Vì đâu nên nỗi…

Truyện ngắn của Đào Nguyên Lan

14/03/2024 20:01

Theo dõi trên

Hai ông chồng thấy các bà vợ biến đổi một cách kỳ lạ như vậy thì vô cùng ngạc nhiên. Những ngày đầu, khi chưa hiểu hết tính nghiêm trọng của vấn đề, họ ra sức giễu cợt, rồi chế nhạo, thậm chí dọa đánh vợ. Nhưng hai bà vợ không hề nao núng và tỏ ra sợ hãi như thường ngày, họ phớt lờ các ông chồng và vẫn công khai ca ngợi ông thầy bói.

thay-boi2-1710421200.jpg
 

Bà Nhàn đã bước sang tuổi 50, có con gái cả là cô Hoa vừa tròn 26 xuân xanh. Hai mẹ con đều đang có gia đình. Ông Bưởi, bố cô Hoa, cũng là chồng bà Nhàn, làm nghề thợ mộc. Tay nghề ông cũnà con gái.  khá, nên dù thời buổi khó khăn, ông vẫn kiếm đủ tiền để chu cấp cho cái gia đình bốn người, gồm có ông, bà Nhàn và hai con còn đi học, dĩ nhiên không kể cô gái cả là Hoa, vì cô đã đi lấy chồng và ra ở riêng. Chồng Hoa là Bính, làm công nhân điện. Còn Hoa là một cô giáo dạy tiểu học. Do khéo thu vén, cặp vợ chồng trẻ cũng đã mua trả góp được một căn hộ nhỏ có mặt ngõ. Nhà Hoa lại chỉ cách nhà bà Nhàn khoảng non cây số, nên cứ chủ nhật vợ chồng lại đưa con về nhà ông bà ngoại chơi. Dù chưa lấy gì làm khá giả lắm, nhưng trong thời buổi khó khăn này, cuộc sống của hai gia đình như vậy cũng tạm đầy đủ, thậm chí còn có thể coi là hạnh phúc so với nhiều gia đình trong cùng khu phố…. 

Vốn nguyên là một nữ nhân viên văn phòng làm việc tại một công ty nhỏ, vừa nhận chế độ về nghỉ mất sức nên bà Nhàn từ trước tới nay chưa có thì giờ quan tâm nhiều đến vấn đề tâm linh, cũng ít khi đi đền chùa miếu mạo cúng bái. Hoa cũng vậy,  là cô giáo tiểu học nên cô cũng bận bịu công việc trường lớp, không quan tâm đến việc tâm linh này nọ. Thảng hoặc lắm, vào các dịp ngày rằm mùng một, được các bà các cô rủ rê, thì hai mẹ con với đi cùng họ đến ngôi chùa nào đó, thắp hương lễ lạt, chứ không mấy bận tâm hoặc tin tưởng vào chuyện đồng bóng, bói toán…

Ấy vậy mà vừa qua lại xảy ra một chuyện thật lạ kỳ…

Sau một lần đi cùng bà bạn đến một ngôi “đền” của một ông thày bói tít mãi trên một huyện miền núi, bà Nhàn ở lại qua đêm, sáng mai mới về (một chuyện lạ chưa bao giờ từng xảy ra). Rồi một tuần sau đó, bà Nhàn rủ Hoa cùng đi với bà lên lại ngôi đền đó. Lần này không hiểu có chuyện gì mà hai mẹ con bà Nhàn bỏ mặc cả việc nhà việc lớp, ở lại hẳn luôn tù tì ba ngày ba đêm liền. Mặc cho chồng con và các bạn đồng nghiệp gọi điện giục về liên tục.

Điều lạ kỳ hơn nữa là sau khi trở về nhà, hai mẹ con như biến thành hai người khác hẳn. Họ hầu như không còn chú ý gì tới việc nhà, việc trường lớp nữa. Thay vào đó, bà Nhàn và Hoa như những người mới lớn đang thời kỳ yêu đương. Cả hai suốt ngày ra ngẩn vào ngơ và thở dài thườn thượt như người thất tình. Mặc kệ sự có mặt của hai ông chồng, họ cứ vô tư và công khai nhắc tới “Thầy Tứ”, ca ngợi ông ta là một người đàn ông tài giỏi, đào hoa, khéo chiều chuộng đàn bà con gái và có nhiều phép lạ. Mà theo hai mẹ con thì trên đời này không có người đàn ông nào sánh được bằng “Thầy Tứ” của họ…

Hai ông chồng thấy các bà vợ biến đổi một cách kỳ lạ như vậy thì vô cùng ngạc nhiên. Những ngày đầu, khi chưa hiểu hết tính nghiêm trọng của vấn đề, họ ra sức giễu cợt, rồi chế nhạo, thậm chí dọa đánh vợ. Nhưng hai bà vợ không hề nao núng và tỏ ra sợ hãi như thường ngày, họ phớt lờ các ông chồng và vẫn công khai ca ngợi ông thầy bói. Thấy vậy, hai ông chồng bắt đầu hoảng. Một mặt họ ra sức khuyên can và nhờ bạn bè, đồng nghiệp đến gặp hai bà vợ để khuyên giải giúp. Mặt khác, họ nhờ người đưa đến đền của “Thầy Tứ” để dò la, tìm hiểu về ông này xem ông thầy này ba đầu sáu tay ra sao. Hóa ra “Thầy Tứ” là một ông già đã bẩy mươi lăm tuổi, làm nghề thầy bói lâu nay. Ông ta có một biệt thự to rộng, khang trang nằm giữa một quả đồi lớn được san bằng, xung quanh trồng cây cối um tùm. Biệt thự của “Thầy Tứ” được dùng để vừa làm nhà ở vừa làm “đền thờ” để bói toán. Có điều đặc biệt là ông thầy bói này có đến bốn vợ và mười ba con, cả trai lẫn gái. Bà vợ cả thì đã được ông ta xây cho một căn nhà to bên cạnh ngôi biệt thự, còn ba bà kia thì vẫn ở chung với thầy. Nhưng theo người dân trong vùng cho biết, dù có bốn vợ và nhiều con, ông thầy bói này lại còn có khá nhiều bồ bịch. Bởi ông ta số cực kỳ “đào hoa” và “sát gái”, không hiểu ông ta tán tỉnh, dụ dỗ kiểu gì và có sức hút ra sao mà đàn bà con gái chỉ cần gặp ông ta một lần, thì sẽ mê mẩn như bị ăn phải bùa mê thuốc lú, bỏ cả nhà cửa theo về để ở với ông ta…

thay-boii-1710421200.jpg
 

Điều tra được như vậy, hai ông chồng hoảng sợ hết hồn, vội rủ nhau quay nhanh về nhà để còn kịp lên kế hoạch nhằm ngăn chặn vợ mình bỏ nhà theo “Thầy Tứ”. Nhưng vừa về đến nhà, hai ông chồng đã tá hỏa khi thấy hai bà vợ đang tung hê mọi thứ, xáo trộn đồ đạc để lựa chọn, sắp xếp quần áo tư trang, khăn gói tay nải theo về ở với ông thầy bói, mặc cho người nhà ngăn cản. Hai ông chồng vội vàng ra sức khuyên giải, thậm chí van nài rồi dùng đến cả vũ lực, nhưng tuyệt nhiên không hề làm cho hai bà vợ nao núng. Bà Nhàn còn mặc cho các con kêu khóc, trợn mắt mà thách thức chồng:

-Ông có giỏi thì giết luôn tôi đi, chứ tôi không thể ở thêm cái nhà này một giây một phút nào nữa…

Ông Bưởi đành xuống giọng mà rằng:

-Cái nhà này thì làm sao? nó là cái nhà mà bà đã ở với chồng với con bao nhiêu năm nay đấy. Cả nhà này đã có ai ăn ở bội bạc với bà đâu, có ai ruồng rẫy bà đâu, có ai không yêu thương bà đâu.. Sao bây giờ tự nhiên bà lại đành đoạn rứt áo ra đi, bỏ chồng bỏ con như vậy hả bà. Hay chắc chắn là cái lão thầy bói kia đã cho bà ăn bùa ăn bả gì rồi, đến nỗi bà mê muội như vậy…

Nghe đến đây thì bà Nhàn hét tướng lên:

-Này nhà ông đừng có mà xúc phạm đến Thầy Tứ nghe không? ông là cái thá gì, nói cho mà biết, ông không bằng cái lông chân Thầy Tứ đâu nhé…

Thế rồi bà đùng đùng xách tay nải bỏ đi, để lại chồng con đứng chết sững  nhìn nhau. Ngoài ngã ba, cô Hoa cũng đang xách chiếc va li đứng đó chờ bà, mặc cho anh Bính, ông chồng thợ điện mặt mũi tái mét đứng ngây ra, bên cạnh đứa con nhỏ đang kêu khóc om xòm…

Chỉ ít phút sau đó, hai mẹ con đã yên vị trên chiếc xe khách hành trình lên miền ngược, bỏ lại sau lưng hai gia đình với những thành viên đang ngơ ngác không hiểu đã xảy ra chuyện gì với họ.

Những ngày tháng tiếp theo sau đó, bà Nhàn và cô Hoa ở lại trong nhà ông thầy bói Tứ, với danh phận như là vợ năm và vợ sáu của ông ta, được ông Thầy Tứ sủng ái lắm. Thời gian đầu, hai ông Bưởi, Bính, chồng bà Nhàn và Hoa nhiều lần kéo theo các con và bạn bè lên tìm, có lần làm ầm ĩ lên, thậm chí báo cả chính quyền sở tại. Nhưng hai mẹ con vẫn kiên quyết không về và những lần sau đó thì tìm cách tránh mặt, làm hai ông chồng chán dần, đành bỏ mặc họ. Thời gian trôi đi thấm thoát, cả hai mẹ con đã đẻ cho ông thầy bói mỗi người một đứa con, có trai có gái. Địa vị của họ vì thế càng trở nên chắc chắn trong gia đình thầy bói. Hai mẹ con được ăn trắng mặc trơn, ngày càng trẻ đẹp phâp phây và dường như rất thỏa mãn với cuộc sống tại đây. Còn ông Thầy Tứ thì cũng tỏ ra tự mãn và sung sướng vì đã có tới sáu bà vợ và mười lăm đứa con, đưa con cả còn lớn tuổi hơn bà vợ nhỏ nhất…

Nhưng rồi sau đó, một sự kiện xảy ra đã thay đổi cuộc sống này. Vốn là ông Thầy Tứ quen mui, lại tán tỉnh một cô gái mới 23 tuổi khi cô này đến xem bói. Như thường lệ, Thầy Tứ giữ cô gái ở lại qua đêm với ông ta để “xem đây đủ cả tiền vận lẫn hậu vận” trong một căn phòng kín riêng biệt, chuyên dùng vào những trường hợp tương tự. Chẳng ai biết đêm đó xảy ra những chuyện gì giữa thầy bói già và cô gái trẻ. Nhưng ngày hôm sau, cô gái cũng về nhà mình và đùng đùng sắp xếp hành lý, chóng vánh trở lại nhà ông thầy bói luôn trong ngày, như bị chi phối bởi sức hút ma mị nào đó. Những tưởng lần này Thầy Tứ sẽ vớ thêm được một người vợ trẻ đẹp nữa. Ai dè người yêu cô này thuộc dạng “hổ báo cáo chồn”, đã đem theo mấy chiến hữu đến quậy một trận tưng bừng tại nhà ông Thầy Tứ. Không những cướp cô gái về, họ còn nện cho ông Thầy Tứ háo sắc một trận nên thân, đến nỗi thầy nằm què liệt một chỗ, không còn đứng ngồi, đi lại được, cũng chẳng còn xem bói được cho ai, và tất nhiên ông cũng mất luôn sức hút đối với đàn bà con gái. Ngay cả việc ăn uống, vệ sinh cũng phải có người phục vụ. Vì thế ông thầy dần dần mất hết cả vẻ đường bệ, uy vũ và oai phong. Trong nhà - quên, trong biệt thự -  chẳng ai còn nể sợ và tôn trọng ông. Và cuối cùng, vị trí lãnh đạo bộ máy vận hành của cả nhà cũng rơi nốt vào tay bà vợ cả.

Khi đã có quyền lực trong tay, việc đầu tiên bà vợ cả thực hiện là sai gia nhân tống cổ hai mẹ con bà Nhàn và Hoa ra khỏi nhà, bởi họ là hai bà vợ cuối cùng, được Thầy Tứ chiều chuộng nhất, như cái gai trong mắt bà cả lâu nay. Trước khi bị trục xuất ra khỏi nhà, hai mẹ con Nhàn - Hoa khóc lóc chạy tới giường Thầy Tứ cầu cứu. Nhưng ông thầy bói bất lực chỉ còn biết giương mắt ếch mà nhìn cái cảnh hai bà vợ năm và vợ sáu, khăn gói tay nải lếch thếch, bị đám gia nhân lôi sềnh sệch từ nhà ra cổng, trong khi hai đưa con nhỏ kêu khóc chạy theo…

Bị đuổi khỏi nhà Thầy Tứ, bà Nhàn và Hoa không còn biết bám víu vào đâu, đành dắt con trở về nhà cầu xin chồng con tha thứ, nhưng bị hai ông chồng cấm cửa. Hai ông này lại càng phát điên khi nhìn thấy hai đứa con nhỏ của Thầy Tứ đi theo. Trong số hai ông chồng, ông Bưởi chính là người điên nhất. Ông gầm lên mà rằng:

- Bà còn quay về cái nhà này làm gì? bà đã nhất quyết không ở thêm một phút nào nữa cơ mà. Bà còn bảo tôi không bằng cái lông chân lão thầy bói đó, sao giờ còn về đây, lại còn dắt theo con lão về bắt tôi nuôi nó nữa à... Hừ, không bám lấy cái lão giỏi chiều đàn bà con gái ấy nữa đi…

Bẽ bàng và không được chấp nhận, hai mẹ con đành dắt díu nhau ra bờ đê, nhặt nhạnh cành cây mảnh bìa, quây tạm tú lều để ở. Ngày thì để hai đứa bé cậu - cháu - anh - em trông nhau, hai mẹ con đi khắp đầu sông cuối chợ nhạnh nhạnh đồng nát bán lấy tiền, đêm thì về hì hục nấu nướng ăn uống cùng nhau qua ngày. Vì quá vất vả, hai mẹ con già nua, xấu xí đi thật nhanh. Họ cứ âm thầm và chấp nhận cuộc sống như vậy, chẳng mấy ai để ý đến hai người phụ nữ và hai đứa trẻ trong túp lều nơi chân đê vắng vẻ…

Một chập tối, khi căn lều đã nổi lửa nấu bữa chiều, và Hoa thì đang dỗ hai đứa trẻ, trong khi bà Nhàn hì hục thổi lửa với cặp mắt toét nhèm vì khói. Bỗng ngoài cửa lều xuất hiện bóng hai người đàn ông. Họ đứng ngây trong bóng chiều chạng vạng giữa bờ sông vo ve đàn muỗi đói. Đó chính là ông Bưởi và Tính, hai ông chồng bất hạnh.

Từ cửa lều nhô ra hai khuôn mặt nhàu nhĩ và nhem nhuốc do lâu ngày không được tắm rửa của bà Nhàn và Hoa. Bốn cặp mắt thảng thốt, đăm đắm không chớp nhìn nhau trong ánh hoàng hôn màu sẫm. Họ cứ đứng mãi như thế không ai biết nói gì.

Rồi cuối cùng, một giọng nói thốt lên, giọng nói nghẹn ngào của ông Bười:

-Trời ơi, cái thân làm tội đời đến nước này, có còn ra cái hồn người nữa không hả hai mẹ con…

Một tiếng khóc vờ òa, tiếng khóc chứa chất bao nhiêu tủi nhục và cay đắng của Hoa. Với thân hình gầy gò ốm yếu, cô từ trong lều lao ra, ôm chầm lấy Tính, khóc nức nở:

-Anh ơi, em thân làm tội chịu, giờ trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Anh có còn thương xót em nữa không? bố ơi, bố có còn thương mẹ con không hả bố…

Tranh thủ lúc hai người đàn ông đang lúng túng như gà mắc tóc, bà Nhàn quay lại nói vọng vào chiếc lều rách:

-Các con đâu rồi, ra lạy các bố đi con, lạy rồi các bố thương, sẽ cho các con về nhà…

Trong căn lều lập tức chui ra hai đứa trẻ ăn mặc rách rưới, mặt mũi bẩn thỉu và sàn sàn tuổi nhau, chúng quỳ xuống đất, vừa khóc vừa chắp tay cất giọng ngọng líu:

-Coong chào bố, Coong lạy bố, bố cho chúng coong về nhà ở với bố…

Trước tình cảnh nao lòng như vậy, ông Bưởi và Bính bỗng thấy cay sè nơi khóe mắt. Trước đây cứ nhắc đến hai đứa trẻ này là họ rất căm tức và thêm ghét hai bà vợ bạc tình. Chính chúng cũng là nguyên nhân khíến họ không muốn cho hai bà vợ quay về. Nhưng giờ đây nhìn thấy chúng quỳ lạy trên đất bẩn, gầy gò và ốm yếu, họ không thể cầm lòng được nữa. Trẻ thơ nào có tội tình gì…

Ông Bưởi quay mặt, lau vội giọt nước mắt vừa chảy ra trên gò má, rồi ngồi thụp xuống, kéo lên một đứa trẻ, không biết là con bà nào, nghẹn ngào:

-Thôi nào, thôi nào, đứng dậy đi con, đừng quỳ như vậy. Cũng đừng khóc nữa. Tội là ở người lớn, con nào có tội tình gì…

Noi gương bố, Bính cũng bế lên tay đứa còn lại, dỗ dành nó:

-Ừ, đừng khóc nữa con ạ, bố sẽ cho hai mẹ con về nhà với bố…

Nhưng Hoa vội vàng núi tay chồng lại:

-Anh ơi, nhầm rồi. đó là cậu Bòng đấy, còn đứa bố đang bế mới là con mình, nó tên là Bình. Em và mẹ đặt tên chúng theo tên của bố và của anh đấy…

Hai người đàn ông cười như mếu, đổi con cho nhau trong tiếng cười đã có phần vui vẻ của hai người đàn bà. Cuộc xum họp kỳ lạ có cả nụ cười và những giọt nước mắt bên túp lều rách ấy cứ kéo dài một lúc lâu. Rồi cuối cùng, cả đám người kéo nhau rời khỏi khu bờ đê tối tăm vắng vẻ. Trước mặt họ là khu trung tâm thành phố với ánh đèn sáng rực đang hắt ra từ những ngôi nhà ấm áp…

                                                                                     

 

Bạn đang đọc bài viết "Vì đâu nên nỗi…" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn