Cuộc đời nhà tình báo, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc - Giáo sư "lập dị" (Chương 4)

Phạm Quang Đẩu – NXBCAND

03/01/2022 23:16

Theo dõi trên

Mới ngày nào ra đi tay không, nay trở về với mấy va ly lèn cứng sách vở, mười năm vèo trôi như cái chớp mắt của lịch sử!

Ngày trước sang Paris trên chiếc máy bay hành khách cổ lỗ Skymaster phải mất ba ngày do trên đường dừng nhiều chặng tiếp nhiên liệu, nay trở về từ phi trường Orly trên chiếc Constellation cũng của Air France chỉ mất 20 giờ. Phương tiện vận chuyển đã hiện đại hơn nhiều. Bộ mặt thủ đô của chế độ Việt Nam Cộng hòa thì vẫn chẳng mấy khác. Ngoại trừ một số cao ốc kiểu Mỹ mới mọc lên ở khu trung tâm phô diễn sự tân kỳ, hào nhoáng của nền văn minh vật chất phương Tây, nhà cửa Sài Gòn vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc nặng nề, trầm mặc kiểu Pháp, cùng các khu ổ chuột mọc lên như nấm xung quanh các kinh rạch hay vùng ngoại thành, tất cả đều chen chúc, lộn xộn, bụi bặm, đường xá thì chật chội, bong tróc.

gs-ngoc-1641226524.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Qua cuộc trao đổi với ông “Tùy viên thương mại”, cùng với việc tổng hợp, phân tích tình hình trong nước, quốc tế qua đài báo, tôi hiểu chính trường Nam Việt Nam giờ đây đã thay đổi rất nhiều và sẽ còn những biến chuyển theo chiều hướng mau lẹ, bất ngờ.

Hiệu ứng Domino: một con bài đổ sẽ lần lượt đổ hết. Thập niên 60 của thế kỷ XX, thời kỳ đỉnh điểm của thuyết Domino, phe diều hâu trong chính giới Mỹ đều tin vào thuyết này. Theo thăm dò du luận của Viện Harris tháng 2-1965, đại đa số 78% số người được hỏi cho rằng nếu Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam khiến cả Đông Nam Á sẽ rơi vào tay Cộng sản, chỉ có 10% là không tin. Từ đây đẻ ra lý thuyết về “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Lý thuyết xác định rằng, khi các hoạt động lật đổ ở nước đối phương phát triển đến mức độ cao và “lực lượng lật đổ” đã có những đơn vị chủ lực mạnh thì phải dùng đến sức mạnh quân sự của Mỹ can thiệp dù ở mức độ hạn chế, nhất định sẽ đè bẹp được đối phương trong thời gian ngắn nhất. Năm 1966, năm tôi về nước cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ đang lúc cao trào với trên nửa triệu quân Mỹ và chư hầu có mặt tại Nam Việt Nam. Trong khi ngụy quyền lại bị suy yếu hơn bất cứ lúc nào. Nội bộ mâu thuẫn gay gắt, từ khi Tổng thống họ Ngô bị giết vào đầu tháng 11-1963, đến giữa năm 1965 đã diễn ra 14 cuộc đảo chính và phản đảo chính giữa các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn. Tinh thần quân lính phục vụ nền Đệ nhị Cộng hòa ngày càng rệu rã. Theo hãng tin Mỹ UPI trong hai năm 1963-1964 đã có tới 16 vạn quân đào ngũ, riêng sáu tháng đầu năm 1965 đã có thêm 87 ngàn binh sĩ nữa bỏ ngũ. Chính John A.Mc Cone, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã phải ngậm ngùi đưa ra dự báo cho số phận cái lý thuyết “Chiến tranh cục bộ” mà chính giới Mỹ đã có nhiều kỳ vọng:

- Chúng ta sẽ bị sa lầy trong cuộc chiến đấu ở rừng rậm, với một cố gắng quân sự mà ta không thể giành thắng lợi được và cũng rất khó lòng rút ra được.

Trong vòng 20 tháng của các năm 1964-1965 chế độ Sài Gòn đã xảy ra nhiều biến cố chính trị. Tướng Nguyễn Khánh hết “chỉnh lý”, “tam đầu chế” đến “Hiến chương Vũng Tầu”; các cuộc đảo chính hụt diễn ra sau đó; Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ nắm ủy ban Lãnh đạo quốc gia, gạt bỏ Chính phủ dân sự Phan Huy Quát. Khi tôi về gặp lại ông ở nhà riêng, ông đang tâm trạng buồn bã thất vọng, đã ngồi chơi xơi nước được hơn một năm rồi, mới gần 60 tuổi nom gày xọp, bạc nhược. Ông chú rể của vợ tôi bảo:

- Lũ lính tẩy ấy còn ngồi trên thì mình khó mà ngóc đầu lên được, cháu ạ. Họ là tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, tỉnh trưởng, cả quận trưởng, xã trưởng. Bây giờ Nam Việt Nam chỉ còn một đảng chính trị duy nhất tồn tại là đảng áo Ka ki thôi.

Đen như ông Đặng Văn Sung một lãnh tụ Đại Việt kỳ cựu rất kiệm lời, mới đây trong cuộc chiêu đãi tại nhà hàng Continental cũng cay cú nói rằng:

- Có ích tước gì mà đi lập đảng phái chính trị, đảng Quân đội thống trị hết trọi rồi!

Ban đầu chú được sự ủng hộ mạnh của Phật giáo, báo chí Mỹ còn bảo chú là người của Phật giáo. Thực ra chú chỉ thân thôi chứ đâu theo giáo phái ấy, vả lại chú cũng ghét Công giáo, nhất là tổ chức Công giáo đấu tranh của linh mục Hoàng Quỳnh. Ngay Đại sứ Mỹ, tướng Taylor cũng muốn chú cầm đầu chính phủ dân sự, đưa các tướng lãnh trở về nhiệm vụ chính chống sự xâm lăng của Cộng sản, chứ không bỏ bê việc chiến đấu mà lao vào các cuộc đảo chánh như mấy năm qua. Vậy là được “nhân hòa” rồi chớ. Nhưng lại không có cái quan trọng nhất “thiên thời”, thiếu cái đó dẫu Lưu Bị được Phượng Long, Phượng sồ phò tá vẫn không thể khôi phục được cơ nghiệp nhà Hán. Cái số chú lận đận, làm Thượng thư thì được, hễ mon men đến Tể tướng, không bị hớt tay trên thì ngồi chưa ấm chỗ cũng bị nó lật.

Tôi hiểu những ẩn ức trong con người máu me làm chính trị ấy. Hồi năm 1953-1954 còn Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại, đảng Đại Việt đưa ông ta ra tranh cử chức thủ tướng với Ngô Đình Diệm, đối thủ cáo già bày trò hề “trưng cầu dân ý” gạt ông không thương tiếc; gần đây khi chính phủ dân sự Trần Văn Hương bị đổ, Nguyễn Khánh đưa ông lên ghế thủ tướng được đúng 5 tháng thì bị Thiệu-Kỳ phế. Tôi chỉ còn biết nói vài câu xã giao gọi là an ủi ông chú rể. Ông cũng hỏi thăm tình hình của mẹ con Nguyệt Tỉnh và dặn tôi, nếu việc đầu đơn vào Viện Đại học Sài Gòn khó khăn thì bảo ông, ông sẽ nói với giáo sư Nguyễn Quang Trình một câu thể nào cũng phải nể, vì ông ấy vốn Bộ truởng Giáo dục, vừa rồi là thành viên trong nội các của ông. Tôi cảm ơn, nói rằng đã gặp ông tân Giám đốc Viện giáo su Lê Văn Thơi, mọi việc chắc không gặp trở ngại gì vì Viện này đang rất cần các nhà nghiên cứu có bằng cấp từ ngoại quốc về. Tôi hỏi thăm Phan Huy Luơng, vẻ mặt ông đã bớt rầu rĩ, nói đuờng binh nghiệp của chú em như diều gặp gió, thăng tiến nhanh đến không ngờ. Trong vòng muời năm khi học xong truờng sĩ quan trù bị Thủ Đức đã từ trung úy lên đại tá, nay đang là Tham muu trưởng Biệt khu Thủ đô, dưới trướng của Đô đốc Chung Tấn Cang. Quả anh ta là niềm hy vọng, tự hào của dòng họ Phan Huy.

Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn nơi tôi được nhận làm giáo sư biên chế vào ban Toán nằm trên đường Cộng Hòa, Quận 5, đây là cơ sở mới được xây dựng chuyển từ 125 đường Bonard về. Ngày ấy giáo sư Nguyễn Quang Trình dạy tôi về môn Hóa đại cương; còn giáo sư Phạm Tỉnh Quát dạy môn toán. Giáo sư Trình ham làm chính trị hơn làm chuyên môn. Tôi rất có ấn tượng với thầy Quát về tài năng và đức độ.

Thầy cùng giáo sư Lê Văn Thiêm hai người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào Ecole Normale Supérieure (ENS) danh tiếng, trường chuyên đào tạo nhân tài cho nước Pháp thi vào rất khó và học bổng cũng rất cao. Rồi hai giáo sư đều có bằng tiến sĩ nhà nước về toán và cũng là hai người Việt có những công trình đầu tiên đăng ở tạp chí toán học quốc tế. Năm 1956 thầy trở lại Pháp dạy ở Đại học Caen, trở thành một chuyên gia tầm cỡ về Toán - tin. Thời còn ở Paris có lần tôi đến Caen thăm thầy, được tham quan chiếc máy tính đầu tiên IBM 650 thầy đã đóng góp nhiều công sức tính toán và lắp đặt ở trường này. Tôi cũng quen biết anh Frédéric Phạm, con trai thầy, nổi tiếng trong lĩnh vực toán Kỳ dị. Anh là giáo sư Đại học Nice, luôn là một Việt kiều không ngần ngại thể hiện quan điểm “thân Hà Nội”, vì thế ngày ấy dẫu quý trọng anh, tôi thường chỉ “kính nhi viễn chi”.

Hôm ấy tôi đang ngồi đọc sách trong thư viện của trường, thì có một người đến tìm, tôi nhận ra ngay: giáo sư Tô Đồng của Đại học Dược khoa. Ông cũng sang Paris với tôi hồi năm 1956, làm tiến sĩ về lĩnh vực sinh hóa. Khi tôi mới về Sài Gòn gặp ông ở 41 đường Cường Đe nơi trường Dược mới chuyển từ cơ sở 169 đường Công Lý. Ông tìm tôi muốn hỏi mượn một số sách toán để soạn giáo án vì trường thiếu giáo viên, ông phải kiêm nhiệm dạy thêm môn toán giải tích cho lớp mới vào. Tôi vui vẻ đáp ứng yêu cầu của ông ngay.

Chúng tôi ra phòng khách của thư viện nói chuyện. Giáo sư Đồng là người vui tính, xởi lởi và biết khá nhiều chuyện ngóc ngách trong giới học thuật cũng như xã hội thượng lưu Sài Gòn. Từ hôm gặp lại nhau, ông luôn tỏ ra thông cảm với tôi, người bị “biệt xứ” những mười năm nên ngu ngơ về chuyện chính trường trong nước. Ông kể, thời Đệ nhất Cộng hòa các thầy cũng phải đi học “Lý thuyết ấp chiến lược” tác giả cố vấn Ngô Đình Nhu.

Suốt năm 1962 kế hoạch Staley - Taylor được triển khai riết ráo với biện pháp chủ yếu lập ấp chiến lược, dồn dân “tát nước bắt cá” Việt Cộng. Các giáo sư, tinh hoa trí thức Sài Gòn cũng phải tập trung ăn ở tại trại ở suối Lồ Ô gần thành phố Biên Hòa trong hai tuần lễ để quán triệt cái lý thuyết này. Trại gồm nhiều dãy lều bạt liên thông, bên trong đặt các giường gấp, ông nằm cạnh mấy vị đổng lý, chánh văn phòng Bộ Giáo dục. Bộ trưởng Nguyễn Quang Trình khai mạc lớp học, nói về chiến lược phát triển ngành giáo dục với triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng và chủ trương phấn đấu cho một nền giáo dục đại học tự trị.

Trung tướng Trần Ngọc Tám nói về du kích chiến. Buổi ấy đích thân Ngô Đình Nhu đến giảng về lý thuyết mà ông ta đã ấp ủ nhiều năm từ hồi còn học ở Paris và hãnh diện coi đó là “Binh thư binh pháp mới”. Ông người tầm thước, săn chắc, nhanh nhẹn, có đôi mắt sắc lẻm như mắt con chim cú mèo. Giọng Quảng Bình của ông hơi khó nghe, đều đều, gây cảm giác buồn ngủ, thành ra suốt buổi mấy ai lĩnh hội được điều gì. Khi mở rộng vấn đề về kiến quốc, phát triển kỹ nghệ, bỗng ông chỉ tay lên trời nói rằng sấm sét trong các đám mây đen kia chứa bao nhiêu là điện lực, nếu ta biết cách thu giữ thì dùng sao cho hết. Một giáo sư dạy điện phát dẫn bỗng không kìm được khiếu hài hước, quay sang đồng nghiệp ở bên nói khá to:

- Ông Cố vấn làm chủ nhiệm dự án thu sét đi, chăng cháy thành con chó thui!

Không ngờ câu nói ấy đến tai bọn mật vụ của Nhu trà trộn trong học viên, thế là chỉ khoảng mươi phút sau vị giáo sư mạnh mồm bị điệu ra khỏi hội trường, cả tuần không thấy trở lại. Đấy cũng là bài học giữ mồm giữ miệng cho cánh giáo sư sau này, khi ông cố vấn đến giảng vài buổi nữa ai cũng ngậm tăm, tỏ vẻ nghiêm trang, giở vở ra trước mặt giả vờ ghi chép, dốt cuộc chẳng ghi được gì, có khi còn vẽ bậy nhăng nhít vào vở. Chỉ khi trực thăng của ông cố vấn cất lên rồi, lùa bụi mù mịt cả khu trại, để cho tan bụi các học viên mới lục tục kéo vào lớp và sự ồn ào như chợ vỡ trở lại.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đời nhà tình báo, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc - Giáo sư "lập dị" (Chương 4)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn