tổ quốc.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Về Hà Giang (Truyện ký)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn