Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 8)

PGS TS Cao Văn Liên

02/11/2021 09:31

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

chuy-2vuaq-1635820061.jpg
Tranh minh họa:  Sau khi vua Ngô Quyền qua đời, giai đoạn từ năm 951-954, hai con của ông là Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập cùng làm vua nước Việt. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 8.

Dương Tam Kha rời Cổ Loa Loa được một ngày thì hôm sau, Thiên Sách Vương cho người về Dương Xá, Ái Châu đón Dương Thái hậu và các hoàng tử Ngô Càn Hưng, Ngô Nam Hưng ra kinh thành. Mẹ con anh em gặp nhau sau 5 năm xa cách. Thiên Sách Vương cũng cho người đón Dương Nhất Kha nhưng ông ưu phiền vì việc Dương Tam Kha soán ngôi của cháu, hơn nữa lại tuổi già nên đã tạ thế ở quê nhà Ái Châu. Hôm sau nữa, Thiên Sách Vương cho đón Ngô Xương Ngập, Phạm phu nhân và hai con trai của Nam Sách Vương là Ngô Xương Xí và Ngô Xương Tý ở Đằng Châu về Cổ Loa. Một tiệc rượu vui mừng ngày đoàn tụ của gia đình Dương Thái hậu được tổ chức linh đình ngay đêm đó.

Mười ngày sau chính biến khôi phục lại ngai vàng của họ Ngô, Thiên Sách Vương Ngô Xương Văn cho thiết triều. Hai hàng bá quan văn võ đầy đủ, trong đó có những khai quốc công thần thời Ngô Vương như là Đỗ Cảnh Thạc, Lã Tử Bình, Kiều Công Hãn, Dương Nhị Kha, Phạm Bạch Hổ, Ngô Nhật Khánh, Dương Cát Lợi, Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập và nhiều đại thần khác.

Ngô Xương Văn ngồi trên ngai vàng, chiếc ghế quyền lực cao nhất Nước Việt này cũng làm thời cuộc trải biết bao sóng gió, Tiền Ngô Vương đã ngồi được 6 năm, Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập ngồi được 1 năm, Dương Bình Vương ngồi được 5 năm. Ngồi cạnh là Thái hậu Dương Thị Như Ngọc. Mọi người quan sát thì thấy Thiên Sách Vương giống Ngô Tiên Vương nhiều hơn, khôi ngô tuấn tú, mắt phượng mày ngài nhưng không được tráng kiện hùng dũng như Tiên đế. Thiên Sách Vương nói:

- Như các ái khanh đã biết, Tiên Vương ta năm 938 đã đánh bại giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng làm chúng khiếp sợ muôn đời, đặt nền tảng cho nền độc lập của nước nhà và vương triều chính thống. Chẳng may Tiên Vương ta mệnh trời ngắn ngủi, năm 944 lâm chung đã di chiếu lại cho bác ta là Dương Tam Kha phải phò tá giúp đỡ vua mới là Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập. Nhưng bác ta đã soán ngai vàng, phế truất Nam Sách Vương khiến các đại thần, các anh hùng hào kiệt, bách tính trong thiên hạ không phục. Nay thuận theo mệnh trời, thuận theo bách tính, thuận theo lòng mong mỏi của triều đình, được sự giúp đỡ của hai đại thần trung nghĩa là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc, họ Ngô ta lại khôi phục được cơ nghiệp. Nay các đại thần và bách tính trong thiên hạ nghe khẩu dụ:

- Nay phục hồi lại ngôi vị nhà Ngô, ta lấy đế hiệu là Nam Tấn Vương. Phục hồi lại ngôi vị Hoàng Thái hậu cho Dương Quốc Mẫu. Truy phong ngôi vị Hoàng Thái phi cho Đại tướng Dương Phương Lan, cung phi của Tiên Ngô Vương. Thể theo nguyện vọng của Quốc Mẫu, nay khôi phục ngôi vị cho Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập, cùng làm vua với ta. Thời kỳ hai anh em chúng ta trị vì gọi là thời kỳ Hậu Ngô Vương.

- Nay trẫm phong cho các khai quốc công thần chức đại thần quân quốc trọng sự gồm Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn, Lã Tử Bình, Dương Cát Lợi, Phạm Bạch Hổ, Ngô Nhật Khánh. Ngoài chức năng quân sự, hành chính, các đại thần quân quốc trọng sự có nghĩa vụ ngồi bàn việc nước quan trọng với hai vua. Nay ban thực ấp cho các vị đại thần trong triều đình lớn thì 1000 hộ, nhỏ thì 500 hộ để có bổng lộc sinh sống mà làm việc cho nước nhà.

- Nay sắc phong Phạm Thị Ngọc Dung, phu nhân của Nam Sách Vương ngôi vị hoàng hậu. Sắc phong con trai của Nam Sách Vương và Phạm hoàng hậu là Ngô Xương Xí, Ngô Xương Tý là hoàng tử.

- Nay sắc phong Dương Nhị Kha là Bình Dương Công, truy phong Dương Nhất Kha là Dương Nhất Công, thực ấp 1000 hộ, con cháu đời đời hưởng phúc lộc

- Nay ban bố lệnh đại xá thiên hạ, miễn sưu thuế trong một năm.

Khâm thử.

Nam Tấn Vương và Nam Sách Vương năm thứ nhất 950”.

Quan nội chính đọc xong, bá quan văn võ quỳ xuống đồng thanh hô to:

- Chúng thần tuân chỉ, tạ ơn Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

- Chúng thần tạ Hoàng thái hậu

- Bãi triều.

Một buổi sáng, kinh đô Cổ Loa bắt đầu một ngày mới. Chợ búa đông người, ngựa xe đi lại ngược xuôi trên các làng thôn dã, trên các bờ sông. Dưới sông thuyền bè đi lại. Những lá cờ vàng bay trên thành Cổ Loa bay phấp phới theo gió. Trong cung điện sang trọng, Nam Tấn Vương và Nam Sách Vương đang bàn quốc sự. Sau một tuần trà, Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập nói:

- Nhờ hồng phúc của tổ tiên và của cha chúng ta, hai huynh đệ ta đã khôi phục lại được ngai vàng, nhưng huynh cảm thấy chưa an tâm khi còn tồn tại Dương Tam Kha. Thế lực ông ấy còn rất lớn ở Cổ Loa và ở Dương Xá, Ái Châu. Huynh cho rằng phải diệt Dương Tam Kha và sau đó phải diệt hết vây cánh của Dương Tam Kha đi.

Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn uống một ngụm trà rồi nói:

- Chúng ta không nên làm như vậy. Thứ nhất, vây cánh của Dương Tam Kha còn rất lớn ở Cổ Loa và Dương Xá, Ái Châu thì chúng ta càng không được đụng đến ông ta, đụng đến sẽ khơi dậy sự biến loạn rất lớn. Khi đó đệ và huynh chưa chắc đã giữ được mạng sống của mình chứ chưa nói đến việc giữ được ngai vàng.

- Thứ hai, thời kỳ 5 năm, ông ấy soán ngôi là vì chúng ta có khiếm khuyết trong việc cai trị đất nước. Ông ấy soán ngôi không vì lợi ích riêng tư mà muốn trực tiếp lo cho dân, cho nước.

- Thứ ba khi có quyền hành, ông ấy không tàn sát họ Ngô ta là vì nể tình bác cháu trong một nhà. Đệ trong tay ông ta nhưng ông ta không giết còn nhận làm nghĩa tử, cũng không truy sát Quốc mẫu và hai hoàng tử đệ…

Ngô Xương Ngập sầm mặt ngắt lời:

- Nhưng tại sao ông ta cứ ba lần bốn lượt về Đằng Giang truy sát huynh?

Ngô Xương Văn đáp:

- Theo chỗ đệ biết thì Dương Tam Kha ba lần tìm huynh không phải là bắt để giết mà tìm được về sẽ nuôi và rèn luyện hơn nữa cho huynh trưởng thành trong công việc trị nước về sau.

- Thứ nữa hiện nay, Dương Tam Kha rất say mê với sự nghiệp khai hoang mở đất, giúp cho cư dân vô gia cư nghề nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp, đem lại đời sống no ấm cho hạng vạn hộ ở Chương Dương, ở Giao Thủy và ở Tam Lỗ, Ái Châu.

- Thứ nữa bây giờ mà ra tay với Dương Tam Kha thì diễn ra cuộc tàn sát nội bộ gia đình và dù có giết được Dương Tam Kha ta sẽ ăn nói thế nào với mẫu thân, với Dương Nhị Thúc và với các cháu.

Ngô Xương Ngập đuối lý nhưng vẫn không chấp nhận nhưng lời giải thích của Ngô Xương Văn. Nam Sách Vương vốn đã không thích gì việc cùng chia sẻ quyền lực với Nam Tấn Vương, suy nghĩ đáng lý giành lại được ngai vàng thì phải trả lại cho Nam Sách Vương, vì ngai vàng vốn là Tiên Vương để lại cho mình. Chẳng qua là bước đầu được Ngô Xương Văn mời về cùng nắm quyền, Ngô Xương Ngập đành phải nín chịu một thời gian. Việc Ngô Xương Văn bác bỏ ý định tiêu diệt Dương Tam Kha của Ngô Xương Ngập càng làm cho mâu thuẫn giữa hai anh em thêm sâu sắc. Ngô Xương Ngập nghĩ sẽ tìm mọi cách tiến tới một mình nắm quyền thì mới thỏa sức quyết định mọi công việc theo ý muốn chuyên quyền độc đoán của mình.

Ngô Xương Ngập lại nói:

- Ta nghĩ là bây giờ ta đã nắm quyền rồi, là vua của thiên hạ rồi, phải sống cho ra vẻ vương giả một chút. Cuộc sống hiện nay của huynh đệ ta không khác cuộc sống của một hào trưởng nghèo khó.

- Ý huynh là thế nào?

- Ý ta là bỏ dần những chính sách thuế má nhẹ nhàng từ thời Khúc Hạo, thời ông ngoại Dương Đình Nghệ và thời Ngô Tiên Vương. Chúng ta phải tăng sưu thuế lên gấp bội để tăng tiền bạc của triều đình, nâng cao cuộc sống của hoàng gia, của huynh và đệ, xứng với tầm là vua một nước.

Nam Tấn Vương đáp:

- Không được, tuyệt đối không được, dân ta vốn 1000 năm Bắc thuộc đã chịu không biết bao nhiêu sưu cao thuế nặng, cống nạp, lại còn phu phen tạp dịch, đời sống vô cùng cực khổ đói nghèo. Vì vậy, bách tính vô cùng căm thù nền thống trị của ngoại bang nên đã đứng dậy theo các bậc tiền bối Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ và Tiền Ngô Vương đấu tranh giành độc lập cho nước nhà. Không có sức mạnh của bách tính thì làm sao các vị tiền bối thành công được. Cho nên giảm sưu thuế, phu phen tạp dịch, phát triển kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp là chính sách nền tảng của một triều đại, làm cho dân yên vui no ấm để họ ủng hộ triều đại. Nay tăng sưu thuế là phản bội lại ông cha, là tuyên chiến với bách tính. Huynh không nghe câu “Quan bức dân phản” à?

Ngô Xương Ngập tức giận đập tay xuống bàn, ấm chén rung lên trào nước tràn lai láng ra bàn:

- Thế này không được, thế kia cũng không được. Đệ có còn coi ta là vua nữa không?

Ngô Xương Văn đang định đáp lại thì nội quan bước vào:

- Dạ bẩm Nam Tấn Vương và Nam Sách Vương.

- Có việc gì vây?

- Có thám mã từ Hoa Lư về báo.

- Cho vào.

- Dạ.

Thám mã vào thi lễ và nói:

- Dạ bẩm Hoàng thượng Nam Tấn vương và Nam Sách Vương, Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, Vô Công, Ái Châu tập trung quân kiên quyết làm phản, không vào chầu như yêu cầu của hai Hoàng thượng và tuyên bố không phụ thuộc vào triều đình Cổ Loa nữa ạ.

(Còn nữa)

CVL

                                                                                          

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 8)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn