Cuộc quyết đấu lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” 1972 (Kỳ 5 và hết): "PHÁO ĐÀI BAY" B-52 MỸ ĐÃ BỊ BẮN RƠI TRÊN BẦU TRỜI HÀ NỘI NHƯ THẾ NÀO?

Đặng Vương Hưng

12/12/2021 10:07

Theo dõi trên

20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn tên lửa 59 thuộc Trung đoàn H61, trận địa ở Cổ Loa (Đông Anh) đã phóng quả đạn mang ký hiệu C202A bắn trúng chiếc B-52 đầu tiên của chiến dịch. Chiếc pháo đài bay này xuất phát từ căn cứ Guam là loại B-52G đã bị rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ (nay thuộc huyện Sóc Sơn - thành phố Hà Nội).

chuy-tr1a-1639278110.jpg
Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: từ năm 1964 đến năm 1973, lực lượng phòng không nhân dân đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, bắn rơi tổng cộng 4.181 máy bay các loại. Trong đó có 68 máy bay B-52, 13 máy bay F-111, bắt nhiều giặc lái, buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, đánh phá miền Bắc. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tin vui bay về Tổng hành dinh... Nhưng, nếu chưa có “bằng chứng cụ thể” thì chưa thể công bố được! Ngay trong đêm ấy, Đại tướng Tổng tư lệnh đã yêu cầu Sư đoàn 361 cử cán bộ đến tận hiện trường máy bay rơi để xác minh, với yêu cầu: Phải nhìn tận mắt, sờ tận tay và tốt nhất là lấy được vật chứng mang về !

Đồng chí Võ Công Lạng, Trung đoàn phó H61 đã vượt qua nhiều bãi bom, tìm đến nơi đống xác máy bay khổng lồ đang bốc cháy. Anh hồi hộp soi đèn pin, nhanh chóng phát hiện ra một mảnh máy bay có tấm phù hiệu sặc sỡ, có vẽ biểu tượng một quả đấm thép, ba tia chớp, một cành nguyệt quế; cùng dòng chữ STRATEGIC AIR COMMAND (Bộ Chỉ huy Không quân Chiến lược). Nhưng mảnh xác ấy quá lớn, không thể mang theo được. Tiếp tục tìm kiếm, Võ Công Lạng đã thấy một chiếc nhãn kim loại nhỏ có ghi rõ “Aircraft Model B-52G”, anh bàng hoàng sung sướng, vội dùng mũi dao găm cậy mang về... Đấy cũng là chiếc pháo đài bay B-52 đầu tiên bị bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam bắn rơi tại chỗ.

Sau khi nghe Sư đoàn 361 báo cáo xác nhận chính xác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phấn khởi quay sang báo tin vui với các Uỷ viên Bộ Chính trị đang có mặt: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng... Qua đường dây nóng, Đại tướng Tổng tư lệnh đã nhiệt liệt biểu dương thành tích chiến đấu của các đơn vị, trong đêm đầu tiên của chiến dịch đã bắn rơi 3 “pháo đài bay” B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống nhiều giặc lái...

chuy-tr1b-1639278382.jpg
Chỉ trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 Không lực Hoa Kỳ đã mất tới 81 chiếc máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111, 21 chiếc F-4C và F-4E... Thêm rất nhiều Phi công Mỹ đã bị bắt làm tù binh. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trong 12 ngày đêm “bão lửa” trên bầu trời Hà Nội, có những trận thắng được ghi vào trang sử vàng của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam như huyền thoại:

Đêm 20 tháng 12: 15 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có tới 7 chiếc B-52 và 2 chiếc F-111 “cánh cụp cánh xoè”. Nhưng nhiều bệ phóng tên lửa của ta đã hết sạch đạn, vì không điều chuyển kịp. Để tiết kiệm, các trận địa đã được lệnh bắn từng quả một và chỉ dành để bắn B-52. Những đêm sau đó, một số lượng lớn đạn tên lửa từ Quân khu Bốn đã được điều ra bổ sung cho Thủ đô Hà Nội.

Đêm 26 tháng 12: Sau 36 giờ lấy cớ nghỉ Noel, Lầu Năm Góc quyết định tập trung lực lượng lớn, hòng “ra đòn quyết định” đánh gục Hà Nội trong một thời gian cực ngắn. Như lời một tướng Mỹ: “Chỉ trong vòng 15 phút, với 113 máy bay B-52 và 220 máy bay chiến thuật, không lực Hoa Kỳ đã thực hiện cuộc oanh tạc tập trung nhất trong lịch sử”... Nhưng đó cũng là đêm thua đau nhất của Mỹ: 8 pháo đài bay bị bắn hạ, trong đó 4 chiếc rơi tại chỗ. Trận thua đậm này có ý nghĩa như một cú “nốc ao”, đã quyết định số phận đối với chiến dịch “Linebacker II”.

Theo thông báo: Đêm 27 tháng 12: Phi công Phạm Tuân lái MiG 21 cất cánh từ sân bay dã chiến bí mật Yên Bái đã bắn rơi một B-52 trên vùng trời Hòa Bình. Đây là chiếc pháo đài bay đầu tiên bị Không quân bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm. (Tuy nhiên, phía Mỹ đã không thừa nhận điều đó). Cũng đêm ấy, Hà Nội còn bắn rơi thêm 4 pháo đài bay B-52 nữa, có chiếc rơi ngay xuống làng hoa Ngọc Hà.

Đêm 28 tháng 12: Có 30 chiếc B-52 xâm phạm vùng trời Hà Nội, nhưng có lẽ lo sợ bị bắn hạ nên chúng chỉ bay vòng ngoài xa trên cao. Phi công Vũ Xuân Thiều sau khi xuất kích từ một sân bay dã chiến tại Thanh Hóa, đã phát hiện được B-52 trên vùng trời Sơn La. Anh tiếp cận rồi phóng tên lửa, nhưng chiếc pháo đài bay vẫn chưa bốc cháy. Đã quá gần, thời cơ tiến công địch có một không hai. Lời nói cuối cùng của Thiều báo cáo về sở chỉ huy: “Thăng Long! Tôi đã bắn cả 2 quả tên lửa, B-52 chỉ bị thương. Xin phép được tiêu diệt!”. Người Phi công ấy đã quả cảm lao cả chiếc MIG mang số hiệu 5121 vào B-52 và anh dũng hy sinh trên bầu trời đêm bao la... Đêm ấy, ngoài chiếc B-52 bị phi công lái MiG-21 Vũ Xuân Thiều làm cho nổ tung trên vùng trời Sơn La, Bộ đội Tên lửa Hà Nội còn bắn rơi thêm một B-52 nữa.

Cũng cần phải nói thêm điều này: Tuy không là “đối thủ chính” của B-52, nhưng Bộ đội Cao xạ anh hùng đã góp phần quan trọng vào chiến thắng chung trong chiến dịch 12 ngày đêm. Được trang bị nhiều loại súng và pháo khác nhau; lực lượng Cao xạ đã hình thành một mạng lưới trận địa tầm thấp như thiên la địa võng, đón lõng và chặn đánh thành công các loại máy bay chiến thuật của Mỹ.

Ngoài việc bảo vệ tốt các trận địa tên lửa, ra-đa và các mục tiêu của máy bay chiến thuật; Bộ đội Cao xạ đã trực tiếp bắn rơi 39 máy bay Mỹ; đặc biệt trong đó có tới 5 chiếc F-111 (còn được gọi là máy bay “Cánh cụp cánh xoè”, là loại máy bay tối tân nhất của Không quân chiến thuật Mỹ hồi ấy.

Không phải ai cũng biết rằng từ bên kia Thái Bình Dương, sau khi ra lệnh cho không quân chiến lược Mỹ ném bom Hà Nội, vì quá tin vào sức mạnh B-52, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã cùng vợ đi nghỉ mát ở bang Florida chờ tin thắng lợi... Nhưng ông ta đã liên tục thất vọng, choáng váng lo sợ mỗi khi phải nghe báo cáo chiến sự. Noel năm ấy, Richard Nixon ăn không ngon và ngủ cũng chẳng yên. Ngay chuyện con tàu vũ trụ Apollo 17 cùng 3 nhà vũ trụ Mỹ trở về trái đất an toàn lẽ ra là một tin vui lớn, cũng đã bị chìm lấp bởi thảm bại ở Việt Nam.

Trong tâm trạng thất vọng và cay đắng, Tổng thống Mỹ đã buộc phải ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam lúc 24 giờ đêm 29 tháng 12, nghĩa là chỉ sau một giờ đồng hồ chiếc B-52 cuối cùng của Không quân Mỹ bị tên lửa Hà Nội bắn rơi.

TỪ “ĐÀI TƯỞNG NIỆM KHÂM THIÊN” ĐẾN “BẢO TÀNG CHIẾN THẮNG B-52”

Tổng cộng trong 12 ngày đêm năm 1972 Không lực Hoa Kỳ đã mất tới 81 chiếc máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111, 21 chiếc F-4C và F-4E... Thêm rất nhiều Phi công Mỹ đã bị bắt làm tù binh.

Tuy nhiên, trong chiến tranh hiện đại, thật khó có chiến thắng nào được toàn vẹn, không phải hy sinh xương máu. Sau này phía Mỹ đã thú nhận: Trong 12 ngày đêm, riêng với Hà Nội, họ đã sử dụng tới 444 lượt chiếc Pháo đài bay B-52 cùng nhiều loại máy bay chiến thuật khác. Tính ra, người Mỹ đã trút xuống Hà Nội 10.000 tấn bom, hòng hủy diệt Thủ đô của Việt Nam...

Vậy trong “Cuộc quyết đấu” 12 ngày đêm bão lửa ấy thiệt hại về người của chúng ta là bao nhiêu? Các chuyên gia Mỹ dự đoán chắc chắn có ít nhất vài vạn dân thường Việt Nam đã thiệt mạng!

Trong thực tế, thương vong của phía Việt Nam ít hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/10 số dự đoán của phía Mỹ. Đó là nhờ chúng ta đã chủ động đề phòng trước: Đầu thập kỷ 70, cả Hà Nội mới có khoảng 60 vạn dân. Trước khi xảy ra cuộc tập kích chiến lược của Mỹ, chính quyền thành phố đã tổ chức sơ tán được 30 vạn người. Sau đêm đầu tiên của cuộc tập kích, lệnh sơ tán càng triệt để hơn, nhằm hạn chế tối đa thương vong cho nhân dân... Đây cũng là một thành công lớn, góp phần quan trọng cho chiến thắng.

Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được phép quên những tội ác mà người Mỹ đã gây ra. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, bom B-52 đã rơi đúng nhiều khu dân cư thuộc phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ... Theo một con số thống kê cho biết: Bom Mỹ đã phá sập 5.480 ngôi nhà, sát hại 2.368 dân thường và làm 1.355 người khác bị thương.

Thiệt hại nặng nhất ở Hà Nội là khu phố Khâm Thiên đông đúc, loạt bom “rải thảm” kéo dài hàng km, khiến 2.265 ngôi nhà bị phá sập hoàn toàn, 287 người bị chết và 290 người khác bị thương... Bãi bom B-52 “rải thảm” xưa ở Khâm Thiên nay chỉ còn lại một đài tưởng niệm tội ác chiến tranh. Khi bài viết này đến tay bạn đọc, nhiều gia đình ở Khâm Thiên đang chuẩn bị cho 49 năm ngày giỗ chung của gần 300 linh hồn oan khuất. Hà Nội những năm đầu của thế kỷ 21 đang được xây dựng to đẹp hơn từng ngày.

Đã gần 50 năm sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, có một bảo tàng độc nhất vô nhị trên thế giới mang tên “Bảo tàng Chiến thắng B-52” được xây dựng ở đường Đội Cấn. Rồi đây, các thế hệ con cháu chúng ta khi đến thăm bảo tàng này, mãi mãi có quyền tự hào rằng: Người Hà Nội tháng 12 năm 1972 đã sống và chiến đấu anh hùng như thế!

Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam: từ năm 1964 đến năm 1973, lực lượng phòng không nhân dân đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, bắn rơi tổng cộng 4.181 máy bay các loại. Trong đó có 68 máy bay B-52, 13 máy bay F-111, bắt nhiều giặc lái, buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, đánh phá miền Bắc.

Chiến thắng“Điện Biên Phủ trên không” càng có ý nghĩa lớn lao hơn, trong bối cảnh hiện nay quân đội Mỹ vẫn sử dụng sách lược quân sự “Tấn công đường không” để đe dọa cả thế giới hòa bình. Bởi cho đến nay, những năm đầu của thế kỷ 21 này, vẫn chỉ có duy nhất Lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam đã bắn rơi được “Pháo đài bay” B-52 và đánh bại Không lực Mỹ. Rõ ràng, trong chiến tranh hiện đại, ưu việt về vũ khí, kỹ thuật tân tiến là vô cùng quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả, mà yếu tố con người vẫn là quyết định. Rồi đây, giới sử học quân sự thế giới, trong đó có Hoa Kỳ còn phải tốn nhiều giấy mực và thời gian nữa để nghiên cứu, tìm hiểu về sự kiện “Điện Biên Phủ trên không”...

(HẾT)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Theo Trái tim người lính