Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 9)

PGS TS Cao Văn Liên

03/11/2021 07:29

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

                

chuy-q1x-1635899256.png
Tranh minh họa : Ngô Xương Ngập được người trung nghĩa cưu mang, giúp đỡ. Nguồn: baophapluat.vn

                                                                                    

Kỳ 9.

- Rồi, cho lui ra.

- Dạ.

Ngô Xương Văn nói:

- Vương huynh ở nhà coi giữ Cổ Loa, đệ sẽ mang quân trừng phạt Đinh Bộ Lĩnh.

Ngô Xương Ngập nói:

- Phụ thân của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ, cũng là khai quốc công thần của triều Ngô thời Ngô TiênVương. Đinh Công Trứ từng là Thứ sử Hoan Châu, sao nay Đinh Bộ Lĩnh lại làm phản chứ?

Ngô Xương Văn đáp:

- Sau chiến thắng Bạch Đằng 938, Đinh Công Trứ vẫn được phong Thứ sử Hoan Châu. Không rõ thế nào mà hỏa hoạn đã thiêu cháy toàn bộ công đường, dinh thự, kho quân lương. Triều đình chưa kết tội thì Đinh Công Trứ lo buồn mà chết. Có lẽ vì thế nên triều đình không cho Đinh Bộ Lĩnh thế tập chức của cha dù chàng trai trẻ này có tài và rất giỏi chiến trận. Vì vậy, Đinh Bộ Lĩnh về quê không chức vụ tước vị, bất mãn mà chống nhà Ngô. Một năm trước, đệ định đem quân đánh dẹp. Khi đó Đinh Bộ Lĩnh còn yếu thế nên đem con là Đinh Liễn đến ở Cổ Loa làm con tin. Nay công khai chống lại triều đình hẳn là thế lực đã đủ mạnh rồi.

Ngô Xương Ngập nói:

- Chuyện chiến trận đánh dẹp thì ta cũng muốn tham gia, ta sẽ cùng đi với đệ.

Hai vua cử Đỗ Cảnh Thạc, Lã Tử Bình coi giữ Cổ Loa. Sau hai ngày chuẩn bị, hai vua cùng Dương Cát Lợi đem theo Đinh Liễn là trưởng nam của Đinh Bộ Lĩnh kéo 2 vạn quân đánh Hoa Lư. Khi đó binh lực của Đinh Bộ Lĩnh còn yếu nên không dám mang quân ra giao chiến với quân Ngô. Quân Hoa Lư cố thủ trong thành được tạo nên bởi những núi đá thiên nhiên cao sừng sững, chỗ cách nhau giữa các núi cũng được xây bằng đá kiên cố. Quân Ngô không thể tấn công thành được. Ngô Xương Ngập nói:

- Cha mẹ nào chả thương con và lo con chết, ta cứ cho treo thằng Đinh Liễn lên và nói nếu Đinh Bộ Lĩnh không hàng sẽ giết chết.

Rồi Ngô Xương Ngập ra lệnh:

- Bay đâu.

- Dạ.

- Trói Đinh Liễn, rút lên cây cao và chờ lệnh.

- Dạ.

Bốn người lính Ngô trói Đinh Liễn và rút lên cây cao rồi cho lính loa vào thành Hoa Lư:

- Nếu Đinh Bộ Lĩnh không đầu hàng, trưởng nam của ngươi sẽ bị bắn chết.

Đinh Bộ Lĩnh không ra đầu hàng, lại còn sai lính trên mặt thành nhằm Đinh Liễn bắn xuống như mưa. May không mũi tên nào trúng Đinh Liễn. Ngô Xương Văn nói:

- Người ta nói hổ dữ không ăn thịt con. Treo con nó lên dọa giết để nó run sợ mà đầu hàng, nay nó lại nhằm con nó mà bắn, lòng dạ quá ư tàn nhẫn. Thôi cho Đinh Liễn xuống.

Ngô Xương Ngập nói:

- Nó thách thức chúng ta đấy, cứ bắn chết Đinh Liễn đi.

Ngô Xương Văn nói:

- Đinh Liễn là con tin của triều đình. Nay hoàng huynh giết con tin thì anh hùng hào kiệt trong thiên hạ còn ai tin chúng ta nữa.

Ngô Xương Văn hạ lệnh thả Đinh Liễn xuống. Xuống đất, Đinh Liễn quỳ lạy và nói:

- Đa tạ hai Hoàng thượng tha mạng.

Ngay khi đó Ngô Xương Ngập tức giận bỏ đi.

Qua một tháng vây Hoa Lư, hai vua Ngô không đánh được Đinh Bộ Lĩnh đành kéo quân về Cổ Loa. Sau việc không giết được Đinh Liễn, Ngô Xương Ngập càng thấy rõ phải loại bỏ Ngô Xương Văn khỏi ngai vàng để dễ bề quyết định công việc theo ý muốn của mình.

Sau khi từ Hoa Lư về Cổ Loa vài ngày, một hôm hai vua Ngô thiết triều, Ngô Xương Ngập đề nghị tăng sưu thuế. Ngô Xương Văn phản đối. Đa số các đại thần đều phản bác ý kiến của Ngô Xương Ngập, ủng hộ ý kiến của Ngô Xương Văn. Sau thất bại ở triều đình, Ngô Xương Ngập triệu Lã Tử Bình đến tư dinh bàn riêng. Sau một lượt trà, Ngô Xương Ngập nói:

- Người ta đã nói, một nước không thể có hai vua, nay nhà Ngô ta hai vua cai trị một nước thật khó khăn cho ta khi quyết định mọi công việc. Ta muốn diệt tận cùng Dương Tam Kha, ở mặt trận Hoa Lư ta muốn giết Đinh Liễn khi chiêu hàng Đinh Bộ Lĩnh không được, nay ta muốn tăng sưu thuế để tăng chi tiêu cho hoàng gia, cho các đại thần. Tất cả Ngô Xương Văn đều không cho, kết quả Đinh Liễn đã trốn thoát về Hoa Lư. Còn tăng sưu thuế cũng bị Ngô Xương Văn và triều đình bác bỏ. Ta thật không thể chịu nổi. Khanh có kế gì trừ bỏ hoặc loại Nam Tấn Vương khỏi ngai vàng không?

Lã Tử Bình cũng đang có mưu xây mộng đế vương nên đáp:

- Tâu Hoàng thượng, một nước đúng là không thể có hai vua. Nhưng với Nam Tấn Vương, Hoàng thượng không thể giết được. Một là Nam Tấn Vương là người được lòng các anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, được lòng triều đình, do đó đã giữ được cục diện đất nước ổn định trong khi thế và lực nhà Ngô chưa thực sự vững mạnh, nếu giết đi sẽ gây chấn động lớn và thiên hạ sẽ đại loạn, Hoàng thượng cũng không thoát tội và sẽ bị cô lập. Bài học Kiều Công Tiễn chắc Hoàng thượng chưa quên. Vả lại chính Nam Tấn Vương là người giành lại ngai vàng, lại còn mời Hoàng thượng về cùng tham chính, nay giết đi thì Hoàng thượng là người bất nghĩa, bất nhân vô đạo, vô tình, sẽ càng bị cô lập trước gia đình và mọi thế lực.

Ngô Xương Ngập sốt ruột:

- Vậy đành bó tay sao? Ta không thể nuốt nổi sự ấm ức này.

Lã Tử Bình nói:

- Thần có một diệu kế, không cần làm gì cả mà khiến Nam Tấn Vương phải rời bỏ quyền lực.

Ngô Xương Ngập mừng rỡ:

- Kế gì, mói mau đi.

- Hoàng thượng cứ thiết triều mà không báo cho Nam Tấn Vương biết. Các tấu sớ Hoàng thượng cứ thu hết về và tự phê chuẩn không cần bàn bạc với Nam Tấn Vương. Cứ như vậy Nam Tấn Vương sẽ tự rút khỏi ngai vàng để một mình Hoàng thượng cai quản.

Ngô Xương Ngập nghi ngờ:

- Vì sao khanh biết Ngô Xương Văn sẽ rút lui khỏi ngai vàng?

Lã Tử Bình nói:

- Đã cai trị thì phải biết tính cách con người. Nam Tấn Vương là người dễ nhân nhượng, đặc biệt là với anh em.

Ngô Xương Ngập nói:

- Khanh nói đúng. Cứ làm như vậy đi.

Một tháng sau, Nam Tấn Vương nói với nội quan:

- Đã một tháng nay sao hoàng huynh không gọi ta thiết triều nghị sự?

Nội quan tâu:

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, Hoàng thượng Nam Sách Vương đã hai lần thiết triều rồi, sao không báo cho Hoàng thượng, lại còn thu hết tấu chương về tư dinh của ngài đó để phê duyệt.

- Thật vậy sao?

- Dạ, đúng vậy thưa Nam Tấn Vương.

Nam Tấn Vương biết Nam Sách Vương không muốn mình tham gia triều chính để cai trị đất nước một mình. Nam Tấn Vương vào thỉnh cầu Dương Thái hậu. Dương Thái hậu nói:

- Theo mẫu thân được biết, hiện nay các hào kiệt trong thiên hạ đang chuẩn bị lực lượng để tranh hùng tranh bá. Nếu họ biết hai con bất hòa, thậm chí xung đột thì đất nước sẽ lâm vào đại loạn. Thôi, con cứ cáo bệnh rồi về Dương Xá, Ái Châu, chuẩn bị lực lượng để nay mai đối phó với tình huống xấu nhất đối với triều đình Cổ Loa.

Ngô Xương Văn rập đầu:

- Văn Nhi xin tuân lời mẫu thân.

Rồi Ngô Xương Văn ra cáo thị lâm bệnh, rời Cổ Loa về quê ngoại Dương Xá, Ái Châu dưỡng bệnh. Đó là năm 952.

Từ đó Ngô Xương Ngập một mình làm vua chuyên quyền vô hạn độ, không coi triều đình và các đại thần ra gì, ra sức tăng sưu thuế buộc bách tính phải chịu đựng để bòn rút ăn chơi vô độ, sức khỏe ngày càng sa sút và năm 954 băng hà, thọ 30 tuổi, ở ngôi 5 năm.

(Còn nữa)

CVL

                                                                                      

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 9)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn