Con trai người đồng đội

Kiều Vĩnh Lộc

10/02/2022 10:57

Theo dõi trên

Đầu năm Nhâm Dần này, tôi buông bỏ một lời thề để kể cho các bạn nghe một câu chuyện. Biết rằng, lời thề là rất thiêng liêng, hơn nữa anh ấy lại đã hy sinh ở chiến trường.

Đọc hết câu chuyện, các bạn hãy phán xét xem việc làm của tôi nên hay không nên. Nhân vật nữ chính trong câu chuyện, ở ngoài đời cũng có những ý kiến trái chiều, kẻ thì dèm pha, nhiều người cảm thông, thương quý. Các bạn xem đến phần kết hãy có đánh giá của riêng mình. Xin lưu ý rằng: câu chuyện sảy ra trong thời kỳ cả nước có chiến tranh … Năm mới, chúc các bạn thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

dong-doi-1644465569.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 1/1973, đơn vị tôi nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền nam, khi hành quân đến khu vực tỉnh Thanh Hóa, đơn vị được nghỉ lại 3 ngày, 3 đêm để nhận bổ xung thêm vũ khí, quân trang và lương thực…Đại đội tôi nghỉ trong nhà dân, cạnh con sông đào nhà Lê. Tôi là tiểu đội trưởng ở nhà bà Tâm, còn tổ 3 người của Thắng ở nhà bà Tính, ngay sát bên cạnh ( Bà Tâm là chị gái bà Tính). Bà Tính có anh con trai tên là Thông, là bộ đội đang làm nhiệm vụ ở xa, ở nhà chỉ còn bà với cô con dâu tên là Nụ. Chị Nụ xinh và đảm đang, được mẹ chồng và bác Tâm rất thương quý. Thời kỳ còn chiến tranh, đi đến đâu trong làng, trong xóm chỉ thấy toàn nguời già, phụ nữ và con gái. Con trai phần lớn đi làm nhiệm vụ ở các chiến trường. Cậu Thắng to cao, tính tình hiền lành, chịu khó. Ở nhà bà Tính có mấy ngày mà cậu ấy cũng sửa giúp bà được cái cánh cửa, trồng mấy cây chuối ở ngoài vườn nên bà Tính và chị Nụ rất có cảm tình. Mọi người bảo Thắng có khuôn mặt nhang nhác giống anh Thông chồng chị Nụ.

Đơn vị bắt đầu hành quân đi đến Bố Trạch, Quảng Bình thì nghỉ lại, hôm sau chuyển lên phà, ngược dòng sông Gianh, tớikhu vực Cự Nẫm (Bố Trạch) chuyển lên bờ, bắt đầu hành quân bộ. Sau gần hai tháng vượt Trường Sơn, ngày 16/3 chúng tôi đi đến trạm 79 ở Nam Lào, được lệnh nghỉ lại chờ thông đường, chờ xuồng máy để xuôi dòng sông Sê Koong đi vào mặt trận phía nam, qua đất Căm Pu Chia. Đơn vị nghỉ lại ở đây đến gần một tháng...

Một hôm, Thắng mang võng đến mắc nằm bên cạnh tôi, hai anh em tâm sự với nhau đủ chuyện. Thắng đưa cho tôi một tấm ảnh cậu ấy chụp ở Cầu Ca (nơi huấn luyện tân binh), mặt sau tấm ảnh ghi rõ tên và địa chỉ của mẹ Thắng. Thắng bảo: “ tấm ảnh em chụp chưa kịp gửi về cho mẹ thì đơn vị hành quân đi. Hôm ở Thanh Hóa em nhờ chị Nụ gửi về cho mẹ, nhưng lúc đưa ảnh em lại đưa nhầm cái không ghi điạ chỉ. Em gửi anh cái ảnh này, nếu còn sống mà được về miền bắc trước, anh đến thăm và chuyển cho mẹ giúp em nhé”. Thắng nói tiếp: nhà em còn anh trai cả nhưng bị bệnh tim nặng lắm, không lấy vợ được. Chị gái đã đi lấy chồng. Khi em nhận lệnh nhập ngũ, mẹ muốn em làm đám cưới với cô gái ở làng, hy vọng có đứa cháu cho bà bế nhưng em không đồng ý. Mình vào chiến trường, biết sống chết thế nào, cưới vợ rồi để người ta chờ đợi, khổ người ta lắm phải không anh?

Bỗng dưng Thắng hỏi:

- Anh Lôc, liệu em có con không nhỉ?

- Mẹ bảo cưới vợ thì không cưới, sao nay lại hỏi liệu có con không?

- Để em kể cho anh nghe chuyện này, anh phải thề: “sống để bụng, chết mang theo” thì em mới nói.

- Anh xin thề, cậu nói đi.

Thắng kể: Chiều hôm trước ngày đơn vị mình hành quân đi, bà Tính với chị Nụ nhờ em sửa giúp cái dát giường ở trong buồng. Bà bảo: “mọi khi hai mẹ con nằm thì không sao, đêm hôm qua thằng Thông (chồng chị Nụ) về qua nhà được một lúc, làm xộc xệch cả cái dát giường”. Em lật chiếu lên xem, dát giường còn tốt, chỉ kê lại mấy cái thang giường thôi. Em làm xong đi ra, hai cậu ở cùng đi chơi chưa về, bà Tính đưa cho em 2 quả trứng gà luộc, bà bảo cháu ăn đi rồi bà nói tiếp: “Tối nay, chị Nụ có việc nhờ cháu, cháu cố gắng giúp chị nhé”. Khoảng 8 giờ tối hôm đó, lúc 2 cậu kia đi gác, bà Tính nói: các cháu đi gác đi, bà cũng sang bên bà Tâm có chút việc, Thắng ở nhà, chị Nụ nhờ việc gì cháu cố gắng giúp nhé. Bà Tính đi rồi, chị Nụ bước vào trong buồng rồi gọi với ra: “Thắng ơi, vào đây chị nhờ chút việc ”. Em bước vào, chị Nụ bảo: “em ngồi xuống đi ”. Ngồi cạnh chị Nụ, em thấy tối nay chị có vẻ lúng túng làm sao ấy.

- Chị bảo gì em ạ ?

- Thắng à, tối hôm qua anh Thông nhà chị tạt qua nhà được một lúc, chả biết có chắc ăn không? Lần này, anh ấy vào chiến trường xa, không biết sống chết thế nào. Mẹ bảo chị nhờ em bổ xung cho chắc ăn, chị phải có thai đúng tại thời điểm này, em giúp chị nhé.

- Ôi, không được đâu chị, em chưa có vợ, em không biết làm chuyện ấy đâu!

- Được mà em, anh ấy vừa ở với chị đêm hôm qua, em vừa khỏe mạnh lại có khuôn mặt với tính cách na ná như anh Thông, chỉ có em giúp chị là hợp nhất. Mẹ chồng chị đã nói với em rồi, giúp chị đi em ơi.

Nói xong chị sụt sịt khóc, cứ nói em cố giúp cho chị. Em thấy thương chị ấy quá. Rồi việc gì đến cũng đã đến. Xong việc, chị Nụ nói: “lần này chắc được rồi, chị cảm ơn em nhiều lắm”…

Ngày 11/4 đơn vị bắt đầu hành quân đi tiếp. Đến ngày 1/9/1973 thì về tới căn cứ của d3.E4 QK miền đông nam bộ. Tôi được trung đoàn giao làm T/L Quân Lực tiểu đoàn 3, còn Thắng về trung đội thông tin. Chúng tôi vẫn được ở gần nhau.

Thời kỳ này, tuy đã có hiệp định ngừng bắn nhưng chiến sự vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng ác liệt. Thời gian cứ cuốn theo diễn biến của cuộc chiến.

Tháng 11/1974, đơn vị tôi tham gia đánh địch ở căn cứ Hoài Đức (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận). Đây là một cứ điểm lớn của quân ngụy. Trận chiến vô cùng ác liệt, quân ta bị tổn thất khá nhiều. Gần trưa ngày 4/12/1974, một chiến sĩ thông tin chạy đến báo cho tôi biết: Thắng bị thương rất nặng. Tôi chạy ngay tới chỗ bộ phận quân y đang sơ cứu vết thương cho Thắng. Nhìn thấy bác sỹ lắc đầu, tôi cảm nhận được ngay là chuyện chẳng lành rồi. Tôi quàng tay ôm qua người, nói vào tai Thắng: “cố lên em nhé”. Thắng thì thào nói với tôi: “anh nhớ lên thăm mẹ em…giá mà em có đứa con để lại cho mẹ”. Thắng đã trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi!

Giữa năm 1976 được về nghỉ phép, tôi tìm đến nhà Thắng ở một huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Gia đình Thắng đã nhận được giấy báo tử, có bằng Tổ Quốc ghi công. Tôi đặt lên bàn thờ ảnh của Thắng (ảnh này tôi chụp lại cái ảnh Thắng gửi tôi rồi phóng to, để trong khung ảnh). Tôi đến thăm, mẹ và anh trai Thắng mừng lắm. Theo thông tin tôi chỉ dẫn, gia đình Thắng sau đó đã vào nghĩa trang huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đưa được hài cốt của Thắng về nghĩa trang liệt sĩ của xã nhà.

Công việc cứ cuốn trôi đi, mãi tới năm 2005 tôi mới lại đến thăm gia đình Thắng được. Thấy cảnh nhà trống vắng quá, tôi cất tiếng gọi, mẹ Thắng ra mở cửa. Cụ vẫn nhận ra tôi. Con trai cả của Cụ đã qua đời vì bệnh tim hơn chục năm nay rồi. Cô con gái lấy chồng ở xã bên thỉnh thoảng chạy qua chạy lại để thăm mẹ. Trong câu chuyện, mẹ Thắng cứ phàn nàn: “Dạo đó , nếu nó nghe lời tôi cưới vợ trước khi nhập ngũ, thì bây giờ tôi đã có thể có đứa cháu, không phải sống cô đơn thế này”. Nghe bà cụ nói vậy, tôi chợt nhớ tới câu chuyện Thắng kể, khi đơn vị dừng chân ở Thanh Hóa. Biết đâu, biết đâu đấy, cậu Thắng lại có con ở Thanh Hóa thật?

Tháng 7 năm 2005, tôi đi nghỉ dưỡng thương binh theo giấy mời của phòng LĐTBXH quận Hoàn Kiếm, nghỉ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Tại đây, tôi hỏi chuyện một cháu gái phục vụ ở nhà ăn khu điều dưỡng về vùng quê mà đơn vị tôi đã nghỉ lại mấy ngày tháng 1/1973. Cháu gái rất vui tính, cháu hỏi lại tôi:

- Hồi đó Bác ở nhà ai, Bác có nhớ không?

- Bác ở nhà bà Tâm, cạnh nhà bà Tính ấy.

- Ủa, bà Tính là bà nội cháu đấy

- Thế cháu là con bố Thông, mẹ Nụ à

- Vâng ạ.

- Thế cháu có mấy anh em

- Cháu có 3 anh em, anh trai cả sinh tháng 10/1973 tên là Lợi; anh hai sinh tháng 12/1977 tên là Hòa; còn cháu sinh năm 1981, cháu tên là Bình ạ.

Tôi lẩm nhẩm trong miệng: Thắng - Lợi - Hòa - Bình. Tôi đã nuôi hy vọng: Lợi có thể là con của Thắng?

Tôi xin phép trưởng đoàn nghỉ dưỡng mấy hôm, đi giải quyết việc riêng. Ngay trưa hôm đó, theo chỉ dẫn của cháu gái tôi đi xe ôm đến nhà bà Tâm.

Tại nhà bà Tâm, tôi chủ động nói lại câu chuyện mà Thắng kể cho tôi nghe. Tôi hỏi bà Tâm:

- Sao ngày đó, bà Tính và chị Nụ lại nhờ cậu Thắng làm việc ấy?

- Việc này là do tôi bày cho bà Tính đấy. Có thể các anh không hiểu đâu. Khi người chồng vào chiến trường, sống chết không biết thế nào, việc có một đứa con để lại là mong ước cháy bỏng của người mẹ, người vợ anh ạ.

- Thế nếu anh Thông biết thì làm sao?

- Thằng Thông trước đây đã mấy lần được về qua nhà trong chốc lát, vợ chồng nó ở bên nhau mà có kết quả gì đâu. Khi các anh đang ở đây, nó về được hơn một giờ, nó bảo lần này đơn vị hành quân vào sâu trong chiến trường miền nam. Nó đi rồi, tôi với bà Tính bàn cách làm sao cho chắc ăn. May quá, đợt quân này ở đây có cậu Thắng vừa có khuôn mặt, dáng dấp rồi cả tính cách nữa giống chồng cái Nụ lắm. Thế là chúng tôi tìm cách để nhờ cậu Thắng giúp”. Việc này, tôi với bà Tính phải thuyết phục mãi cái Nụ nó mới chịu nghe theo đấy.

Bà Tâm nói tiếp: cuối năm 1975 thằng Thông ra bắc nghỉ phép. Cái Nụ là đứa thật thà, nó đã kể hết chuyện cho chồng nó biết. Thằng Thông sống rất tình cảm, rất có hiếu, thương mẹ, thương vợ, thương con. Nó bảo: “đứa bé do vợ nó đẻ ra, là con của nó, phải chăm sóc, nuôi dạy tử tế, nên người”. Năm 1976, Thông được về phục viên. Một năm sau vợ Thông sinh con trai, mấy năm sau nữa sinh thêm con gái. Vợ chồng nó sống hòa thuận lắm. Thông vẫn coi cháu Lợi là con đẻ của mình, cháu được nuôi, dạy chu đáo, học hành tốt. Bây giờ Lợi đã là thượng úy quân đội, công tác tại tỉnh đội, vợ nó là giáo viên THCS, dạy học ở thị trấn huyện, vợ chồng cháu Lợi đã sinh được một con trai, một con gái.

Tôi nói chuyện với bà Tâm, bà Tính và vợ chồng anh Thông, chị Nụ về việc Thắng đã anh dũng hy sinh ở chiến trường. Chuyện về mẹ và hoàn cảnh gia đình Thắng. Khi nhắc lại câu cuối cùng Thắng nói với tôi: “ giá mà em có đứa con để lại cho mẹ”, tôi thấy mọi người rất xúc động, đều rớm rớm nước mắt. Nhìn lên tấm ảnh cưới của vợ chồng cháu Lợi, tôi cố tình nói to cho mọi người nghe thấy: “Ôi, nhìn ảnh cháu Lợi trông giống cậu Thắng quá”.

Buổi chiều hôm đó tôi với Thông nói chuyện với nhau rất nhiều. Thông bảo: “em biết Lợi không phải là con ruột của em, dân làng họ cũng có câu ra, câu vào nhưng em không nặng nề về chuyện này đâu. Con do vợ em sinh ra, em cũng thương quý và nuôi dạy tử tế nên người. Thắng là đồng đội của chúng ta đã hy sinh, chúng ta không thể làm ngơ trước hoàn cảnh gia đình liệt sĩ. Em biết anh có ý kết nối gia đình em với gia đình Thắng, ta sẽ cùng bàn xem làm sao cho thuận”.

Tôi nói: “ Trước tiên phải xác định chắc chắn: Lợi có phải là con Thắng không? làm kín, chưa cho vợ chồng cháu Lợi biết. Cần lấy mẫu tóc, móng tay của Lợi để tôi đưa về Hà Nội làm xét nghiệm AND với người thân của Thắng. Anh Thông cũng trực tiếp làm xét nghiệm AND với mẫu của cháu Lợi”.

Kết quả xét nghiệm AND: cháu Lợi có cùng huyết thống với Thắng. Trong khi kết quả xét nghiệm AND với anh Thông ghi rõ: cháu Lợi không cùng huyết thống với anh Thông. Như vậy cháu Lợi chính xác là con của Thắng. Sự việc đã rõ ràng, bà Tâm nói: “ tôi và bà Tính sẽ nói rõ sự việc với anh Thông. Thông rất hiền lành, là người con có hiếu, rất thương mẹ, thương vợ, thương con, tin rằng anh Thông sẽ hiểu, sẽ nghĩ đến Thắng – người đồng đội đã hy sinh ở chiến trường, sẽ nghĩ đến tình cảnh của mẹ Thắng hiện nay, để có cách ứng sử phù hợp”.

Hai bà cụ và vợ chồng Thông - Nụ đã đồng thuận theo ý đề nghị của tôi: Nói rõ sự việc cho cháu Lợi biết. Tôi tin, cháu Lợi sẽ hiểu được câu chuyện. Nếu cháu đồng thuận thì để vợ chồng cháu Lợi về Hà Tây ở với bà nội cháu. Tôi sẽ đưa cháu Lợi về gặp mẹ Thắng. Mọi việc ổn thỏa thì sẽ làm việc với sở tư pháp về việc xin đổi họ cho cháu Lợi sang mang họ của Thắng (việc này rất phức tạp, chắc mất nhiều thời gian, cần nhờ tới luật sư). Tôi sẽ nhờ anh bạn trước ở cùng trung đoàn, thời điểm đó (2005) là thiếu tướng, làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Quốc Phòng lo việc chuyển Lợi về công tác ở tỉnh Hà Tây, xin cho vợ Lợi về dạy học ở quê Thắng.

Hôm tôi đưa cháu Lợi về Hà Tây. Hai bác cháu vào đến trong sân, tôi gọi:

- Bà ơi, bà ra xem cháu đưa ai về thăm bà đây này.

Nghe tiếng gọi, bà cụ ở trong nhà đi ra đến cửa, nhìn thấy cháu Lợi thì đứng xững người lại (Lợi giống bố Thắng lắm), rồi bà chạy ào ra ôm lấy Lợi, tay đấm thùm thụp vào lưng Lợi, bà nói trong nước mắt: “ Mẹ cha mày, mẹ cha mày, sao bây giờ mới về hả con, mẹ đã khóc con đến cạn khô nước mắt”. Rồi, như chợt nhớ ra điều gì, bà cụ vén tóc ở cạnh tai Lợi, miệng lẩm bẩm: “sao không thấy cái bớt”. Bà nhìn lên ảnh của Thắng trên ban thờ rồi nhìn sang tôi nói:

- Em Thắng nó đã hy sinh, chính bác đã chỉ chỗ để gia đình vào miền nam đưa hài cốt nó về nghĩa trang ở xã rồi cơ mà?

- Vâng, chú Thắng đã hy sinh, còn đây là cháu Lợi – con trai của Thắng, cháu nội của bà đấy.

- Bác nói sao, thằng Thắng nó có vợ đâu mà có con.

- Chuyện dài lắm, lát nữa cháu sẽ thưa chuyện với bà. Bây giờ bà để cháu Lợi vào thắp nén hương trên bàn thờ bố cháu đã.

- Cháu chào bà nội, cháu xin phép bà vào thắp hương trong bàn thờ bố cháu (Lợi nói).

- Ừ, để bà đưa cháu đi nào.

Bà cụ cầm tay Lợi đi vào nhà. Nhìn hình ảnh này, tôi xúc động vô cùng. Đi theo sau mà nước mắt cứ chảy ra. Khi thắp nén hương trên bàn thờ Thắng, tôi lẩm nhẩm nói: “Thắng ơi, đúng là em đã có con trai, mẹ cháu đặt tên cháu là Lợi, Thắng - Lợi mà. Hôm nay, anh đưa cháu Lợi về gặp mẹ em. Rồi anh sẽ xin chuyển cho vợ con cháu Lợi cùng về Hà Tây ở với bà”.

Trước khi vợ chồng cháu Lợi chuyển về Hà Tây ở với bà nội cháu, vợ chồng anh chị Thông – Nụ cũng đã đến thăm bà và gia đình. Anh Thông nói với mẹ Thắng:

- Thưa bác, em Thắng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, bảo vệ hòa bình để có cuộc sống hôm nay. Cháu Lợi là cháu nội của bác. Từ nay, xin phép bác cho vợ chồng con được gọi bác là mẹ. Chúng con và vợ chồng cháu Lợi sẽ thay Thắng chăm lo, phụng dượng tuổi già của Mẹ.

- Mẹ cảm ơn các con, các cháu rất nhiều (bà cụ nói nghẹn ngào trong nước mắt).

Đầu năm Nhâm Dần vừa qua, vì phòng tránh dịch covid, Lợi không đưa vợ con ra Hà Nội như mọi khi. Cháu gọi điện chúc tết vợ chồng tôi, cháu Lợi bấm máy để bà nội cháu nói chuyện với tôi. Nhìn thấy bà cụ khỏe mạnh, da dẻ săn chắc, vui vẻ. Tôi chào và chúc tết bà cụ:

- Vợ chồng cháu chúc bà luôn dồi dào sức khỏe, sống an vui bên các con, các cháu và trường thọ ạ.

- Vâng, tôi cảm ơn bác. Tôi phải sống lâu, sống khỏe chứ. Bây giờ tôi đã có cháu, có chắt, lại có thêm hai người con ở Thanh Hóa, năm nào cũng ra thăm, tôi vui lắm bác ạ.

Nghe lời tâm sự chân tình của bà cụ, tôi lại nhớ đến Thắng. Thế là tôi đã không giữ lời thề: “sống để bụng, chết mang theo” như đã nói với Thắng trước đây. Bởi chính Thắng đã từng nói: “ giá mà em có đứa con để lại cho mẹ”. Khi biết Thắng đã có con thật, tôi có bổn phận phải nói ra sự thật, phải đưa con của người đồng đội đã hy sinh về với mẹ của anh. Tôi cảm thấy an vui khi làm việc này và luôn cầu chúc cho gia đình Thắng mọi điều tốt đẹp, an lành.

Chúc các bạn năm mới thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và bình an.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Con trai người đồng đội" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn